Khi Nhật - Mỹ cùng tuần tra biển Đông...
Thông tin trên được đưa ra sau khi Nhật và Mỹ vừa công bố những định hướng mới về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, nhân chuyến công du Washington của Thủ tướng Shinzo Abe từ ngày 27/4. Những định hướng này phản ánh ý định của Tokyo muốn đóng vai trò an ninh lớn hơn ngoài mục tiêu bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Hôm 28/4, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, hai nước chia sẻ mối quan tâm về các hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông và đã "tái khẳng định cam kết sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải theo tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế". Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, các hướng dẫn quốc phòng mới sẽ cho phép các lực lượng hỗn hợp Mỹ - Nhật hoạt động linh hoạt hơn, và Nhật Bản sẽ "đảm nhận trách nhiệm và vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Tuy chưa có kế hoạch cụ thể nào được đưa ra, nhưng theo các chuyên gia, Nhật Bản có thể tham gia các cuộc tuần tra trên biển Đông với Mỹ, hoặc thực hiện các cuộc tuần tra trong vùng biển trải dài từ đảo Okinawa tới vùng biển phía đông Trung Quốc. Cho tới nay các cuộc thảo luận chỉ diễn ra trong nội bộ quân đội Nhật Bản, nhưng kế hoạch này sẽ cần được sự phê chuẩn của các giới chức chính phủ.
Các phi vụ tuần tra biển Đông sẽ được thực hiện trên khu vực mà Trung Quốc đang đẩy mạnh các công trình cải tạo đất, xây đảo, để thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế vùng biển này.
Nếu được thực hiện, kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản nhiều khả năng sẽ làm cho Bắc Kinh phẫn nộ. Nhưng các quan chức quốc phòng Nhật Bản lo ngại rằng, nếu Tokyo và Washington để yên, thì Trung Quốc rốt cuộc sẽ áp đặt quyền kiểm soát của họ trên các tuyến hàng hải, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động thương mại của Nhật Bản.
Một nguồn tin Nhật Bản nói rằng: "Tokyo muốn Trung Quốc hiểu rằng họ không có quyền sở hữu nguyên vùng biển này". Trong khi một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết quyết định khởi sự các chuyến bay trên không phận biển Đông có thể hối thúc Tokyo yêu cầu Philippines cho Nhật tiếp cận các căn cứ không quân dựa trên các quy định liên quan tới công tác huấn luyện cứu trợ tai nạn trên biển, và các cuộc diễn tập hỗn hợp khác.
Nguồn tin này nói thêm rằng, nếu được Philippines chấp thuận, các máy bay của Nhật Bản sẽ có khả năng thực hiện các phi vụ tuần tra kéo dài hơn. Tuy nhiên, một nguồn tin quân sự cấp cao Philippines đưa ra nhận định điều này không khả thi trong các điều kiện hiện tại, bởi vì Manila không có một thỏa thuận hợp tác quân sự với Tokyo tương tự như hiệp ước quốc phòng giữa Manila với Washington, qua đó, tàu hải quân Mỹ chỉ được phép sử dụng các căn cứ của Philippines để tiếp nhiên liệu và sửa chữa khẩn cấp.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Benigno Aquino - một trong những người mạnh mẽ chống đối các hoạt động lấn biển xây đảo của Trung Quốc, sẽ gặp gỡ Thủ tướng Abe ở Tokyo vào tháng 6 tới, và khi đó, các vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ được mang ra thảo luận.
Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas (trái) và Đô đốc Eiichi Funada, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản trong buổi tiếp xúc với báo chí. |
Hiện nay Mỹ đã bắt đầu các chuyến bay tuần tra trên biển Đông với các phi đội sử dụng máy bay P-3 Orion và P-8 Poseidon với các khả năng phát hiện tàu ngầm, tàu mặt nước và khả năng tấn công tiêu diệt từ trên không.
Các phi đội này đều đồn trú tại căn cứ Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản. Nhật Bản cũng có một phi đoàn tuần tra biển sử dụng 70 máy bay P-3 Orion và dự tính sử dụng thêm trong vòng 5 năm tới khoảng 20 máy bay tuần tra Kawasaki Heavy (7012.T) P-1 đang được Nhật chế tạo. Những chiếc P-1 này có tầm bay xa gấp đôi P-3 với trang bị điện tử tối tân hơn.
Tuyên bố tại cuộc họp báo thường ngày tại Bắc Kinh hôm 29/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nêu quan điểm: Mỹ và Nhật Bản không có liên hệ gì đến vấn đề biển Đông và không được làm điều gì làm phức tạp thêm tình hình.
“Các tranh chấp về biển Đông là giữa Trung Quốc và các nước khác có tuyên bố chủ quyền trong khu vực nên không cần các người bên ngoài nhúng vào”. Bài bình luận của Tân Hoa Xã ngày 29/4 phản ứng nhanh chóng khi Nhật thông báo sẽ cùng Mỹ tuần tra biển Đông. Đây là lập luận cũ chẳng có gì khác trước của Trung Quốc.
Bài bình luận của Tân Hoa xã đả kích Nhật Bản là “sẽ vô ích khi đang cố dùng vấn đề tranh chấp biển Đông để làm người ta quên đi các vấn đề lịch sử để lại từ Thế chiến II”. Bài bình luận nhắc nhở cả Tokyo và Washington “nên thể hiện các cam kết bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của thế giới với các hành động thật sự”.
Tetsuo Kotani, chuyên gia quân sự thuộc Viện Quốc tế Nhật Bản nhận định về tầm quan trọng của Biển Đông đối với Nhật: “biển Đông quan trọng đối với Nhật vì 3 điểm chính.
Thứ nhất, biển Đông là đường biển quan trọng cho Nhật Bản, hơn 70% số dầu nhập khẩu của Nhật phải đi qua đường này. Chúng tôi vì vậy cần phải có tự do hàng hải trong khu vực.
Thứ hai là việc cân bằng sức mạnh trên biển Đông có ảnh hưởng lớn đối với an ninh trong khu vực biển xung quanh Nhật Bản, đặc biệt là đối với vùng biển Hoa Đông. Vì vậy Nhật Bản rất quan ngại với những căng thẳng trên biển Đông.
Cuối cùng là khi Trung Quốc triển khai chương trình tên lửa đạn đạo hạt nhân trên biển Đông thì chúng tôi lo ngại là Trung Quốc sẽ gia tăng khả năng hạt nhân và nếu họ thành công trong việc thực hiện chương trình đánh chặn hạt nhân trên biển với Mỹ thì sẽ làm giảm khả năng bảo vệ hạt nhân của Mỹ đối với Nhật Bản. Vì vậy mà Chính phủ Nhật Bản cũng quan ngại đến những căng thẳng gần đây trên biển Đông”.
Cùng với phản ứng giận dữ với kế hoạch của Mỹ và Nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tố ngược lại là các nước quanh biển Đông từ lâu từng bồi đắp đảo, xây dựng sân bay, bố trí tên lửa, xây dựng cơ sở ở khu vực mà Bắc Kinh gọi là “hành động bất hợp pháp”.
Bên cạnh việc đổ vạ ngược lại cho các nước trong khu vực, phát ngôn viên Hồng Lỗi bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về lời tuyên bố chung của Khối ASEAN phản ứng đối với hành động xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông của Trung Quốc.
Bản tuyên bố của ASEAN sau phiên họp thượng đỉnh kỳ thứ 26 tổ chức ở Malaysia ngày 27/4 bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc của một số lãnh đạo nước thành viên về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông”. Bản tuyên bố của ASEAN cũng “tái khẳng định sự quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do lưu thông trên biển cũng như bay qua không phận biển Đông”.
Trong khi các nước khác chỉ lên tiếng phản đối hoặc đe dọa tuần tra giám sát, Bắc Kinh ráo riết xây dựng, đặt các nước khác trong sự đã rồi. Một số chuyên viên phân tích thời sự từng báo động Bắc Kinh sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Đông như đã từng làm trên biển Hoa Đông, khi các căn cứ quân sự lớn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã hoàn tất.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, trong bài phân tích về sự tham gia của Nhật Bản ở biển Đông được đăng trên blog cá nhân hồi đầu tháng 2/2015, viết rằng hoạt động tuần tra của Nhật trên Biển Đông sẽ làm tăng nỗi lo ngại về một vòng phản ứng qua lại.
Theo ông, Trung Quốc sẽ rất có thể tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông dù điều này hoàn toàn vô nghĩa, vì Trung Quốc đã không thể ngăn cản được máy bay của Mỹ và các nước khác vào vùng nhận dạng phòng không mà nước này lập ra ở biển Hoa Đông tiếp giáp với Nhật Bản.
Hơn thế nữa, trong các năm qua Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của hải quân ở biển Đông bằng việc gia tăng các tàu hải giám, kiểm ngư, và cả các tàu tuần tra của hải quân.
Theo giáo sư Thayer, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận lớn vì mục đích tuyên truyền này. Nếu Nhật Bản bắt đầu hoạt động tuần tra trên biển Đông, căng thẳng sẽ gia tăng.