Khát vọng đôi bờ Cửa Đại
Từ TP Hội An, chúng tôi đưa xe máy lên chuyến đò cũ kỹ tại bến Cẩm Thanh để sang Duy Xuyên. Những chuyến đò ngang - dọc như thế này là hình ảnh quen thuộc từ bao lâu nay với người dân 2 xã nghèo Duy Nghĩa, Duy Hải. Nằm thu mình sát ven biển, hơn 2 vạn dân nơi đây như sống giữa một ốc đảo. Đường lên quốc lộ quá xa, lại đi vòng, do vậy con đường ngắn nhất để thông thương, làm ăn, lẫn việc học hành của con em họ đều cậy vào chiếc đò. Dẫu biết rằng phương tiện này vẫn luôn rình rập bao tai họa.
Duy Hải, Duy Nghĩa vốn chia tách từ xã Xuyên Thọ. Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất này là một căn cứ cách mạng. Bộ đội chủ lực của tỉnh cùng dân quân du kích dựa vào địa hình sông nước đã kiên gan bám trụ, xuất kích khiến giặc ở huyện lị Duy Xuyên, quận lỵ Hội An nhiều phen hoảng vía. Lịch sử Đảng bộ huyện Duy Xuyên có ghi những trận đánh oanh liệt của người dân quân địa phương, trong đó có cuộc đồng khởi tấn công chiếm được đồn địch, giải phóng xã Xuyên Thọ bằng súng được làm từ... bẹ dừa bôi nhọ nồi và lựu đạn nặn bằng đất sét.
Những người cao tuổi ở Duy Nghĩa vẫn nhắc về chiến công ấy với một niềm tự hào mãnh liệt: Lợi dụng chập choạng tối, du kích chia làm nhiều tổ, mỗi tổ từ 6 đến 7 người cùng với một tiểu đội của huyện tăng cường tấn công vào hội đồng xã Xuyên Thọ đóng tại đình Thọ Sơn chợ Nồi Rang. Trước đó, người dân phao tin bộ đội chủ lực kéo về rất đông, súng đạn rất nhiều khiến bọn giặc và ác ôn đóng ở đây hoang mang lo sợ. Khi dân quân Xuyên Thọ nổ súng tiến công, bọn lính dân vệ làm nhiệm vụ bảo vệ trụ sở hội đồng xã khiếp sợ bỏ chạy. Quân du kích tiêu diệt 5 tên ác ôn, trong số đó có 1 tên bí thư Quốc dân đảng, thu 6 khẩu súng. Xã Xuyên Thọ được giải phóng ngay trong đêm 20/9/1964. Bởi kiên cường nên vùng đất này cũng chịu nhiều cuộc càn quét của giặc.
Chỉ tính riêng xã Duy Nghĩa có đến 1.050 liệt sĩ, 153 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 256 thương bệnh binh, 25 trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học. Duy Nghĩa cũng là nơi đã xảy ra 2 vụ thảm sát của lính Nam Triều Tiên trong các năm 1969 và 1971, sát hại 96 người dân vô tội, kể cả người dân bị sát hại trong những đợt càn quét khác là 149 người. Toàn xã có 2.105 hộ thì đã có đến 795 hộ nghèo, 130 hộ chỗ ở tạm bợ.
Bên bờ phía bắc, xã Cẩm Thanh - nơi đặt căn cứ Thị ủy Hội An trong chiến tranh cũng bị giặc dội bom ác liệt nhưng nhân dân vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, trụ bám quê hương. Sau ngày miền Nam giải phóng, xã có gần 1.100 liệt sĩ, 116 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 8 Anh hùng LLVTND, cùng hàng nghìn thương, bệnh binh, gia đình có công cách mạng. Đến hàng chục năm sau hòa bình, vẫn có nhiều người dân trong xã thiệt mạng do đạn bom quân thù còn sót lại. Chiến tranh kết thúc, chính quyền và nhân dân địa phương bắt tay xây dựng quê hương, nhưng cuộc sống của nhiều người dân vẫn còn khốn khó.
Chúng tôi nhiều lần chạy xe trên tuyến đường tuyệt đẹp ven biển Hội An, Đà Nẵng. Phía biển tuyến đường "5 sao" này đã lấp đầy các dự án du lịch, các khu resort cao cấp. Nhiều nhà đầu tư đến sau chỉ còn biết ngơ ngẩn đứng nhìn. Cách nhau chỉ mấy nhánh sông nhưng Duy Hải, Duy Nghĩa của Duy Xuyên; Cẩm Thanh của Hội An và các xã vùng đông huyện Thăng Bình vẫn khốn khó vì thiếu một cây cầu. Lợi thế "nhất cận thị, nhị cận giang" đành uổng phí. Các doanh nghiệp muốn vào đầu tư sản xuất, phát triển ngành thủ công mỹ nghệ cũng đến tìm hiểu rồi thoái lui vì bài toán giao thông.
Anh Nguyễn Hoàng Diệu - Chủ tịch xã Duy Nghĩa là một cán bộ luôn trăn trở việc xóa thế cô lập cho Duy Nghĩa. Anh cùng một số bạn thân góp tiền làm cây cầu tre bắc qua một nhánh sông Thu qua xã Duy Thành. Từ đây, có thể đi đường bộ lên Quốc lộ 1A. Ngoài ghe thuyền, câu cầu đến nay vẫn được đông đảo người dân sử dụng để từ đây đi Tam Kỳ, Đà Nẵng. Cán bộ xã đi họp ở huyện lị Duy Xuyên, vào mùa nắng đi cầu tre qua xã Duy Thành, khoảng cách 15km đường chim bay, rút ngắn khoảng cách hơn 30km nếu đón ghe qua Duy Hải, rồi đi đường bộ vào huyện Thăng Bình và ngược ra lại Duy Xuyên. Tuy nhiên, cây cầu tre không thể giải quyết bài toán kinh tế - xã hội cho cả một vùng đất.
Các xã Duy Hải, Duy Nghĩa của đều không có trường cấp III. Học sinh phải khăn gói qua sông trọ học ở Hội An, Nam Phước, mỗi tuần chỉ về nhà một lần. Mưa gió, phải ở lại cả tháng vì chẳng ghe đò nào dám đưa về bên kia sông. Các thầy cô giáo hàng ngày đến địa phương dạy cấp I, cấp II cũng cũng phải qua sông. Ngày thường tốn thêm ít nhiều trong khoản lương ít ỏi để đi đò cũng chấp nhận vì tương lai con em vùng sâu vùng xa. Nhưng ngày giông giật, bước lên thuyền đến lớp không thể không nơm nớp lo sợ gió to, sóng dữ.
Mưa gió, Duy Nghĩa hầu như bị cô lập, tỉnh và huyện phải cứu trợ thường xuyên. Những người dân nghèo khó vốn chạy vạy từng bữa cũng phải cố tích trữ lương thực, thực phẩm dành cho ngày mưa lũ, sẻ chia nhau cái nghĩa, cái tình. Nhớ nhiều mùa mưa bão, chính quyền phải đưa ghe thuyền cưỡng chế đưa người dân sống ven sông ven biển có nguy cơ sạt lở, sóng cuốn đến nơi an toàn. Mơ ước về cây cầu luôn cháy bỏng trong tiềm thức.
Gặp chúng tôi trước ngày cầu Cửa Đại khởi công, niềm phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt anh Diệu - người cán bộ xã giàu nhiệt huyết: Có chủ trương xây cầu 4-5 năm rồi. Nhưng tỉnh còn nghèo, chưa có kinh phí nên đành chịu. Cách Hội An có hơn 1km mà đời sống người dân thua kém đủ thứ. Cũng chỉ vì giao thông cách trở mà ra. Cầu Cửa Đại xây xong, nhiều người dân sẽ đổi đời!
Năm 2008, mơ ước về cây cầu Cửa Đại nối hai bờ sông Thu trào dâng mãnh liệt khi có tin tỉnh và các bộ, ngành chức năng đang xúc tiến thực hiện dự án. Tháng 1/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về thăm Quảng Nam, thăm địa điểm chờ những nhịp cầu khát vọng. Thủ tướng hứa sẽ hỗ trợ Quảng Nam xây cây cầu mang nhiều ý nghĩa kinh tế - xã hội này. Đó cũng chính là sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, giúp vùng đất giàu truyền thống cách mạng khai thông bế tắc, phát huy những tiềm năng. Tối đó xem tivi, người dân vùng đông Duy Xuyên vui như hội. Cụ Đinh Thị Diễn (85 tuổi) ở xã Duy Nghĩa khao khát: Được thấy cây cầu rồi chết cũng mãn nguyện. Đời bà cực rồi, cây cầu ni để dành cho đời con đời cháu.
Mà đâu chỉ Duy Nghĩa, Duy Hải và Cẩm Thanh. Dự án cầu Cửa Đại có chiều dài 18,3km với cầu chính dài gần 1.500m và 3 cầu nhỏ đi qua 8 xã phường thuộc thành phố Hội An và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình. Ông Thân Đức Nam - Tổng giám đốc Tổng Công ty XDCTGT 5 (CIENCO 5), đơn vị trúng thầu thi công dự án cho biết: Dự án cầu Cửa Đại có tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỉ đồng, Trung ương hỗ trợ 50%; còn lại là ngân sách địa phương, bao gồm nguồn từ khai thác quỹ đất. Công trình này nằm trong tổng dự án xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu tái dịnh cư phục vụ di dời, sắp xếp lại dân cư vùng biển Quảng Nam vốn chịu nhiều tác động trực tiếp của thiên tai vào nơi ở mới an toàn hơn, có điều kiện sống tốt hơn. Đồng thời, nó sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động tại chỗ theo hướng dịch vụ-công nghiệp.
Dự án cũng góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển đảo, mở rộng hệ thống giao thông trong khu vực, hoàn thiện mạng lưới đường ven biển quốc gia từ Lăng Cô (Huế) đến Đà Nẵng, Hội An, vào tận Kỳ Hà (Quảng Nam) Dung Quất (Quảng Ngãi). Nói khái quát, sự án cầu Cửa Đại khai phóng một vùng đất ven biển hơn 10.000ha, trong đó có gần 20km bờ biển đang được nhiều nhà đầu tư háo hức chờ đón để khai thác tiềm năng du lịch.
Đêm ở lại Duy Nghĩa, tôi trằn trọc không ngủ được. Lòng cứ nghĩ về những người dân chất phác, đôn hậu; về cây cầu sẽ nối nhịp những bờ vui