Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập: “Sức nóng” chưa thuyên giảm

Thứ Bảy, 12/02/2011, 08:30
Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức. Đó là yêu cầu tiên quyết để phe đối lập chấm dứt biểu tình kéo dài từ nửa tháng nay làm tê liệt quốc gia châu Phi này. Giới quan sát quốc tế cho rằng sớm muộn gì thì ông Mubarak cũng sẽ phải bước xuống, nhưng điều làm họ lo ngại nhất là Ai Cập thời hậu Mubarak có thể rơi vào tay những người Hồi giáo quá khích.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập hiện nay không phải giờ mới có mà nó bắt nguồn từ những bất công trong xã hội từ lâu đời, không phải chỉ cho những người nghèo khó mà cho cả các thanh niên, sinh viên thuộc giới trung lưu. Chế độ Ai Cập có nhiều nét tương đồng với Tunisia, cũng tham ô, cũng áp bức, cũng có một gia đình thống trị dựa vào cảnh sát. Chế độ Ai Cập có nhiều nhược điểm nhất trong số các nước trong khu vực.

Cuộc nổi dậy thành công của người dân Tunisia lật đổ một chế độ áp bức như một ngọn lửa thổi bùng lên khát vọng đấu tranh tại nhiều nước Arập trong khu vực. Từ Vương quốc Oman, cho đến Jordani, từ Cộng hòa Algeri cho đến Ai Cập, "mùi hương hoa lài" hòa lẫn với khói lựu đạn cay. Việc nhà độc tài Ben Ali tháo chạy đã cung cấp cho giới trẻ, công đoàn, đối lập và người dân bình thường những khẩu hiệu và lý luận đòi tự do, công lý và nhân phẩm.

Bắt đầu từ ngày 25/1, hàng chục nghìn người biểu tình tập trung trên đường phố tại các thành phố lớn của Ai Cập nhằm cáo buộc giới cầm quyền tham nhũng và đòi chấm dứt chính quyền độc tài Hosni Mubarak đã cầm quyền liên tục trong 30 năm qua. Tại nhiều tỉnh và nhiều khu vực tại thủ đô Cairo, cuộc nổi dậy đòi dân chủ này biến thành xung đột đẫm máu giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình.

Tại thủ đô Cairo, những người biểu tình đã thiêu đốt hàng trăm tòa nhà, bao gồm cả trụ sở đảng Quốc gia Dân chủ (NDP) cầm quyền của Tổng thống Hosni Mubarak và hàng chục cơ quan cảnh sát. Nhiều xe cảnh sát bị đập phá tan tành hay thiêu rụi. Các cửa hiệu và hãng sản xuất tại thành phố này đều đóng cửa tạm ngưng hoạt động nhằm tránh tình trạng cướp bóc và sự hỗn loạn do làn sóng phẫn nộ với chính quyền gây ra.

Bên cạnh đó, hàng nghìn tù nhân ở Abu Zaabal, cách thủ đô Cairo 100 km về phía đông, đã vượt ngục. Tuy nhiên bạo loạn cũng khiến nhiều tù nhân phải bỏ mạng. Ai Cập vẫn chìm trong biển máu khi bạo loạn bước sang ngày thứ 10 với hàng chục nghìn người biểu tình vẫn tiếp tục bám trụ trên đường phố, ném đá, phóng hỏa vào các tòa nhà chính quyền và lực lượng cảnh sát bất chấp lệnh giới nghiêm của chính quyền nước này.

Ban đầu, chính quyền Ai Cập chủ yếu dựa vào lực lượng an ninh vũ trang nhằm đàn áp các cuộc biểu tình. Đồng thời chính phủ cũng đã ra lệnh đóng kênh truyền hình Al Jazeera sau khi kênh này đưa tin về các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Tuy nhiên, trước tình hình bạo loạn ngày càng leo thang tại các thành phố Cairo, Alexandre, Suez... và áp lực từ cộng đồng quốc tế, Tổng thống Hosni Mubarak đã phải tuyên bố giải tán nội các và đồng thời phát biểu trên truyền hình ngày 29/1 rằng ông sẽ tiến hành cải cách chính trị và xã hội.

Thực hiện lời hứa trên, ông Mubarak đã bổ nhiệm ông Omar Suleiman, phụ trách Cơ quan Tình báo Ai Cập, làm Phó tổng thống - chức vụ đã bị bỏ trống trong 30 năm qua kể từ khi ông Mubarak lên nắm chính quyền. Ông Omar Suleiman nổi tiếng là người liêm khiết và được xem là một trong những nhân vật có khả năng thay thế Tổng thống Mubarak. Đồng thời, ông Mubarak cũng đã chỉ định tướng Admed Shafik, nguyên Bộ trưởng Hàng không làm Thủ tướng. Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn khăng khăng đòi ông Mubarak phải từ chức.

Những người biểu tình cắm trại tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo ngày 7/2 quyết đòi Tổng thống Mubarak từ chức.

Tối ngày 1/2, sau cuộc biểu tình tập hợp cả triệu người ở quảng trường Tahrir, Tổng thống Mubarak tuyên bố trên truyền hình là không tái ứng cử, nhưng chỉ rời chức vụ vào tháng 9 tới sau bầu cử. Ngày 5/2, ban lãnh đạo đảng NDP gồm 6 thành viên, trong đó có con trai ông Mubarak là Gamal Mubarak, đã chính thức từ chức.

Đài truyền hình Al-Arabiya khẳng định, các ủy viên Ủy ban điều hành NDP đã từ chức, và ngay sau đó, NDP đã quyết định bổ nhiệm ông Hossam Badrawi làm Tổng thư ký NDP, trong khi Tổng thống Mubarak vẫn là Chủ tịch của đảng này.

Theo giới quan sát, ông Badrawi là người có quan điểm tự do và được cho là có quan hệ tốt với các nhân vật đối lập. Đây là động thái mới nhất của Tổng thống Mubarak trước làn sóng biểu tình đòi ông từ chức đang ngày càng gia tăng trên khắp cả nước.

Như vậy, với việc không nằm trong ban lãnh đạo NDP, ông Gamal Mubarak, 47 tuổi, sẽ không hội đủ điều kiện để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền, đúng như cam kết trước đó của Tổng thống Mubarak rằng, con trai ông sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay. Tuy nhiên, những người biểu tình và phe đối lập vẫn thờ ơ trước quyết định từ chức của Ban lãnh đạo NDP, khẳng định quyết định này sẽ không khiến họ bỏ qua yêu sách chính là Tổng thống Mubarak phải từ chức.

Ngày 7/2, bước sang ngày biểu tình thứ 14, phe đối lập vẫn phong tỏa quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo mà họ chiếm giữ nửa tháng nay, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục ở lại đây nếu ông Mubarak không từ chức hoặc chuyển giao quyền lực ngay lập tức cho Phó tổng thống Omar Suleiman. Phe đối lập cũng thông báo sẽ tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố trong các ngày 8 và 11/2 tới.

Trong khi đó, tổ chức Anh em Hồi giáo đối lập chính khẳng định việc họ tham gia cuộc đàm phán ngày 6/2 là nhằm thăm dò mức độ nghiêm túc của chính phủ đối với cam kết cải cách dân chủ, nhưng cảnh báo những nhượng bộ mà chính phủ đưa ra trong cuộc đàm phán này là chưa đủ.  Nhà lãnh đạo Mahmud Ezzat của tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết nhóm này ủng hộ sức ép đòi Tổng thống Mubarak từ chức.

Theo người phát ngôn Chính phủ Ai Cập Magdi Radi, các bên tham gia cuộc đàm phán ngày 6/2 đã chấp nhận để Tổng thống Mubarak nắm quyền lực cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9 tới với điều kiện ông không tiếp tục tham gia cuộc bầu cử sắp tới nhằm đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua bầu cử tự do và công bằng. Các bên nhất trí thành lập một ủy ban gồm các thẩm phán và chính khách để nghiên cứu và đề xuất những sửa đổi hiến pháp và luật pháp cần thiết vào tuần đầu tiên của tháng 3 tới, đồng thời mở văn phòng tiếp nhận những khiếu nại về tù nhân chính trị; nới lỏng những hạn chế đối với truyền thông; dỡ bỏ lệnh về tình trạng khẩn cấp khi tình hình an ninh được cải thiện và phản đối sự can thiệp của nước ngoài. Tuy nhiên, người chủ trì cuộc thương lượng là Phó Tổng thống Suleiman phản đối yêu sách của phe đối lập đòi ông điều hành đất nước thay Tổng thống Mubarak trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Hiện tại, Tổng thống Hosni Mubarak tiếp tục đối mặt với sức ép mới đòi ông từ chức ngay lập tức khi phe đối lập ngày 7/2 tuyên bố: những nhượng bộ của chính phủ trong cuộc đàm phán trước đó một ngày chưa đủ để chấm dứt làn sóng biểu tình gây bạo lực chống lại người đứng đầu quốc gia Hồi giáo này.

Người biểu tình đốt ảnh của Tổng thống Hosni Mubarak ở thủ đô Cairo.

Trong lúc này, cộng đồng chính trị tại Ai Cập tiếp tục đưa ra những cảnh báo về bạo loạn ngày càng leo thang tại nước này. Mỹ đang kêu gọi công dân của mình rời khỏi Ai Cập càng sớm càng tốt. Trong khi đó, Anh khuyến cáo người dân nước này không nên đến Ai Cập trừ khi thật cần thiết. Tương tự, Tây Ban Nha đã cho 2 máy bay sơ tán công dân nước mình. Đại sứ quán của Israel tại Ai Cập cũng đã tạm đóng kể từ khi bạo loạn bắt đầu...

Đồng thời với việc bảo đảm an toàn cho công dân nước mình, các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp và Đức cũng đang ra sức kêu gọi Tổng thống Mubarak tránh bạo lực, thực hiện cải tổ và tạo điều kiện cho bầu cử dân chủ công bằng.

Giới phân tích còn ghi nhận thêm một yếu tố quan trọng khác là Mỹ. Khát vọng quần chúng ở Ai Cập có thể gặp cản trở từ Washington. Mỹ không muốn xảy ra bất ổn tại khu vực. Để cho chính quyền lọt vào tay phe Hồi giáo cực đoan không phải là mong muốn của Mỹ. Mỹ đã thúc giục Tổng thống Mubarak bãi bỏ lệnh cấm biểu tình và tiến hành cải cách chính trị, kinh tế và xã hội. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 4/2 đã đưa ra lời ám chỉ rõ ràng rằng: Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cần từ chức ngay.

Ông Obama nói rằng Tổng thống "ái quốc" của Ai Cập cần lắng nghe người dân và đưa ra "quyết định đúng đắn". Ông Obama không thẳng thừng yêu cầu ông Mubarak từ chức, song nói rằng ông Mubarak đã có động thái tâm lý là thừa nhận quyền lực của ông đã giảm sút, và nay cần cân nhắc vai trò của mình trong bối cảnh một cuộc nổi dậy rầm rộ.

Trong khi đó báo chí tại Cairo bắt đầu nói nhiều đến một nhân vật từng được quốc tế biết đến. Đó là cựu Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử quốc tế (AIEA), ông El Baradai. Một phần công luận Ai Cập xem El Baradai là giải pháp thứ ba, vừa thay thế Mubarak, vừa chặn đường phong trào cực đoan Anh em Hồi giáo.

Yếu tố quân đội Ai Cập hiện cũng đang được nhắc đến nhiều cho kịch bản nắm quyền trong tương lai. Mặc dù quân đội hiện diện đông đảo trên các đường phố có người biểu tình nhưng họ chưa có động thái nào can thiệp. Quân đội Ai Cập được xem là trung lập và có uy tín mà cảnh sát không thể bì kịp. Khi lính và xe thiết giáp được triển khai ở Cairo, họ đã được dân chúng hoan nghênh. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ai Cập, tướng Sami Anan, một người thân cận với Washington, có thể đóng một vai trò quan trọng trong những "giờ phút" sắp tới.

Từ trước đến giờ, quân đội Ai Cập vốn thường đứng bên ngoài các vấn đề nội bộ, nhưng bây giờ đã phải xuất hiện để chấm dứt tình trạng nổi dậy, và nhắc nhở rằng chính họ là định chế nắm chìa khóa vận mệnh đất nước.

Theo báo Le Figaro của Pháp, đây là lần đầu tiên người dân Cairo thấy xe thiết giáp trên đường phố từ cuộc biểu tình của học viên cảnh sát năm 1986. Le Figaro nhắc lại vai trò then chốt của quân đội ở Ai Cập: một định chế bảo đảm sự ổn định của chế độ từ khi nổ ra cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1952, và cũng chính quân đội đã "cung cấp" các tổng thống cho Ai Cập, kể cả ông Mubarak hiện nay, từng là Tư lệnh không quân.

Quân đội có tiếng là định chế ít tham nhũng nhất Ai Cập, vừa bị người dân e ngại, nhưng cũng vừa được kính trọng. Từ mấy năm qua, đã có nhiều tin đồn là quân đội sẽ trở lại nắm quyền. Giờ đây khả năng này càng rõ nét. Tuy trước mắt chưa biết vai trò của quân đội sẽ là gì trong giai đoạn tới đây, nhưng Le Figaro trích lời nhận xét của một nhà báo Ai Cập cho rằng: "Người ta biết rõ lúc giao chìa khóa cho quân đội, nhưng lúc nào thì chìa khóa này được trả lại thì đó là điều không rõ ràng chút nào cả"

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.