Liban:

Khủng hoảng tiếp tục gia tăng

Thứ Hai, 11/12/2006, 08:30

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Liban lại tiếp tục gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ nghiêm trọng, đe dọa lật đổ chính phủ hợp hiến cũng như nguy cơ nảy sinh một cuộc nội chiến thực sự giữa phe ủng hộ và chống đối chính phủ.

Tình hình đã xấu đi nhanh chóng kể từ giữa tuần trước (30/11), sau khi phong trào Hezbollah cùng các đảng phái ủng hộ họ đã kêu gọi hàng trăm ngàn người biểu tình đổ ra chật kín đường phố trung tâm thủ đô Beirut, yêu cầu chính phủ thân phương Tây của Thủ tướng Fouad Siniora phải giải tán. Những diễn biến căng thẳng trên đã khiến hai vị ngoại trưởng Anh và Đức là Margaret Beckett  và Frank-Walter Steinmeier phải vội vàng bay tới Liban, tìm cách tháo gỡ ngòi nổ. Còn Washington thì gọi những gì đang diễn ra tại đây là hành động thực hiện âm mưu đảo chính...

Phải nói là phe đối lập đứng đầu là Hezbollah đã chuẩn bị rất kỹ càng cho chiến dịch này. Người biểu tình theo bố trí từ trước đã lên xe buýt từ khắp nơi tại Liban để về thủ đô theo đúng giờ đã định. Thậm chí tại khu vực quảng trường còn được bố trí sẵn nhiều quầy bán đồ ăn điểm tâm và nhà vệ sinh di động để phục vụ nhu cầu của hàng trăm ngàn người tham gia biểu tình. Chỉ trong vài giờ đầu tiên, những đám người đông đặc đã phong tỏa toàn bộ các tòa nhà của chính phủ tại trung tâm Beirut. Tính ra, tổng số người biểu tình tụ tập xung quanh các tòa nhà chính phủ tại Beirut đã lên tới gần 800 ngàn (tức là tương đương với 1/5 dân số của Liban). Họ đồng thanh hô to những khẩu hiệu yêu cầu Thủ tướng Siniora phải từ chức.

Có điều đặc biệt là giai đoạn đầu của cuộc biểu tình đã diễn ra trong bối cảnh không hề có xung đột. Hezbollah và Phong trào tự do yêu nước Thiên Chúa giáo còn tổ chức các nhóm đảm bảo và theo dõi an ninh. Lực lượng cảnh sát và quân đội được chính phủ triển khai từ trước chỉ lập hàng rào đứng quan sát mà hầu như không có động thái can thiệp nào. Thậm chí theo mô tả của những người chứng kiến, tình hình tại Beirut hiện nay giống như một lễ hội chứ không phải là một cuộc biểu tình chính trị.

Tuy nhiên, phe đối lập chắc chắn sẽ không chịu dừng lại ở hành động biểu tình hòa bình nếu như chưa đạt được mục đích cuối cùng. Theo như nghị sĩ người Shiite Ali Hasan Halil từ phong trào “Amal”, các phe phái đối lập đã ra tối hậu thư cho Thủ tướng Siniora. Nếu như đến thời điểm (đầu tuần này), Siniora không chịu từ chức, họ sẽ bắt đầu giai đoạn hai. Ông Ali đã khước từ nói rõ chi tiết về kế hoạch của phe đối lập, nhưng theo các nguồn tin từ báo chí Liban, đó sẽ là một chiến dịch tổng bãi công trên toàn quốc.

Chính phủ Liban hiện chưa thể hiện thái độ nhượng bộ, cho dù không khỏi có những biểu hiện dao động trước sức ép ngày một lớn hơn. Dưới khẩu hiệu yêu cầu chính phủ phải giải tán, Hezbollah đã biết cách liên kết toàn bộ phe đối lập trong một mặt trận chung, trong đó có cả các đại diện của cộng đồng người Shiite, người Sunni, người Thiên Chúa giáo và tất cả các đảng phái, phong trào tự cho là đã bị chính quyền phân biệt đối xử. Trong những điều kiện như trên, phe đối lập hoàn toàn có khả năng tổ chức một phong trào đình công trên quy mô toàn quốc. Thực tế này nếu xảy ra, theo ý kiến các chuyên gia, sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế và tiền tệ tại Liban, trong điều kiện nền kinh tế nước này vẫn chưa kịp phục hồi từ sau cuộc chiến với Israel vào mùa hè vừa qua.

Nếu nhìn nhận một cách toàn diện, nguồn gốc sâu xa từ cuộc xung đột quyền lực trong nội bộ Liban hiện nay thực ra đã bắt nguồn từ chính cuộc chiến trên. Bất chấp những kết quả không rõ ràng trong cuộc đối đầu với Israel, Hezbollah vẫn được nhìn nhận là người chiến thắng “kẻ thù Do Thái”, điều mà một bộ phận đáng kể người dân Liban đều công nhận. Thế là những tham vọng quyền lực của Hezbollah cũng lớn dần lên cùng với chỉ số uy tín ngày càng tăng của phong trào này. Lãnh đạo Hezbollah đi đến quyết định, đã đến lúc phải biến uy tín này thành những quyền lực chính trị cụ thể. Điều quan trọng còn lại là phải tìm ra một nguyên nhân thích hợp để phân chia lại quyền lực.

Lý do cần thiết trên đã xuất hiện hồi cuối tháng 11 vừa qua, sau khi một loạt 6 bộ trưởng thuộc phe đối lập cùng lúc rời bỏ chính phủ liên minh. Lý do họ đưa ra là để phản đối quyết định của chính phủ ủng hộ việc thành lập một tòa án quốc tế xét xử vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Theo như tuyên bố chính thức từ Hezbollah, phiên tòa này trên thực tế không phải là một tòa án xét xử bọn sát nhân, mà chỉ là cái cớ để đàn áp các phe phái chính trị đối lập không chịu “cúi đầu trước phương Tây”.

Ngay sau khi Hezbollah rời bỏ nội các của Fouad Siniora, phe đối lập đã tuyên bố chính phủ hiện tại không được coi là hợp hiến nữa. “Chính phủ này đã sụp đổ hoàn toàn do không thể thực thi những lời hứa hẹn của mình và thất bại trong tất cả mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, các chương trình xã hội cho tới an ninh – thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah đã công khai khẳng định như vậy – Chính quyền hiện nay tại Liban chỉ còn lại những con rối của phương Tây chứ không hề đại diện cho quyền lợi của người dân Liban. Chúng ta đang cần một chính phủ thống nhất toàn dân tộc”.

Còn Fouad Siniora vẫn tỏ ra bình tĩnh, phương Tây đã nhận thức được nguy cơ thực sự của kịch bản như cuộc “cách mạng màu” thuộc một số nước Đông Âu. Khi cuộc biểu tình tại Beirut mới chỉ trong giai đoạn đầu, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Casey đã tuyên bố, những gì đang diễn ra tại Liban chẳng khác gì “một chiến dịch đe dọa và âm mưu thay đổi một chính phủ được bầu cử dân chủ bằng con đường vũ lực”. Ngay từ thứ bảy qua, hai bộ trưởng ngoại giao của Anh và Đức đã phải vội vàng bay tới Beirut nhằm tìm phương cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Cùng tham gia trong nỗ lực này còn có các nhà ngoại giao của Arập Xêút và Tổng thư ký Liên đoàn các quốc gia Arập Amr Moussa. Ngay cả nước Nga cũng không thể đứng ngoài cuộc

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.