Khúc dạo đầu cho chiến tranh Nga-Ukraine?
- Leo thang căng thẳng Nga - Ukraine
- Quan hệ Nga – Ukraine: Ánh sáng cuối đường hầm
- Nga-Ukraine trao đổi 35 tù binh, gồm nhóm thuỷ thủ bị bắt ở Eo biển Kerch
80.000 binh sĩ Nga ở vùng biên giới
Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Iuliia Mendel hôm 12-4 cho hay, Nga đã điều hơn 40.000 binh sĩ đến biên giới phía Đông Ukraine và 40.000 binh sĩ khác tới Crimea - nơi được tuyên bố là thuộc Nga từ năm 2014. “Văn phòng Tổng thống chúng tôi đã yêu cầu được nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chúng tôi chưa nhận được câu trả lời và hy vọng rằng đây không phải là lời từ chối đối thoại", bà Iuliia Mendel nói với hãng Interfax và cho biết thêm, yêu cầu đàm phán đã được gửi đi vào ngày 26-3, sau khi 4 quân nhân Ukraine thiệt mạng do bị pháo kích ở miền Đông.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thăm quân đội ở khu vực phía đông Donbass hôm 9-4, trong bối cảnh căng thẳng leo thang. |
Bộ Ngoại giao Ukraine thì yêu cầu Nga chấm dứt cái họ gọi là “những lời ngụy biện và thông tin sai lệch về quân sự”. Trung tuần tháng 4, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã tới Paris để nói chuyện với các nhà lãnh đạo châu Âu về hành động của Nga cũng như cuộc xung đột đang ngày càng leo thang ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Ông Volodymyr Zelenskiyy dự kiến có cuộc gặp với đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ông "không thấy bất kỳ yêu cầu nào trong vài ngày qua". Khẳng định việc các lực lượng quân sự của Nga được tự do di chuyển trong lãnh thổ đất nước khi thấy phù hợp và việc chuyển quân gần biên giới Ukraine cùng các cuộc tập trận không gây ra mối đe dọa nào, Điện Kremlin nhắc lại rằng sự ủng hộ của họ đối với phe ly khai chỉ giới hạn ở sự hậu thuẫn chính trị và nhân đạo.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thăm quân đội ở khu vực phía đông Donbass. |
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc Ukraine có "các hành động khiêu khích nguy hiểm" ở khu vực Donbas, miền Đông Ukraine và cho biết, các cố vấn chính trị Nga-Ukraine đang nỗ lực tổ chức một vòng đàm phán mới có thể diễn ra theo định dạng Normandy - một cuộc đối thoại đa phương với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm 12-4 cũng kêu gọi Moscow tuyên bố ý định của mình trong khu vực, nói rằng nếu chính phủ của ông Vladimir Putin "không có gì phải che giấu thì có thể dễ dàng giải thích lý do tại sao quân đội lại được di chuyển".
Còn Manfred Weber, một thành viên nổi tiếng của Nghị viện châu Âu gọi việc tăng cường quân đội của Nga là một phép thử giới hạn của phương Tây, đồng thời cảnh báo rằng nếu tình hình tiếp tục leo thang, Moscow sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.
Cận kề nguy cơ xung đột
Giao tranh ở miền Đông Ukraine đã tạm lắng từ tháng 7 năm ngoái nhưng nay lại nóng lên và chứng kiến bạo lực bùng phát. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu việc Nga bắt đầu tập trung quân đội dọc biên giới Ukraine có phải là một khúc dạo đầu cho chiến tranh? Thực tế là năm ngoái, Moscow và Kiev đã đồng ý thực thi tốt hơn một lệnh ngừng bắn kéo dài ở miền Đông Ukraine, cụ thể là các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk.
Song, Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy đã không thể thực hiện lời hứa của mình khi còn tranh cử. Bạo lực ở Donbass bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 2 khi Ukraine điều động thêm lực lượng và vũ khí mới tới tuyến đường biên giới; đồng thời thông báo kế hoạch tập trận chung với các nước thành viên NATO trên lãnh thổ nước này.
Về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, tư cách thành viên của Ukraine trong NATO có thể dẫn đến sự leo thang ở quy mô lớn tại các nước cộng hòa ly khai miền Đông Nam Ukraine và gây ra tác động không thể đảo ngược đối với Ukraine. Cũng theo phía Nga, việc Ukraine gia nhập NATO chỉ là ảo tưởng, bởi một trong những nguyên tắc để một quốc gia được nhập tổ chức này, đó là không có xung đột nội bộ, nếu không, sẽ biến NATO thành bên tham chiến. Nga cũng đáp trả bằng việc tăng cường kiểm soát biên giới với Ukraine.
Binh sĩ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) trong cuộc tập trận gần thành phố Donetsk hồi tháng 8-2020. Ảnh: EPA. |
“Rõ ràng, Ukraine muốn tỏ rõ sự cứng rắn với Nga, muốn giải quyết cuộc xung đột nội bộ bằng biện pháp sức mạnh. Đồng thời, nếu gia nhập NATO, Ukraine có thể kỳ vọng vào sự hỗ trợ của các đồng minh để đương đầu trực diện với Nga trong việc giải quyết bất đồng”, hãng AP bình luận.
Thêm vào đó, với việc nước Mỹ có chính quyền mới, Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy bắt đầu đưa ra các quyết định để Washington tham gia trực tiếp hơn vào tình trạng bế tắc ở miền Đông. Tuy nhiên, theo tính toán của giới chức NATO, Nga không có khả năng làm leo thang vấn đề đối với Ukraine bởi họ cũng đang lo lắng về việc sa lầy vào một cuộc xung đột tốn kém mà không có chiến lược rút lui rõ ràng, đặc biệt là cuộc xung đột có khả năng khiến các nước phương Tây thất vọng. Hơn nữa, yếu tố trong việc can thiệp quân sự thay mặt cho Donetsk và Luhansk không có sức hấp dẫn chính trị đối với công chúng Nga giống như các cuộc xung đột ở Gruzia và Crimea trước đây.
Về phía Ukraine, giới quan sát cũng cho rằng nước này không muốn tham gia vào một cuộc chiến kéo dài với nước láng giềng lớn hơn. “Kiev hiểu rằng nếu thực hiện bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào Nga, họ có nguy cơ mất đi sự hậu thuẫn hiện có của phương Tây”, bài viết trên tạp chí Times có đoạn. Cũng theo nhận định của tạp chí Times, căng thẳng Nga - Ukraine hiện nay còn là thách thức với NATO và phép thử đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.