Khủng hoảng chính trị đe dọa cuộc chiến chống IS

Thứ Tư, 04/05/2016, 11:15
Thứ Hai ngày 2-5, tình hình Baghdad đã tạm ổn định sau hai ngày liên tiếp chìm trong hỗn loạn do hàng ngàn người Iraq dòng Shiite tràn vào chiếm giữ tòa nhà Quốc hội để phản đối tình trạng tham nhũng đang tràn lan trong giới chính khách.

Trước đó, vào ngày 30-4, Chính phủ Iraq của Thủ tướng Haider al-Abadi đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi hàng trăm người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội đập phá đồ đạc và đuổi đánh các nghị sĩ. Hàng chục nghị sĩ làm việc trong tòa nhà và cả những nghị sĩ cư ngụ trong Vùng Xanh đã hoảng sợ bỏ chạy, có người còn tính đến chuyện tháo chạy ra nước ngoài để lánh nạn!?

Theo lời kể của các nhân chứng, những người biểu tình đi vào Vùng Xanh (Green Zone), tiến đến tòa nhà Quốc hội bất chấp sự ngăn cản của cảnh sát và lực lượng an ninh. Họ tràn vào bên trong Nghị viện, đuổi đánh bất cứ vị chính khách nào họ nhìn thấy. Trong cơn giận dữ, những người biểu tình đã bới tung các ngăn tủ giấy tờ và ném tung tóe khắp hội trường.

Abdullah al-Zaidi, một thanh niên tham gia biểu tình nói rằng, anh ta tham gia biểu tình vì các chính khách tham nhũng, những người ngồi trong tòa nhà choáng ngợp của Quốc hội Iraq đã chiếm dụng (al-Zaidi dùng từ "ăn cắp") tài sản của quốc gia, của nhân dân Iraq có được từ các mỏ dầu.

Theo các nhân chứng, dòng người Shiite biểu tình tại Vùng Xanh bắt đầu bộc phát sau khi họ nghe hiệu lệnh của giáo sĩ Moqtada al-Sadr kêu gọi người Shiite xuống đường để phản đối chính phủ yếu kém và bất lực trong điều hành đất nước và chống tham nhũng. Rất may, tình hình tại Vùng Xanh đã tạm ổn, không phải do Thủ tướng Abadi "cao tay" dẹp loạn, mà chính là do giáo sĩ al-Sadr tự động kêu gọi người của mình chấm dứt biểu tình và rời khỏi Vùng Xanh vào sáng 2-5.

Giáo sĩ Shiite Moqtada al-Sadr, người đã châm ngòi cho người biểu tình tràn vào Vùng Xanh và cũng là người kêu gọi họ chấm dứt cuộc quậy phá.

Trong một diễn biến bất ngờ, chiều cùng ngày, giáo chủ Shiite al-Sadr đã đột ngột đến Tehran để diện kiến các lãnh tụ tôn giáo Shiite ở Iran. Chuyến đi được giới phân tích lý giải là nhằm hội kiến các lãnh đạo tôn giáo Shiite ở Iran để tìm hướng giải quyết xung đột chính trị chưa tìm được lối thoát với Chính phủ Iraq. Iran đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ Iraq đánh IS. Song song đó, ảnh hưởng của Iran cũng rất mạnh đối với chính trường Iraq. Vì thế, al-Sadr hiểu rằng, chỉ cần một động thái của Iran cũng có thể tạo ra một chuyển biến nhất định tại Baghdad.

Tình hình bất ổn tại Iraq khiến giới chức an ninh chống khủng bố quan tâm lo lắng cho kế hoạch tăng cường chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria của Mỹ. Khi đưa ra kế hoạch tăng quân số đặc nhiệm sang Iraq để làm cố vấn và kết nối các lực lượng Iraq lại nhằm gia tăng tính hiệu quả trong chiến đấu chống IS, Bộ Quốc phòng Mỹ lấy lý do là cuộc chiến chống IS hiện tại đang gặp một số khó khăn trở ngại, trong đó khủng hoảng chính trị tại Baghdad được xem là yếu tố quan trọng làm chậm kế hoạch tiến quân đánh vào các thành phố, thị trấn đã bị IS chiếm hồi năm ngoái, trong đó có thành phố trọng yếu Mosul ở phía Bắc Baghdad.

Trong chuyến thăm Iraq hôm 28-4 nhằm xoa dịu khủng hoảng chính trị, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lạc quan tuyên bố rằng cuộc chiến chống IS vẫn sẽ tiếp tục và Thủ tướng Abadi sẽ vượt qua khủng hoảng, trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng tinh thần lạc quan đó đã nhanh chóng bị thay thế bởi không khí lo lắng bao trùm bởi câu hỏi lớn: Tình hình tại Iraq sẽ như thế nào nếu Thủ tướng Abadi - át chủ bài của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Iraq - không thể dàn xếp nổi cuộc nổi loạn của những người Shiite biểu tình?

Từ những diễn biến nêu trên, nhận thức chung của giới chức Mỹ về tình hình Iraq hiện nay là thực tế chính phủ của Thủ tướng Abadi không thể làm chủ được khủng hoảng chính trị. Việc áp dụng hệ thống chính trị theo mô hình dân chủ kiểu phương Tây đã chứng tỏ không phù hợp với văn hóa và truyền thống Arập phức tạp của người Iraq.

Có lẽ người Mỹ cũng nên lắng nghe tiếng nói của người dân Iraq nhiều hơn để có thể hiểu được mình cần phải làm những gì để ít nhất giúp Chính phủ Iraq duy trì mối liên kết giữa các phái tôn giáo và sắc tộc trong một đất nước Iraq vốn đã phân hóa sâu sắc bởi hệ thống các bộ tộc và giáo phái. Cho đến nay, 13 năm sau khi quân Mỹ lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, Iraq luôn chứng minh rằng không một thế lực nào có thể duy trì được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Iraq một khi các bộ tộc, giáo phái được giải phóng hoàn toàn để tự do tranh giành quyền lực và quyền lợi kinh tế từ các mỏ dầu.

Theo giới phân tích, cuộc nổi loạn của nhóm người Shiite trong 2 ngày cuối tuần chỉ là lớp bọt bề mặt của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua, với hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ của người dân trên đường phố Baghdad và cả trong nghị trường. Cuộc khủng hoảng đó bắt đầu từ khi Thủ tướng Abadi tiến hành một cuộc cải tổ nội các, thay thế một loạt chính khách có quan hệ chính trị bằng những nhà cải cách và kỹ trị. Nhưng đề xuất cải tổ của ông Abadi đã vấp phải phản ứng từ các khối chính trị lớn trong liên minh chính phủ, dẫn đến những tranh cãi ồn ào, và hàng ngàn người dân xuống đường để biểu thị sự không hài lòng với cách điều hành đất nước của ông Abadi.

Trong một diễn biến mới nhất cho thấy, tình hình an ninh tại Iraq vẫn đang hết sức bất ổn. Ngày 2-5, một vụ đánh bom xe nhắm vào đoàn người Hồi giáo Shiite hành hương về nơi chôn cất vị Imam thế kỷ thứ 8 Imam Moussa al-Kadhim tại khu Kadhimiyah, phía Bắc Baghdad làm 18 người chết, 45 người bị thương.

IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom này để thách thức Mỹ và chính quyền Iraq trong các nỗ lực bảo đảm an ninh gần đây. IS muốn chứng minh rằng, kế hoạch tăng cường cố vấn người Mỹ đến tận các đơn vị quân sự ở địa phương của Iraq sẽ khó đạt được mục tiêu với bối cảnh sắc tộc và giáo phái còn phân hóa.

Giới phân tích cho rằng, thay vì lo hỗ trợ về mặt quân sự để đánh IS, Washington nên giúp Baghdad giải quyết khủng hoảng để củng cố nội bộ chính trị, từ đó mới có thể có được kế hoạch chiến đấu chống IS hiệu quả hơn.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.