Khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc nguy hiểm hơn khủng hoảng Hy Lạp

Thứ Hai, 13/07/2015, 13:35
Sau gần một tháng lao dốc không phanh, các thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 9/7 đã có phiên đầu tiên tăng cao nhất trong vòng nhiều tháng qua. Tuy nhiên, phiên tăng giá này cũng có vẻ như một cú "nấc" sau nhiều cú "ngáp" và chưa ai dám chắc những ngày sắp tới thị trường sẽ hồi phục như thế nào, liệu có ổn định bền vững hay không.

Sự đi xuống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và nhất là việc bùng phát đầu tư chứng khoán quá nóng trong thời gian dài được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra đợt tụt dốc chứng khoán lớn nhất trong thập kỷ này.

Theo Wall Street Journal, các chỉ số chứng khoán chính của 2 thị trường Thượng Hải (CSI) và Thâm Quyến hôm 9/7 đều tăng giá khá cao. Cụ thể, chỉ số Composite của Thượng Hải tăng 5,8%, còn thị trường ở Thâm Quyến tăng 3,8%. Riêng chỉ số thị trường doanh nghiệp nhỏ ChiNext tăng 3%.

Theo giới phân tích, sự bật giá chứng khoán ngày 9/7 là dấu hiệu của sự tin tưởng trở lại của nhà đầu tư đối với các biện pháp kiểm soát của nhà quản lý chứng khoán ở Trung Quốc.

Phiên tăng giá ngày 9/7 là phiên tăng giá thứ hai trong 10 phiên giao dịch gần nhất (trước đó là phiên tăng giá ngày 3/7) sau khi đã giảm liên tục trong 3 tuần liên tiếp.

Trước khi có phiên tăng giá này, ngày 8/7, chứng khoán Trung Quốc đã tụt giá kỷ lục trong 8 năm, với chỉ số CSI300 giảm sâu xuống còn 3.705 điểm, tức giảm 8%, còn chỉ số SZCOMP ở thị trường Thâm Quyến cũng giảm 5%, chỉ số ChiNext (thị trường các công ty vốn nhỏ, tăng trưởng nhanh) cũng giảm hơn 3%.

Tính từ đỉnh điểm bùng nổ của các chỉ số chứng khoán ngày 12/6/2015, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, chỉ số CSI300 của Thượng Hải và SZCOMP của Thâm Quyến đều giảm trên dưới 30%, riêng chỉ số ChiNext giảm đến 40%. Tổng giá trị tài sản bị tổn thất trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc tính đến ngày 9/7 là gần 4.000 tỉ USD.

Theo các nhà phân tích, tình hình khủng hoảng chứng khoán của Trung Quốc hiện tại có thể được xem là hậu quả của một quá trình bùng nổ chứng khoán kéo dài hơn 7 năm qua; chứng khoán đã trở thành nỗi ám ảnh bùng nổ trong cả nước Trung Quốc, với nhà nhà đi mua chứng khoán, người người đi chơi chứng khoán, từ bác nông dân, anh thợ hồ, chị bán hàng tạp hóa cho đến anh trí thức, nhà kinh doanh,… đều đổ xô "lên sàn" chứng khoán. Từ đó dẫn đến có 90 triệu người dân Trung Quốc nắm giữ cổ phiếu chứng khoán, và cứ mỗi tuần lễ lại có thêm 1,4 triệu nhà đầu tư mới lên sàn.

Người ta lý giải sự bùng phát đó đã tạo ra giá trị ảo của các cổ phiếu giao dịch trên thị trường, được nuôi dưỡng và bơm phồng bởi phương thức giao dịch ký quỹ, bán khống chứng khoán. Từ cuối năm 2014, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã xuất hiện những dấu hiệu của bong bóng chứng khoán nhưng các nhà quản lý chưa chú ý đến.

Người ta ước tính, trong khoảng thời gian 12 tháng đến ngày 12/6/2015, các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc đã tăng kỷ lục, đến 150%, riêng chỉ số ChiNext tăng kinh hoàng 208%. Vì thế, ngay cả xảy ra đợt tụt giảm mạnh vừa qua, tính chung các chỉ số chứng khoán Trung Quốc vẫn còn cao hơn cách đây 12 tháng khoảng 100%.

Giới phân tích đã so sánh tác động của đợt tụt dốc chứng khoán Trung Quốc nguy hiểm hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra tại Hy Lạp. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ cần Trung Quốc "hắt hơi" hay "sổ mũi" nhẹ cũng có thể gây ra những chấn động nhất định trong nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc lo âu theo dõi bảng chỉ số cổ phiếu tụt giảm liên tục.

Thực tế đã chứng minh, khi cơn lao dốc chứng khoán của Trung Quốc kéo dài sang tuần thứ ba, với đợt giảm mạnh nhất vào ngày 8/7, hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Á và trên thế giới đều bị ảnh hưởng, tụt giảm theo. Hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn ở châu Á, như Nikkei 225 của Nhật, KOSPI của Hàn Quốc, Hang Sheng của Hồng Kông và S&P/ASX 200 của Australia đều giảm theo với mức từ 1% đến 3%. Tại Mỹ và châu Âu, các chỉ số cũng giảm với mức từ 1 đến 2%.

Khi các chỉ số của Trung Quốc tạm thời hồi sinh vào ngày 9/7, lập tức các chỉ số trên thị trường thế giới cũng bật theo từ 1 đến 3%. Điều này phản ánh việc chứng khoán Trung Quốc rơi vào đợt khủng hoảng đã làm chao đảo tâm lý nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu, gây nên tình trạng giao dịch bán tháo để thu hồi vốn an toàn.

Mặt khác, so với kinh tế Trung Quốc, khủng hoảng tài chính Hy Lạp chỉ có quy mô nhỏ bé, phạm vi tác động chủ yếu về mặt chính trị trong nội bộ khối EU, không ảnh hưởng gì đáng kể với kinh tế thế giới. Trong khi kinh tế Trung Quốc đang là đầu tàu quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Đợt khủng hoảng thị trường chứng khoán được xem là dấu hiệu "cảm cúm" và chỉ cần kinh tế Trung Quốc "đổ bệnh", kinh tế toàn cầu sẽ mất đi động lực tăng trưởng quan trọng nhất, có thể dẫn đến sự trì trệ toàn cầu.

Đợt hồi sinh vào ngày 9/7 được giới phân tích đánh giá là do việc có hơn một nửa số đơn vị niêm yết ngưng giao dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến tác động về khối lượng cổ phiếu chào bán và hạn chế được tổng giá trị cổ phiếu giảm giá trên sàn. Cho đến hết ngày 8/7, đã có hơn 1.400 công ty, tức khoảng 51% số công ty niêm yết trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc tạm ngưng giao dịch nhằm hạn chế đà giảm giá đồng thời ngăn chặn tình trạng mất giá, tổn thất giá trị cổ phiếu trên thị trường.

Quan trọng hơn, sự can thiệp mạnh tay của cơ quan quản lý nhà nước Trung Quốc nhằm chặn đà tụt giảm của thị trường chứng khoán đã có hiệu ứng tức thời. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) cho biết đã can thiệp bằng biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Hoa (CSFC), nhà cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ lớn nhất của Trung Quốc. 12 công ty môi giới lớn nhất Trung Quốc cũng tuyên bố mua vào chứng khoán trị giá 120 tỉ USD.

Các biện pháp mới nhất của nhà chức trách Trung Quốc trong việc kiểm tra, ngăn chặn các giao dịch ký quỹ, kiểm tình trạng giao dịch bán khống cổ phiếu được xem là biện pháp mạnh mẽ đã giúp chặn đứng các giao dịch bán tháo trên sàn.

Điều quan trọng nhất là, ngay cả sau khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp giải cứu thì niềm tin của nhà đầu tư cũng khó có thể hồi phục ngay. Giới phân tích đánh giá có thể sẽ cần đến 2 năm để niềm tin nhà đầu tư phục hồi lại như cũ.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.