Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII: Thẳng thắn và trách nhiệm

Thứ Hai, 28/11/2011, 16:20
Có thể thấy cùng với sự thẳng thắn của đại biểu khi đặt câu hỏi, Thủ tướng và các bộ trưởng cũng rất thẳng thắn, trách nhiệm khi trả lời những vấn đề cử tri quan tâm…

Với hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, ngoài 151 chất vấn bằng văn bản của 77 vị đại biểu Quốc hội ở 43 đoàn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, 17 vị Bộ trưởng và trưởng ngành khác, đã có 175 lượt chất vấn trực tiếp tại Hội trường xung quanh 9 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn Thủ tướng và 5 Bộ trưởng đều là những vấn đề trọng tâm, quan trọng, bức xúc, gắn với dân sinh, gắn với việc giải quyết nhiệm vụ trước mắt cũng như giải quyết lâu dài cho ổn định và phát triển nhanh, bền vững.

Hỏi thẳng, trả lời thẳng

Nghị trường "nóng hầm hập" ngay từ phút đầu tiên khi Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề về các giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại thành phố lớn.

Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có "lời phi lộ" có thể nói là "không thể chân thành hơn" rằng "Quốc hội chọn tôi trả lời đầu tiên cũng có một sự thông cảm, chia sẻ, bởi vì coi như đây là cuộc đi thi". Theo Bộ trưởng, ông mới nhận nhiệm vụ này được ba tháng rưỡi, mà so với cả nhiệm kỳ 5 năm là 60 tháng thì như vậy mới được khoảng 5,5% thời gian "nên tất cả mọi việc từ những ý tưởng cho đến công việc bắt đầu triển khai thì mới chỉ là bắt đầu…".

Nhưng, đã có tới 24 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong đó có 4 đại biểu hỏi lại lần thứ 2 về các vấn đề tai nạn, ùn tắc giao thông, chất lượng công trình giao thông, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông…

Lý giải vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay là ùn tắc và tai nạn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng  ngoài nguyên nhân về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu thì nguyên nhân quan trọng nhất đó là quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. 

Bộ Trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phát biểu tại Quốc Hội về vấn đề chống ùn tắc và tai nạn giao thông.

Vì vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Bây giờ đến lúc chúng ta phải hành động chứ không phải là lúc chúng ta đưa ra các giải pháp này, đưa ra các giải pháp kia rồi bàn là có làm hay không nên làm. Bởi vì nếu chúng ta cứ bàn có làm hay không nên làm trong khi hàng ngày có trên 30 người chết và trên 30 người bị thương, chúng ta phải hành động. Trong khi tai nạn giao thông thường xuyên như vậy, chúng tôi cho rằng điều quan trọng là tất cả chúng ta phải hành động, các ngành, các cấp, toàn dân phải hành động. Ngành giao thông vận tải phải là người đề xướng, chắp nối để các bộ, các ngành cùng toàn dân thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã nêu ra".

Trước câu hỏi như… đánh đố của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) rằng "Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời có gì đó mang tính chất đột phá, thứ hai là thời hạn bao lâu để đại biểu Quốc hội và cử tri giám sát quyết định của mình. Xin đề nghị Bộ trưởng trả lời xem mấy năm thì Bộ trưởng có thể giảm được tai nạn giao thông, mấy năm thì giảm bớt được ùn tắc giao thông", Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn "Bây giờ bảo tôi khẳng định bao giờ hết tai nạn giao thông, bao giờ hết ùn tắc giao thông thì xin phép đại biểu là chưa khẳng định được mà chúng tôi chỉ mong rằng nó sẽ kiềm chế và giảm dần như mục tiêu chúng ta đưa ra là mỗi năm giảm từ 5% đến 10%. Đấy là mục tiêu để phấn đấu. Về ùn tắc giao thông thì chúng tôi cũng đưa ra mục tiêu là phải cải thiện giao thông trong cả nước cũng như cải thiện giao thông ở các thành phố lớn".

Đăng đàn sau Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng dành cả một buổi chiều trả lời chất vấn và làm rõ nhiều vấn đề phát triển ngành nông nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng nông thôn trở thành nông thôn mới, thúc đẩy việc giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong nông thôn để người lao động từ nông thôn có thể làm lao động trong nông nghiệp với một trình độ cao hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn, để có thu nhập cao hơn và một phần sẽ chuyển đổi được lao động từ nông nghiệp sang những ngành khác.

Chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học là vấn đề được "mổ xẻ" rất kỹ trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và thảo luận dự thảo luật giáo dục đại học, nhưng trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, đã có tới gần 40 lượt chất vấn.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, từ năm 2006 đến năm 2011 đã thành lập 84 trường đại học. Trong đó, thành lập mới 33 trường và nâng cấp từ các trường cao đẳng lên đại học 51 trường; 59 trường trong số này là trường công lập (có 5 trường thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh), 35 trường tư thục, nâng con số hiện nay cả nước có 202 trường đại học, 218 trường cao đẳng. Như vậy trong thời gian đầu từ năm 2006 đến năm 2008, đã thành lập 49 trường, còn 3 năm sau từ năm 2009 - 2011 thành lập 35 trường.

Theo ông Luận, đến thời điểm này các trường được thành lập mới đều nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Theo quy hoạch, số lượng trường chưa đủ "nhưng thừa các trường chất lượng chưa cao và thiếu trường chất lượng cao".

Nhìn nhận thực trạng này, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, có nhiều trường đại học của ta nhiều ngành đào tạo chất lượng cao chứ không phải tất cả, nhưng nhìn chung mặt bằng đại học Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, khu vực. Nếu như không nhìn thực trạng này thì chúng ta không giải thích được. "Do đó, tôi đề nghị Bộ trưởng có nhiều thuận lợi là người làm Bộ trưởng mới, tư lệnh ngành này. Bộ trưởng có ý tưởng gì? đột phá từ đâu? để giải quyết vấn đề căn bản và toàn diện trên nền tảng một mặt bằng chất lượng giáo dục mà thấp như chúng ta đánh giá".

Trước bức xúc của đại biểu về chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận "chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp và còn bất cập so với yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, của Đảng. Đánh giá chung của chúng tôi trong việc đánh giá thực hiện chiến lược vừa rồi thì có thể khẳng định là: mặc dù có những tiến bộ nhưng vẫn còn bất cập, vẫn còn những điều khiếm khuyết và cần phải có giải pháp".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận việc một số tỉnh từ chối tuyển sinh viên ngoài công lập "là tiếng chuông cảnh báo đối với những nhà làm giáo dục để xem lại chất lượng trường ngoài công lập".

Cũng là lần đầu tiên đăng đàn, nhưng Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ luôn giữ phong thái của một giáo sư đại học nên khá thoải mái trước những câu hỏi có phần gay gắt của các đại biểu về giá xăng dầu, quản lý giá.

Dẫn báo cáo kết quả kiểm toán trong 3 năm từ 2008 - 2010, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho hay: năm 2008 Petrolimex đã lãi 913,7 tỉ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỉ đồng. Năm 2009, lãi 3.217 tỉ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỉ đồng, còn lại là lãi từ các đầu tư khác. Năm 2010, doanh nghiệp này lãi 314 tỉ, trong đó xăng dầu lỗ 172 tỉ đồng, nhưng các ngành khác lại lãi gần 200 tỉ đồng. "Cho nên, tính tổng lại thì xăng dầu vẫn lãi, và trong 3 năm thì Petrolimex đều có lãi cả".

Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, nếu không có biến động về tỉ giá đầu năm 2011 và các đầu mối xăng dầu chấp hành đúng các định mức về bán hàng thì không thể có chuyện lỗ trong kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: "Tổng thể thì trong 3 năm liền Petrolimex đều có lãi từ xăng dầu. Chỉ riêng năm 2011 này là đang lỗ vì biến động tỉ giá. Tuy nhiên, theo tôi nếu các doanh nghiệp đầu mối chấp hành nghiêm chỉnh việc chiết khấu hoa hồng cho đại lý ở mức 600 đồng/lít thì hoàn toàn không có chuyện kinh doanh xăng dầu bị lỗ".

Là người phụ trách lĩnh vực vô cùng nhạy cảm là ngân hàng, vì vậy, dù đăng đàn trả lời cuối cùng, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận được tới 30 chất vấn.

Trước sự quan tâm về "sức khỏe" của các ngân hàng thương mại, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong số 37 ngân hàng cổ phần, có 8 ngân hàng cổ phần rất lành mạnh và có thể làm trụ cột cho hệ thống các ngân hàng cổ phần của Việt Nam; 8 ngân hàng khác hoạt động ở mức độ trung bình; 8 ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh. Số lượng ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động chưa lành mạnh là 8, tương đương 5% trong toàn hệ thống.

Thống đốc cho biết, Việt Nam không phải thừa ngân hàng mà thừa những tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động không lành mạnh. Bởi theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cứ 1.000 người dân thì cần có một điểm giao dịch ngân hàng. Trong khi đó tại Việt Nam có gần 9.000 điểm giao dịch ngân hàng, so với quy mô dân số hiện nay là 87 triệu người và dự kiến 100-120 triệu trong những năm tới thì tỉ lệ này quá thấp.

Vì vậy, mục tiêu trước mắt của việc tái cơ cấu là xây dựng được 2 ngân hàng Việt Nam có đủ tiềm lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực. Ngoài ra hệ thống cần khoảng 10 - 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột trong nền kinh tế. Có thể chấp nhận các tổ chức tín dụng khác ở quy mô nhỏ hơn nhưng phải hoạt động lành mạnh. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ quan tâm hơn tới việc xây dựng các tổ chức tài chính vi mô, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012

Đăng đàn cuối cùng của phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được 11 chất vấn bằng văn bản và 22 chất vấn trực tiếp tại Hội trường về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, chính sách để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đến ngày 15/11, thu ngân sách đã đạt khoảng 98,5% kế hoạch; xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua; nhập siêu 11 tháng giảm còn 10,2% kim ngạch xuất khẩu; lãi suất có xu hướng giảm… Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo nhiều dự báo, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ nghiêm trọng hơn, có thể đẩy kinh tế khu vực này vào nguy cơ suy thoái, làm cho kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, sản xuất và nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, giá dầu và giá lương thực có khả năng tăng mạnh. Các nhân tố đó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải phát huy lợi thế và những kết quả đã đạt được, kiên định các giải pháp đã và đang phát huy hiệu quả, đồng thời theo sát tình hình, kịp thời xử lý những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, điều hành linh hoạt, sát thực tế; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012.

Thủ tướng khẳng định, với những giải pháp điều hành quyết liệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm liên tục trong 6 tháng qua, tính chung 11 tháng tăng 17,5%. Với xu thế này, mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 18% là có khả năng thực hiện được. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trả lời chất vấn về chủ quyền quốc gia, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình”. Vì vậy, Thủ tướng khẳng định, lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. “Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình”

Nguyễn Thiêm
.
.