Khủng hoảng Bolivia có bàn tay bên ngoài?

Thứ Tư, 13/11/2019, 17:42
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Bolivia kéo dài 20 ngày qua tạm lắng sau khi Tổng thống Evo Morales tuyên bố từ chức. Quốc gia Nam Mỹ này đang như rắn không đầu khi mà tất cả những người theo hiến pháp sẽ lên tạm nắm quyền thay ông Morales đều đã từ chức trước đó. Liệu trong cuộc “đảo chính” này có bàn tay từ bên ngoài?

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Bolivia bắt đầu từ ngày 20-10 sau cuộc bầu cử tổng thống. Tham gia cuộc đua này, tổng thống mãn nhiệm Morales đương đầu với đối thủ nặng ký, Carlos Mesa, cựu Tổng thống Bolivia (2003-2005), người theo chủ trương trung lập.

Ngày 20-10, vài giờ sau khi kết thúc bỏ phiếu, kết quả kiểm sơ bộ 84% số phiếu cho thấy ông Morales giành được 45% còn Mesa giành được 38%. Nhưng việc công bố kết quả chính thức đáng lý phải diễn ra đêm 20-10, lại bị ngưng không rõ lý do. Ngày hôm sau, trong khi chờ đợi kết quả, ông Mesa lên tiếng cáo buộc ông Morales gian lận để tránh đối đầu trong vòng 2. Sau đó, những người ủng hộ phe đối lập bắt đầu biểu tình bên ngoài các trung tâm kiểm phiếu chính ở thủ đô La Paz và các thành phố khác.

Cuối ngày 21-10, cơ quan bầu cử công bố kết quả kiểm 95% số phiếu cho thấy ông Morales đang tiến tới một chiến thắng hoàn toàn, tức là không cần tổ chức vòng 2. Cùng lúc, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS), cơ quan 35 thành viên có mục tiêu thắt chặt quan hệ giữa các nước châu Mỹ, bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc và bất ngờ trước sự thay đổi mạnh mẽ và khó giải thích”.

Một lần nữa ông Mesa cáo buộc đối thủ gian lận kết quả kiểm phiếu. Bạo lực cứ thế bùng phát sau đó tại các cuộc biểu tình ở một số thành phố. Các văn phòng bầu cử tại Sucre và Potosi bị phá hoại, trong khi đám đông hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ đụng độ ở La Paz.

Ông Morales coi các cuộc biểu tình của phe đối lập là “đảo chính”. Trong khi đó, đối thủ Mesa kêu gọi người ủng hộ đẩy mạnh biểu tình và khẳng định “vòng bầu cử thứ hai phải diễn ra”. Ông tuyên bố không công nhận kết quả được tòa án đưa ra, với cáo buộc số phiếu đã bị thao túng để giúp ông Morales giành chiến thắng. Những ngày tiếp theo, liên tiếp xảy ra các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và phe ủng hộ chính phủ. Án mạng đã xảy ra.

Tối 24-10, cơ quan bầu cử Bolivia công bố kết quả chung cuộc: ông Morales giành được 47,08% phiếu bầu còn ông Mesa giành được 36,52%. Như vậy theo luật, ông Morales đã chiến thắng hoàn toàn và không cần phải tổ chức bầu cử vòng 2. Trong khi đó, phe đối lập, EU, Mỹ, OAS, Argentina, Brazil và Colombia hối thúc Bolivia tổ chức bầu cử vòng 2.

Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố từ chức ngày 10-11.

Giọt nước tràn ly là khi các chỉ huy lực lượng vũ trang và cảnh sát quay sang ủng hộ phe đối lập và kêu gọi ông Morales từ chức. Cuối ngày 10-11, ông Morales lên truyền hình tuyên bố từ chức sau gần 14 năm nắm quyền và nói đây là “kết quả của một cuộc đảo chính”.

Ông cũng kêu gọi dân chúng ngưng các cuộc biểu tình bạo động, đốt phá trên toàn quốc. Các cuộc biểu tình đụng độ giờ chuyển thành các cuộc tuần hành ăn mừng. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Bolivia tạm lắng ít giờ sau 3 tuần sóng gió. Tạm lắng bởi đến tối 10-11, những người ủng hộ Tổng thống Morales đã nổi cơn thịnh nộ, đặc biệt là tại thành phố El Alto, thành trì của đảng cầm quyền cũ.

Người biểu tình giận dữ đã tấn công các cơ sở nhà nước tại đây. Trong khi đó, phe đối lập xông vào và chiếm Đại sứ quán Venezuela ở Bolivia.

Hiện chưa rõ ai sẽ tạm thời thay thế ông Morales. Những người trên nguyên tắc có quyền lên làm tổng thống lâm thời Bolivia sau khi Tổng thống Morales từ chức đều đã rời bỏ chức vụ, từ Phó Tổng thống Alvaro Garcia, cho đến Chủ tịch và Phó chủ tịch Thượng viện cũng như chủ tịch Hạ viện. Hiện tại không ai đứng đầu đất nước Bolivia.

Sự ra đi của ông Morales khiến phe cánh tả ở Mỹ Latin mất đi một người thúc đẩy tư tưởng chống Mỹ. “Về mặt chính trị, ông ấy là người có ảnh hưởng lớn”, Eduardo Gamarra, học giả tại Đại học Quốc tế Florida, nói. Phản ứng trước việc Tổng thống Bolivia thông báo từ chức, các lãnh đạo cánh tả châu Mỹ Latin từ Venezuela, Nicaragua, Cuba, cho đến Tổng thống Argentina vừa đắc cử và cựu Tổng thống Brazil Lula vừa ra tù, đều lên tiếng tố cáo một “cuộc đảo chính” để lật đổ vị Tổng thống Bolivia dân cử.

Nga cũng gay gắt tố cáo các hành vi bạo lực mà phe đối lập tại Bolivia tiến hành để buộc ông Morales từ chức và theo Moscow, vụ việc này giống như “một cuộc đảo chính”. Chính phủ Peru hối thúc Bolivia nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử minh bạch với sự hỗ trợ của Tổ chức OAS và các tổ chức quốc tế.

Trong khi đó, Chính phủ Colombia kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Thường trực Tổ chức OAS nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp về tình hình Bolivia. Tại châu Âu, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên minh châu Âu Federica Mogherini kêu gọi các bên tại Bolivia giữ thái độ chừng mực và có trách nhiệm để tiến tới một cuộc bầu cử mới đáng tin cậy.

Theo giới quan sát, việc từ chức của ông Morales mới là sự khởi đầu của kết thúc, có thể đẩy Bolivia vào nội chiến kéo dài. Trong bài phát biểu chia tay, ông khẳng định mặc dù từ chức, đây không phải là kết thúc. Ông tại vị từ năm 2006 trong sự trỗi dậy của “thủy triều hồng” - xu hướng một loạt tổng thống cánh tả đắc cử hoặc củng cố quyền lực tại Mỹ Latin. Tuy nhiên, hầu hết các lãnh đạo này giờ đây đã rời ghế hoặc đối mặt với áp lực kinh tế và chính trị lớn, tiêu biểu là Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Theo nhà phân tích chính trị người Nga, Andrew Korybko, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Bolivia là mục tiêu cuối cùng của các nỗ lực thay đổi chế độ của Hoa Kỳ? Những lý do chính trị và địa chính trị này giải thích lý do tại sao Mỹ muốn lật đổ Chính phủ Bolivia.

Quan hệ giữa Mỹ và Bolivia trở nên căng thẳng đặc biệt từ năm 2008 sau khi hai nước trục xuất đại sứ của nhau và chỉ duy trì quan hệ cấp đại biện. Năm 2011, hai bên đã ký thỏa thuận khung về bình thường hóa quan hệ và trao đổi lại đại sứ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, bang giao giữa hai nước vẫn căng thẳng.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.