Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Châu Âu thở phào

Thứ Sáu, 17/07/2015, 19:10
Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã được giải quyết ngày 13/7 sau nhiều cuộc đấu trí căng thẳng giữa Thủ tướng Hy Lạp và các lãnh đạo Liên minh châu Âu. Nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi khối Eurozone của Athens được đẩy lùi nhưng những ngày sắp tới sẽ vô cùng khó khăn với người dân Hy Lạp và chiếc ghế của Thủ tướng Tsipras không có gì đảm bảo trong kỳ bầu cử tiếp theo.

Ngày 13/7, sau 17 giờ đàm phán liên tục xuyên đêm của các nhà lãnh đạo khu vực sử dụng đồng euro, vấn đề của Hy Lạp đã được giải quyết gần như dứt khoát. Mặc dù sẽ vẫn còn phải được Quốc hội Hy Lạp và 19 nước thành viên thông qua, cũng như tiến hành thêm các cuộc đàm phán, nhưng thỏa thuận đạt được hôm 13/7 phần nào giải tỏa được bế tắc lâu nay cũng như giúp loại bỏ kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

Các nước EU đồng ý tiếp tục giúp Hy Lạp thêm khoảng từ 80 đến 83 tỉ euro nữa tránh để Athens mất khả năng thanh toán và phải bước ra khỏi khối euro. Nhưng để đổi lấy gói hỗ trợ thứ ba đó, các chủ nợ gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đòi Athens cấp bách cải tổ theo một lịch trình rất xít xao.

Trước hết là hạn chót ngày 15/7, Athens phải thông qua luật điều chỉnh mức thuế VAT, giảm lương hưu của một số thành phần, phải nhìn nhận tính độc lập của Viện Thống kê quốc gia. Chính vì không độc lập với nhà nước mà viện này đã công bố những thống kê sai lệch, dẫn tới thảm họa của Hy Lạp ngày hôm nay.

Kế tới vào ngày 20/7, Hy Lạp sẽ phải tiếp tục giảm nhân sự và chi phí điều hành trong các ngành dịch vụ công cộng. Ngày 22/7 sẽ phải điều chỉnh luật để cải tổ lại hệ thống ngân hàng, hệ thống tư pháp…

Tuy nhiên trước mắt, Athens chưa thông báo về thời điểm cụ thể để tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng về hệ thống lương hưu trên toàn quốc. Cũng chưa có lịch trình cụ thể về các vấn đề liên quan đến chương trình tư hữu hóa Công ty Điện lực quốc gia hay việc cho phép các cửa hàng buôn bán hoạt động ngày Chủ nhật… Nói tóm lại Athens sẽ có rất nhiều việc phải giải quyết trong một thời gian rất ngắn để làm vừa lòng các chủ nợ.

Cuối tháng 6/2013, Athens không thể thanh toán 1,6 tỉ euro cho IMF đúng thời hạn. Ngày 20/7 tới, Hy Lạp lại phải trả thêm hơn 7 tỉ euro cho ECB. Từ hơn 10 ngày qua do thiếu tiền mặt, các ngân hàng Hy Lạp phải đóng cửa, người dân bị hạn chế rút tiền mặt. Hệ thống ngân hàng của quốc gia này còn cầm cự được nhờ ECB vẫn bơm tiền qua trung gian chương trình khẩp cấp ELA.

Sau cuộc đàm phán 17 giờ liên tục, châu Âu đã quyết định được số phận của Hy Lạp. Trong ảnh: Thủ tướng Hy Lạp Tsipras (trái), Thủ tướng Italia Renzi (giữa) và Thủ tướng Đức Merkel ăn mừng thỏa thuận cứu Hy Lạp ngày 13/7.

Sau khi đã đạt được thỏa thuận với Bruxelles và IMF, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trở về Athens để thuyết phục Quốc hội chấp thuận toa thuốc mà các nhà tài trợ vừa mới kê cho Athens với hy vọng được nhận thêm gói hỗ trợ thứ ba. Theo các nhà quan sát, Hy Lạp đã bị đẩy vào chân tường không có chọn lựa nào khác.

Trước cuộc đàm phán quyết định ngày 13/7, Chính phủ Tsipras đã gửi đến khối euro vào tối 10/7 đề nghị chấp thuận các đòi hỏi của chủ nợ mặc dù trước đó ông Tsipras vẫn cương quyết từ chối. Điều đáng nói là đề xuất của ông Tsipras đi ngược lại toàn bộ kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7. Theo đó, 61% cử tri Hy Lạp nói “không” với các điều kiện của chủ nợ.

Sự thay đổi bất ngờ của Thủ tướng Tsipras khiến châu Âu nghi ngờ và họ sợ bị ông gài bẫy. Bình luận về quyết định bất ngờ của Thủ tướng Hy Lạp, báo Libération của Pháp có bài: “Đòn hiểm của ông Tsipras”.

Nhà báo Pháp gốc Hy Lạp Maria Malagardis cho rằng: “Bị coi là hành động đầu hàng, chương trình của Athens (vừa gửi đến khối euro) trên thực tế có vẻ như một tính toán chiến lược”.

Các đề nghị mới của Chính phủ Hy Lạp bị một bộ phận cánh tả coi như là “hành động đầu hàng đơn phương của cánh tả chống chủ trương khắc khổ, sau 6 tháng đối đầu căng thẳng với các chủ nợ”. Nhiều đề nghị trong đó như tăng thuế VAT 23% hay xóa bỏ dần khoản trợ cấp đoàn kết cho những người về hưu nghèo nhất… bị coi là “phản bội” lại các cam kết tranh cử của đảng Syriza. Các đề nghị này trước đây vốn được coi là những “đường ranh đỏ”, không được phép nhân nhượng trong thương lượng.

Bài viết dẫn lại nhận định của một nhà phân tích chính trị, Georges Seferzis, “chiến thắng của quan điểm Không trong trưng cầu dân ý, nay đã chuyển thành chiến thắng của Có trên thực tế”, với câu hỏi: Phải chăng Thủ tướng Hy Lạp đã hy sinh đất nước – đang bên bờ phá sản – để bảo vệ sự đoàn kết của đảng mình, như đánh giá của nhà chính trị học?

Theo nhà báo Libération, xem xét kỹ hơn các đề nghị cải cách của Hy Lạp, có thể thấy rất nhiều cải cách bị áp đặt đã được Chính phủ Hy Lạp đề nghị kéo dài thêm nhiều năm, hơn nữa việc thực thi cũng được yêu cầu diễn ra tuần tự... Chính phủ Hy Lạp vẫn tiếp tục từ chối tăng VAT đối với các thực phẩm chính hay giá điện, từ chối hạ lương hay cắt giảm tiếp trong lĩnh vực công. Cuối cùng thì, Libération đánh giá, “trong cuộc đọ sức quyết liệt chưa từng có với các chủ nợ” và trong bối cảnh một số “đối tác” châu Âu mong muốn Hy Lạp ra khỏi Euro, Thủ tướng Hy Lạp đã tránh cho đất nước kịch bản Grexit vội vã.

Cử tri Hy Lạp ăn mừng sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7. Giờ đây Thủ tướng của họ lại đi ngược với kết quả bỏ phiếu này.

Về mặt đối nội, với việc “chìa tay ra với tất cả các lãnh đạo đối lập, ngay sau chiến thắng trưng cầu dân ý, mời họ tham gia đóng góp vào các cải cách cho đất nước, ông Tsipras đã vô hiệu hóa các đối thủ chính trị”.

Vẫn theo Libération, sự lựa chọn mang tính chiến thuật – tổ chức trưng cầu dân ý – của ông Tsipras có thể khiến nền kinh tế Hy Lạp phải trả giá, vì nhiều ngày ngưng trệ, tuy nhiên, đối với đa số người dân Hy Lạp, thủ phạm chính của sự thiệt hại này là đòi hỏi cứng rắn của các chủ nợ, hơn là người đứng đầu chính phủ.

Cho đến giờ phút này có thể nói cuộc khủng hoảng của Hy Lạp đã được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, chiếc ghế của Thủ tướng Tsipras lại đang bị lung lay. Với người dân Hy Lạp, việc Thủ tướng Tsipras chấp thuận toàn bộ điều kiện của chủ nợ là một sự phản bội. Ngày 25/1/2015, ông Tsipras được bầu lên làm thủ tướng Hy Lạp vì hứa với người dân rằng ông sẽ không chấp thuận bất cứ áp đặt nào từ các chủ nợ, rằng người dân Athens từ nay sẽ không còn phải chịu khắc khổ theo những điều kiện của châu Âu nữa, và rằng những đòi hỏi của các chủ nợ sẽ bị ông “vứt vào sọt rác”.

Suốt 6 tháng qua, ông Tsipras đã giữ đúng lời hứa với dân khi lần lượt từ chối các điều kiện của IMF, ECB và EC. Ngày 10/7, đùng một cái ông Tsipras quay ngoắt 180 độ, chấp thuận các đòi hỏi của chủ nợ để cứu Hy Lạp khỏi bờ vực phá sản và nguy cơ ra khỏi khối Euro.

Giải thích về sự thay đổi bất ngờ này, phát biểu trước Quốc hội Hy Lạp ngày 11/7, ông Tsipras nói: "Để trả lời câu hỏi chúng ta có mắc sai lầm trong 6 tháng đàm phán vừa qua hay không, câu trả lời trung thực duy nhất là “Có”. Đúng, chúng ta đã mắc sai lầm".

Tất nhiên, Thủ tướng Tsipras không thể không nhắc đến cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vừa mới cách đây ít ngày từng được tung hô là dấu mốc trọng đại cho lòng tự tôn dân tộc của người Hy Lạp.

Ông Tsipras chia sẻ: "Người dân Hy Lạp đã đưa ra một quyết định khó khăn, dũng cảm mang tính lịch sử. Họ đã bác bỏ tối hậu thư. Tôi đã dùng lời nói "Không" của cử tri để xây dựng một thỏa thuận tốt hơn cho đại bộ phận người dân Hy Lạp".

Nhận xét về quyết định của Thủ tướng Tsipras, báo Le Monde của Pháp bình luận: “Sự thỏa hiệp cần thiết đang trên đường khẳng định, cho phép giữ Hy Lạp ở lại châu Âu giúp cho Athens có được khả năng hoàn nợ. Sự nhân nhượng này, nếu được khẳng định, sẽ không làm ai thỏa mãn, nhất là cử tri Hy Lạp, bị buộc phải chấp nhận điều mà họ đã chối từ trước đó ít ngày trong một cuộc bỏ phiếu long trọng. Nếu kết quả tốt đẹp, người ta có thể nói bất cứ điều gì về Alexis Tsipras, chỉ trừ một điều: ông ta không thiếu dũng khí. Ông ta đã cư xử như một lãnh đạo chính trị có trách nhiệm, đóng góp phần mình vì lợi ích quốc gia”.

Nói về sự phản bội của Tsipras với các cử tri Hy Lạp, báo Le Figaro nhận định: “Tương lai sẽ đánh giá lập trường mà Hy Lạp chấp nhận sẽ cho phép quốc gia này bình phục hay không, nhưng trường hợp Hy Lạp đã cho thấy không có lực lượng chính trị mị dân nào có được phép mầu cho phép hứa nhăng hứa cuội”.

Và điều người dân Hy Lạp lo sợ trước mắt sẽ là chuỗi ngày tiếp tục thắt lưng buộc bụng theo các điều kiện của chủ nợ. Ngày 12/7, báo chí Đức đưa tin Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras muốn kêu gọi sớm tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn, có thể diễn ra vào mùa thu này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu từ nay tới mùa thu, ông Tsipras có còn cầm quyền ở Hy Lạp hay ông sẽ kêu gọi thành lập một chính phủ quá độ để điều hành đất nước trong cơn khủng hoảng.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.