Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII: Băn khoăn chuyện vay nợ
Thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng về việc vay nợ với hàng loạt ý kiến xung quanh vấn đề quản lý nợ được các đại biểu đặt ra…
Nợ công vốn đã được Quốc hội thảo luận tại nhiều kỳ họp, nhưng lần này dư luận quan tâm đặc biệt khi báo cáo tình hình kinh tế- xã hội 2014 của Chính phủ đưa ra nhận định nợ công đang tăng nhanh. Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
Theo đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), nợ công đang là 60,3% GDP, so với bản đồ nợ công thế giới như Nhật 200%, Mỹ 180%, châu Âu từ 150% đến 180%, Trung Quốc cũng rất cao, Việt Nam đang ở mức trung bình. "Vấn đề đáng lo là khả năng tích lũy, trả nợ vẫn còn thấp, cơ cấu chi chưa thật tốt. 67% chi cho thường xuyên, 33% chi cho phát triển đầu tư và trả nợ thực sự chưa ổn. Nếu quyết liệt hơn thì cố gắng giảm chi thường xuyên thêm khoảng 10% để tăng chi cho đầu tư phát triển và trả nợ".
Đề cập tới việc sử dụng nguồn vốn vay ODA, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng để hạn chế nợ công phát sinh do ODA, phải có một nguyên tắc, đó là không vay ODA cho chi thường xuyên.
"Tôi nghĩ các dự án ODA vay phải có ý kiến của các cơ quan của Quốc hội trước khi đưa vào sử dụng, nếu không sẽ khó khăn và vấn đề nợ công sẽ tăng lên, mỗi một chỗ góp vào một ít thì nợ công sẽ rất lớn và tác động rất nhiều đến con cháu chúng ta sau này".
Cùng chung quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (đại biểu Thái Nguyên), cho rằng qua hơn 20 năm, Việt Nam đã thu hút khoảng 78 tỉ USD, bình quân 3 tỉ USD/năm. Chính phủ đã rất nỗ lực và kết quả nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chương trình, dự án đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí vi phạm và thất thoát, lãng phí.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông được xây dựng từ vốn vay ODA. |
Theo bà Nga, pháp lý về ODA đã bộc lộ 2 điểm yếu cơ bản nhất là: Quốc hội, người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân, chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình về ODA. Để nâng cao hiệu quả sử dụng ODA, cần ban hành luật quản lý sử dụng ODA theo đó chú trọng quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai, minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án và quy trình phân bổ. Buộc phản biện độc lập trước khi quyết định quy định về trách nhiệm của Quốc hội về quyền của người dân, Mặt trận, báo chí và Hiệp hội chuyên ngành trong quá trình quyết định và thực thi ODA.
Về giám sát của Quốc hội, với tư cách là một phần của đầu tư công và nợ công, lại tác động đến vị thế và uy tín quốc gia, nhưng những năm qua cả về pháp lý cũng như thực tiễn, trách nhiệm giám sát của Quốc hội về ODA chưa được coi trọng. Thực tế là 20 năm qua Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Với tư cách là các cơ quan của Quốc hội, phụ trách về kinh tế, về ngân sách, nhưng Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính ngân sách cũng chưa lần nào giám sát về chuyên đề này.
Bà Nga đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan ở cả trong nước và nước tài trợ. Phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA, từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần tiến đến chấm dứt ODA.
Theo bà Nga, cần nhận thức đúng về ODA và không coi thường khuyến cáo của chuyên gia. Nếu lạm dụng ODA thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Vì vậy bà Nga đưa ra 3 kiến nghị: Quốc hội tiến hành giám sát tối cao và ban hành luật về ODA. Kiểm soát chặt chẽ hiệu quả sử dụng, chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong ODA. Sử dụng có chọn lọc, hạn chế và có lộ trình chấm dứt ODA trong một tương lai gần.
Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) đề nghị cần có chính sách phù hợp về nợ công và bội chi ngân sách nhà nước vì tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với đầu tư phát triển. Vấn đề là phải có những điều kiện bảo đảm hiệu quả trong đầu tư, khả năng trả nợ theo thời hạn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, từ năm 2010 đến nay, Luật quản lý nợ công có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, công tác quản lý nợ có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cường công khai minh bạch, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong việc quản lý sử dụng hiệu quả đầu tư; bổ sung nguồn vốn đáng kể đầu tư xã hội và đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Nhiều dự án lớn trọng điểm như dự án lớn về hạ tầng giao thông, điện, hàng không được sử dụng đầu tư từ nguồn vốn vay đã đi vào sử dụng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Thời gian qua các chỉ số nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia như tỷ lệ nợ của Chính phủ, tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ cân đối ngân sách nhà nước so với tổng thu ngân sách vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép nhưng đứng trước nhiều khó khăn. Nợ Chính phủ và nợ quốc gia đều quy định 50%, nợ công không quá 65%; đảm bảo trả đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn và không phát sinh nợ xấu. Cơ cấu các khoản nợ vay trong nước góp phần vào giảm phụ trội khoản vay nước ngoài. Tỷ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ tăng từ 40,3% năm 2010 lên 54,5% năm 2014. Nợ nước ngoài giảm tương ứng với mức từ 59,7% xuống 45,5%.
Dư nợ công cuối năm 2015 bám sát giới hạn của Quốc hội cho phép, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững mặc dù cơ cấu các khoản vay trong nước đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu vay ngắn hạn, làm tăng áp lực bố trí chi trả nợ trong ngắn hạn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, áp lực tăng vay cho đầu tư phát triển dẫn đến tăng nhanh nợ công, trong điều kiện cân đối ngân sách giai đoạn 2011-2015 khó khăn, duy trì chi ngân sách ở mức cao, tăng phát hành trái phiếu chính phủ cho đầu tư phát triển. Đồng thời do khó khăn nên bố trí cân đối trả nợ thấp hơn, đảo nợ; đồng thời tăng mức bảo lãnh chính phủ cho vay ngân hàng chính sách, phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, tăng mức bảo lãnh vay vốn nước ngoài thực hiện một số dự án lớn trọng điểm của quốc gia, đặc biệt là dự án ngành điện, điện hạt nhân, hàng không.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, cơ cấu ngân sách nhà nước vững chắc, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sửa đổi luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả về quản lý nợ công, tạo động lực phát triển. Quyết liệt chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, giảm nợ, thúc đẩy cải cách, đơn giản thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan để thúc đẩy tăng trưởng, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định, bền vững. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; rà soát quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước