Khúc mắc NATO - Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Tư, 13/11/2019, 15:39
Thời gian qua, giới quan sát cực kỳ chú ý tới mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dường như căng thẳng đang có dấu hiệu gia tăng sau việc Ankara tiếp tục mở các đợt tấn công quân sự vào khu vực Đông Bắc Syria, cũng như động thái ký kết thỏa thuận với Nga liên quan đến an ninh ở Syria.

Nhưng, dù có khó chịu đến mấy, NATO - liên minh do Mỹ dẫn đầu - vẫn cố gắng tỏ ra nhẫn nhịn để giữ mối quan hệ ấm êm với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giọt nước tràn ly

Gia nhập NATO từ năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây gây bất ngờ khi tấn công người Kurrd ở Syria - lực lượng được Mỹ hậu thuẫn, trở thành đồng minh quan trọng nhất của liên minh NATO trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tiếp đó, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nhiều sóng gió khi Ankara bảo vệ thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, dẫn đến việc Mỹ tạm thời ngừng bàn giao các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối các động thái trừng phạt đối với Ankara liên quan đến các cuộc tấn công người Kurd hay động thái Mỹ công nhận vụ thảm sát người Armenia dưới thời đế chế Ottoman là diệt chủng.

“Giọt nước tràn ly” xuất hiện khi Thổ Nhĩ Kỳ liên kết với Nga - đối thủ của NATO - nhờ thỏa thuận về việc tuần tra chung giữa các lực lượng của Ankara và Moscow ở khu vực miền Bắc Syria, cũng như tạo điều kiện cho việc rút các đơn vị người Kurd cùng vũ khí vào sâu phía trong, cách biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ 30km. Bên cạnh đó, Nga sẽ bảo đảm an ninh cho cư dân ở những khu định cư Syria, trong khu vực 30km dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ gây bất ngờ khi tấn công người Kurd ở Syria - lực lượng được Mỹ hậu thuẫn.

Bình luận về động thái này, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận vai trò của Mỹ ở Syria, khẳng định sự hợp tác chặt chẽ Nga - Thổ đã đóng góp công sức lớn nhất để giải quyết cuộc xung đột ở Syria trong suốt 8 năm qua, vô hiệu hóa hàng ngàn tay súng khủng bố IS.

Ngay lập tức, phía NATO lên tiếng chỉ trích động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh chính thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ở miền Bắc Syria mới là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến việc giảm đáng kể bạo lực trong khu vực. NATO cũng bày tỏ sự lo ngại về việc chính quyền Ankara đang đi chệch hướng phương Tây để xoay theo quỹ đạo Nga, đặt các đồng minh NATO vào tình huống rất khủng khiếp với những nguy cơ khó lường.

Bất chấp những tuyên bố từ NATO, phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn đưa ra giọng điệu đầy thách thức, khẳng định Ankara có quyền kết thân với Moscow như đã làm với Washington. Quan trọng hơn, giới quan sát nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tìm kiếm cơ hội từ bạn hàng vũ khí Nga để hạn chế ảnh hưởng từ Mỹ cũng như kiếm chế lợi ích của người Kurd Syria.

NATO và Thổ Nhĩ Kỳ cần làm việc cùng nhau trong hòa bình để tiếp tục duy trì quan hệ chiến lược.

Một đồng minh quan trọng?

Hầu hết các quốc gia NATO đều chỉ trích những bước đi được cho là chống lại NATO liên quan đến cuộc chiến ở Đông Bắc Syria của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời quan ngại thỏa thuận Nga - Thổ sẽ mở ra cơ hội giúp Moscow gia tăng ảnh hưởng ở Syria. Trong khi đó, Mỹ cho rằng thỏa thuận sẽ tác động tiêu cực đến cuộc chiến chống IS, cùng các lợi ích trên “bàn cờ” Syria, vốn khiến phương Tây hao công tốn của suốt thời gian qua.

Vì những yếu tố này mà Mỹ đã tiến hành tăng thuế lên hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, dừng đàm phán thỏa thuận thương mại với trị giá ước tính lên đến vài trăm tỷ USD và đang cân nhắc các điều luật trừng phạt đối tượng nước ngoài cung cấp vũ khí cho các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

NATO bày tỏ sự lo ngại về việc chính quyền Ankara đang đi chệch hướng phương Tây để xoay theo quỹ đạo Nga.

Đã xuất hiện nhiều ý kiến muốn xem xét lại tư cách thành viên của Ankara. Trong khi Tây Ban Nha đe dọa sẽ rút tên lửa Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, thì trên 70% người Đức muốn NATO trục xuất Ankara khỏi liên minh, đồng thời ủng hộ việc Berlin áp đặt lệnh cấm hoàn toàn bán vũ khí cho Ankara.

Một số ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập vùng an toàn tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu sự tham gia của lực lượng quân sự đến từ nhiều cường quốc trong NATO để duy trì ảnh hưởng của liên minh. Sức ép rất lớn từ NATO đòi hỏi Ankara cân nhắc biện pháp hóa giải mâu thuẫn, trong khi vẫn đạt được những mục tiêu đã định, liên quan cuộc khủng hoảng Syria.

Thế nhưng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan dường như không phát đi tín hiệu nào cho thấy muốn cải thiện quan hệ với NATO, đặc biệt là Mỹ. Nhiều khả năng, Ankara biết rằng NATO sẽ phải nhẫn nhịn trước vị thế cường quốc quân sự thứ hai (sau Washington) của quốc gia này trong liên minh. Trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ dễ khiến NATO suy yếu, phá vỡ chiến lược trên biển Đen và Địa Trung Hải, đồng thời khiến Mỹ mất đi căn cứ ký gửi kho đầu đạn hạt nhân.

Trên thực tế, Tổng Thư ký NATO khẳng định vai trò của Ankara trong việc làm suy yếu IS cũng như tiếp nhận người tị nạn Syria, đặt ra yêu cầu NATO và Thổ Nhĩ Kỳ cần làm việc cùng nhau trong hòa bình để tiếp tục duy trì quan hệ chiến lược.

Hiện nay, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và toàn khối NATO nói chung đang có những bất đồng, rạn nứt hay thiếu tin tưởng lẫn nhau. Nó khiến Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử hơn 70 năm qua. Theo giới quan sát, bối cảnh này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cho một giải pháp chính trị được lên kế hoạch dài hạn.

NATO cần phải tính đến một lộ trình rõ ràng, tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo rằng họ sẽ lại trở thành đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy, có trách nhiệm như trước đây.

Trần Quân (tổng hợp)
.
.