“Khủng hoảng ngoại giao” quanh sự kiện Palestine gia nhập LHQ

Thứ Tư, 28/09/2011, 16:10

Ngày 23/9 là thời gian nhạy cảm về mặt ngoại giao đối với Mỹ và Liên Hiệp Quốc (LHQ). Đó là ngày mà Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chính thức yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ công nhận Nhà nước Palestine là thành viên đầy đủ của LHQ. Một cuộc vận động ngoại giao náo nhiệt chưa từng có đã diễn ra chỉ nhằm mục đích ngăn cản Palestine gia nhập tổ chức lớn nhất thế giới này.

"Đây là thời điểm quyết định" - phát biểu của Nabeel Shaath, một cố vấn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Đúng vậy, Tổng thống Abbas đã quyết tâm theo đuổi việc trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, và việc này sẽ tạo ra một cuộc "khủng hoảng ngoại giao" đối với các bên liên quan, đặt ra một thách thức ngoại giao lớn mà nước Mỹ chưa bao giờ gặp phải. Đối với nhóm "bộ tứ" về Trung Đông (gồm Mỹ, LHQ, EU, Nga), việc Palestine đơn phương thành lập nhà nước thành viên của LHQ sẽ đặt dấu chấm hết cho vai trò mờ nhạt của nhóm này trong việc thúc đẩy giải pháp "2 nhà nước" trong đó Palestine được bảo đảm có một nhà nước độc lập với đường biên giới trước năm 1967.

Đó cũng sẽ là một thất bại nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi mục tiêu giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine thông qua đàm phán hòa bình đã thất bại. Riêng Israel xem việc Palestine đơn phương thành lập nhà nước là một "đại họa" vì nước này sẽ phải đối mặt với một áp lực vô cùng lớn buộc phải giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ của Palestine, những vùng đất đã chiếm của người Palestine từ sau cuộc chiến 1967 và vấn đề người tị nạn, tù nhân Palestine bị Israel bắt giam bấy lâu nay bằng con đường tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Một sự thất bại không thể chấp nhận được đối với Israel.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bất lực trong việc tạo tiếng nói chung giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Mỹ vẫn quyết liệt bảo lưu quan điểm ngăn cản Palestine làm thành viên LHQ bằng mọi giá. Phát biểu trước diễn đàn LHQ hôm 21/9, Tổng thống Obama cho rằng "hòa bình không thể có được bằng nghị quyết". Ông Obama cho rằng hòa bình phải thông qua "thương đàm căng thẳng" để giải quyết những vấn đề vướng mắc của các bên liên quan. Nhưng thương đàm theo cái cách đã làm từ trước đến nay, trong đó Israel khăng khăng không nhượng bộ chút nào trong các khoản thương lượng, đặc biệt là vấn đề xây nhà ở khu định cư Do Thái trên đất của người Palestine, đã cho thấy Mỹ bất lực trước Israel khiến người Palestine luôn luôn thấy mình bị chèn ép một cách bất công. Khi mọi nỗ lực đàm phán trực tiếp đã thất bại, chủ yếu do chính sách hậu thuẫn Israel bằng mọi giá của Mỹ, việc người Palestine đơn phương thành lập nhà nước độc lập và gia nhập LHQ cũng là chuyện bình thường. Điều không bình thường chính là việc Mỹ và Israel cố hết sức ngăn cản việc một dân tộc thành lập nhà nước và gia nhập LHQ.

Đến "thời điểm quyết định" này, khi việc gia nhập LHQ của Palestine đã không thể quay trở lại được nữa, hoạt động ngoại giao đang diễn ra sôi động chưa từng có tại LHQ trong suốt nhiều năm nay liên quan đến cuộc xung đột Israel - Palestine. Nhằm tránh cuộc "khủng hoảng ngoại giao", Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chọn phương án mang tính thỏa hiệp là công nhận Palestine tham gia LHQ với tư cách "quan sát viên", như thế có thể tránh được một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an mà Mỹ chắc chắn sẽ phủ quyết. ông Sarkozy đưa ra thời hạn một năm để Palestine và Israel có được một hiệp ước, đồng thời đề xuất nâng cấp quy chế dành cho người Palestine trước khi bước vào thỏa thuận ký kết hiệp ước.

Thủ tướng Israel (giữa) và các cộng sự.

Nhóm “bộ tứ” cũng tham gia "hiến kế" nhằm gỡ ngòi nổ khủng hoảng. Các đại sứ của nhóm "bộ tứ" dự kiến tung ra tuyên bố chung trong đó yêu cầu Israel phải công nhận đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967, lấy đó làm cơ sở cho việc thực thi giải pháp "hai nhà nước", đồng thời người Palestine phải công nhận "tính cách Do Thái" của người Israel. Tuy nhiên, giải pháp này xem ra cũng không ổn, vì tại cuộc họp tay đôi chiều 21/9 bên lề Hội nghị Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Palestine Abbas đã nói thẳng với Tổng thống Mỹ Obama rằng đề xuất đó của nhóm "bộ tứ" không thể đưa ông trở lại bàn đàm phán bởi vì "người Palestine chống lại việc thừa nhận tính chất Do Thái của người Israel.

Trong khi đó, các chuyên gia của Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang cố gắng xây dựng một kế hoạch thỏa hiệp mới giữa Israel và Palestine. Theo giới quan sát, có thể ông Abbas sẽ chấp nhận "tạm hoãn" yêu cầu công nhận Nhà nước Palestine trong vòng một năm. Tổng thống Pháp còn "lạc quan" hơn khi kêu gọi Palestine và Israel cùng ngồi lại đàm phán vô điều kiện trong vòng một tháng, và sau đó các bên có 6 tháng để giải quyết 2 vấn đề mấu chốt nhất là về biên giới lãnh thổ của Palestine và an ninh cho Israel.

Ngày 22/9, ngay trước thời điểm Tổng thống Palestine Abbas trình đơn thỉnh nguyện lên Hội đồng Bảo an LHQ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại khẩn khoản kêu gọi ông Abbas quay trở lại bàn đàm phán. Theo giới quan sát, có vẻ như ông Netanyahu chỉ làm một động tác "chiếu lệ" để phối hợp với Mỹ trong nỗ lực ngăn cản việc thành lập Nhà nước Palestine. Vì như một cố vấn của Tổng thống Abbas phát biểu, nếu Israel thật sự muốn đàm phán và sẵn sàng cùng Palestine đi đến một giải pháp cuối cùng cho hòa bình thì Israel đã làm từ lâu rồi, không đợi đến khi Palestine đơn phương thành lập nhà nước mới tỏ ra khẩn trương.

Đến nay, mọi nỗ lực ngăn cản Palestine gia nhập LHQ đều đã thất bại. Thời điểm quyết định 23/9 đang đặt ra một vấn đề vô cùng khó xử cho Tổng thống Mỹ Obama. Nguy cơ lớn nhất là nếu Mỹ phủ quyết việc công nhận Nhà nước Palestine, bạo lực sẽ lại bùng phát tại Trung Đông, và khi đó mục tiêu giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, thúc đẩy tiến trình hòa bình ở khu vực Trung Đông càng trở nên xa vời. Điều đó cũng đồng nghĩa với một thất bại thảm hại trong chính sách đối ngoại của ông Obama

Văn Trương (tổng hợp)
.
.