Kinh tế Trung Quốc đang "hạ cánh"
Trung Quốc vừa công bố những số liệu thương mại bất ngờ xấu đi trong 6 tháng đầu năm 2013. Cùng với tín hiệu về một cuộc khủng hoảng tín dụng lộ ra khi tăng trưởng kinh tế giảm, các chuyên gia cho đây là một dấu hiệu khác nữa cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang "rơi" sau nhiều năm tăng trưởng luôn ở hai con số.
Các số liệu của Chính phủ Bắc Kinh thông báo hôm 10/7 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường là tăng trưởng khoảng 4%. Nhập khẩu cũng giảm 0,7%, và thặng dư mậu dịch giảm xuống chỉ còn hơn 27 tỉ USD.
Phát ngôn viên Tổng cục Hải quan Trung Quốc Trịnh Nhạc Sinh cho báo chí biết rằng, ngoại thương của Trung Quốc đang đối mặt với "những thách thức nghiêm trọng" và cảnh báo rằng triển vọng xuất khẩu của quý 3 "khá u ám". Ông Trịnh cho rằng điều này phát xuất từ sự sút giảm của nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa của Trung Quốc, giá thành lao động gia tăng và tỉ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ ở mức cao.
Các số liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2013 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2012. |
Các chuyên gia từng dự báo tốc độ tăng trưởng của thương mại Trung Quốc trong tháng 6/2013 sẽ chậm lại vì chính phủ tiến hành một cuộc chấn chỉnh đối với những số liệu không chính xác của các nhà xuất khẩu, vốn đã dẫn tới những số liệu thương mại không chính xác hồi đầu năm nay.
Chuyên gia Robert Blohm thuộc Công ty Tư vấn Keen Resources Asia ở Hồng Công nói rằng, mức nhập khẩu yếu kém cho thấy Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh mức cầu trong nước. Bằng chứng về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc còn có thể thấy được qua nhiều dự án xây dựng dở dang trên khắp nước.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 7,8% hồi năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 13 năm. Bắc Kinh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng 7,5% cho năm 2013. Sau nhiều năm tăng trưởng luôn ở hai con số, các chuyên gia kinh tế cho rằng mức tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn 8% là nguy ngập, dưới 7% thì coi như "hạ cánh nặng nề".
Các nhà phân tích nói rằng, việc tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc hướng tới tiêu thụ nội địa là một quá trình tiệm tiến và dài hạn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, những số liệu thương mại mới nhất có thể làm cho Chính phủ Trung Quốc tạm thời trì hoãn quá trình này để kích thích tăng trưởng và ngăn ngừa bất ổn xã hội.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm lại đang làm lộ ra một núi nợ. Vì đâu nên nỗi? Khi Mỹ và châu Âu bị dập vùi trong khủng hoảng tài chính năm 2008 và kinh tế suy giảm thì Trung Quốc ráo riết gia tăng đầu tư, bơm tiền kích thích và vượt Nhật Bản vào năm 2010. Khi đó thiên hạ còn nói đến ngày kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ. Nhưng đấy chỉ là mệnh giá, mặt nổi của thống kê. Thực tế thì khối tín dụng từ 9.000 tỉ USD năm 2008 đã lên đến 23.000 tỉ năm 2013. Về tốc độ thì tăng gấp đôi mức sản xuất kinh tế. Tức là đồng tiền có đẩy mức tăng trưởng kinh tế nhưng dư thừa nên đẩy cả ra ngoài.
Ngày 10/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và kinh tế châu Âu suy thoái. Mức dự báo tăng trưởng toàn cầu của IMF hiện nay là 3,1%, giảm từ 3,3% hồi tháng 4/2013. |
Trước hết, tiền trút vào các tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vai trò chiến lược trong công nghiệp: Sắt, thép, xi măng, than đá, hợp kim, vật liệu sản xuất như quang năng hay phong năng (điện từ nắng và gió). Kết quả là sản xuất thừa hàng tồn kho chất đống làm các phương tiện sản xuất sụt giá, mà vẫn được ghi nhận là sản lượng kinh tế tăng và tạo ra việc làm.
Thứ nữa, các địa phương lập ra công ty đầu tư vay tiền thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng như cầu cống, đường sá, hải cảng và sân bay. Quả nhiên là sản lượng cũng tăng trên mệnh giá, nhưng các dự án hoàn thành lại không thể khai thác ra tiền. Công trình ế ẩm, nhà ga vắng khách trong thành phố ma là kết quả phổ biến. Tiếp đến là tín dụng dồi dào đã thổi lên bong bóng địa ốc.
Mà không chỉ có vậy. Xưa kia, chính quyền trung ương Trung Quốc kiểm soát đến 95% lượng tín dụng ngân hàng. 5 năm qua, trung ương bị qua mặt, vì đến 45% lượng tín dụng lại lọt ra khỏi sổ sách ngân hàng và chảy vào ngả khác, gọi là "shadow banking". Đó là các quỹ đầu tư, công ty "quản lý tài phú", nhà cầm đồ, cơ sở cho vay lãi trên thị trường chui... Đặc tính chung của loại hình ngoài ngân hàng là thiếu sổ sách minh bạch, mơ hồ khi thẩm định rủi ro. Và bị ung thối nặng.
Lý do bành trướng của khu vực chui là vì lãi suất tiền gửi quá thấp nên ai cũng muốn tìm mức lời cao với rủi ro lớn hơn ở bên ngoài. Một nguyên nhân khác là giới đầu tư tư nhân khó vay tiền từ ngân hàng nên phải đi vay trên thị trường đen với lãi suất cắt cổ.
Rốt cuộc thì sau khi tăng 80% kể từ 2008, tổng số nợ của tư nhân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương nay đã lên tới 210% tổng sản lượng GDP. Tờ China Securities Journal đưa ra con số còn cao hơn: 221% tổng sản lượng nội địa. Công ty môi giới đầu tư CLSA Securities thì dự báo một tỷ lệ còn kinh hoàng hơn cho năm 2015: 245% tổng sản lượng GDP. Một núi nợ!
Khi núi nợ sụp đổ thì biến động sẽ xảy ra từ vòng ngoại vi vào đến cốt lõi là các ngân hàng. Cho nên, sau vài tháng theo dõi chuyện Trung Quốc xoay trở "một cách tinh vi" - theo lời Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - với nạn ách tắc tín dụng, người ta sẽ mất vài năm ngắm cảnh núi lở cát chuồi.
Bắc Kinh khó để ngân hàng vỡ nợ theo lối dây chuyền nên sẽ ứng vốn nhờ dự trữ của hệ thống ngân hàng, cỡ 3.000 tỉ USD, rồi khối dự trữ ngoại tệ trị giá 3,44 nghìn tỉ USD. Nhưng ngần ấy có đủ không? Mà dự trữ ngoại tệ không là đồng tiền bất động vì đã được đầu tư vào nơi khác nên chẳng dễ đổi thành hiện kim.
Các đại gia chẳng đợi ngày núi lở, đã rút vốn bỏ chạy. Tính đến ngày 5/6 vừa qua, 1,5 USD đã bị triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc, và sẽ tiếp tục như tháo nước.
Trung Quốc tưởng là tìm ra phép thần kỳ với chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư, tín dụng và xuất khẩu, nhưng chỉ có lượng mà thiếu chất. Đầu tư ào ạt gây lãng phí, tham ô. Khối tín dụng dồi dào thổi lên bong bóng và trở thành một núi nợ sẽ sụp. Trong khi ấy xuất khẩu giảm sút vì các thị trường Âu - Mỹ - Nhật đều co cụm. Trước tình hình đó, bánh xe tăng trưởng sẽ phanh gấp và cố chuyển hướng. Không ai có thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra trên khúc ngoặt ấy