“Kịch bản nói dối” đang lặp lại với Iran

Thứ Tư, 27/11/2019, 18:03
Dường như đang có một chiến dịch quy mô của phương Tây nhằm vào Iran. Cách thức cũng giống như kịch bản trước kia tấn công Iraq. Họ cần tạo ra một cái cớ để tấn công Iraq, rằng Iraq là mối nguy của thế giới.

Giờ đây Iran đang ở trong hoàn cảnh tương tự khi được Mỹ, Anh đánh giá là một thế lực quân sự ở Trung Đông, vũ khí hạt nhân của Iran đang gây họa cho thế giới... Kịch bản quen thuộc trước mỗi cuộc tấn công của phương Tây vào một quốc gia khác lại có vẻ như đang bắt đầu.

Truyền thông phương Tây gần đây đưa ra nhận định rất có “chủ ý” rằng: Mặc dù phải chịu sức ép trừng phạt trong nhiều thập kỷ, Iran vẫn thành công trong việc phát triển vũ khí tên lửa và hiện đang sở hữu kho vũ khí tên lửa lớn hơn của bất kỳ quốc gia Trung Đông nào khác - đó là kết quả một nghiên cứu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 19-11.

Quân đội Iran thử một loại vũ khí mới. Ảnh: theiranproject.

Theo Lầu Năm Góc, Iran đã chi tiêu ít hơn cho lĩnh vực quốc phòng, với ngân sách trong năm 2017 chỉ là 20,7 tỷ USD. Nền kinh tế nước này đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Tehran.

Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ cho biết, Iran coi tên lửa là một nhu cầu chiến lược để bù đắp những hạn chế về không quân, trong bối cảnh nước này vẫn đang phải sử dụng một số máy bay của Mỹ được chính quyền cũ đặt mua từ trước năm 1979. Iran hiện đã phát triển một loạt các tên lửa có thể tấn công ở khoảng cách 1.250 dặm (tương đương 2.000 km) - có khả năng vươn tới Israel hay Saudi Arabia.

Trong năm 2017, Iran cũng đã trình diễn tên lửa Khoramshahr với tầm bắn 2.000km, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Chuyên gia Christian Saunders thuộc Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ cho rằng một khi những hạn chế này hết hạn vào tháng 10-2020, Tehran sẽ có cơ hội đạt được một số năng lực tiên tiến vượt quá tầm với trong nhiều thập kỷ.

Những đánh giá của Cơ quan tình báo Quân sự Mỹ (DIA) còn đặc biệt nhấn mạnh Tehran đang tìm cách trở thành một cường quốc khu vực ở Trung Đông khi đạt được tiến bộ nhanh chóng về công nghệ máy bay chiến đấu không người lái và các hệ thống chiến tranh khác, bao gồm những hệ thống tên lửa.

Cơ quan này đánh giá, Iran vẫn đang sử dụng các xe tăng đã lỗi thời được sản xuất ở Liên Xô từ thập niên 70, cùng các máy bay chiến đấu cũ hơn. Nhưng Tehran có thể sẽ nhanh chóng nâng cấp các khí tài này sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ được dỡ bỏ vào năm sau.

Cơ quan tình báo quân sự Mỹ cũng nhấn mạnh, nhờ sự tương đồng trong công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các phương tiện phóng vệ tinh vào không gian, Iran có thể phát triển được những tên lửa lớn hơn và mạnh hơn, từ đó tạo ra mối đe dọa lớn hơn cho Mỹ và các đồng minh Trung Đông của mình. Một quan chức tình báo Mỹ nói với phóng viên hãng tin AP rằng Iran có thể sẽ mua các máy bay chiến đấu và xe tăng mới từ Nga và Trung Quốc.

Không chỉ Mỹ mà Anh cũng vào cuộc để kích động mâu thuẫn nội bộ của Iran. Mới đây, Đại sứ quán Iran tại London đã nộp đơn kiện đối với các kênh truyền hình tiếng Ba Tư có trụ sở tại Anh vì đưa tin sai lệch về các sự kiện gần đây tại Iran.

Đại sứ Iran tại London Hamid Baeidinejad ngày 22-11 cho biết, Đại sứ quán đã gửi đơn kiện lên Cơ quan Quản lý truyền thông tại Anh (Ofcom) đối với hành vi của các kênh truyền hình tiếng Ba Tư như BBC Farsi, Iran International và Manoto. Theo Đại sứ Baeidinejad, đơn kiện liên quan tới việc những kênh truyền hình này đưa thông tin mang tính thiên vị về những diễn biến gần đây tại Iran và kêu gọi hành động bạo lực chống lại các cơ quan dân sự tại Iran.

Những “đồng minh” của Anh, Mỹ ở khu vực Trung Đông cũng “hùa” theo khi liên tục đưa ra các bài viết bóp méo sự thật tại Iran, cường điệu hóa những khó khăn kinh tế mà Iran đang gặp phải do lệnh cấm vận của chính Mỹ và phương Tây đưa ra.

Quân đội Iran đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Ảnh: sputniknews.

Nếu Iran tiếp tục theo đuổi việc cắt giảm các cam kết JCPOA thì các quốc gia khác, đặc biệt là phía các nước châu Âu, có thể buộc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Tehran, đồng thời Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng có thể khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận đã tìm thấy dấu vết uranium tại một địa điểm không được công bố ở Iran, thì Pháp, Đức và Anh tuần trước đã cảnh báo nước Cộng hòa Hồi giáo cần phải tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hoặc đối mặt với các động thái trừng phạt mạnh mẽ. Đến đây thì phương Tây đã ngửa bài. Cái họ cần là sự quy phục của Iran.

Phương Tây đang có một kế hoạch tuyên truyền nói rằng, cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran leo thang đã gây ra một mối lo ngại lớn. Thái độ của các nước lớn cũng có những thay đổi tế nhị. Pháp, Đức, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ra một tuyên bố chung, nói rằng các nước này “đặc biệt quan ngại” về các hoạt động làm giàu urani vừa được khởi động lại tại cơ sở Fordow của Iran, thúc giục Iran “trở lại thực hiện đầy đủ các cam kết của nước này trong JCPOA mà không được trì hoãn”. Họ đã sẵn sàng cân nhắc cơ chế giải quyết tranh cãi được quy định trong thỏa thuận hạt nhân, điều vốn có thể dẫn tới việc khôi phục lại các lệnh trừng phạt quốc tế và cấm vận vũ khí đối với Iran.

Các nhà phân tích nhận định, cốt lõi vấn đề hạt nhân của Iran không phải là về hạt nhân mà Mỹ sử dụng vấn đề hạt nhân để làm cái cớ kiềm chế Iran. Và Mỹ lo ngại căng thẳng hạt nhân Iran có thể tiếp tục leo thang với những xích mích ngày càng gay gắt hơn giữa Washington và Tehran. Mỹ đã bật đèn xanh cho Israel chuẩn bị trước các tình huống ứng phó.

Giới chức an ninh Israel đang theo sát tình hình, đặc biệt là các diễn biến liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran. Israel cho rằng, các thông tin tình báo cho thấy Iran đang đẩy nhanh chương trình hạt nhân quân sự để chuẩn bị chế tạo bom hạt nhân và năng lực quân sự. Như thế, trong bối cảnh Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và thực tế là những cam kết mà Iran đưa ra với các cường quốc khác liên tục bị xói mòn, lực lượng vũ trang Israel buộc phải có những nỗ lực và chuẩn bị nguồn lực để nối lại các cuộc thảo luận.

Nhiều quan chức quân sự thậm chí còn cho rằng Israel cần chuẩn bị năng lực quân sự để sẵn sàng hành động và tấn công chương trình hạt nhân Iran nếu cần thiết.

Hoa Huyền
.
.