Ngân hàng HSBC ở nước ngoài trước án phạt 640 triệu bảng Anh vì tiếp tay rửa tiền:

Khi nhà băng là sân sau của ma túy và tội phạm

Thứ Sáu, 03/08/2012, 19:45

Ngày 17/7 vừa qua, tại phiên điều trần, thượng viện Mỹ đã đưa ra một báo cáo dài 335 trang, buộc tội Ngân hàng HSBC - một trong những ngân hàng lớn hàng đầu trên thế giới, đã tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của các băng nhóm buôn ma túy, khủng bố và tội phạm tại các chi nhánh của HSBC ở Mexico, Iran, và Syria. Vụ việc này đã tiếp tục "bôi gio" vào danh tiếng của ngành ngân hàng Anh quốc khi mà bê bối thao túng lãi suất của Ngân hàng Barclays còn chưa kịp lắng dịu và lại thêm một cái nhìn đầy phản cảm vào thời điểm bất lợi nhất trong lịch sử hệ thống ngân hàng Anh.

Ngược dòng lịch sử

Ngân hàng HSBC được thành lập năm 1865 để trở thành công ty mẹ của Tập đoàn ngân hàng Hồng Công và Thượng Hải nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính cho quan hệ thương mại giữa châu Âu, Ấn Độ, và Trung Quốc. Ý tưởng sáp nhập này là của Thomas Sutherlan, một người Scotland làm việc cho hãng vận tải hàng hải P&O và nhận thấy một nhu cầu lớn về ngành tài chính ngân hàng ở khu vực Viễn Đông. HSBC bắt đầu xây dựng các chi nhánh tại châu Á và năm 1888 ngân hàng đã lần đầu tiên in hối phiếu tại Thái Lan ngay sau khi có mặt trên đất nước này.

Suy thoái và bất ổn chính trị trong những năm 1930 đã dẫn đến những bấp bênh và hầu hết các nhân viên ngân hàng ở Viễn Đông đều trở thành tù nhân của quân đội Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Theo thời gian, HSBC lấy lại vị thế của mình và dần dần đóng vai trò lớn đối với nền kinh tế của Hồng Công. Vào những năm 1970, ngân hàng chuyển hướng tập trung vào thị trường Anh và mua lại Ngân hàng Midland năm 1992 và bắt đầu mở rộng các chi nhánh của mình ra toàn cầu từ năm 1999.

Hiện tại HSBC đang phục vụ khoảng 89 triệu khách hàng trên 85 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.200 văn phòng đại diện và chi nhánh trên toàn  thế giới.

Nơi rửa tiền của các băng đảng tội phạm ma túy và khủng bố

Trở thành một trong 4 ngân hàng lớn nhất thế giới, HSBC là một trong số ít các ngân hàng ở Anh còn có thể tồn tại được qua cơn khủng hoảng tài chính với danh tiếng còn nguyên vẹn. Thế nhưng ngân hàng này đã không "giữ mình" khi cho phép bọn tội phạm, khủng bố và các băng đảng buôn ma túy rửa hàng tỉ bảng thông qua các chi nhánh của mình.

Ngân hàng này đã không kiểm soát được 38 nghìn tỉ bảng chuyển qua biên giới từ những nơi được cho là khá mạo hiểm trong đó bao gồm cả quần đảo Cayman (thuộc Vương quốc Anh) và Thụy Sĩ. Thất bại này đã làm tình hình giữa HSBC và Ngân hàng Al Rajhi của Arập (nơi từng bị buộc tội là nguồn tài chính của bọn khủng bố vụ 11-9) thêm căng thẳng. Một nhánh của HSBC tại Mỹ - Ngân hàng HBUS lúc đầu phản đối kịch liệt các giao dịch với Ngân hàng Al Rajhi nhưng sau đó đã phải đồng ý cung cấp hối phiếu Mỹ cho ngân hàng Arập này nếu không Al Rajhi sẽ rút toàn bộ các giao dịch với hệ thống HSBC toàn thế giới.

Theo báo cáo, HBUS đã nhận 9,6 tỉ bảng cung ứng bằng tiền mặt trong 2 năm mà không hề kiểm tra xem tiền đó lấy ở đâu ra. Trong khi giới chức Mexico và Mỹ đã cảnh báo HSBC rằng con số 4,5 tỉ bảng được gửi tới Mỹ từ chi nhánh Mexico chỉ có thể đạt được khi đã bao gồm cả số lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn ma túy. Nhiều câu hỏi đang chờ lời giải đáp về quan hệ của ngân hàng với các băng nhóm tội phạm ma túy Mexico trong đó bao gồm sự thật về 1,3 tỉ bảng đang được giấu trong các tài khoản ở quần đảo Cayman.

Nhân viên của HSBC thừa nhận những tài khoản này đã bị bọn tội phạm có tổ chức lợi dụng. Ông David Bagley, người đứng đầu Ủy ban thanh tra của HSBC tại Anh đã thôi việc sau bê bối này, kết thúc 20 năm làm việc cho ngân hàng. Vụ việc này cũng trở thành một nỗi xấu hổ của Thủ tướng David Cameron bởi vì đặc phái viên Stephen Green (hay còn gọi là Lord Green), Chủ tịch HSBC trong thời gian này cũng nằm trong danh sách triệu tập của phiên điều trần.

Trước cơn chấn động này, ông John Mann, thành viên của Công đảng trong Quốc hội và Ủy ban Ngân khố đã yêu cầu ông Lord Green phải từ chức hoặc phải bị sa thải. Ông Mann cho rằng bất kỳ chủ ngân hàng nào có hành vi giúp đỡ bọn tội phạm ma túy trữ tiền hoặc tham nhũng đều không xứng đáng nằm trong hàng ngũ quan chức của chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho hay Thủ tướng Cameron đã không hề hỏi đến vai trò của ngài Green trong vụ bê bối này.

Một ủy viên khác trong Quốc hội, ông Pat McFadden tuy đã thôi không đề nghị Lord Green phải từ chức nhưng cho rằng Bộ trưởng Bộ Thương mại phải yêu cầu ông Lord Green cung cấp mọi thông tin mà ông ta biết. Ông McFadden nói: "Nếu có điều gì xảy ra vào thời điểm của người giữ chức chủ tịch ngân hàng thì bao giờ họ cũng phải là người phải chịu trách nhiệm trả lời tất cả các câu hỏi và yêu cầu giải trình".

Thượng viện Mỹ cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy nhân viên của HSBC đã tìm cách lấy được các phê chuẩn nhằm ngăn cản các công ty Mỹ hợp tác với Iran. Từ năm 2001 đến năm 2007, các chi nhánh của HSBC đã thực hiện gần 25.000 giao dịch liên quan tới khách hàng bên Iran với trị giá khoảng 19 tỉ USD thông qua Ngân hàng HBUS và các tài khoản khác ở Mỹ. Trong khi đó, ngân hàng này lại tìm cách che giấu khoảng 85% các vụ giao dịch liên quan tới Iran.

Các lãnh đạo của HSBC tuyên thệ giữ vững đạo đức ngành ngân hàng ở Washington.

Không dừng ở đó, bộ phận thanh tra của ngân hàng đã cho phép các chi nhánh HSBC tiếp tục tham gia các hoạt động này, kể cả một số giao dịch có tính lừa đảo trong suốt 5 năm nay mà không hé lộ những hoạt động ngoài lề đó với HBUS. Rất nhiều các sai phạm của HSBC liên quan đến các tài khoản cổ phiếu vô danh, trong đó số cổ phiếu của chủ nhân và thu nhập của họ sẽ được chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác một cách kín đáo.

Thượng nghị viện Mỹ nhúng tay điều tra

Tiểu ban điều tra thường trực của Thượng viện Mỹ đã điều tra HSBC từ nhiều tháng nay để thăm dò những dòng tiền có nghi vấn. Bắt đầu từ tháng hai năm nay khi Thượng nghị sĩ Carl Levin cho biết, ông đã lên kế hoạch nhắc nhở các nhà quản lý ngân hàng ở Mỹ để ý tới những tài khoản có nghi vấn mà HSBC cung cấp cho các quan chức cao cấp ở Angola. Ông Levin tiếp tục đưa HSBC lên "đoạn đầu đài" khi hỏi về vai trò của một chi nhánh ngân hàng này tại Connecticut khi cung cấp các tài khoản ở Bahamas (quần đảo thuộc khối thịnh vượng chung ở Tây Ấn) cho Ngân hàng Trung ương Angola gần một thập kỷ trước.

Đồng thời ông cho biết HSBC đang có những vấn đề rất lớn trong cơ chế thanh tra kiểm soát nhất là nghĩa vụ của họ đối với quá trình tìm hiểu khách hàng tại Mỹ. Ngài Levin cho biết, ông không hài lòng với các câu trả lời nhận được ở phiên chất vấn Wiecher Mandemaker, Giám đốc Tổng bộ phận thanh tra các ngân hàng HSBC tại Mỹ còn phía HSBC thì khẳng định họ đã rất nghiêm túc với công việc rà soát và kiểm tra của mình.

Các tài liệu cho thấy HSBC đã ký một cam kết thực hiện và tăng cường các chính sách và hoạt động chống nạn rửa tiền. Báo cáo cho biết những nỗ lực trong năm 2002 của Giám đốc Ngân hàng Trung ương Angola lúc bấy giờ, ông Aguinaldo Jaime trong việc chuyển 50 triệu USD từ ngân sách chính phủ sang Mỹ đã bị Citygroup và ngân hàng châu Mỹ đẩy lui. Tuy nhiên, trong phiên điều trần, ông Levin cho biết Ngân hàng HSBC tại London đã giúp đỡ Ngân hàng Trung ương Angola tránh khỏi việc tòa án Anh đóng băng các tài sản của ngân hàng này.

Trụ sở ngân hàng HSBC tại London.

Thượng viện cũng đã tiến hành thăm dò các hoạt động giữa HSBC và Ngân hàng Al Rajhi của Arập, nơi từng bị nghi ngờ có các giao dịch tài chính với bọn khủng bố vụ 11-9. Năm 2005, HSBC lệnh cho các chi nhánh của mình chấm dứt các thương vụ với Al Rajhi. Nhưng chỉ 4 tháng sau, các nhân viên của HSBC lại nhận quyết định mới cho phép các chi nhánh tự quyết định có tiếp tục hợp tác với Al Rajhi hay không. Ngân hàng HSBC ở Trung Đông tiếp tục mối quan hệ với Al Rajhi nhưng hợp tác rất nhỏ giọt. Đến cuối năm 2006, Al Rajhi đe dọa sẽ rút hết các giao dịch với HSBC nếu họ không được sử dụng lại các giao dịch với số lượng tiền mặt lớn.

Tuy nhiên, trung tâm chú ý của Thượng viện Mỹ vẫn là cơ quan đầu não của HSBC ở Mỹ đặt tại New York. Được biết HSBC chỉ coi Mỹ như một địa điểm bán sỉ cho các khách hàng ngoại quốc nhằm quảng cáo khả năng giao dịch bằng đồng đô la của ngân hàng này. Trong số những vấn đề của HSBC, tỉ lệ chuyển công tác của các nhân viên trong bộ phận thanh tra đã khiến họ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những nhân viên mới khi tiếp quản công việc trong khi đó số các giao dịch cần phải kiểm tra luôn luôn ở mức quá tải.

Một vấn đề tiêu biểu khác của HSBC là các giao dịch với Mexico, đất nước khét tiếng với tội phạm ma túy, bạo lực và rửa tiền. Theo báo cáo, HSBC đã chuyển cho trung tâm kinh doanh ngoại tệ Casa de Cambio Puebla, nơi các hoạt động rửa tiền, đổi ngoại tệ ở Mexico diễn ra hàng ngày. Từ năm 2005 đến 2007, một làn sóng đổi tiền đôla giữa HSBC và trung tâm này đã báo hiệu một mối nguy hiểm mà HSBC có thể gặp phải nếu các nhà chức trách tiến hành thanh tra.

Một số nhân viên ngân hàng cho rằng đó vẫn là những giao dịch hợp pháp vì đó thường là những khoản tiền được các nghệ nhân làm vườn người Mexico làm việc tại Mỹ chuyển về gia đình. Tuy nhiên, HSBC cũng phải đóng những tài khoản đó vào tháng 11- 2007 sau khi nhận được giấy phép của Tòa án Mexico tịch thu số tiền liên quan đến buôn bán ngoại tệ chợ đen. 

Ông Carl Levin cho biết, HSBC đã từng có vết đen trong lịch sử hoạt động và bất kỳ ngân hàng nào lơ là các quy tắc đối với nạn rửa tiền đều trở thành vấn đề lớn cho toàn nước Mỹ. Trong thời đại mà những kẻ khủng bố, bạo lực ma túy trên các đường phố và biên giới cũng như tội phạm có tổ chức có mặt khắp mọi nơi thì việc ngăn chặn các dòng tiền trái phép được sử dụng nhằm tiếp tay những hành động tàn ác này là một vấn đề hết sức cấp bách cho nền an ninh quốc gia.

Phía Ngân hàng HSBC đã xin lỗi và thừa nhận những sai phạm của mình qua đó cam kết sẽ sửa chữa những sai lầm ấy, qua đó sẽ chi ra gấp đôi số tiền (ước tính lên tới 255 triệu bảng) cho công tác thanh tra. HSBC cho biết, họ cũng đã hủy 20.000 tài khoản tại quần đảo Cayman sau khi cuộc điều tra được tiến hành. Ngân hàng này cũng cho hay vụ việc sẽ trở thành bài học xương máu cho bộ máy quản lý của ngân hàng, tuy vậy HSBC vẫn khó lòng tránh khỏi "học phí" 640 triệu bảng Anh (tương đương 1 tỉ USD) cho scandal rửa tiền này

Thùy Dương - Hoàng Cúc (theo Dailymail)
.
.