Không có việc Nga cắt giảm chi tiêu quân sự

Thứ Hai, 07/05/2018, 15:11
Ngày 3-5, Điện Kremlin đã bác thông tin cho rằng, do các lệnh cấm vận của Mỹ mà Nga phải cắt giảm tới 20% chi tiêu quân sự, thậm chí làm ảnh hưởng tới những hợp đồng sản xuất vũ khí với các bên thứ ba. Theo Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov - thông tin Nga giảm chi tiêu quốc phòng đã nêu đúng xu hướng, còn việc giảm chi phí hoàn toàn không đúng với thực tế.

Các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga vẫn hoạt động hết công suất

Điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên sau khi Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 2-5 công báo cho thấy chi tiêu quân sự của Nga đã giảm 20% trong năm ngoái. SIPRI đánh giá đây là sự sụt giảm đầu tiên trong gần hai thập niên qua do tác động từ một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây. Lần gần nhất Moskva buộc phải cắt giảm chi tiêu quân sự là năm 1998, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã lên tiếng bác bỏ thông tin nước này giảm 20% chi tiêu quốc phòng trong năm 2017. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nhấn mạnh trên thực tế Nga có xu hướng giảm chi tiêu quốc phòng, nhưng nó gắn liền với việc hoàn thành quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang, con số 20% mà báo chí phương Tây nêu là không đúng.

Ông Peskov cho biết thêm xu hướng giảm chi phí quốc phòng đã được Tổng thống Vladimir Putin đề cập đến nhiều lần. Quân đội Nga đã tiến hành hoạt động quy mô lớn về đổi mới kỹ thuật và công nghệ, về cơ bản tiến trình này đã hoàn tất, do đó đỉnh điểm chi phí mua sắm vũ khí công nghệ cao đã qua. Vì vậy, Nga sẽ giảm dần chi tiêu quốc phòng nhưng điều này không cản trở hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga. Tổ hợp này vẫn hoạt động hết công suất, tiến hành chế tạo các loại vũ khí có độ chính xác cao.

Theo ông Siemon Wezeman, chuyên gia cao cấp tại SIPRI, kế hoạch chi tiêu đến năm 2020 của Nga cho thấy chính phủ dự kiến chi phí quốc phòng sẽ giảm. Theo báo chí phương Tây hồi tháng 3-2018 dẫn nhận định từ Điện Kremlin cho hay, Nga sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng xuống dưới 3% GDP trong vòng 5 năm tới.

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman ngoài nguyên nhân tài chính, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi nâng cao chất lượng sống cho người dân và chi tiêu vào các hạng mục xã hội như y tế và giáo dục được cho là có liên quan tới việc giảm bớt chi tiêu quốc phòng.

Mỗi năm Nga lại ra mắt hàng chục loại vũ khí mới. Ảnh: USNI News.

Năm 2017, thế giới chi 1.739 tỷ USD cho quốc phòng

Báo cáo của SIPRI cho thấy tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng 1%, lên 1.739 tỉ trong năm 2017. Trong khi đó, theo báo cáo trên, 29 nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chi 900 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2017, chiếm 52% tổng chi tiêu quốc phòng của cả thế giới. Mỹ vẫn là quốc gia chi cho quân sự nhiều nhất thế giới với 610 tỷ USD. Tiếp theo là các nước Trung Quốc, Saudi Arabia, Nga, Ấn Độ, Pháp, Anh và Nhật Bản.

Chi tiêu quốc phòng của Mỹ, nước chiếm 35% tổng chi phí toàn cầu vẫn nhiều hơn 7 nước xếp sau cộng lại. Dự kiến trong năm nay ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ tăng đáng kể. 5 quốc gia có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới là Mỹ (610 tỷ), Trung Quốc (228 tỷ), Arab Saudi (69 tỷ), Nga (66 tỷ) và Ấn Độ (64 tỷ).

Trung Quốc cũng đã tăng chi tiêu quốc phòng, qua đó đang chiếm 13% tổng chi phí quân sự toàn cầu. Trung Quốc là nước có mức tăng chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới trong 10 năm qua, có ngân sách quân sự lớn hơn bất kỳ nước nào tại châu Á. Năm 2017, chi phí vũ trang của Bắc Kinh chiếm 13% thế giới, tăng đáng kể so với tỷ lệ chỉ 5,8% vào năm 2008.

Theo báo cáo từ SIPRI, Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với 228 tỷ USD, tăng 110% so với năm 2008, mức tăng lớn nhất thế giới. Tỷ trọng trong tổng chi tiêu quân sự toàn cầu của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2008. SIPRI cho biết, Trung Quốc đã chịu chi cho quốc phòng gấp 3,6 lần so với người láng giềng Ấn Độ. Với tham vọng hiện đại hóa quân đội, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng 8,1% cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2018 so với mức tăng 5,6% của năm 2017.

Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc có tên trong danh sách 5 quốc gia có chi tiêu quốc phòng nhiều nhất thế giới. Theo Bloomberg, điều này phản ánh những căng thẳng địa chính trị mà Ấn Độ đang phải đối mặt, sự phụ thuộc của quốc gia châu Á vào vũ khí nhập khẩu và chi phí nhân lực ngày càng gia tăng.

Thống kê của SIPRI công bố hôm 2/5 cho thấy, ngân sách quốc phòng của New Delhi tăng 5,5%, đạt 63,9 tỷ USD vào năm 2017 và đã vượt qua Pháp. Trong trường hợp Ấn Độ, đáng lưu ý, việc gia tăng ngân sách quốc phòng không đồng nghĩa với việc quân đội nước này đang triển khai các vũ khí tối tân nhất. Mức tăng này được cho là kết quả của việc tăng mức lương và lương hưu cho khoảng 1,4 triệu quân nhân và hơn 2 triệu cựu chiến binh của nước này.

“Bởi vì quá nhiều chi phí dành cho nhân lực nên không còn đủ tiền đề mua thiết bị”, ông Laxman Kumar Behera, một học giả tại Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng New Delhi cho biết. Nhận định trên cũng nhận được sự đồng tình của giới chức quân đội Ấn Độ.

Hồi tháng 3, phát biểu trước một ủy ban quốc hội, Thượng tướng Sarath Chand nói, ngân sách hiện tại chỉ vừa đủ trả thuế và lạm phát. Chỉ có khoảng 14% ngân sách là dành cho hiện đại hóa quân đội, so với 63% cho việc trả lương, ông Chan tiết lộ.

Đáng chú ý, 2017 là năm thứ 6 liên tiếp Nhật tăng chi tiêu cho quân sự. Động thái này đánh dấu sự thay đổi rõ rệt trong chính sách Nhật Bản so với yêu cầu cắt giảm ngân sách quốc phòng vào năm 2012. SIPRI đánh giá "mối đe dọa rõ ràng từ một số quốc gia “láng giềng” có ảnh hưởng lớn tới chiến lược an ninh quốc phòng của Nhật Bản.

Báo cáo của SIPRI cũng ghi nhận Nhật Bản chỉ đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng các quốc gia có chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới.

Nguyễn Hòa
.
.