Không nên mở rộng đầu mối Cơ quan điều tra

Thứ Năm, 25/06/2015, 18:15
Thảo luận dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, rất nhiều đại biểu đồng tình việc bổ sung Cục, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu thuộc hệ thống tổ chức Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) trong Công an nhân dân; đồng thời cho rằng không nên giao nhiệm vụ điều tra cho cơ quan kiểm ngư, thuế và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước....

Cần bổ sung lực lượng chống buôn lậu vào hệ thống tổ chức cơ quan Cảnh sát điều tra

Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), thống kê phạm pháp hình sự về buôn lậu hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ năm 2010 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 57.923 vụ và thu giữ 2.678 tỉ đồng, trong đó khởi tố 4.282 vụ, chiếm 7,3%, còn lại xử lý hành chính và chuyển các cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết.

Số lượng các vụ xử lý hình sự chiếm tỉ lệ thấp, chủ yếu xử lý  hành chính, do vậy không có tính răn đe cao và các đối tượng ngày càng gia tăng, hoạt động phạm pháp để gỡ lại các hàng tịch thu, xử lý hành chính nên không ngăn chặn, đẩy lùi được tình hình. Trong số đó thì số vụ xử lý hành chính của lực lượng hải quan, quản lý thị trường, thuế chiếm tỉ lệ lớn và chưa xử lý được đối tượng chủ mưu, cầm đầu mà mới xử lý được đối tượng vận chuyển thuê và hạn chế về hiệu quả đấu tranh.

Vì vậy, bà Huyền khẳng định việc xây dựng cơ quan chuyên trách đủ mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh và có hiệu quả các loại tội phạm này nhằm góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trong nước, bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng là một yêu cầu khách quan.

Cho rằng tình hình buôn lậu hiện nay vẫn đang rất phức tạp và gây nguy hại cho nền kinh tế, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng,  đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng trong các vụ xử lý về hình sự thì mới xử lý được các đối tượng vận chuyển mà chưa xử lý được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

"Chúng tôi ủng hộ quyết định của Bộ Công an đã thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu. Tuy nhiên, chức năng điều tra cần phải được bổ sung vào trong luật của cơ quan này. Chúng tôi nghĩ việc bổ sung chức năng điều tra này rất cấp thiết và tới đây có cơ quan điều tra về chống buôn lậu này thì hy vọng tình hình chống buôn lậu sẽ có những chuyển biến".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng trước mắt cần giữ nguyên đầu mối cơ quan điều tra như quy định hiện hành.

Theo đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra khá phổ biến và gây nhức nhối trong toàn xã hội với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế của đất nước, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng. Hàng năm các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm ngàn vụ, thu giữ hàng ngàn tỉ đồng, trong thời gian gần đây đã khởi tố trên 4.000 vụ với 5.000 bị can.

Tuy nhiên, các biện pháp chủ yếu để xử lý tình trạng vi phạm buôn lậu vẫn là xử lý hành chính, tỉ lệ xử lý hình sự rất thấp. Trong số vụ xử lý hành chính của các cơ quan như hải quan, thuế, thị trường chiếm tỉ lệ rất lớn, chưa xử lý được triệt để, tận gốc và đặc biệt chưa nhằm trúng vào số chủ mưu, cầm đầu, chưa bóc gỡ được các đường dây buôn lậu, chủ yếu là xử lý các đối tượng vận chuyển.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là pháp luật của chúng ta chưa nghiêm, chưa có chế tài đủ mạnh và chưa có quy định để tổ chức lực lượng đấu tranh chuyên sâu với các biện pháp tấn công một cách quyết liệt, đủ sức răn đe, trấn áp tội phạm và hạn chế tội phạm. Nếu chỉ xử lý hành chính thì tính răn đe không cao. Mặt khác, việc hành chính hóa các hoạt động vi phạm pháp luật hình sự sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, phát sinh tiêu cực như việc bảo kê, thông đồng, ăn hối lộ... của các lực lượng chức năng xử lý hành chính.

"Bộ Công an hiện nay đã thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu, chúng ta sẽ tổ chức lực lượng nòng cốt đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu. Do đó, cần có quy định để giao quyền điều tra cho cơ quan này".

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng đồng tình bổ sung Cục, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu thuộc hệ thống Cơ quan CSĐT Công an nhân dân như quy định của dự thảo luật.          

"Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nhanh chóng bổ sung chức năng điều tra tố tụng và chức năng nhiệm vụ của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu vào Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và sửa đổi bổ sung Luật xử phạt hành chính. Việc giao thẩm quyền điều tra cho Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu không làm tăng đầu mối của cơ quan điều tra trong Bộ công an. Tôi đề nghị thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm, phức tạp về tình hình buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ để đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này".

Không nên giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền việc bổ sung kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán là cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra là chưa quán triệt thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Kết luận của Bộ Chính trị. Theo đó cần thu gọn đầu mối cơ quan điều tra, trước mắt giữ như quy định hiện hành.

Luật hiện hành giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng một số điều tra có đặc thù là hoạt động của các cơ quan này có địa bàn ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong khi đó cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán có trụ sở làm việc, địa bàn hoạt động ở những nơi có cơ quan điều tra chuyên trách, đối với kiểm ngư mặc dù có địa bàn hoạt động trên biển, nhưng đã có Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Còn nếu coi đây là lĩnh vực đặc thù thì phải bổ sung rất nhiều lĩnh vực khác đặc thù như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, kiểm toán, tín dụng, ngân hàng, chứng khoán v.v...

"Thực tế cho thấy càng mở rộng phạm vi các cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra thì càng có nguy cơ bỏ lọt tội phạm, hơn nữa các cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra không được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ điều tra khám phá tội phạm, không có điều tra viên, không có thủ trưởng cơ quan điều tra, trách nhiệm trong tố tụng hình sự cũng không rõ nên kết quả đạt được trong thực tế rất hạn chế, dường như trong các báo cáo hàng năm rất ít xem xét trách nhiệm của các cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nhiệm vụ này như thế nào? Vì vậy, không có cơ sở lý luận và thực tiễn để tiếp tục mở rộng phạm vi các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra".

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Ban soạn thảo không nên mở rộng quyền điều tra ban đầu đối với cơ quan thuế, kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán vì các cơ quan này chủ yếu thực hiện chức năng thẩm quyền hành chính. Ông Vinh đặt câu hỏi "Nếu bổ sung thêm thẩm quyền tư pháp liệu chất lượng về công tác điều tra thực thi pháp luật có đảm bảo chuyên sâu hay không?". Một vấn đề nữa đặt ra là các cơ quan này không có đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp nên kỹ năng làm hồ sơ kém, không có nghiệp vụ điều tra chuyên môn, khi chuyển hồ sơ lên Cơ quan Cảnh sát điều tra rất nhiều khả năng sẽ phải củng cố lại từ đầu.

"Đây là vấn đề năng lực tổ chức hoạt động điều tra làm rõ bản chất của vụ việc, không thuần túy chỉ là vấn đề chuyên môn của các ngành hành chính này. Nếu chỉ bổ sung 3 cơ quan này thì còn nhiều cơ quan khác thì sao? Ví dụ, lĩnh vực tài nguyên môi trường, an ninh mạng và một số lĩnh vực khác hiện nay có nhiều loại tội phạm liên quan. Nếu bổ sung thêm sẽ làm tăng đầu mối cơ quan điều tra, điều này không đúng với tinh thần cải cách tư pháp là thu gọn đầu mối. Trong khi đó, thực tế cho thấy cơ quan công an hiện nay vẫn đảm bảo thực hiện tốt chức năng này".

Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) đưa ra 3 lý do để không giao cơ quan thuế, kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước tiến hành một số hoạt động điều tra.

Thứ nhất, các cơ quan này khi tiến hành thanh tra phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật thì hoàn toàn có thể chuyển cho cơ quan điều tra tiến hành một cách bình thường. Hiện nay, việc phối hợp giữa các cơ quan này với Cơ quan CSĐT vẫn đang được tiến hành hết sức thuận lợi, hiệu quả và không có gì khó khăn, vướng mắc.

Thứ hai, các cơ quan này không phải là cơ quan chuyên môn về công tác điều tra, nên từ việc tổ chức lực lượng điều tra đến khám nghiệm hiện trường thu thập tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm là rất khó khăn và rất dễ có thể dẫn đến một số sơ hở sai phạm trong tố tụng hình sự, dẫn đến việc bắt nhầm người, thậm chí khởi tố vụ án, khởi tố bị can, dẫn đến oan sai, lúc đó mới chuyển cho Cơ quan CSĐT thì việc xử lý là hết sức phức tạp. Lúc đó, Cơ quan CSĐT sẽ phải làm lại từ đầu và có thể đối tượng sẽ thông cung, bỏ trốn và tài liệu, chứng cứ có thể bị tiêu hủy, hoặc bị làm sai lệch. Nếu các cơ quan trên có quy định quyền bắt giữ đối tượng thì việc bắt, giam giữ đối tượng ở đâu? Lúc đó phát sinh thêm nhà tạm giữ, trại tạm giam v.v...

Thứ ba, nếu cho rằng đây là các cơ quan chủ quản có chuyên môn sâu về lĩnh vực này, dễ phát hiện tội phạm và giảm tải cho Cơ quan CSĐT thì hoàn toàn có thể mở rộng cho các cơ quan như môi trường, Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán, thanh tra, thông tin truyền thông v.v... Vì các cơ quan này có đặc điểm tương tự như các cơ quan trên. Điều đó sẽ dẫn đến việc trái với chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng nếu tổ chức các cơ quan điều tra tại lĩnh vực kiểm ngư, thuế, chứng khoán thì cần có lực lượng điều tra viên am hiểu pháp luật, am hiểu về quy trình, về mặt tố tụng và Luật hình sự. Trong khi đó các cơ quan này không có, do vậy việc tổ chức như vậy sẽ bất cập không có chất lượng. Vì vậy, không nên tổ chức mở rộng cơ quan điều tra ở các lực lượng này.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) hiện nay trong lực lượng Công an nhân dân có hệ thống cơ quan điều tra gồm: Cơ quan CSĐT được tổ chức ở Bộ Công an, ở Công an các tỉnh, thành và Công an các quận, huyện; Cơ quan An ninh điều tra được tổ chức ở Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành.

Việc tổ chức Cơ quan CSĐT như thế rất hợp lý và bổ sung thêm lực lượng liên quan đến chống buôn lậu và công nghệ cao nằm trong hệ thống của tổ chức Cơ quan CSĐT. Việc tổ chức thêm này không tăng thêm đầu mối mà tổ chức theo hệ thống đảm bảo chuyên môn và tính chuyên môn hóa cao cũng như chuyên nghiệp. Từ đó đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với loại tội phạm chống buôn lậu, hàng giả và liên quan đến vi phạm bản quyền cũng như trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ có hiệu quả hơn.

"Tình hình chống tội phạm buôn lậu hiện nay có tính chất xuyên quốc gia và có tính đặc thù là phải qua biên giới. Do vậy, cần phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cảnh sát của các nước cũng như chúng ta thực hiện các điều ước liên quan đến quốc tế và hiệp định liên quan đến hỗ trợ tư pháp các nước, nên cần phải tổ chức một lực lượng chuyên nghiệp như thế này thì đấu tranh mới có hiệu quả. Từ đấu tranh có hiệu quả nó có tác dụng ngăn chặn được hàng trong nước cũng như đảm bảo chống gian lận thương mại cũng như trốn thuế trên lĩnh vực này để đảm bảo thu thuế trong nước sẽ đạt hiệu quả cao hơn".


Nhiều đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc quy định lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra.

Tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp như hoạt động lừa đảo qua mạng, trộm cắp, đánh bạc qua mạng và nguy hiểm hơn là các hoạt động khủng bố, tấn công mạng, tung virus gián điệp để đánh cắp tài liệu bí mật Nhà nước, tuyên truyền chống Đảng, chống Nhà nước...

Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng tập trung đấu tranh và triệt phá nhiều chuyên án đường dây tội phạm lớn, với số lượng tiền hàng ngàn tỉ đồng chuyển cho Cơ quan CSĐT khởi tố hàng trăm vụ án, bắt giữ hàng ngàn đối tượng, thu giữ nhiều phương tiện, thiết bị điện tử, máy tính, hàng hóa chuyên dụng được sử dụng trong hoạt động tội phạm.

Nếu tổ chức được một lực lượng chuyên trách để đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao trực thuộc Cơ quan CSĐT hiệu quả đấu tranh sẽ tốt hơn. Việc này hoàn toàn không làm tăng đầu mối, tăng biên chế, tổ chức và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Nguyễn Thiêm
.
.