Kinh tế Nga đã thoát khủng hoảng như thế nào?

Thứ Tư, 22/06/2016, 14:35
Tại diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 20, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định mặc dù chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU trong 2 năm qua, nhưng đến nay nền kinh tế Nga đã vượt qua thời kỳ suy thoái.

Hôm 16-6 vừa qua, trong cuộc họp với các nhà đầu tư và các thành viên của Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga, Tổng thống Putin khẳng định: "Chúng ta đã gần như vượt qua thời kỳ suy thoái và nền kinh tế đang có những điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng".

Ông Putin cũng cho biết tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước đã ổn định, mức độ lạm phát đã giảm, nền kinh tế đã thích nghi với những điều kiện mới.

Để chứng minh cho khẳng định của mình, ông Putin đã đưa ra các dẫn chứng như lượng dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga vẫn ở mức cao, thị trường tài chính mở, nền kinh tế có lợi thế cạnh tranh nhờ áp dụng tỉ giá tiền tệ quốc gia linh hoạt...

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg ngày 16-6.

Cũng tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, hôm 16-6, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexey Ulyukayev cho biết, đà suy thoái của nền kinh tế Nga sẽ dừng lại hoàn toàn vào cuối năm nay. Từ quý III năm nay, nền kinh tế Nga sẽ phục hồi nhanh chóng. Theo dự đoán, so với cùng kỳ năm trước, GDP 5 tháng đầu năm 2016 của Nga giảm khoảng 1%.

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, trong dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF), mức suy thoái của nền kinh tế Nga đã được giảm xuống 2,7% so với dự báo 3,4% trước đó và nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng trở lại với mức 1,1% trong năm 2017.

Một trong những yếu tố giúp Nga vượt khủng hoảng hiện nay, theo nhận định của báo chí Pháp, chính là sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nhân phương Tây. Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, một cuộc vận động mạnh mẽ được phát động cho việc dỡ các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga.

“Các lệnh trừng phạt đang gây khó khăn cho tất cả chúng tôi. Các nhà quản lý nên nhìn thẳng vào thực tế” là những lời kêu gọi của giới doanh nhân Pháp đưa ra trước ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg. Họ chỉ trích Chính phủ Pháp “lời nói không đi đôi với việc làm”. Trước mặt giới chủ, “các bộ trưởng nhìn nhận các lệnh trừng phạt này là phi lý, đi ngược lợi ích kinh tế của Pháp, nhưng hai năm đã trôi qua, với các lý do chính trị, "các lệnh trừng phạt đó vẫn bị triển hạn".

Cũng như giới doanh nhân ở các nước khác trong Liên minh châu Âu, họ hy vọng rằng trong sắp tới, EU sẽ không triển hạn thêm các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Moscow, vốn dĩ được đưa ra kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chính nhật báo La Croix của Pháp ra ngày 16-6 có bài viết nhìn thấy một hệ quả tích cực, cho kinh tế Nga, qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đó là trừng phạt mở ra cơ hội mới cho doanh nhân Nga. Cấm vận nông phẩm phương Tây đã giúp cho công nghiệp thực phẩm của Nga hồi sinh với những sản phẩm “Made in Russia”.

“Liệu nền kinh tế Nga chìm trong khủng hoảng có hồi phục được không?”, bài viết của Le Figaro đánh giá rằng tăng trưởng kinh tế Nga phụ thuộc vào giá dầu mỏ. Từ gần hai năm nay, giá dầu thế giới đã giảm từ trên 100 USD xuống còn 20 USD/thùng vào tháng 2-2016. Nhưng trong 4 tháng qua, giá dầu thế giới liên tục tăng và đang đứng ở mức 50 USD/thùng. Điều này đã làm giảm rất nhiều sức ép cho ngân sách của Nga, vốn phụ thuộc đa phần vào xuất khẩu dầu mỏ.

Chính quyền Nga đang lên chương trình cổ phần hóa một phần Tập đoàn Dầu khí Rosneff và Alrosa, tập đoàn nhà nước hàng đầu về kinh doanh kim cương. Lĩnh vực ngân hàng Nga cũng đang trên đà phục hồi. Từ một năm rưỡi nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã rút giấy phép kinh doanh của 137 ngân hàng hoạt động thiếu hiệu quả. Hoạt động vay tín dụng ngân hàng đang từng bước phục hồi nhưng vẫn còn rụt rè do lãi suất cao, thêm vào đó là những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các hoạt động tài chính của các tập đoàn lớn của Nga.

Nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn trong 2 năm qua do giá dầu thô thấp cùng những biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Moskva do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Đồng rúp mất gần 50% giá trị trong năm 2014 và phục hồi một phần khi giá năng lượng ổn định trở lại trong thời gian gần đây.

Người dân Nga tin tưởng vào Tổng thống Vladimir Putin để phục hồi nền kinh tế.

Năm ngoái, khi giá dầu bắt đầu sụt giảm, Chính phủ Nga đã nhanh chóng cho thả nổi đồng rúp. Kể từ đó, đồng rúp đã mất giá theo từng biến động sụt giảm của giá dầu - hay chính xác hơn là diễn biến của đồng rúp sẽ chịu tác động rất lớn từ giá dầu do tính lệ thuộc của nguồn thu ngân sách Nga vào xuất khẩu dầu, vì vậy cứ mỗi một thùng dầu được bán ra sẽ thu về từng ấy tiền cho nguồn thu ngân sách của chính phủ tính theo đồng rúp.

Để cân bằng ngân sách trong khi giá dầu giảm, ngoài các biện pháp cải tổ nền kinh tế, Nga không còn cách nào khác là phải bán nhiều dầu hơn. Ngày 10-6, tập đoàn dầu mỏ BP (Anh) công bố báo cáo số liệu thống kê hằng năm cho biết Nga đã vượt qua Arập Xêút để trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới năm 2015. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Nga giữ ngôi vị đầu bảng về cả xuất khẩu khí đốt tự nhiên lẫn dầu mỏ.

Trong bối cảnh giá dầu lao dốc, “thành tích” trên của Nga không phải là điều đáng mừng, tuy nhiên bối cảnh chính trị đã buộc nước Nga phải làm vậy, không còn cách nào khác.

Theo báo cáo của BP, 3/4 số dầu sản xuất tại Nga đã được xuất sang nước ngoài trong năm 2015. Nga là nước cung cấp dầu mỏ và khí đốt hàng đầu châu Âu, với tỷ trọng lên tới 35% và 37% tổng lượng tiêu thụ của châu lục. Theo Cơ quan Thống kê LB Nga (Rosstat), tổng sản lượng trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga trong tháng 3-2016, ở mức 10,92 triệu thùng/ngày, cũng cao hơn Arập Xêút với chỉ 10,12 triệu thùng/ngày.

Năm 2015 cũng là năm ghi nhận sản lượng dầu mỏ của Nga tăng 1,2% lên mức cao kỷ lục từ thời hậu Xô viết là 11 triệu thùng/ngày. Năm ngoái, mặc dù sức tiêu thụ năng lượng đã giảm 3,3% song Nga vẫn là quốc gia có số người dùng năng lượng lớn thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.

Liên quan tới Mỹ, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg hôm 16-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga tôn trọng Mỹ là siêu cường duy nhất của thế giới, nhưng sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ vào công việc nội bộ của mình.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Nga khẳng định, thế giới cần một quốc gia hùng mạnh như Mỹ, và nước Nga cũng cần Mỹ. Ông cũng thừa nhận rằng Mỹ là siêu cường duy nhất ngày hôm nay. "Chúng tôi hiểu điều này, chúng tôi muốn và sẵn sàng hợp tác với Mỹ", Tổng thống Putin nói.

Tuy nhiên, ông Putin cũng không quên nhắc nhở, rằng nước Nga không cần Mỹ phải liên tục can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga và chỉ cho Nga làm thế nào để tồn tại và không cần xây dựng mối quan hệ với châu Âu. Tổng thống Putin cũng nói thêm rằng, trong khi nền kinh tế Mỹ không phải chịu thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt chống Nga, thì việc EU tiếp tục các biện pháp trừng phạt chống Nga đã gây tổn hại vô cùng lớn đối với nền kinh tế châu Âu.

Trong một bài viết mới đây, tờ The Washington Times nhấn mạnh, sự khác biệt quan điểm của Nga với phương Tây và các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga chắc chắn sẽ tác động Moscow phải hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc nhằm giúp Kremlin giải tỏa bớt những khó khăn kinh tế trong nước. Việc tăng cường quan hệ đối tác này đã giúp Bắc Kinh hưởng lợi, vì "đã có một đồng minh như Nga chống lưng".

Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn về bối cảnh địa chính trị trong thời gian gần đây để thực hiện tham vọng của mình ở Biển Đông.

Các nhà chức trách Mỹ nên xem xét lại quan hệ với Moscow, tờ báo này khẳng định. Các biện pháp chống Nga chưa đem lại được bất kỳ kết quả nào, và cũng không ảnh hưởng gì được đến tình hình ở Ukraine. Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt và sự phục hồi hợp tác kinh tế chính thức giữa phương Tây với Nga sẽ làm giảm những nỗ lực của điện Kremlin lôi kéo Trung Quốc làm đồng minh và đặt nền tảng cho chiến lược an ninh của Mỹ ở châu Á.

"Điều này sẽ không làm cho Nga trở thành đồng minh của Mỹ và không phá vỡ mối quan hệ mới của Moskva với Bắc Kinh, nhưng sẽ giúp cân bằng các mối quan hệ Nga - Trung Quốc và Nga - Mỹ" - tờ The Washington Times viết.

Việc bình thường hóa quan hệ sẽ mang lại cho Washington khả năng đối thoại với Moscow về tình hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Nga có thể trở thành một lực lượng độc lập trong việc gìn giữ hòa bình trong khu vực và góp phần vào việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến Biển Đông, cũng như an toàn hạt nhân, tờ The Washington Times kết luận.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.