Khu vực Himalaya lại bất ổn
Ngày 23-6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã cho triệu Đại biện lâm thời của Pakistan đến để bày tỏ quan ngại về hoạt động của các quan chức Pakistan ở Ấn Độ, khẳng định những quan chức này đã tiến hành các hoạt động gián điệp. Do đó, Chính phủ New Delhi quyết định Cao ủy Pakistan tại Ấn Độ phải giảm 50% số nhân viên và phải thực hiện quyết định này trong vòng 7 ngày. Chỉ vài giờ sau quyết định của phía Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Pakistan cũng có quyết định tương tự, yêu cầu Ấn Độ giảm một nửa số nhân viên trong Cao ủy, tức Đại sứ quán Ấn Độ ở Pakistan.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Pakistan cũng bác bỏ các cáo buộc của phía Ấn Độ, khẳng định các nhân viên ngoại giao Pakistan luôn hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ngoại giao. Hành động “trả đũa ngoại giao” mới nhất giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á này được cho là bắt nguồn từ sự việc Ấn Độ hồi tháng 5 đã trục xuất 2 nhân viên ngoại giao Pakistan, với cáo buộc gián điệp và hợp tác với khủng bố. Ngay sau đó, Pakistan cũng có động thái tương tự.
Binh lính Ấn Độ và Pakistan trong một nghi lễ ở biên giới. |
Trong lịch sử, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn không ngừng leo thang căng thẳng liên quan đến các vấn đề như khu vực tranh chấp Kashmir, hoạt động quân sự và các vụ tấn công tại khu vực biên giới. Việc hai nước trục xuất nhân viên ngoại giao của nhau không phải là hiếm gặp.
Tháng 8-2019, Pakistan đã đình chỉ gần như tất cả mối quan hệ thương mại và giao thông với Ấn Độ sau khi New Delhi đơn phương đưa ra quyết định bãi bỏ quy chế tự trị và đặc biệt của khu vực Kashmir - một quyết định chính trị được xem là có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần 7 thập niên qua.
Kashmir hiện được chia làm 2 phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát nhưng cả hai nước đều đòi chủ quyền với toàn bộ vùng này. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được ký năm 2003, đụng độ giữa binh sĩ hai bên vẫn tiếp diễn. Có 820 vụ nổ súng xảy ra ở Kashmir trong năm 2018, trong đó Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
Căng thẳng bị đẩy cao vào ngày 27-2-2019 khi nổ ra trận không chiến lớn nhất giữa không quân hai nước kể từ năm 1971, trong đó hàng loạt chiến đấu cơ Ấn Độ và Pakistan giao tranh trên vùng trời Kashmir. Tiêm kích hai bên phóng nhiều loại tên lửa về phía nhau nhưng chỉ một chiếc MiG-21 Ấn Độ bị bắn hạ, khiến phi công phải nhảy dù và bị bắt làm tù binh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, trong bối cảnh hai nước đều đang phải đối mặt với kẻ thù chung là đại dịch COVID-19, việc gia tăng căng thẳng vào lúc này sẽ chỉ càng khiến cả hai đối mặt với khó khăn và đẩy quan hệ ngoại giao vào vòng xoáy nguy hiểm.
Brahma Chellaney - chuyên gia nghiên cứu các vấn đề chiến lược Ấn Độ nhận xét: “Giờ là thời điểm hai nước nên chú trọng vào xử lý cuộc khủng hoảng ngay trong lòng mỗi nước. Tuy nhiên, thay vì xử lý đại dịch, cả hai đều đang khoét sâu căng thẳng và khiến khủng hoảng ngoại giao có nguy cơ lan rộng hơn nữa”.
Trong khi ấy, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa giải quyết hoàn toàn cuộc đối đầu chết người tồi tệ nhất ở khu vực biên giới chưa phân định rõ ràng. Ngày 24-6, đại diện Bộ Ngoại giao và quân đội Trung Quốc tiếp tục đổ lỗi cho Ấn Độ về vụ việc ngày 15-6. Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng trách nhiệm đối với cuộc xung đột biên giới ở thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh ở Kashmir, nằm hoàn toàn ở phía Ấn Độ.
Binh sĩ Ấn Độ đi tuần dọc biên giới với Pakistan. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra giải thích dài dòng về quan điểm của Bắc Kinh và thúc giục New Delhi đồng ý khôi phục hòa bình và ổn định ở vùng biên giới tranh chấp. Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa có phản ứng trước những tuyên bố này nhưng trước đó, New Delhi tố cáo Bắc Kinh là người gây hấn và đã giết chết nhiều binh lính của Ấn Độ trên phần đất do nước này kiểm soát ở vùng biên giới hai nước.
Liên quan đến căng thẳng ngoại giao Ấn Độ-Pakistan, báo SCMP của Trung Quốc ngày 24-6 dẫn lời các nhà quan sát của nước này cho rằng, đối đầu giữa Pakistan và Ấn Độ sẽ tiếp tục leo thang, đẩy các bên vào nguy cơ đụng độ cũng như ảnh hưởng tới toàn khu vực. Học giả Yun Sun từ Trung tâm Stimson, Washington nói, trong bối cảnh mối quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ ngày càng sâu sắc, khả năng Bắc Kinh đóng vai trò tích cực trong cuộc khủng hoảng Ấn Độ-Pakistan sẽ trở nên vô cùng mờ nhạt.
Sun Shihai, một chuyên gia về Nam Á tại Đại học Tứ Xuyên nhận định: “Tình hình hiện rất gay go cho cả Ấn Độ, Pakistan và các nước khác như Mỹ và Trung, bởi vì một cuộc xung đột vũ trang hoặc một cuộc chiến tranh sẽ là điều cuối cùng mà mọi người muốn thấy”.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, Ấn Độ dường như lựa chọn một cách tiếp cận mang tính gây hấn hơn và đôi khi là bất cẩn trước những tranh chấp biên giới đã kéo dài nhiều thập niên với các láng giềng. Họ nhận xét, Bắc Kinh đang gia tăng cảnh giác trước chính sách đối ngoại mang tính phiêu lưu và mang đậm chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Modi với New Delhi mở rộng kết nối với Washington. Tuy nhiên, thật khó để coi những nhận xét này là công bằng, vô tư.
Nên biết rằng, Trung Quốc là nước đồng minh của Pakistan. Pakistan từng nhượng cho Trung Quốc một phần Kashmir và nay nhận nhiều tiền đầu tư vào hành lang kinh tế khổng lồ nối vùng phía Bắc nước họ với biển Arab. Ấn Độ cũng là nước phản đối việc triển khai dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Nam Á.
Còn một yếu tố tiềm tàng khác có thể khiến tình hình an ninh khu vực Himalaya thêm bất ổn, đó là những tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ-Trung Quốc và Nepal. Đầu tháng trước, Nepal - nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhưng có quan hệ khá thân thiết với New Delhi - phản đối việc Ấn Độ xây dựng một con đường mới ở cửa ngõ biên giới Lipulekh, nối giữa bang Uttarakhand của Ấn Độ với vùng Tây Tạng của Trung Quốc.
Nepal chỉ trích Ấn Độ đơn phương thay đổi tình trạng hiện tại ở ngã ba biên giới Nepal-Trung Quốc-Ấn Độ. Đáp trả, Ấn Độ cho rằng Nepal đang đi theo cách tiếp cận cứng rắn một cách bất thường “theo chỉ thị một bên nào đó” nhưng không nêu tên Trung Quốc.