Khi giới quân sự đi... tiếp thị kinh tế

Thứ Hai, 13/04/2015, 15:40
Trước khi lên đường thăm hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 7/4 tuyên bố Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một bộ phận quan trọng của chiến lược xoay trục châu Á của Chính quyền Obama. Tại sao một người đứng đầu quân đội lại đi lo thúc đẩy vấn đề kinh tế thương mại?

Phát biểu tại Đại học Arizona ngày 7/4, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói rằng, khu vực định đoạt tương lai của nước Mỹ là châu Á - Thái Bình Dương, nơi sinh sống của phân nửa dân số thế giới vào năm 2050, nơi cư ngụ của hơn phân nửa những người trung lưu của thế giới vào năm 2030, và là nơi chi tiêu quốc phòng đang trên đà gia tăng.

Ông Ashton Carter nhấn mạnh với các sinh viên Đại học Arizona rằng, đối với thế hệ của họ, thách thức chiến lược lớn nhất là làm thế nào để bảo đảm hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ cho khu vực này.

Ông kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), một dự luật có sự ủng hộ của cả hai đảng, tạo tiền đề cho nước Mỹ đạt được thỏa thuận tốt nhất với 11 nước khác trong TPP xét về mặt cạnh tranh công bằng.

"Mục đích này sẽ đạt được qua việc đòi hỏi các nước khác chấp nhận những tiêu chuẩn mà nước Mỹ chúng ta đang tuân theo, như sự minh bạch của chính phủ, những luật lệ bảo vệ quyền tài sản trí tuệ, bảo vệ môi trường và quyền của người lao động. TPP cũng sẽ hạ thấp những rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tại các thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á - Thái Bình Dương".

Bộ trưởng Carter cho rằng TPP là một trong các bộ phận quan trọng nhất của chiến lược tái cân bằng sang châu Á mà chính phủ của Tổng thống Obama đang tiến hành.

Thông qua hiệp định này cũng quan trọng như bổ sung một chiếc hàng không mẫu hạm cho hạm đội Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: không còn nhiều thời gian cho cuộc đàm phán đã kéo dài nhiều năm nay.

Ông cho biết các nước trong khu vực đang cắt xẻo những thị trường béo bở với những hiệp định mà trong một số trường hợp là những hiệp định dựa trên áp lực và những sự giàn xếp đặc biệt, chứ không dựa trên nguyên tắc và sự công khai.

Brad Glosserman, Giám đốc Diễn đàn Thái Bình Dương, một tổ chức nghiên cứu an ninh ở Hawaii, cho biết các nhà lãnh đạo châu Á xem sự thành công của TPP là yếu tố then chốt của sự tham gia của Mỹ trong khu vực này.

"Yếu tố then chốt ở đây là xem xét và sử dụng từ ngữ chiến lược, bởi vì những gì mà TPP làm là trói buộc và nối kết Mỹ một cách chặt chẽ hơn nữa với các nước trong khu vực, và các mối quan hệ quân sự của Mỹ là nhắm tới mục tiêu làm cho các nước đồng minh tin chắc là Washington bị ràng buộc với họ và những đối thủ biết chắc là một vụ tấn công nhắm vào các nước đó sẽ được coi là một vụ tấn công nhắm vào nước Mỹ. Do đó, qua việc nối kết một cách hết sức chặt chẽ về mặt kinh tế thông qua TPP và những hoạt động khác trong các lãnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại và chính trị, chúng ta đánh đi một tín hiệu để các đồng minh cũng như các đối thủ của chúng ta biết rõ là chúng ta thật sự đoàn kết với nhau. Và vì thế TPP là một bộ phận chiến lược then chốt trong chính sách ngoại giao của Mỹ".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo, ngày 8/4/2015.

Ông Glosserman cho rằng, sự thành công của TPP sẽ tùy thuộc vào chính trị quốc nội của Mỹ và sự sẵn sàng của các nhà lập pháp của cả hai đảng - Dân chủ và Cộng hòa - để thông qua TPA dành cho Tổng thống Obama. Điều đó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán đang tiếp diễn giữa Mỹ và Nhật Bản.

TPA nếu được thông qua sẽ để cho Tổng thống Obama thương thuyết các hiệp định thương mại và Quốc hội chỉ được quyền hoặc chấp thuận hoặc bác bỏ, chứ không thương thuyết lại các điều kiện trong hiệp định.

Có lẽ chưa bao giờ một vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại đi phát biểu về những vấn đề kinh tế thương mại như ông Ashton Carter. Nhưng đặt vào bối cảnh, tuyên bố này là hoàn toàn lý giải được.

Thứ nhất, đây là chuyến đi châu Á, mà chính xác hơn Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực này. Đây cũng là hai nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Như vậy, đối thủ chính của Mỹ vẫn là Trung Quốc.

Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn, đó là việc Mỹ vừa bị coi là thua Trung Quốc trong một cuộc đấu kinh tế, cụ thể là vụ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á (AIIB). AIIB là dự án dược Trung Quốc nêu lên bên lề Hội nghị APEC ở Bắc Kinh tháng 10-2014. Mỹ không hưởng ứng cho nên nhiều nước đồng minh cũng đứng ngoài.

Tại Hội nghị G20 sau đó, Thủ tướng Australia Tony Abbott và Tổng thống Obama giải thích điều này. Những lý do được nêu ra bao gồm hoài nghi về sự thiếu các tính cách công khai minh bạch và quy trách phân minh như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời với nhiều điều kiện khác về tôn trọng nhân quyền hay bảo vệ môi trường.

Cho đến khi nước đồng minh cố cựu nhất của Mỹ là Anh công bố gia nhập rồi lần lượt đến Đức, Pháp, Ý cũng noi theo thì Mỹ hiểu rằng, sự phản đối là không còn ý nghĩa và có hại.

Cho đến nay hơn 40 quốc gia đã nhận lời làm đồng sáng lập viên của AIIB bao gồm nhiều nước bạn quan trọng của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ẩn Độ và như thế “hiệp 1” trên võ đài kinh tế đã chấm dứt với Trung Quốc thắng điểm trước Mỹ.

Bây giờ Mỹ đang gia tăng nỗ lực ở TPP mà chính quyền Obama cổ vũ là thỏa ước mậu dịch của thế hệ tương lai. Là sáng kiến trọng yếu nhất về quan hệ mậu dịch được lên kế hoạch sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không đạt được kết quả ở vòng đàm phán Doha năm 2001. TPP đem vào trong một khối chiếm 40% sản lượng của thế giới hai nền kinh tế đứng hàng nhất và ba – Mỹ và Nhật Bản. TPP cũng là thể hiện cụ thể về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thách thức đặt vào sự thành công của dự án này rất cao. Nếu TPP không giải quyết được những bất đồng, hay tệ hơn nếu hoàn toàn không thể đi đến kết luận, thì sẽ là một bước lùi nặng nề cho chính sách ngoại giao Mỹ ở khu vực.

TPP đã bỏ lơ Trung Quốc ngay từ đầu, vì cho rằng Trung Quốc hãy còn chính sách tập trung hoạch định và nền kinh tế quá cồng kềnh nên khó đưa vào trong một cơ chế nặng hình thức khoa trương như thế. Mặt khác trong chính sách chuyển trục về châu Á, khía cạnh quân sự vẫn tiềm tàng bên cạnh kinh tế, và sự hiện diện của Trung Quốc có lẽ các thành viên khác cảm thấy e dè.

Khó khăn chính của TPP là một số điều khoản được xem như can thiệp vào nội bộ của quốc gia. Ngoài vấn đề thuế quan còn có tài chính và đầu tư, những quy định về bản quyền trí tuệ. Ngay cả hai đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản và Australia cũng hoài nghi về các sự xen lấn ấy. Mặc dù Mỹ tiếp tục khẳng định là sẽ quyết tâm kết thúc TPP, nhưng một số trở ngại vẫn tồn tại và thời điểm quyết định có thể còn kéo dài.

Người ta có thể hoài nghi về sự giải thích TPP chưa thu nhận Trung Quốc để cho Bắc Kinh sẽ nhận ra rằng, cần đổi mới hơn nữa để rồi gia nhập sau đó. Do đó động thái dễ hiểu của Trung Quốc là tìm cách thúc đẩy các thỏa hiệp mậu dịch khu vực, nhỏ hẹp hơn và tất nhiên trong ấy không có Mỹ.

Theo các nhà phân tích, TPP nếu thành công sẽ là một trong những di sản lớn nhất của Tổng thống Obama trong chính sách đối ngoại, nhưng chưa biết liệu chính quyền Obama có thể hoàn tất được hiệp định thương mại này hay không. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ chưa chắc đã thắng “hiệp 2” trong cuộc đấu kinh tế với Trung Quốc.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.