Khủng hoảng tại Iraq: Vùng đất đầy biến động phải chia ba?

Thứ Ba, 22/07/2014, 17:00

Vào ngày đầu tiên của tháng chay Ramadan (ngày 29/6, theo lịch Hồi giáo), tổ chức "Nhà nước Hồi giáo và vùng Cận Đông" đã khiến cả thế giới phải nín thở hướng về chảo lửa Trung - Cận Đông với sự kiện "Nhà nước Hồi giáo" được chính thức thành lập. Đây có lẽ là bằng chứng rõ ràng nhất chứng minh cho sự sụp đổ của mô hình biến đổi các xã hội Trung Đông theo kiểu Mỹ ở mọi khía cạnh của nó.

"Con quái vật Frankenstein" - ISIS, một tổ chức từng được Mỹ nuôi dưỡng vì mục tiêu chính trị trước mắt là lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, không chịu thỏa mãn với phần ít ỏi có được, mà tiếp tục xâm phạm đến các lợi ích cơ bản của Mỹ. Trong khi đó, mô hình "dân chủ thế tục" do Washington áp đặt, điều mà Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki không thể rời bỏ được, lại hoàn toàn không có sức sống.

Sự đối đầu hình thành từ hơn… một ngàn năm trước

Sự chia rẽ giữa 2 nhánh lớn của Hồi giáo đã khởi đầu từ sau cái chết của nhà tiên tri Mohammed vào năm 632. Những người cùng thời của nhà tiên tri cho rằng, người kế thừa phải được chọn trong cộng đồng theo như truyền thống của người Bedouin.

Những kẻ theo thuyết Ali, anh em họ và rể của Mohammed, cho rằng ý muốn của Thượng đế đã chọn ông và các hậu duệ là "người dẫn dắt" cho những tín đồ. Vụ ám sát người con trai Hossein tại Kerbala (Iraq hiện nay) vào năm 680 là một biến cố đã lập ra nhánh Shiite.

Đối với người Sunni, nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo có thể hòa nhập trong một. Cộng đồng Shiite khác biệt là do có hệ cấp tôn giáo, các giáo sĩ tách biệt với chính quyền cho đến cuộc cách mạng Iran, lúc sự phân cách tôn giáo - chính trị bị hủy bỏ.

Dòng Shiite chiếm từ 10 đến 20% tổng số người Hồi giáo trên thế giới. Họ chiếm đa số tại Iran (90 - 95% dân số, tức khoảng 70 triệu người), Iraq (65%, khoảng 20 triệu người), Azerbaidjan (5 - 7 triệu người), và Bahrein (400.000 người). Người ta cũng thấy các cộng đồng thiểu số quan trọng tại Pakistan (24 triệu người), Ấn Độ (20 triệu người), Yemen, Afghanistan, Arập Xêút và Liban, chiếm khoảng 35% dân số.

Từ khi dòng này xuất hiện, cộng đồng Shiite phát triển bên lề xã hội tại các đế chế như Liban và miền tây Arập Xêút, đặc biệt là Bahrain. Vương triều Iran từ thế kỷ XVI đã biến dòng Shiite thành quốc giáo. Trong thế kỷ XX, ngoại trừ tại Iran, người Shiite luôn bị đưa ra ngoài lề xã hội như nhiều cộng đồng thiểu số khác, nhưng không hề có những thế kỷ chìm trong bạo lực tôn giáo. Cuộc cách mạng Iran năm 1979 được đón nhận một cách cởi mở bởi dân thường Arập đa số là Sunni, trong khi nó lại gây lo ngại cho những nhà cầm quyền bảo thủ trong khu vực.

"Khả năng đối đầu với phương Tây giúp cho Teheran có được sự mến chuộng trong thế giới người Sunni. Đường lối cứng rắn của Giáo chủ Khomeini trước các cường quốc phương Tây đối nghịch với sự dễ dãi của phần lớn những chế độ bảo thủ Arập" - nhà nghiên cứu Francois Burgat giải thích.

Phiến quân của tổ chức ISIL.

Sự lo ngại của các chính quyền bảo thủ càng to lớn hơn bởi sự năng nổ của các phong trào Shiite ở Iraq và bán đảo Arập. Iran lại xuất khẩu cuộc cách mạng với sự thành lập lực lượng Hezbollah Shiite năm 1982 tại Liban. Khái niệm "Lưỡi liềm Shiite" do Vua Abdallah của Jordan lập ra vào năm 2004 thể hiện mối lo sợ một khu vực chịu ảnh hưởng Iran.

Bùng phát bạo lực tôn giáo tại Iraq

Những làn sóng bạo lực giữa người Sunni và người Shiite tại Iraq bùng ra sau khi Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003. Quyền hành được trao cho người Shiite từ lâu bị nằm ngoài rìa và người Sunni bị đẩy ra khỏi guồng máy chính quyền và quân đội. "Chính sách này là khởi nguồn cho cuộc nổi dậy của người Sunni vào năm 2003-2004 rồi đến cuộc nội chiến 2006-2008" - nhà nghiên cứu Arthur Quesnay cho biết.

Hiểu ra sai lầm của mình, từ năm 2007, Mỹ cố tìm cách đưa người Sunni vào chính trường, nhất là với sự thành lập dân quân được trả lương để chống lại Al-Qaeda. Gần đây hơn, chính sách mạnh mẽ của Thủ tướng Al-Maliki đã khiến người Sunni xa lánh và quay sang hàng ngũ ISIS. Nhiều cựu thành viên đảng Baath đã gia nhập phe thánh chiến mà họ xem như là một lực lượng đối lập đáng tin cậy.

"Một ý thức quốc gia vẫn còn tồn tại trong thời gian gần đây ở Iraq. Nếu tại Baghdad người dân dần dần nghiêng theo các nền tảng tôn giáo để chống lại bạo lực cực đoan, ở Kirkuk và Mossul các tư tưởng vẫn còn hòa lẫn trong dân chúng" - nhà nghiên cứu Arthur Quesnay cho biết.

Sự chia rẽ giữa 2 dòng Sunni và Shiite trong khu vực bắt đầu từ mùa xuân 2011 tại Syria, dẫn đầu bởi nhóm Alaouit của Tổng thống Al-Assad. Khi lên án cộng đồng đa số Sunni muốn áp chế cộng đồng thiểu số Shiite, Tổng thống Al-Assad đã gây lo ngại cho một số người Shiite, điều này góp phần làm các cộng đồng co cụm lại.

"Sự hậu thuẫn quân sự của phong trào Hezbollah ở Liban cho quân đội của Al-Assad càng làm tăng thêm nỗi thù ghét của người Sunni, nhất là sau chiến thắng tại Qousseir vào tháng 7/2013. Sự hậu thuẫn này ngày càng ảnh hưởng trực tiếp vào cuộc khủng hoảng tại Iraq" - nhà nghiên cứu Francois Burgat nhận định.

Ngôi nhà xây trên cát

Tuy thu được những thắng lợi như vậy, nhưng nhiều người Sunni ở Iraq lại có những ý kiến khác về thành công của ISIS. Các tù trưởng người Sunni, những người đã đồng ý nổi dậy chống lại chính quyền trung ương, khẳng định rằng lực lượng cảnh sát dưới quyền họ mới là những người đóng vai trò chủ yếu. Các thành viên đảng Baath của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein đang hoạt động bí mật, những người đã đứng vào hàng ngũ của người Hồi giáo, cũng cho rằng, họ đã góp công lớn cho các chiến thắng vừa giành được.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Al-Quds sau khi các tay súng của ISIS chiếm được thành phố Tikrit, Raghad, con gái của Saddam Hussein, đã nói: "Tôi rất hạnh phúc khi được biết về chiến thắng này. Đây là thắng lợi của các chiến sĩ của cha tôi và chú Izzat al-Douri của tôi. Một ngày nào đó, tôi sẽ trở về Iraq và đến viếng mộ cha tôi. Điều đó có thể chưa đến ngay, nhưng nhất định sẽ đến".

Như vậy là ở Tikrit, đội quân của các thành viên đảng Baath, những người từng nằm dưới quyền chỉ huy của cựu Phó Tổng thống Iraq, Phó Tổng tư lệnh Izzat al- Douri, đã có vai trò nhất định.

Thủ lĩnh của ISIS Abu Bakr al-Baghdadi, nay là người đứng đầu “nhà nước Hồi giáo”.

Đây có lẽ là bằng chứng rõ ràng nhất chứng minh cho sự sụp đổ của mô hình biến đổi các xã hội Trung Đông theo kiểu Mỹ ở mọi khía cạnh của nó. "Con quái vật Frankenstein" - ISIS, một tổ chức từng được Mỹ nuôi dưỡng vì mục tiêu chính trị trước mắt là lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, không chịu thỏa mãn với phần ít ỏi có được, mà tiếp tục xâm phạm đến các lợi ích cơ bản của Mỹ.

Trong khi đó, mô hình "dân chủ thế tục" do Washington áp đặt, điều mà Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki không thể rời bỏ được, lại hoàn toàn không có sức sống. Mọi cố gắng của ông nhằm duy trì sự cân bằng giữa các khu vực đã không đem lại kết quả. Người Sunni vẫn tiếp tục luyến tiếc những đặc quyền đặc lợi trong quá khứ, người Kurd đã xây dựng khu vực bán tự trị của mình chậm nhưng chắc chắn, còn người Shiite, chiếm tới 60% dân số, thì chưa kịp cảm nhận một nước Iraq mới hoàn toàn là của mình.

Khoảng cách mà Nuri al-Maliki xây dựng giữa ông và Nhà Trắng, rõ ràng là chưa đủ. Trong tất cả các tầng lớp xã hội luôn tồn tại quan điểm bất di bất dịch rằng, đất nước Iraq đã bị ban lãnh đạo "bán" cho phương Tây, do vậy, chỉ cần cú đẩy nhẹ của một số ít các phần tử cực đoan cũng đủ làm cho tất cả sụp đổ như làm đổ ngôi nhà xây trên cát.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc xây dựng lực lượng quân đội mới của Iraq hoàn toàn thất bại bởi người ta đã sử dụng đúng theo mô hình quân đội Mỹ cả về lý luận và thực tiễn trong điều kiện Trung Đông. Quân đội Iraq được trang bị không đầy đủ, các binh sĩ không được huấn luyện tinh thần sẵn sàng đối mặt trực tiếp với kẻ thù. Đánh bại kẻ thù, tạm thời giữ các vùng đất vừa chiếm được là hoàn toàn chưa đủ, còn cần phải có lòng dũng cảm, có khả năng giữ được vĩnh viễn lãnh thổ của mình và sẵn sàng hy sinh vì những mục tiêu cao hơn. Để có được điều đó, những người lính cần có một động cơ và phải được huấn luyện hoàn toàn phù hợp với các điều kiện của Iraq.

Trong khi đó, ISIS có tất cả như sự cuồng tín tôn giáo và kinh nghiệm chiến đấu ở Syria, đã quen với các chiến thuật tác chiến của NATO vì phần lớn các tay súng của họ được tuyển mộ trong số hơn 20.000 lính đánh thuê nước ngoài đến Syria trong đó có hơn 3.000 người châu Âu, 3.000 người Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã từng trải qua các khóa huấn luyện quân sự theo kiểu của NATO.

Còn vũ khí nguy hiểm nhất của ISIS là "những chiếc xe Tachanka" hiện đại đã được thử nghiệm ồ ạt trong cuộc chiến ở Syria. Đây là những chiếc xe bán tải tốc độ cao có gắn súng máy hạng nặng, nó có khả năng phá hủy những chiếc xe Hummer nặng nề ở khoảng cách một vài kilômét và dễ dàng di chuyển để tránh tầm hỏa lực của pháo binh và xe tăng. Các phi công của quân đội chính phủ Syria cũng đã phải mất nhiều năm mới học được cách đánh loại xe này bằng tên lửa.

Lực lượng Pesh-merga của người Kurd ở Kirkuk

Có thể nhận định rằng cuộc tấn công của ISIS nhất định sẽ bị suy yếu khi các tay súng người Sunni tiến vào các khu vực dân cư của người Shit, trong đó có Baghdad. Đương đầu với chủ nghĩa cực đoan của người Sunni sẽ là chủ nghĩa cực đoan của người Shiite, những người có động cơ chiến đấu rất cao giống như sự sẵn sàng xung trận của "đội quân Mahdi", lực lượng đã giải thể vào năm 2007 và điều này sẽ làm cho sự phản kháng của các bên sẽ khốc liệt và đẫm máu hơn. Trên thực tế, đất nước Iraq đang được đẩy nhanh tới sự phân chia thành ba - người Sunni ở miền Trung, người Shiite ở miền Nam, còn ở miền Bắc là người Kurd.

Người Kurd đột nhiên có được cơ hội thực hiện nguyện vọng thiết tha của mình. Các đơn vị Peshmerga (lực lượng vũ trang người Kurd) là những người cùng một dân tộc và được đánh giá cao về lý tưởng. Peshmerga với quân số khi tổng động viên lên tới 140.000 người đã đẩy được các tay súng của ISIS ra khỏi phần lớn tỉnh Nineveh và chiếm lại thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk, thủ đô lịch sử của người Kurd. Hơn nữa, Chính phủ Iraq đã công bố thỏa thuận với chính quyền khu vực Kurdistan cho phép lực lượng vũ trang người Kurd được ở lại không chỉ tại các vùng lãnh thổ tranh chấp trước đây của Iraq, mà còn được quyền chiếm đóng Mosul.

Cố vấn An ninh quốc gia Iraq Falah al-Fayyad tuyên bố: "Lực lượng Peshmerga là hợp pháp và được đăng ký vào danh sách các lực lượng an ninh Iraq. Baghdad và Erbil đã thỏa thuận rằng, họ sẽ bảo vệ an ninh cho Iraq và sẽ mở các cuộc phản công chống lại ISIS trong thời gian tới".

Có thể khẳng định rằng, sau khi chiếm được các thành phố có cả người Sunni và người Kurd cùng sinh sống, Peshmerga không muốn rút đi. Với việc sáp nhập thêm các thành phố này, dân số của khu vực Kurdistan ở Iraq tăng lên hơn 1,5 lần, ít nhất lên đến 8 triệu người, còn nguồn sống của họ, những mỏ dầu trữ lượng lớn, sẽ được đảm bảo hơn gấp nhiều lần. Rõ ràng, đây chính là cái giá mà những người Shiite sẵn sàng trả để bảo vệ quyền lực của mình ở Baghdad.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Iraq dẫn tới sự phân chia đất nước sẽ không kết thúc. Còn có một kịch bản nữa đó là khi tất cả nguồn tài nguyên dầu mỏ của Iraq sẽ nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd ở phía Bắc tại Kirkuk và Mosul và người Shiite - ở phía Nam Basra. Người Sunni ở miền Trung sẽ nhanh chóng sử dụng hết những gì chiếm được và lâm vào cảnh không có nguồn tài nguyên cần thiết để tồn tại và phát triển. Sự bành trướng của người Sunni nhằm vơ vét tài nguyên và truyền bá tư tưởng thánh chiến là không tránh khỏi.

Các cuộc đối đầu của những người Sunni với người Shiite sẽ tiếp tục diễn ra ác liệt hơn. Với những gì đang diễn ra, có đủ cơ sở để người ta e ngại rằng, họ sẽ dần dần xâm chiếm cả khu vực Trung Đông

Hoàng Tuất - Minh Luân (theo L'Express và Fondsk)
.
.