Quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động:

Không chỉ cải tạo mà còn giúp tái hòa nhập

Thứ Hai, 27/05/2019, 20:33
Một số ý kiến lo ngại, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động... Nhưng sự thực, quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động lại rất cần thiết và có tác động tốt đối với người lầm lỗi và xã hội.

Ngày 22-5, trong phiên thảo luận dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động. Đa số ý kiến tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam.

Một số ý kiến lo ngại, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động... Nhưng sự thực, quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động lại rất cần thiết và có tác động tốt đối với người lầm lỗi và xã hội.

Dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân sau này

Qua kiểm tra, khảo sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định rằng, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động đảm bảo về an ninh, an toàn, giúp các phạm nhân có điều kiện làm việc, học tập, tiết kiệm chi phí học nghề, cơ sở vật chất, tạo ra nhiều việc làm.

Chính vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại Điều 33 dự thảo Luật theo hướng cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam cho phạm nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động không chỉ cải tạo họ mà còn nhằm mục đích giúp họ tái hoà nhập cộng đồng sau này. "Trong thực tế các trại giam miền Bắc và miền Trung diện tích rất chật hẹp, nếu làm nông nghiệp thì không có đất để sản xuất, còn những ngành nghề khác thì ngân sách rất khó khăn, khó có thể đầu tư nhà xưởng, máy móc đáp ứng yêu cầu", bà Thuỷ nói.

Phạm nhân lao động ngoài khu vực trại giam.

Bà Thủy cũng cho rằng cần khẳng định bản chất và mục tiêu của việc kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam không phải là hoạt động kinh tế mà ở đây là tổ chức dạy nghề hướng nghiệp cho phạm nhân.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì các quốc gia phát triển trên thế giới như Anh, Thuỵ Sỹ cũng cho phép trại giam kết hợp với doanh nghiệp cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Thậm chí có nước còn tiếp cận đây là biện pháp giúp phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng và là trách nhiệm của các trại giam.

Đồng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) tán thành với dự thảo luật đã bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động. Có thể tổ chức sản xuất ở điểm lao động ngoài trại giam. Nếu làm tốt điều này, chúng ta sẽ tận dụng được hàng chục ngàn lao động để đưa vào sản xuất và làm ra của cải vật chất, góp phần xây dựng lại các cơ sở giam giữ, trại giam.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến: "Tôi đồng ý nên đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam nhưng phải đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành".

Được biết, cả nước hiện có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý, hầu hết đều được đóng tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là về giao thông. Phần lớn các trại giam tại khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích đất hạn chế, phân tán, thổ nhưỡng xấu, rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân.

Lao động trong các trại giam từ trước đến nay vẫn chủ yếu chỉ làm nông nghiệp mang tính "tự cấp, tự túc", năng suất, hiệu quả lao động và các khoản thu được để lập các quỹ theo quy định là thấp, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam. Điều này đã hạn chế rất lớn tới các mục tiêu đặt ra trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân.

Tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức "Khu sản xuất" và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các "Điểm lao động" ngoài trại giam.

Tổng kết cho thấy, việc cho phạm nhân ra ngoài trại giam lao động sản xuất đã phần nào giúp giảm tải áp lực của trại giam, giảm áp lực tạo việc làm cho phạm nhân trong trại, góp phần giảm đầu tư của nhà nước cho trại giam. Trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.

Lao động ngoài trại giam - ghi nhận từ thực tế

Cơ sở dạy nghề và sản xuất gạch Việt Cường - điểm liên kết sản xuất với Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) cách Trại khoảng 10 km. Đây là khu vực tách biệt hẳn với khu dân cư, có tường, rào chắc chắn bằng dây thép gai. Theo quy định, trước khi ra điểm lao động này, các phạm nhân ở đây đều phải thực hiện đúng qui trình kiểm tra kỹ càng về an ninh.

Phạm nhân làm thủ tục mãn hạn cải tạo, trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Đại úy Nguyễn Văn Đức, Quản giáo Trại giam Phú Sơn 4 cho biết các phạm nhân được lựa chọn ra những điểm lao động này đều là các phạm nhân cải tạo khá tốt và có quá trình xếp loại thi đua cải tạo từ khá trở lên và án từ 7 năm trở xuống.

Ra đây các phạm nhân có tư tưởng rất yên tâm cải tạo. Về môi trường, về chế độ chính sách các phạm nhân được đáp ứng đầy đủ. Quy trình quản lý phạm nhân ở đây được thực hiện như quy trình quản lý phạm nhân ở trong trại.

Sáng, cán bộ quản giáo và lực lượng chuyên môn đến tập trung và điểm buồng phạm nhân, cho phạm nhân tập hợp và lao động theo đúng quy định, có tường rào khép kín; khi nhập phòng giam cũng rà soát, kiểm tra đồ vật cấm.

Nơi sản xuất của doanh nghiệp Gốm Mỹ - đơn vị liên doanh với Trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương) cách cổng trại khoảng 1km có dây chuyền sản xuất gạch ngói khá hiện đại. Công nhân và phạm nhân làm cùng nhau trong xưởng khép kín. Các phạm nhân có nhiệm vụ phân loại gạch ngói theo tiêu chuẩn rồi đóng gói để xuất khẩu.

Bên ngoài xưởng, hàng rào thép gai vây chặt chẽ, cổng ra vào có bảo vệ canh gác. Cán bộ quản giáo và cán bộ bảo vệ của Trại giam Hoàng Tiến đứng ở vị trí thuận lợi nhất để quan sát các phạm nhân. Bên trong khu nhà xưởng là nơi giam giữ phạm nhân với các phòng giam khép kín, có quạt trần, điện nước, vệ sinh đầy đủ, thuận lợi.

Đặc biệt, cả trong các phòng giam và khu sản xuất cũng như xung quanh là hệ thống camera dày đặc, có thể quan sát được các diễn biến bên trong lẫn phía ngoài khá dễ dàng

Ông Dương Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty CP Hoàng Tiến (Gốm Mỹ) cho biết, Công ty phối hợp với trại giam Hoàng Tiến đưa phạm nhân ra ngoài lao động đến nay đã được 3 năm, mọi việc phối hợp chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các quy định về việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại tạm giam, tạo hiệu quả và năng suất lao động cho doanh nghiệp.

Công ty đã bố trí chỗ ở riêng cho các phạm nhân, ngoài khu ở của phạm nhân có hệ thống khoá, camera quan sát, có các cán bộ của trại giam giám sát 24/24h bằng cách trực tiếp và qua 20 camera. Tổ an ninh của doanh nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ với các cán bộ trại giam để giám sát các phạm nhân này. Các phạm nhân được bố trí các chế độ ăn uống, lương thưởng như của công nhân.

Công ty Tùng Phương liên kết với Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc) chuyên làm chậu cảnh, cơ khí. Những người có tay nghề cao thì làm gốm sứ, chậu cảnh. Những người tay nghề thấp hơn thì làm cơ khí bởi đây là công việc dễ học, dễ làm, lại là ngành nghề đắc dụng đối với xã hội.

Từ năm 2012 đến nay công ty Tùng Phương đã tiếp nhận rất nhiều phạm nhân đến học nghề và lao động. Thời điểm hiện tại, mỗi  ngày có hơn 100 phạm nhân làm việc theo liên kết giữa Trại với Công ty này.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Phong, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc - nơi Công ty Tùng Phương sản xuất cho biết, trong quá trình trại Vĩnh Quang đưa phạm nhân về đây, các đồng chí phụ trách đã báo cáo UBND xã, phối hợp với ban công an xã ra đăng ký tạm trú tạm vắng. Trong 7 năm qua, an ninh trật tự trên địa bàn đều được đảm bảo, không xảy ra bất cứ vấn đề gì.

Khu sản xuất của Trại giam Ninh Khánh phối hợp với  Công ty Đại Hiệp được xây dựng từ cuối năm 2018 tại xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đây chính là nơi lao động, sản xuất của các phạm nhân và điểm sản xuất này nằm ngoài Trại giam. Công ty bỏ tiền ra đầu tư nhà xưởng, máy móc trên khu đất của mình.

Hàng ngày, việc bố trí lực lượng canh gác được Trại giam thực hiện chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn. Đại úy Trần Thị Chinh Thuận cho biết: "Chúng tôi cũng được lãnh đạo bố trí công việc khác nhau theo đúng mô hình trong phân trại như một phân trại bình thường. Chính vì vậy, phạm nhân ở đây được lao động, học tập, quản lý giam giữ, tất cả các mặt công tác đều đảm bảo".

Hết giờ lao động, phạm nhân trở về khu giam giữ được quản lý chặt chẽ. Việc xuất nhập phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định của trại giam. Định kỳ, các phạm nhân được tổ chức bình xét thi đua để chọn ra những người có kết quả lao động, cải tạo tốt, là cơ sở để Ban giám thị, Hội đồng cán bộ lựa chọn đưa ra các điểm lao động.

Gắn trách nhiệm quản lý

Là giám thị của đơn vị có nhiều năm liên kết với doanh nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho phạm nhân, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cho biết, khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động, đơn vị phải chọn lọc những phạm nhân có đủ điều kiện. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm đối với giám thị, cán bộ vào việc quản lý phạm nhân lao động ngoài trại giam.

"Nên chọn lọc, đưa phạm nhân ra ngoài lao động, để họ có sự tiếp xúc, không bỡ ngỡ, quen với công việc khi thời hạn cải tạo đã gần hết. Nhiều phạm nhân sau khi lao động tốt tại doanh nghiệp, khi hết hạn tù đã được doanh nghiệp nhận làm việc luôn" - Đại tá Nguyễn Hữu Ấm nói.

Phạm nhân Trương Văn Tròn - người làm việc ở khu sản xuất của Trại giam Phú Sơn 4 cho biết: "Công việc phù hợp với sức khoẻ của các phạm nhân. Điều quan trọng nhất, đó là chúng tôi sẽ cố gắng làm việc để khi hết thời hạn chấp  hành án được công ty nhận vào làm có thu nhập ổn định cuộc sống".

Cùng suy nghĩ trên, phạm nhân Nguyễn Văn Hồng - thi hành án tại Trại giam Vĩnh Quang cũng hồ hởi cho biết đã học được nghề làm chậu cảnh, sau khi mãn hạn tù hi vọng được công ty nhận vào làm, nếu không thì về quê cũng dễ kiếm sống với nghề này.

Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Quản lý trại giam cho biết, quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an nêu rõ lao động là một trong những biện pháp bắt buộc để cải tạo phạm nhân. Tuy nhiên cũng vì điều kiện cơ sở vật chất của các trại giam, trại tạm giam còn nhiều khó khăn nên việc tổ chức dạy nghề và lao động cho phạm nhân còn hạn chế.

Vì thế khi được liên kết với các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất để đưa phạm nhân ra ngoài trại giam, nhiều phạm nhân từ chỗ không có nghề nghiệp vào trại giam chỉ vài tháng cho đến một năm đã có thể được học nghề rồi còn được trải qua thời gian lao động thực hành nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất. Đây cũng là cách để giúp các phạm nhân sau khi mãn hạn tù sớm trở về có thể kiếm được việc làm và tái hoà nhập cộng đồng.

Báo cáo trước Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định điểm lao động dạy nghề của khu vực trại giam khi xây dựng đều có sự thống nhất giữa trại giam với doanh nghiệp và chính quyền.

Hoạt động của các cơ sở lao động, dạy nghề phải trong phạm vi quản lý của trại giam, có quy định về thiết kế mẫu của các trại giam đảm bảo giam giữ, đảm bảo an ninh, an toàn. Có sự phân công cán bộ có trách nhiệm để quản lý những khu vực này và những phạm nhân đi lao động tại khu vực này cũng phải được chọn, có những điều kiện nhất định, có cơ chế quản lý như trong trại giam.

Khi đi lao động được biên chế thành tổ đội và quản lý, thực hiện chế độ như trong khu vực trại giam. Các quy định về quản lý giam giữ như điểm danh, kiểm diện, gặp gỡ, tiếp xúc, thăm thân đều phải tuân thủ theo quy định của trại giam.

Phương Thuỷ
.
.