Khi đồng tiền và lòng tin không chung nhịp đập

Thứ Tư, 22/07/2020, 17:37
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ban đầu dự định diễn trong ngày 17 và 18-7 tại Brussels để tìm kiếm sự đồng thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Thế nhưng, hội nghị liên tục rơi vào bế tắc và phải kéo dài thêm. Rõ ràng, EU đang bị những cơn sóng ngầm làm suy yếu. “Tiền” giờ đây lại là thứ chi phối lòng tin và đoàn kết trong EU.

Tiến triển “từng li”

2 ngày họp chính thức của Hội nghị thượng đỉnh EU đã rơi vào bế tắc và cuộc họp phải kéo dài sang các ngày làm việc tiếp theo.

Trong ngày làm việc tiếp theo này, lãnh đạo các nước EU vẫn bất đồng về một quỹ phục hồi quy mô lớn để vực dậy nền kinh tế EU khỏi đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới 2. Tuy nhiên, sau khi hội nghị được thông báo tạm dừng phiên họp toàn thể trong ngày 20-7 cho tới 21h cùng ngày để tổ chức các cuộc họp nhóm nhỏ, Thủ tướng Áo Sebestian Kurz và Thủ tướng Hà Lan Rutte nhận định các cuộc đàm phán đã đạt được tiến triển.

Trao đổi với báo giới, Thủ tướng Kurz nêu rõ: “Các cuộc đàm phán khó khăn vừa mới kết thúc và chúng tôi có thể rất hài lòng với kết quả ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục (thảo luận) vào buổi chiều”. Trong khi đó, Thủ tướng Rutte cho biết: “Vào một vài thời điểm tối qua, mọi việc không được khả quan, song tôi cảm thấy về tổng thể chúng tôi đang đạt được tiến triển”. Lưu ý Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hiện đang xúc tiến về một đề xuất mới, Thủ tướng Rutte cảnh báo mọi thứ “vẫn có thể thất bại, song dường như có một chút hy vọng hơn so thời điểm tối qua khi tôi nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc”. 

Nguyên nhân của sự bế tắc là do “nhóm các quốc gia khắc khổ” với đại diện là Hà Lan, không chấp nhận kế hoạch phục hồi 750 tỷ euro, do Đức và Pháp chủ trương, với các điều kiện như trong hiện tại. Đề xuất đầu tiên về gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro với mục tiêu khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.

Có nhiều bất đồng khiến các nhà lãnh đạo EU khó đi tới mẫu số chung.

Đây là lần đầu tiên trong 5 tháng qua, lãnh đạo các nước EU gặp mặt trực tiếp, tức là kể từ đầu đại dịch COVID-19. Tìm được đồng thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế được coi là thách thức sống còn với khối 27 nước, trong bối cảnh nhiều quốc gia EU rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng do dịch bệnh. Khu vực đồng euro có nguy cơ tan vỡ nếu các nước EU không đạt đồng thuận.

Bất đồng nội bộ

Trong ngày sinh của mình (17-7), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải trải qua một ngày đầy áp lực cùng với 26 đồng nghiệp trong EU. Rõ ràng, EU giờ đây đang bị những làn sóng ngầm làm cho suy yếu. Quỹ tái thiết của EU được xây dựng để giúp đỡ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 là Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Một cuộc đấu tranh mạnh mẽ đã nổ ra, đặc biệt là tại thủ đô Rome của Italy.

Trong cuộc họp với Thủ tướng Đức, Thủ tướng Italy đã cảnh báo, không được phép phân tách nền kinh tế của EU, điều đó sẽ “gây nguy hiểm cho thị trường nội khối”. Bà Angela Merkel đã hứa với Thủ tướng Italy “một điều đặc biệt, một điều mạnh mẽ” nhưng với những gì đang diễn ra, liệu bà có thể giữ lời hứa của mình?

“Tiền” giờ đây lại là thứ chi phối lòng tin và đoàn kết trong EU. Căng thẳng hiện rõ xung quanh lập trường bị coi là “quá cứng rắn” của Hà Lan liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các khoản tín dụng dành cho những nước gặp khó khăn. Nhân danh “nhóm các quốc gia khắc khổ”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đòi hỏi quyền được xem xét việc sử dụng các khoản tiền nằm trong kế hoạch chấn hưng.

Theo ông, các nước được hưởng ưu đãi này, trước hết là Tây Ban Nha và Italy, cần đưa ra được các bảo đảm về cải cách, với một mức độ tương tự như với các cải cách khó khăn trong lĩnh vực hưu trí, hay thị trường lao động, được tiến hành những năm gần đây tại Hà Lan. Thủ tướng Hà Lan thậm chí yêu cầu các kế hoạch phục hồi kinh tế của những nước được hưởng tài trợ phải được 27 nước nhất trí thông qua.

Dư luận cho rằng Hà Lan là một trường hợp cá biệt, đòi hỏi của Thủ tướng Hà Lan vượt quá yêu cầu của các quốc gia khắc khổ khác. Tuy nhiên, Phần Lan, Thụy Điển, Áo và Đan Mạch có thể đã cố tình để cho Amsterdam thể hiện quan điểm như vậy.

Các nhà đàm phán vẫn kiên trì để cho ra được thỏa thuận cuối cùng.

Phát biểu với báo giới sau 2 ngày làm việc chính thức, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, một trong những nước EU bị ảnh hưởng lớn nhất bởi khủng hoảng COVID-19, nói: “Chúng ta đang bế tắc. Mọi chuyện rất phức tạp, phức tạp hơn dự đoán. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để đạt được một thỏa thuận vào ngày mai. Việc trì hoãn thêm nữa sẽ không có lợi cho bất kỳ ai”.

Quốc hội Hungary cũng đã quyết định sẽ không đồng ý với gói tài chính của EU nếu vụ kiện chống lại Hungary vi phạm luật pháp EU chưa kết thúc. Các nhà phê bình coi đây là “một sự tống tiền trần trụi”. Thủ tướng Hungary cũng tuyên bố sẽ phủ quyết trong trường hợp các khoản giải ngân của EU trong tương lai đi kèm với việc áp đặt các điều kiện pháp lý đối với nước này.

Quá trình đàm phán rõ ràng đang rất khó khăn, ông Susi Dennison thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết, vì theo ông, một số khác biệt lịch sử giữa những nước cung cấp tiền và những nước nhận tiền trong EU đã quay trở lại. Nhưng người dân châu Âu sẽ cần đến sự hợp tác nhiều hơn. Những nhà lãnh đạo châu Âu nên nhìn xa hơn, bởi vì bất kỳ sai lầm và sự ích kỷ nào cũng sẽ làm hỏng EU và tương lai EU.

Thủ tướng Angela Merkel là người có kinh nghiệm đàm phán nhiều nhất trong số 27 lãnh đạo của EU, thế nhưng phát biểu tại Brussels (Bỉ) sau ngày đàm phán thứ ba, bà Merkel nhấn mạnh: “Có rất nhiều thiện chí song cũng có quá nhiều quan điểm. Tôi sẽ cố gắng hết sức nhưng rất có thể không đạt kết quả gì”. Liệu rằng thế cờ có được lật lại khi các nhà đàm phán đang cùng hướng tới một mẫu số chung.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.