Kiến nghị tịch thu xe ôtô, xe máy của người say rượu có phù hợp thực tế?

Thứ Năm, 12/03/2015, 15:45
Ngay sau khi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG) có văn bản gửi Chính phủ đề nghị tịch thu môtô, xe máy đi vào đường cao tốc; tịch thu môtô, xe máy, ôtô trong trường hợp người điều khiển có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, tước giấy phép 2 năm đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép… đã có rất nhiều ý kiến trái ngược…

Tịch thu xe nếu điều khiển xe khi say

Trong văn bản gửi Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, UBATGTQG đã đề xuất cho phép các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3.

Trong đó có quy định, nếu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép.

Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.

Riêng với hành vi điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc, UBATGTQG  cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện.

Lý giải về việc đưa ra kiến nghị này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch UBATGTQG  cho rằng hành vi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi say xỉn là hành vi đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp an toàn của chính người vi phạm và đặc biệt là uy hiếp an toàn xã hội, những người xung quanh.

Đường cao tốc kết cấu hạ tầng cao, đòi hỏi tính đồng nhất của phương tiện, khi xuất hiện phương tiện khác lạ thì sẽ gây nguy hiểm rất lớn.

Luật Giao thông đường bộ đã cấm môtô, xe máy đi vào đường cao tốc. Vì vậy phải có chế tài thật nghiêm để gửi thông điệp đến người dân là hậu quả nếu xảy ra là rất lớn, để người dân không vi phạm.

Trong quá trình xây dựng đề xuất này, UBATGTQG đã nghiên cứu cơ sở pháp lý.

Hiện nay quy định về quyền sở hữu tài sản Hiến pháp đã quy định rất rõ. Nhưng điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển môtô.

Theo ông Hùng, ở nhiều nước hiện xử phạt rất nặng hành vi lái xe  sau khi uống rượu, như ở Nhật nếu lái xe với nồng độ cồn 80mg/l máu có thể bị phạt tù 5 năm và 8.800 USD với người lái. Người giao xe cho người lái xe vi phạm cũng bị phạt tương ứng.

Người cung cấp rượu cũng bị xử phạt tù 3 năm và phạt 3.000 USD, người ngồi cạnh người lái xe vi phạm cũng có thể bị phạt tù đến 3 năm. Hàn Quốc, lần đầu tiên vi phạm, nồng độ cồn từ 50-99mg/l máu phạt tù 6 tháng, phạt tiền 3 triệu won.

Vì vậy, ông Hùng cho rằng đưa ra chế tài có tính răn đe nhưng mục tiêu không phải để xử phạt công dân của mình mà là biện pháp giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng thay vì tịch thu xe thì nên nâng mức xử phạt. Như hành vi điều khiển môtô, xe máy (kể cả xe máy điện vào đường cao tốc), hiện theo Điểm e Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì mức xử phạt mới chỉ từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng là quá thấp, nên tăng mức xử phạt lên vài triệu  đồng. 

Nếu xét về mức độ vi phạm pháp luật giữa hành vi điều khiển môtô, xe máy vào đường cao tốc và hành vi đua xe thì hành vi đua xe có mức độ vi phạm nghiêm trọng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, tiềm ẩn hậu quả tai nạn giao thông rất lớn.

Trong khi đó, hành vi chạy xe máy, xe môtô vào đường cao tốc tuy có yếu tố nguy hiểm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng so với hành vi đua xe thì rõ ràng tính chất vi phạm pháp luật, hậu quả mà hành vi chạy xe vào đường cao tốc không bằng với hành vi đua xe.

Hiện việc tịch thu phương tiện được áp dụng đối với những trường hợp đua xe nhưng thực tế quy định này cũng đang gặp khó khăn do nhiều trường hợp chiếc xe đó lại không thuộc sở hữu của người vi phạm.

Trả lời báo chí về đề xuất của UBATGTQG, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng những hành vi vi phạm giao thông mà UBATGTQG đưa ra đều là vi phạm hành chính, theo các quy định hiện hành chưa tới mức bị tịch thu phương tiện.

Theo ông Sơn, những vi phạm như vậy chỉ nên dừng lại ở mức xử phạt thật nặng, tạm giữ giấy tờ, treo bằng lái hoặc tịch thu bằng lái vĩnh viễn chứ không nên tính tới chuyện tịch thu xe.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, với nhiều người chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện mưu sinh, là tài sản có giá trị lớn thậm chí rất lớn khi một chiếc ôtô có trị giá vài trăm triệu tới vài tỉ đồng, thậm chí hơn 10 tỉ đồng.

Không những thế, trong nhiều trường hợp người điều khiển xe lại không phải là chủ xe mà là xe đi mượn, xe thuê hoặc là người làm công, nếu tịch thu xe sẽ phát sinh nhiều tranh chấp, vì vậy nhiều luật sư cho rằng không nên áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện mà nên tăng mức phạt tiền để đảm bảo tính răn đe của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Từ góc độ của một chuyên gia nghiên cứu và trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật, Đại tá PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, cho rằng tất cả các quy định pháp luật phải tuân thủ Hiến pháp và theo các thứ bậc vì chỉ cần so sánh hành vi vi phạm pháp luật hình sự là hành vi nguy hiểm nhất và bị coi là tội phạm, nhưng trong nhiều trường hợp còn chưa áp dụng chế tài tịch thu phương tiện.

Trong trường hợp say rượu, nếu đó là vi phạm hành chính thì có nhiều biện pháp có thể ngăn chặn để người dân tuân thủ pháp luật không vi phạm như tăng nặng mức xử phạt bằng tiền, tước bằng lái vĩnh viễn với người vi phạm, nếu không có bằng mà vẫn lái xe thì sẽ xử lý hình sự.

Nguyễn Thiêm
.
.