Khủng hoảng Vùng Vịnh: Tiếp tục “so găng”

Thứ Hai, 10/07/2017, 17:14
Thời hạn 48 giờ mà các nước trong nhóm cấm vận gia hạn cho Qatar đã hết nhưng Qatar vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Liên minh Arập Xêút dẫn đầu đang chuẩn bị gia tăng các biện pháp trừng phạt, trong khi Qatar cũng không chịu lùi bước, kiên quyết chống đến cùng bằng những biện pháp riêng của mình.

Khủng hoảng Vùng Vịnh đã bước sang tháng thứ hai với những động thái dường như giảm nhiệt so với tháng 6. Sau 3 tuần bao vây, cấm cửa Qatar mà không làm lay chuyển được quốc gia này, nhóm liên minh 4 nước do Arập Xêút dẫn đầu đã soạn thảo 13 yêu sách và ngày 22-6 gửi cho Qatar, trong đó ra thời hạn 10 ngày để Tiểu vương quốc “cứng đầu cứng cổ” này phải đáp ứng.

10 ngày trôi qua, và ngày 2-7, Qatar đã có phản hồi bằng cách gửi một công hàm từ chối tất cả các yêu sách của liên minh. Ngay sau đó, liên minh Arập Xêút tiếp tục gia hạn thêm 48 giờ để Qatar đáp ứng yêu sách, nhưng vẫn không có chuyển biến gì.

Phát biểu sau cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao 4 nước liên minh chống Qatar hôm 5-7, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đọc bản tuyên bố chung nêu quan điểm của 4 nước đối với phản hồi của Qatar là “hoàn toàn tiêu cực và không có nội dung gì”. Tuyên bố chung nói Qatar thiếu “sự hiểu biết tính chất nghiêm trọng của tình hình”.

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani.

Tuyên bố chung cũng khẳng định các biện pháp trừng phạt hiện hữu bao gồm cấm vận trên bộ lẫn trên không vẫn tiếp tục được áp dụng, đồng thời sắp tới sẽ có thêm những biện pháp trừng phạt mới vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, nhóm 4 quốc gia chỉ dừng lại đó, chưa áp dụng ngay những biện pháp trừng phạt mới, đồng thời rút lại việc trục xuất Qatar ra khỏi Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).

Một số nhà ngoại giao Vùng Vịnh đã nói đến việc các quốc gia trong liên minh Arập Xêút sẽ xem xét cấm đầu tư vào Qatar hoặc trừng phạt bên thứ ba ủng hộ Qatar.

Khách quan mà nói, Qatar khó lòng đáp ứng những yêu sách do liên minh Arập Xêút đưa ra, ngoại trừ những yêu cầu chấm dứt ủng hộ hoặc tài trợ cho các tổ chức khủng bố. Khoảng một nửa các yêu sách đòi hỏi những điều mà Qatar không thể chấp nhận được, chẳng hạn như việc đóng cửa mạng lưới truyền hình Al-Jazeera và tất cả các kênh truyền thông khác, chẳng khác nào “bịt mồm, bịt miệng” không cho nói chuyện, không cho tuyên truyền.

Hoặc như yêu sách cắt quan hệ ngoại giao với Iran và một số tổ chức Hồi giáo trong khu vực, đồng thời phải tuân phục sự kiểm soát chặt chẽ, phải thuận theo quan điểm của liên minh trong tất cả các vấn đề.

Đáp trả những lời cáo buộc của nhóm 4 quốc gia liên minh Arập Xêút, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani khẳng định nước ông không chấp nhận bất kỳ kế hoạch nào vi phạm luật quốc tế hoặc can thiệp vào chuyện nội bộ Qatar. Al-Thani cho biết, nước ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc sống chung lâu dài với cấm vận của liên minh Arập Xêút.

Trước sức ép của liên minh 4 nước, Qatar vẫn tỏ ra cứng rắn và đang thể hiện bản lĩnh của mình, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có tiềm lực lớn. Trước sau như một, Doha khẳng định mình có thể tồn tại bất chấp sự bao vây cô lập của nhóm liên minh.

Một mặt, Doha dựa vào tiềm lực kinh tế giàu có của mình, mặt khác dựa vào thế lực trong các mối quan hệ ngoại giao, quân sự với không chỉ các nước trong khu vực như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, mà quan trọng nhất là Qatar đang là chủ nhà căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực, với quân số thường trú hơn 10.000 quân.

Chắc chắn một điều rằng Mỹ sẽ không dễ chấp nhận khoanh tay đứng nhìn việc các đồng minh khác trong khu vực cô lập và trừng phạt một mình Qatar. Thực tế đã chứng minh, ngay từ đầu cuộc bao vây, Mỹ đã cung cấp ngay cho Qatar một lượng khí tài quân sự trị giá 12 tỉ USD.

Qatar sẽ tăng sản lượng khí hóa lỏng để đối phó cấm vận.

Về mặt kinh tế, cho dù có gia tăng áp lực trừng phạt thì liên minh Arập Xêút cũng không dễ gì bắt nạt được Qatar, nhờ sự hậu thuẫn tích cực của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Qatar. Ngay vào thời điểm này, Doha lại còn thông báo sẽ triển khai kế hoạch tăng mạnh sản lượng khai thác khí hóa lỏng thêm 30% trong vòng 5 hoặc 7 năm.

Qatar vốn là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất và cung ứng khí hóa lỏng (LNG), nay lại gia tăng thêm sản lượng sẽ làm đảo lộn thị trường thế giới. Nhiều chuyên gia thị trường cho rằng khả năng giá khí hóa lỏng sẽ sụt giảm mạnh nếu Qatar tăng sản lượng.

Mặt khác, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng Qatar cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng sản lượng. Lý do là một khi các quốc gia liên minh ban hành lệnh cấm đầu tư vào Qatar, kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt bên thứ ba ủng hộ hoặc có giao dịch kinh tế với Qatar, từ đó nhiều công ty chuyên khai thác dầu khí trong khu vực và thế giới sẽ ngán ngại việc tham gia cùng Qatar khai thác tăng sản lượng khí đốt. Do đó, theo các chuyên gia, có thể Qatar sẽ phải tự bỏ tiền ra đầu tư cho hoạt động khai thác tăng sản lượng này.

Dù Qatar đã 2 lần từ chối các yêu sách của liên minh Arập Xêút, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy các biện pháp trừng phạt mới sẽ sớm được áp dụng. Hiện tại Ai Cập đang có ý định muốn để yên tình hình hiện tại, vì cho đến nay Qatar vẫn chưa bị khuất phục trước áp lực lớn từ liên minh.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.