Khủng hoảng Venezuela: Căng thẳng chuyển ra biên giới
- Liên hợp quốc kêu gọi giảm căng thẳng ở Venezuela
- Venezuela cân nhắc đóng cửa biên giới với Brazil để chặn hàng viện trợ
Đóng cửa biên giới
Để chuẩn bị, nhiều đơn vị quân đội Venezuela được triển khai tại đường biên giới bang Tachira, đối diện với thành phố Cucuta, Colombia. Các chuyến xe đưa hàng từ Colombia vượt qua biên giới đều phải quay đầu do quân đội và cảnh sát Venezuela dùng lựu đạn cay và đạn cao su để ngăn cản. Nhiều xe chở hàng bị đốt cháy.
Tình hình tại biên giới với Brazil cũng tương tự. Trước đó, AFP dẫn lời Ricardo Rossello, thống đốc vùng lãnh thổ Porto Rico của Mỹ, cho biết Hải quân Venezuela đe dọa bắn vào một tàu chở hàng cứu trợ xuất phát từ Porto Rico hôm 20-2 khiến tàu này phải quay trở lại.
Theo AFP, trong ngày 23-2, khoảng 300 người ủng hộ phe đối lập Venezuela bị thương trong các đụng độ với lực lượng an ninh tại đường biên giới với Colombia, trong đó có 30 người Colombia. Thêm 2 người chết tại đường biên giới với Brazil, nâng tổng số người thiệt mạng lên thành 4.
Trong một cuộc mít tinh của những người ủng hộ chính quyền tại thủ đô Caracas, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia, với lý do chính quyền nước này hậu thuẫn chiến dịch của lãnh đạo đối lập đưa hàng cứu trợ qua biên giới và yêu cầu các đại diện ngoại giao nước này rời khỏi Venezuela trong vòng 24 giờ. Theo ông Maduro, người dân Venezuela đã hết kiên nhẫn và không thể chấp nhận các hành động gây hấn của Colombia.
Trước tình hình này, bất chấp lệnh cấm rời lãnh thổ Venezuela, lãnh đạo đối lập Guaido vượt qua biên giới để tham dự một buổi hòa nhạc lớn tại Cucuta, được tổ chức để ủng hộ cho cứu trợ quốc tế vào Venezuela. Buổi hòa nhạc - do tỉ phú người Anh Richard Branzon tài trợ - kéo dài 7 giờ đồng hồ, được hơn 300.000 người tham gia. Cùng tham dự buổi hòa nhạc với ông Juan Guaido có các tổng thống Colombia, Chile, Paraguay và Tổng thư ký của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OEA).
Mỹ và nhiều nước phương Tây ủng hộ ông Guaido,và Tổng thống Trump từng nói rằng việc can thiệp quân sự vào Venezuela là “một lựa chọn”, dù ông Guaido không trực tiếp đề cập tới giải pháp quân sự này hôm 23-2. Ngày 25-2, lãnh đạo đối lập Venezuela gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại thủ đô Colombia, bên lề hội nghị các lãnh đạo Nam Mỹ của nhóm Lima, mà đa số ủng hộ một cuộc chuyển tiếp chính trị trong hòa bình tại Venezuela.
Tuyên bố bên cạnh Tổng thống Colombia Ivan Duque, ông Guaido cam kết không từ bỏ vận chuyển hàng cứu trợ vào Venezuela, tuy nhiên, ông không lên tiếng yêu cầu những người ủng hộ ngừng mạo hiểm tính mạng, cũng như ngừng cố gắng phá vỡ hàng rào do chính quyền ông Maduro dựng lên.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia ngày 23-2. |
Trước tình hình diễn biến căng thẳng ở biên giới Venezuela với các nước, trên Twitter ngày 23-2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng “chuyển sang hành động” chống lại những ai không chấp nhận việc “khôi phục một cách hòa bình nền dân chủ” tại Venezuela.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga ngày 22-2 cảnh báo là Hoa Kỳ đã triển khai nhiều đơn vị đặc nhiệm sát biên giới Venezuela để sẵn sàng can thiệp trong trường hợp đoàn xe nhận cứu trợ của phe đối lập gặp sự cố.
Viện trợ trá hình?
Ngày 24-2, Trung Quốc phản đối việc dùng cớ viện trợ để can thiệp vào Venezuela. “Chúng tôi kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế. Trung Quốc chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Venezuela, chống lại thủ thuật dùng cái gọi là viện trợ nhân đạo để đạt mục tiêu chính trị, chống gây ra bất ổn và mất trật tự ở Venezuela cũng như ở các lãnh thổ liền kề với nước này. Tất cả những thứ đó đều không phù hợp với lợi ích của bên nào", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố.
Ông Lục nhấn mạnh rằng Trung Quốc một lần nữa kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột ở Venezuela hãy tìm kiếm con đường giải quyết vấn đề tồn tại thông qua đối thoại trong khuôn khổ luật pháp của đất nước.
Liên quan tới số hàng viện trợ từ biên giới vào Venezuela trong những ngày qua, Tổng thống Maduro từ chối chấp nhận sự giúp đỡ vì theo ông, "trò trình diễn dối trá" này diễn ra trong bối cảnh Washington áp đặt lệnh trừng phạt, chặn tài sản của PDVSA và cấm giao dịch với công ty dầu mỏ nhà nước này, tước đoạt của Venezuela hơn 10 tỷ USD.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreas cho biết Venezuela đã thông báo với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres về mối ngờ là Washington mưu toan lợi dụng viện trợ nhân đạo làm vỏ bọc che giấu số vũ khí tuồn vào nước này.
Nhận định về những diễn biến tại Venezuela trong những ngày qua, Alexander Chichin, thuộc Học viện Kinh tế và Hành chính quốc gia Nga, cho biết: "Cán cân lực lượng đã thay đổi vào ngày 23-2 vì phương án tác động này của Mỹ cũng không có hiệu lực đối với Venezuela. Chiến dịch với đoàn xe nhân đạo đã thất bại nên giờ đây ông Guaido chỉ có thể sử dụng thuật ngữ của các chính trị gia Mỹ mà nói rằng: tất cả các lựa chọn đã được đặt lên bàn.
Tất cả các biện pháp ngoại giao đã được thực hiện và điều duy nhất có thể nói đến là phương pháp can thiệp. Như vậy, Mỹ đã không thể làm xoay chuyển tình hình, không thể biến viện trợ nhân đạo này thành vũ khí để vượt biên giới Venezuela...".
Ông Chichin dự báo rằng áp lực lên lãnh đạo của Venezuela sẽ tiếp tục diễn ra: "Hiện giờ ông Maduro đã nhận được sự hỗ trợ đầy đủ không chỉ của quân đội mà của cả nhân dân. Và đã không xảy ra sự tắc nghẽn nào ở biên giới để trở thành cái cớ cho các chiến binh được huấn luyện tại các trại ở Colombia xâm nhập vào lãnh thổ Venezuela. Bây giờ triển vọng đã trở nên hoàn toàn rõ ràng.
Đất nước sẽ tồn tại trong điều kiện tổng động viên chính trị và tinh thần, với nguồn lực kinh tế eo hẹp và giai đoạn này có thể khá dài. Có nghĩa là Mỹ không thể đè bẹp Venezuela trước mắt mọi người".