Vụ cháy khiến 5 người trong một gia đình tử vong:

Khi “nước xa không cứu được lửa gần”...

Thứ Ba, 16/06/2015, 18:20
Khuya ngày 10/6 vừa qua, tại tổ 54 phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn. Lửa đã thiêu rụi gần như toàn bộ ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Sơn và khiến cho 5 người trong gia đình ông tử nạn.

Đêm kinh hoàng

Có mặt tại ngôi nhà nằm sâu trong ngõ 190 phố Hoàng Mai ít giờ sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, chúng tôi có thể cảm nhận được sự tàn phá ghê gớm của “bà hỏa”.

Ngôi nhà có mặt tiền chừng 2m, sâu chừng 10m được xây lên 3 tầng và một tum. Qua quan sát, chúng tôi có thể thấy được gần như tất cả đồ đạc trong nhà đã biến thành than. Tủ lạnh, tủ bếp, bếp gas… đều không còn nguyên hình dạng. Mấy chiếc xe máy chỉ còn trơ khung sắt. Tường nhà, cầu thang đều ám một màu đen kịt.

Năm người tử vong được xác định là ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1952), bà Lưu Thị Lý (SN 1953, vợ ông Sơn), anh Nguyễn Văn Hiếu (SN 1984, con trai út ông Sơn) chị Nguyễn Thị Chuyên (SN 1987, vợ anh Hiếu) cùng cháu bé 8 tháng tuổi là con của vợ chồng anh Hiếu.

Ông Phạm Văn Cọ (trú tại tổ 54 phường Tương Mai) cho chúng tôi biết, khoảng hơn 12 giờ, ông đang nằm ngủ trong nhà thì nghe thấy nhiều tiếng hô hoán lớn. Ông vội bật dậy và chạy lên phía cầu thang phía bên trái, sát vách với nhà ông Sơn thì thấy lửa cháy và khói đang tuôn ra ùn ùn ở phía nhà nhà của người hàng xóm. Đoán gia đình người láng giềng đang có nhiều người ngủ say nên ông Cọ lập tức tính toán phương án cứu giúp.

Vốn là một cựu cảnh sát, ông Cọ lập tức chạy vòng lên cầu thang bên phải, vòng sang ban công rồi leo qua lồng sắt nhà bên cạnh để tiếp cận cửa sổ nhà ông Sơn. Trong lúc nguy cấp ông vẫn kịp nhặt được một nửa viên gạch vỡ. Cảnh tượng trước mặt ông thật kinh khủng. Trong căn nhà ông Sơn lửa đang cháy đùng đùng, tiếng người hô hoán, kêu cứu khẩn thiết. Cửa chính nhà ông Sơn khóa trong, rất nhiều người tìm cách phá cửa mà không thành.

Hiện trường vụ cháy.

Tiếp cận cửa sổ ở tầng 2 ngôi nhà, ông Sơn thấy anh Nguyễn Văn Trung (SN 1978, con trai cả của gia đình ông Sơn) đang dùng một chiếc gậy sắt, ra sức phá chấn song cửa sổ. Thấy vậy ông Cọ lao đến, cầm viên gạch đập liên tiếp vào chấn song  cửa, vừa đập ông vừa lấy hai tay lắc mạnh.

“Cũng may là chấn song bằng inox, hình chữ U và chỉ có hai lớp nên sau chừng 5 phút thì tôi và anh Trung phá được cửa sổ. Tôi đứng ở ngoài, lần lượt đỡ chị Phạm Thị Thúy (vợ anh Trung) cùng 3 cháu (là con anh Trung và cháu ngoại ông Sơn) thoát ra ngoài” – ông Cọ kể, giọng còn chưa hết bàng hoàng. Sau đó, ông Cọ tiếp tục cắp từng cháu bé theo đường chuồng cọp nhà bên cạnh đưa xuống đất an toàn.

Sau khi cứu thoát được 5 người ông Cọ lúc ấy mới nghe anh Trung nói còn 5 người khác đang bị kẹt ở tầng 1 và tầng 3 của ngôi nhà chưa kịp thoát ra. Nhưng lúc ấy lửa đã bốc mạnh lên tầng 2 và tầng 3 của ngôi nhà, không thể nào chui vào để đưa mọi người ra được nữa. Mọi việc lúc này trông chờ vào lực lượng cứu hỏa của thành phố.

Ít phút sau các chiến sĩ cảnh sát PCCC đã có mặt, song vì con ngõ nhỏ, xe cứu hỏa cứ phải chạy lòng vòng mãi mà không tiếp cận được đám cháy. Ông Cọ lúc đó cùng gia đình mấy nhà hàng xóm chung vách với gia đình ông Sơn vội xả téc nước trên tum để ngăn không cho lửa ngăn sang nhà khác. Đến khoảng 3 giờ sáng thì đám cháy được dập tắt, song hơi nóng vẫn bốc ra ngùn ngụt.

Bà Nguyễn Thị Phương, nhà đối diện với nhà ông Sơn kể lại: Khoảng hơn 12 giờ, bà Phương cùng nhiều người hàng xóm phát hiện ra mùi khen khét, và lửa phát ra từ tầng 1 nhà của ông Sơn. Mọi người vội hô hoán nhau chạy đến đập cửa, rồi lấy điện thoại gọi vào cho các anh Trung, Hiếu là con trai ông Sơn. Tuy nhiên không thấy ai nhấc máy. Một lát sau thì bà nghe tin ông Cọ nhà ở phía sau nhà ông Sơn đã đập cửa sổ, cứu được 5 người. Tuy nhiên, còn 5 người nữa là vợ chồng ông Sơn, vợ chồng Hiếu và cháu trai 8 tháng tuổi đã không thể chạy thoát. Thật là thương tâm quá!

Nỗi đau, vẻ thất thần của những người thân của nạn nhân vụ hỏa hoạn.

Tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chúng tôi chứng kiến cảnh tượng vô cùng đau xót, khi những người thân trong gia đình nạn nhân gào khóc vật vã bên 5 thi thể. Chị Hải, con gái ông Sơn nghẹn ngào: “Tôi đi làm ca đêm thì nghe tin nhà bố mẹ bị cháy. Tôi vội về thì thấy lửa cháy to quá không ai tiếp cận được hiện trường. Thời điểm cháy ngôi nhà tôi có 10 người trong nhà, thì 5 người thoát ra được. Bố tôi bị tai biến, không chạy ra kịp nên chui vào nhà vệ sinh tầng 1 và mất tại đó. Cậu út không thoát ra được, vội chạy lên tầng tum để tìm cách thoát ra tiếp nhưng không được và tử vong cùng mẹ tôi, em dâu và đứa cháu 8 tháng tuổi...”.

Còn ông Phạm Khả Lợi (quê Nam Trực, Nam Định) là anh rể ông Sơn thì cho biết: Vào khoảng 4 giờ sáng ông được em trai ông Sơn là anh Thịnh gọi điện báo tin dữ. Nghe xong cuộc điện thoại, ông Lợi phải ngồi vài phút mới trấn tĩnh được và thông báo cho mọi người trong gia đình chuẩn bị lên Hà Nội.

Ông Lợi cho biết thêm, gia đình ông Sơn trước kia đều sinh sống tại phố Nguyễn Du (TP Nam Định). Cách đây vài chục năm, ông cùng vợ và con lên Hà Nội mua nhà, lập nghiệp. Ông Sơn có 3 người con, 1 gái, hai trai. Ông Sơn vốn là thợ mộc, bà Lý chỉ đi làm thợ xây một thời gian nên kinh tế gia đình rất eo hẹp. Ngoại trừ cô con gái đi lấy chồng và sinh sống ở nơi khác, hai người con trai cùng vợ và các con đều sống với vợ chồng ông Sơn.

Bà Nguyễn Thị Nụ (trú tại TP Nam Định, người nhà ông Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng nói: “Tôi nghe tin lúc 5 giờ sáng mà rụng rời hết chân tay chú ạ. Trên đường từ Nam Định lên Hà Nội mà tôi thấy đau xót quá, ai ngờ 5 người thân trong một gia đình lại chết chỉ trong một đêm”.

Người dân cần hết sức cẩn trọng và chủ động về vấn đề an toàn PCCC

Người xưa có câu: “Nước xa không cứu được lửa gần”. Nên đối với việc phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì “phòng” là yêu cầu đặt lên hàng đầu. Có thể nói thời gian vừa qua, chập điện là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các vụ hỏa hoạn lớn ở TP Hà Nội. Đặc biệt, không ít vụ hỏa hoạn xảy ra trong các ngõ phố nhỏ, phương tiện chữa cháy chuyên dụng hầu như không thể tiếp cận đã khiến hậu quả càng thêm trầm trọng.

Còn nhớ ngày 23/1/2014, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại nhà số 9 ngõ 44, phố Pháo Đài Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa). Người dân đã phát hiện lửa bùng phát tại tầng 2 của ngôi nhà 4 tầng nằm sâu trong ngõ. Ngọn lửa bùng mạnh, nhanh chóng lan lên tầng 3 của ngôi nhà. Rất may, những người trong nhà đã kịp thời thoát ra ngoài.

Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC đã điều động nhiều lượt xe cứu hỏa đến hiện trường để ứng cứu. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do ngôi nhà nằm sâu trong ngõ, xe cứu hỏa chuyên dụng không thể tiếp cận. Vòi phun nước cứu hỏa được nối nhiều đoạn, chạy từ đầu phố vào trong ngõ sâu.

Sau khoảng 30 phút nỗ lực dập lửa, lực lượng cứu hỏa đã khống chế hoàn toàn đám cháy. Tuy nhiên, trong lúc dập lửa, một chiến sĩ cứu hỏa bị ngạt khói, phải nhập viện cấp cứu. Nhiều vật dụng ở tầng 2 và 3 của ngôi nhà bị ngọn lửa thiêu rụi.

Trước đó, ngày 11/12/2013, ở khu tập thể Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) cũng đã xảy ra một vụ cháy lớn. Ngọn lửa nhanh chóng lan từ tầng 3 lên tầng 5 của khu tập thể. Vụ cháy đã làm 8 căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện.

Có một sự thật là ở những ngôi nhà theo dạng ống ở Hà Nội, ban công hoặc trên tầng tum người dân thường “bắn” các khung sắt để chống trộm. Lối thoát duy nhất là cửa chính. Điều này vô hình trung đã khiến cho khi có hỏa hoạn chủ nhà chẳng biết chạy đường nào. Bên cạnh đó, tầng 1 cũng thường là nơi để những vật dụng rất dễ cháy mỗi khi hỏa hoạn như: xe máy, bếp gas, tủ lạnh… Ngọn lửa khi bắt vào những vật dụng này thường gây cháy lớn, và tạo ra nhiều khói khiến chủ nhà có thể bị chết ngạt.

Trở lại vụ việc nhà ông Sơn, thông tin ban đầu cho thấy, vào thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, ông Sơn đang ngủ tại tầng 1 ngôi nhà. Do già yếu, nên khi có cháy, ông Sơn không kịp mở cửa thoát ra ngoài mà lại chạy vào nhà vệ sinh để né. Tại tầng 1, gia đình 10 người sinh sống này để rất nhiều đồ đạc gồm 5 xe máy, tủ lạnh và khu vực bếp nấu ăn trong một diện tích chật hẹp. Tại tầng 3, nơi vợ chồng và con trai anh Hiếu đang ngủ, khi lửa bốc lên mọi người đã không kịp thoát và đều tử vong.

Được biết ban đầu ngôi nhà của ông Sơn rộng hơn 50m2, mặt tiền rộng 5m. Tuy nhiên nhiều năm trước ông đã bán đi một nửa, thành ra căn nhà chỉ còn chừng 20m2. Ngôi nhà này cũng được xây rất kín và kiên cố, cầu thang lên xuống nằm ở cuối nhà cũng khá hẹp. Theo một số người dân thì ngoài cửa ra vào tại tầng 1 và cửa sổ ở mặt trước thì ngôi nhà gần như không có lối thoát khi xảy ra cháy.

Cũng theo ông Phạm Khả Lợi, mấy năm trước ông có qua nhà ông Sơn thăm gia đình, ngắm nghía ngôi nhà, ông Lợi đã từng nhắc ông Sơn nên nghĩ đến chuyện an toàn PCCC, đặc biệt là đường thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, khi mà ông Sơn chưa kịp cải tạo thì đã xảy ra sự việc đáng tiếc.

Và có lẽ đó cũng là bài học dành cho nhiều người dân ở các con ngõ nhỏ, phố nhỏ của Hà Nội.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho chúng tôi biết, thời gian vừa qua chập điện là một trong những nguyên nhân của nhiều vụ hỏa hoạn trong thành phố.

Vào mùa hè, người dân có nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến cho hệ thống đường dây điện của thành phố thường xuyên bị quá tải. Để hạn chế tình trạng cháy do chập điện, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành điện tăng cường kiểm tra các trạm điện, đường dây và tình trạng sử dụng điện của từng gia đình.

Bên cạnh đó cũng theo ông Sơn, trong thời gian qua công tác PCCC ở những khu dân cư có mật độ giao thông lớn, các con ngõ nhỏ luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt công tác PCCC tại chỗ cũng luôn được đề cao.

Tới đây, UBND thành phố sẽ chỉ đạo sát sao các tổ dân phố phát huy vai trò chủ động trong công tác PCCC, tích cực tuyên truyền đến người dân việc PCCC là việc của mình để bảo vệ tính mạng tài sản của bản thân và gia đình.

Về nguyên nhân của vụ hỏa hoạn trên, ông Lê Hồng Sơn cho biết hiện nay các lực lượng chức năng đang tập trung điều tra làm rõ. Còn theo nhận định ban đầu là do chập điện.

Minh Tiến
.
.