Biểu tình đường phố dẫn đến khủng hoảng chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông:

Không được nhắm mắt cổ xuý

Thứ Tư, 02/03/2011, 10:25
Một tháng sau sự ra đi của Tổng thống Tunisia Ben Ali dưới sức ép đường phố, các phong trào biểu tình chống chính phủ đã nhanh chóng lan như vết dầu loang sang các nước Bắc Phi và Trung Đông. Đâu là mẫu số chung của tất cả các cuộc nổi dậy trên?

Các nhà lãnh đạo ở Trung Đông sẽ bị lật đổ hàng loạt? Liệu các cuộc biểu tình có lan sang châu Âu? Và phản ứng của cộng đồng quốc tế trước việc phương Tây cổ vũ các cuộc nổi dậy như thế nào?

Liệu các cuộc biểu tình có lan sang châu Âu? Và phản ứng của cộng đồng quốc tế trước việc phương Tây cổ vũ các cuộc nổi dậy như thế nào?

Đua nhau xuống đường

Các cuộc nổi dậy thành công ở Tunisia và Ai Cập đang làm dấy lên những cuộc biểu tình chống chính phủ ở nhiều quốc gia khác thuộc khu vực Bắc Phi và Trung Đông, nơi hàng nghìn dân chúng ở Iran, Bahrain, Algeria, Jordan, Lybia và Yemen kéo nhau xuống đường đòi hỏi có sự thay đổi sâu rộng trong những ngày qua.

Ở Iran, Bahrain và Yemen, hôm 16/2, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường đòi hỏi cải cách chính trị, tạo công ăn việc làm và chấm dứt tệ nạn tham nhũng. Mặc dù số người biểu tình không đông so với ở Ai Cập, nhưng lời kêu gọi của họ trên đường phố vang vọng lại tinh thần của những cuộc nổi dậy gần đây, vốn lật đổ được những nhà lãnh đạo độc tài.

Tại Iran, cuộc biểu tình do các thủ lĩnh đối lập Hussein Mousavi và Mehdi Karroubi phát động, với sự tham gia của hàng nghìn người bất chấp việc không được chính phủ cho phép. Đụng độ đã diễn ra giữa người biểu tình và cảnh sát khiến 2 người chết, hàng chục bị thương và 1.500 người bị bắt. Đây là lần đầu tiên phe chống đối biểu dương sức mạnh sau những cuộc xuống đường hồi năm ngoái nhưng bị chính quyền dẹp tan. Ngoài việc huy động toàn bộ lực lượng an ninh để giải tán biểu tình, Quốc hội Iran còn thành lập một ủy ban đặc biệt để duyệt lại tình hình và trong vài ngày tới, mới quyết định xem sẽ có biện pháp nào đối với các lãnh đạo chống đối.

Ở Bahrain, từ hôm 15/2, hàng nghìn người kéo về Pearl, quảng trường chính của thủ đô, cắm lều và căng biểu ngữ, với hy vọng làm được giống như ở Ai Cập, buộc có sự thay đổi ở tầng lớp cao nhất trong nước. Vua Bahrain xuất hiện hiếm hoi trên chương trình truyền hình hòng xoa dịu tình hình. Trong đợt tấn công giải tán biểu tình xảy ra đêm 16 rạng sáng 17/2 tại thủ đô Bahrain đã có 4 người chết và hàng chục người bị thương.

Tính từ hôm 15/2 đến nay, tổng cộng đã có 6 người thiệt mạng trong hàng ngũ đối lập. Cảnh sát và lực lượng chống bạo động Bahrain đã dùng lựu đạn cay, đạn cao su, đạn chùm, để giải tán người biểu tình trên Quảng trường Pearl.

Sáng 17/2, hàng chục xe tăng của quân đội được huy động đến hiện trường. Lều do người biểu tình dựng lên đã bị tháo dỡ, và chính quyền đã đưa nhân viên đến quét dọn Quảng trường Pearl. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Bahrain khẳng định, lực lượng an ninh đã giải tán đám đông sau khi tìm cách đối thoại để thuyết phục người biểu tình.

Người ủng hộ chính phủ Yemen đụng độ với người biểu tình chống chính phủ tại Sanaa, ngày 17/2.

Nhìn sang Libya, phe đối lập kêu gọi biểu tình để phản  đối chính quyền của nhà lãnh đạo Kadhafi với hy vọng Libya cũng nối gót Tunisa và Ai Cập trên con đường tranh đấu. Tuy nhiên cho đến trưa 17/2, các hoạt động trên nhiều trục lộ chính ở thủ đô Tripoli vẫn diễn ra bình thường. Để xoa dịu dư luận, chính quyền trung ương ngày 17/2 đã cách chức một viên chức địa phương tại thành phố Al Baida cách thủ đô Tripoli 1.200km về phía đông. Đêm 16/2, bạo động đã xảy ra tại Al Baida làm 2 người biểu tình thiệt mạng và 38 người bị thương.

Còn tại Yemen, ngày 17/2, xung đột lại xảy ra tại khu Đại học Sanaa giữa các thành phần bênh vực và chống đối Tổng thống Ali Abdallah Saleh, người đã liên tục cầm quyền từ 32 năm qua. Ở Jordan, hàng trăm người thuộc bộ tộc Bedouin phong tỏa đường sá, đòi hỏi chính quyền trả lại đất đai họ sở hữu trước đây. Còn tại Algeria, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra để chống lại nạn giá cả thực phẩm tăng vọt và mức thất nghiệp tăng cao, đồng thời nhắm đến việc loại bỏ Tổng thống Abdelaziz Bouteflika.

Có điểm gì chung?

Người dân Tunisia hay Ai Cập có lẽ không phải là những người bị áp bức hay nghèo khổ nhất thế giới. Vì sao làn sóng đấu tranh lại nổi lên ở những nơi này, và vì sao dân chúng tại đây lại chọn những ngày mới đây để đứng lên chống lại các chính quyền đã quyết định vận mạng của họ trong suốt nhiều thập niên qua? Phải chăng vì kinh tế thị trường đã đẻ ra một giai cấp trung lưu đủ mạnh để dám đòi hỏi tự do cùng với những an toàn pháp lý cho công việc làm ăn của họ? Nhận định này có vẻ không phù hợp với sự kiện những người biểu tình là những người nghèo khổ, tuyệt vọng... Vì thế, nếu một giai cấp trung lưu mạnh có thể là một yếu tố quan trọng trong dài hạn, điều này dường như không có tính quyết định đối với một sự đột phá đấu tranh cụ thể. Như thế, phải chăng chính sự tuyệt vọng của những người không còn gì để mất đã khiến họ lao vào một cuộc đấu tranh nhiều bất trắc? Nhưng tại sao điều ấy lại xảy ra vào lúc này?

Theo giới phân tích, có thể nghĩ đến 3 lý do. Thứ nhất, những người khởi phát đấu tranh là những người trẻ, không nhìn thấy lối thoát cho tương lai, nên không còn gì để mất, họ luôn sẵn sàng chống đối, và chỉ chờ một biến cố có tính biểu tượng là lập tức đứng lên. Thứ hai, những người trẻ ấy quen thuộc với những phương tiện truyền thông hiện đại như Facebook, Twitter... để tập hợp những hành động đấu tranh quy mô, khi có một biến cố có tính thúc đẩy mãnh liệt. Cuối cùng, trong trường hợp Tunisia, người ta không thể không nghĩ đến một cuộc đảo chính nội bộ, trước khi hay cùng lúc với những đấu tranh ngoài đường phố. Điều này cắt nghĩa sự ra đi nhanh chóng của Tổng thống Ben Ali trước áp lực của quần chúng.

Giới trẻ là lực lượng chính trong tất cả các cuộc biểu tình gần đây ở Trung Đông và Bắc Phi. Cả hai biến động ở Tunisia và Ai Cập đều được châm ngòi khi những người trẻ tuổi kích động mọi người về ý thức bị lừa dối; đó là động cơ của các cuộc nổi dậy. Tại Tunisia, chỉ cần một thanh niên tự thiêu cũng đủ châm ngòi cho cuộc nổi dậy bộc phát. Tại Ai Cập, Khaled Said, 28 tuổi, bị cảnh sát đánh chết; nhưng chưa chắc một biến cố lớn đã xảy ra nếu không có những thanh niên khác, cùng lứa tuổi trên, dưới 30, quyết tâm khơi dậy một biến động, và họ có kỹ thuật thông tin, liên lạc, vận động, tổ chức những người cùng tuổi, và những người lớn tuổi hơn họ.

Phương pháp vận động, tổ chức quần chúng trong thế kỷ XXI cũng không khác gì thế kỷ XX mấy vì tâm lý con người vẫn vậy. Nhưng kỹ thuật thông tin, liên lạc thì đã hoàn toàn khác, đã tiến những bước khổng lồ so với thế kỷ trước.

Quá mù ra mưa

Câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là liệu làn sóng các nhà lãnh đạo bị lật đổ có diễn ra theo kiểu dây chuyền domino tại Trung Đông hay không? Một vấn đề khác: mặc dù các quốc gia có những nét khác biệt nhau, tuy nhiên liệu các nhà lãnh đạo những nước này, vốn cầm quyền đã quá lâu, có điểm nào chung? Tiến sĩ Mathew Gray, giảng viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Arập và Hồi giáo thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định: chắc chắn là những quốc gia này có những điểm chung. Đó là những nước có các nhà lãnh đạo cầm quyền trong thời gian rất dài.

Từ suốt 10 năm qua, tại nhiều quốc gia (chứ không phải tất cả) đã có sự thay đổi các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, ngay tại những quốc gia đã có sự thay đổi thì đây chỉ là sự thay đổi nhân vật lãnh đạo hoặc kiểu “cha truyền con nối”. Như vậy hệ thống cũ vẫn cứ tiếp tục tồn tại.

Những biến động vừa qua tại Tunisia và Ai Cập cho thấy tình hình nay đã tiến vào một khúc rẽ quan trọng khác. Thêm vào đó, ngoài sự kiện vừa đề cập, có nhiều yếu tố tiềm ẩn khác, đặc biệt là yếu tố kinh tế, đã góp phần tạo nên biến cố khiến lãnh đạo hai nước Tunisia và Ai Cập buộc phải từ bỏ quyền lực.

Từ khi cuộc lật đổ Tổng thống Ben Ali diễn ra, người châu Âu quan sát thật kỹ các diễn biến ở Tunisia và Ai Cập và có những nhận xét khác nhau về tác động của chúng lên phần đất của mình. Cách nay mấy tháng, châu Âu bị rung chuyển bởi các vụ biểu tình do vật giá leo thang, nạn thất nghiệp, và các biện pháp kinh tế khắc khổ do các chính phủ ban hành. Các cuộc xuống đường đã diễn ra tại Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Pháp. Bây giờ châu Âu đang theo dõi các cuộc nổi dậy của nhân dân tại Tunisia, Algeria, Ai Cập; vùng đất mà châu Âu chỉ cần bước qua Địa Trung Hải là đến.

Gerald Celente, Giám đốc Viện nghiên cứu Trends ở New York cảnh báo rồi đây rất có thể các cuộc biểu tình khắp vùng Bắc Phi và Trung Đông sẽ di chuyển sang châu Âu. Ông cho rằng người Arập và người châu Âu có chung vấn đề, đó là kinh tế: "Nếu dân kiếm tiền được thì liệu họ có quan tâm đến chính quyền của mình thuộc loại độc đoán hay không? Độc đoán, độc tài hay dân chủ, dân họ chẳng thèm quan tâm, miễn sao họ kiếm ăn được".

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở Bahrain.
Người biểu tình đốt phá các đồ vật trên đường phố thủ đô Tehran, ngày 14/2.

Tại cuộc biểu tình ở Belgrade hôm 6/2 để phản đối vật giá và thất nghiệp leo thang, người Serbia nói rằng các cuộc biểu tình ở Tunisia và Ai Cập gửi một thông điệp cho mọi chính phủ là cần phải lắng nghe tiếng nói người dân. Tại Italia, một nhóm tin tặc đã tấn công trang mạng của chính phủ để phản đối các chính sách do chính phủ đưa ra. Cuộc tấn công này tương tự như những cuộc tấn công đã thực hiện tại Ai Cập và Tunisia.

Tuy nhiên, theo ông Olivier Jehin, Giám đốc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế của Pháp và bà Rime Allaf, chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu Chatham ở London, thì các cuộc biểu tình khó có thể xảy ra ở châu Âu bởi tại khu vực này không có chuyện ngăn cấm quyền tự do, đặc biệt là không có chế độ độc tài như ở một số nước Arập.

Một số nhà phân tích cho rằng hiện nay bài học chính mà châu Âu có thể rút tỉa từ các đường phố Arập là tiếp tục theo dõi và lắng nghe.

Không nên nhắm mắt cổ xúy

Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho hay việc Mỹ và phương Tây khuyến khích sự lan truyền của những cuộc cách mạng và các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại vùng Trung Đông có thể "phản tác dụng". Ông Sergei Lavrov nói rằng Nga đã tự trải qua những cuộc cách mạng và không cần kêu gọi thêm các cuộc cách mạng khác. Ông Lavrov đưa ra ý kiến của mình hôm 15/2 trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Anh, William Hague, sau khi hai nhà ngoại giao này mở các cuộc hội đàm.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, mọi căng thẳng đều cần phải được giải quyết thông qua thỏa thuận hòa bình. Ông cũng cảnh báo không nên áp đặt chế độ dân chủ theo mô hình cụ thể. Ngoại trưởng Nga cho rằng cần khuyến khích tất cả các bên nhất trí với nhau và việc áp đặt một mô hình dân chủ cụ thể sẽ là phản tác dụng.

Hôm 14/2, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ca ngợi người biểu tình Iran là dũng cảm. Chính phủ Iran đã lên án phương Tây kích động các cuộc biểu tình chống đối tại nước này. Tuyên bố trên Đài Truyền hình quốc gia, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nhấn mạnh, những diễn biến vừa qua là bằng chứng rõ ràng cho thấy "Iran có kẻ thù". Ông khẳng định "những kẻ đứng đằng sau các cuộc biểu tình sẽ thất bại".

Theo nhận định của giới phân tích, những gì xảy ra tại Bắc Phi và Trung Đông đặt ra nhiều bài toán hơn là đem lại những giải đáp. Tuy nhiên, giải được các bài toán ấy sẽ là cơ may khai phóng những khả năng của mọi con người, ở khắp mọi nơi, để có thể cùng nhau góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.