Khởi động đàm phán hòa bình cho Afghanistan

Thứ Năm, 17/09/2020, 15:27
Tiến trình đàm phán hòa bình lịch sử giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Hồi giáo Taliban chính thức được khởi động ngày 12-9 vừa qua tại thủ đô Doha của Qatar. Mục tiêu cuối cùng của đàm phán là đi đến một thỏa thuận chính trị, qua đó chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng chục năm.

Theo đánh giá ban đầu của giới phân tích, tiến trình đàm phán sẽ kéo dài và phức tạp, với không ít những khúc mắc gay go nảy sinh. Bởi lẽ giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban vẫn còn khoảng cách khá rộng về lập trường quan điểm, chủ trương. Chẳng hạn, Taliban vẫn theo đuổi quan điểm vể một nhà nước Hồi giáo hà khắc, trong khi Chính phủ Afghanistan thì cam kết thực thi hiến pháp nhằm bảo đảm quyền tự do dân chủ và quyền lợi của phụ nữ.

Mặc dù vậy, dấu hiệu tích cực ban đầu cũng đã xuất hiện trong lời phát biểu mở đầu buổi lễ của trưởng phái đoàn đàm phán Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar và trưởng phái đoàn Chính phủ Afghanistan, cựu Tổng thống Abdullah Abdullah. Hai bên cũng đã thể hiện thiện chí cho đàm phán, như việc các thành viên phái đoàn Taliban chấp nhận nhà đàm phán chính Masoom Stanekzai bên phía chính phủ, người từng chỉ huy cơ quan tình báo Afghanistan tra tấn người của Taliban. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ủng hộ và khuyến khích hai bên đàm phán thành công. Chủ nhà Qatar cũng lên tiếng “tiếp tục ủng hộ cho đến khi nào đàm phán thành công”.

Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad và phó soái Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar (trưởng phái đoàn đàm phán hiện nay) tại lễ ký kết thỏa thuận hồi tháng 2-2020.

Tuy nhiên, đàm phán với Taliban là việc không dễ dàng. Một vấn đề quan trọng là tình trạng bạo lực do các cuộc tấn công của Taliban vẫn tiếp diễn. Trưởng phái đoàn Chính phủ Afghanistan đưa ra con số 12.000 người chết và 15.000 người bị thương chỉ trong 6 tháng kể từ khi ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban và kêu gọi Taliban ngừng bắn ngay lập tức để thể hiện thiện chí trong đàm phán. Bộ trưởng Ngoại giao nhiều nước trên thế giới cũng đồng thanh kêu gọi ngừng bắn nhằm ủng hộ ông Abdullah. Nhưng Taliban kiên quyết bác bỏ việc ngừng bắn, bởi bạo lực súng đạn được xem là “át chủ bài” giúp Taliban nắm thế chủ động trong mọi hoạt động, bao gồm cả đàm phán.

Trong khoảng nửa thế kỷ qua, đất nước Afghanistan đã trải qua nhiều giai đoạn chiến tranh khác nhau cũng như sự thay đổi liên tục các chính phủ và chế độ chính trị. Loạt vụ đảo chính liên tục trong thập niên 1970 đã đưa Afghanistan từ quốc gia quân chủ sang chế độ cộng hòa tổng thống, rồi sau đó là giai đoạn nhà nước dưới sự trợ giúp quân sự của Liên Xô. Sau khi Liên Xô rút quân đội về nước, Afghanistan đã chìm vào nội chiến toàn diện, kéo dài cho đến khi Taliban thâu tóm quyền lực, lật đổ chính phủ và lên nắm quyền vào năm 1996. Nhưng cũng chẳng bao lâu sau, sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ đưa quân tấn công Afghanistan, lật đổ chế độ hà khắc của Taliban, đẩy lực lượng này ra khỏi thủ đô Kabul và phần lớn lãnh thổ Afghanistan.

Nhưng, quân đội Mỹ và NATO đã không thể tiêu diệt Taliban hoàn toàn. Cũng như không thể tiêu diệt hoàn toàn mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Taliban vẫn tồn tại và dần dần lấy lại sức mạnh sau khi đã cố gắng thay đổi đường lối đấu tranh. Đương nhiên, chủ trương sử dụng bạo lực như một công cụ chiến lược là không bao giờ thay đổi và được xem là “thương hiệu” của Taliban. Lực lượng này đã sử dụng bạo lực như một công cụ hữu hiệu để “điều khiển” đối phương, bao gồm cả lực lượng Mỹ, NATO và Chính phủ Afghanistan.

Chủ trương sử dụng bạo lực nhưng Taliban cũng từng tìm kiếm một thỏa thuận ở Afghanistan và việc đó khởi sự cách đây 10 năm nhưng chưa bao giờ đạt kết quả do thiếu sự quan tâm đầy đủ của các bên. Năm 2010, trưởng phái đoàn đàm phán Taliban Baradar từng bị chính quyền Pakistan bắt giam vì cố tìm cách đàm phán qua kênh bí mật với Chính phủ Afghanistan của Tổng thống Hamid Karzai. Năm 2018, Baradar được thả.

Phái đoàn đàm phán của chính phủ Afghanistan tại lễ khai mạc đàm phán.

Một nỗ lực đàm phán khác với sự trung gian của NATO đã được tiến hành nhưng biến thành trò hề vì nhân vật “Taliban cao cấp” hóa ra chỉ là một anh bán tạp hóa được thuê đóng thế vai. Đến khi kênh đàm phán thật sự được mở ra thì đàm phán lại bị ách tắc do Taliban quả quyết mình không nói chuyện với một Chính phủ Afghanistan “bù nhìn”.

Khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, điều đầu tiên ông tuyên bố là rút toàn bộ lính Mỹ từ Afghanistan về nước, chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ. Từ đó bắt đầu các nỗ lực đàm phán bí mật lẫn công khai giữa chính quyền Mỹ và Taliban để đi đến thỏa thuận Mỹ rút quân hồi tháng 2-2020. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ giảm quân số tại Afghanistan từ 13.000 xuống còn 4.500 trước tháng 11-2020.

Để đổi lấy việc Mỹ rút quân, Taliban đồng ý cắt quan hệ với Al-Qaeda. Một cam kết nữa của Mỹ trong thỏa thuận tháng 2 là trả tự do cho các tay súng Taliban đang bị lực lượng Mỹ giam giữ. Đồng thời, Taliban cam kết sẽ tiến hành đàm phán để ký thỏa thuận hòa bình, chia sẻ quyền lực với Chính phủ Afghanistan. Nhưng việc thực thi điều khoản này đã bế tắc mất nửa năm. Mặc dù Mỹ đã thực hiện cam kết trả tự do cho hàng loạt tay súng Taliban kể từ tháng 2-2020 nhưng Taliban vẫn không chấp nhận đàm phán.

Nguyên nhân được cho là còn 6 tay súng chủ chốt của Taliban vẫn bị giam giữ do đã sát hại công dân của Mỹ, Pháp và Australia và chính phủ các nước này không chấp nhận trả tự do cho bọn họ. Cuối cùng, các nước cũng đồng ý với điều kiện giam lỏng 6 tay súng này tại Doha, Qatar. Ngày 10-9, 6 tay súng Taliban được đưa sang Doha. 2 ngày sau, đàm phán hòa bình đã được khởi động.

Đối với Nhà Trắng, đàm phán hòa bình Afghanistan cần phải được tiến hành sớm và chóng mang lại kết quả. Một số cố vấn của Tổng thống Trump muốn thấy hai bên ký kết thỏa thuận sơ bộ trước khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới. Đàm phán chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan được xem là mấu chốt thành công của chính sách đối ngoại của ông Trump, nó giúp ông tuyên bố thành công trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử của nước Mỹ và giải quyết một trong những thách thức an ninh và đối ngoại khó lường nhất.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.