Khủng hoảng Syria: Những tín hiệu tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh
Cuộc khủng hoảng tại Syria vừa bất ngờ xuất hiện những dấu hiệu cho một giải pháp hoà bình giữa chính quyền Damascus với phương Tây sau khi không hẹn mà nên cả Mỹ, Nga đều đề xuất một giải pháp tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh cho Syria.
Ngoại trưởng Mỹ vừa mở đường đàm phán hòa bình cho Syria. Trong một cuộc họp báo ở London hôm 9/9 vừa qua, các phóng viên hỏi ông Kerry về việc Chính phủ Syria đã được công bố tất cả mọi khả năng để tránh đòn tấn công của Mỹ hay chưa.
"Trong vòng một tuần, ông Assad có thể giao nộp cho cộng đồng quốc tế toàn bộ vũ khí hóa học cho đến đơn vị cuối cùng. Giao nộp tất cả không để sót lại gì và cho phép kiểm kê đầy đủ và toàn bộ số vũ khí. Nhưng ông ta có thể sẽ không làm điều đó, và việc này sẽ khó xảy ra" - Hãng Reuters trích lời Ngoại trưởng Mỹ.
Theo ông Kerry, chỉ có 3 người được quyền kiểm soát vũ khí hóa học ở Syria. Đó là Tổng thống Syria Bashar Assad, người em trai Maher của ông và một viên tướng nữa mà Ngoại trưởng Mỹ không nêu tên.
Cùng ngày, Nga kêu gọi lãnh đạo Syria đặt vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát quốc tế nếu như điều này cho phép tránh một cuộc tấn công quân sự từ phía Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Nếu như việc thiết lập kiểm soát quốc tế đối với vũ khí hóa học trong nước này cho phép ngăn chặn cuộc tấn công, chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt tay vào làm việc với Damascus. Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo Syria không chỉ thỏa thuận về việc chuyển những địa điểm lưu trữ vũ khí hóa học dưới sự giám sát quốc tế, mà còn về việc hủy diệt chúng sau đó, cũng như về việc trở thành một thành viên đầy đủ của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học".
Trước đề nghị trên của Nga, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem ngày 9/9 nói với các phóng viên rằng, Damascus hoan nghênh sáng kiến của Nga về khả năng chuyển giao vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế. Ông Muallem nói: "Nước cộng hòa Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga, xuất phát từ sự quan tâm của lãnh đạo Syria về sinh mạng của công dân chúng tôi và an ninh ở đất nước chúng tôi". Ông Muallem cũng bày tỏ sự tin tưởng vào sự sáng suốt của Chính phủ Nga, vốn đang nỗ lực để ngăn chặn cuộc xâm lược của Mỹ chống lại dân tộc Syria.
Trước đó lại xuất hiện thông tin cho biết Liên minh châu Âu đang bí mật thúc đẩy một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Syria và thế giới phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp người đồng cấp Syria Walid Al-Muallem ngày 9/9 tại Moscow. |
Phản ứng trước những thông tin trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đề xuất của Nga là một sự tiến triển tích cực tiềm tàng, thể hiện bước đột phá đáng kể trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, ông Obama vẫn bày tỏ hoài nghi về khả năng Chính phủ Syria tuân thủ những nghĩa vụ của nước này. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cũng nêu rõ đề xuất của Nga xuất phát từ mối đe dọa hiện hữu của một chiến dịch quân sự của Mỹ và Washington không tin tưởng chính quyền Bashar al-Assad.
Chúng tôi vẫn nghi ngờ cao độ đối với chính quyền Syria. Trong mấy ngày gần đây, Tổng thống Bashar al-Assad thậm chí còn không thừa nhận Syria sở hữu kho vũ khí hóa học, đó là chưa kể chính quyền nước này đã nhiều lần sử dụng loại vũ khí này". Phía Mỹ sẽ không loại trừ đây là chiến thuật kéo dài thời gian của Syria vì trong suốt 2 năm qua và cả trước đó, Tổng thống Bashar al-Assad luôn từ chối trao quyền kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria cho cộng đồng quốc tế.
Theo các nhà phân tích, những đề xuất trên có thể sẽ không nhất thiết thành hiện thực tuy nhiên chúng sẽ góp phần làm hạ nhiệt không khí chiến tranh giữa Mỹ và Syria. Nhận xét về mức độ "thật lòng" trong đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ, giới phân tích thấy rõ ràng đây là một dấu hiệu lưỡng lự nữa của Washington trước khả năng tấn công quân sự Syria. Trả lời trước câu hỏi vậy tại sao Mỹ vẫn đang ráo riết vận động cho một giải pháp vũ lực, các chuyên viên đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết đây là đòn chiến tranh tâm lý. Tất cả đều nhằm tới một điều: ép chính quyền Tổng thống Assad bước vào bàn đàm phán với tâm thế thấp.
Từ khi Mỹ nêu ra khả năng can thiệp quân sự vào Syria, số lượng đồng minh của Mỹ ủng hộ cho giải pháp này ngày càng rơi rớt. Điển hình là vụ đồng minh lâu đời và thân thiết nhất của Mỹ là Anh đã đi đầu trong việc này. Chính quyền ở các nước kẻ thù của chính quyền Assad trong khu vực ban đầu cũng xông xáo nhưng giờ lại đá bóng trách nhiệm sang sân các nhà lập pháp của họ. Nhiều người còn cho rằng, trong vụ này Mỹ là siêu cường cô đơn. Giờ đây, bên cạnh việc cố gắng "vớt vát" các đồng minh châu Âu, Washington đang nỗ lực vận động người dân, mà đại diện là các nghị sĩ, đồng ý cho việc đánh Syria. Riêng trong chuyện trì hoãn này đã thấy sự "không mặn mà" của chính quyền Obama cho giải pháp quân sự.
Thực ra nếu muốn đánh Syria, ông Obama đâu cần phải hỏi Quốc hội vì theo hiến pháp Mỹ, tổng thống là người có quyền phát động chiến tranh, chỉ cần thông báo cho các dân biểu biết trước 36 giờ đồng hồ mà chẳng cần biết họ có đồng ý hay không. Đằng này, Tổng thống Obama đẩy trách nhiệm sang Quốc hội, với một ẩn ý rằng: "Nếu các vị quyết thì về sau các vị đừâng kêu ca!". Nên biết năm sau là bầu cử Quốc hội Mỹ, do vậy mọi hành động bất lợi bây giờ đều có thể ảnh hưởng tới tương lai cho đảng của ông Obama trong những kỳ bầu cử tiếp theo.
Ngày 9/9, Quốc hội Mỹ bắt đầu thảo luận về đề xuất đánh Syria của chính quyền Obama. Trong ngày 11/9, các dân biểu Mỹ sẽ bỏ phiếu cho vấn đề này. Theo nhận định của giới quan sát, nhiều khả năng Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu chống hoặc là một kết quả nào đó để kéo dài thời gian cho một quyết định cụ thể. Nói trắng ra thì nếu ông Obama đã mấy lần muốn trì hoãn khả năng tấn công Syria thì nay các dân biểu Mỹ cũng muốn trì hoãn điều này. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ cũng đang tìm cách trì hoãn.
Rõ ràng tất cả đều không muốn cuộc chiến này nổ ra bởi đơn giản một điều "tiền lời" thu về từ cuộc chiến này quá thấp so với tiền cược bỏ ra chứ thực chất chả có cái gì gọi là "quốc tế hành động để bảo vệ nhân quyền ở Syria" nào cả