Kỷ nguyên mới cho CHDCND Triều Tiên

Thứ Tư, 25/04/2018, 13:30
Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên thấy không cần thiết phải tiến hành thêm bất cứ vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa tầm trung, tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo nào khác. Ngoài ra, Bình Nhưỡng sẽ bắt đầu đối thoại với cộng đồng quốc tế để theo đuổi phát triển kinh tế và hòa bình.

Đó là tuyên bố của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và được đánh giá là sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho quốc gia Đông Bắc Á này.

Chỉ thời gian mới có câu trả lời

Theo tuyên bố của ông Kim, bắt đầu từ ngày 21-4, quân đội Triều Tiên sẽ ngừng mọi hoạt động thử hạt nhân và tên lửa. Và để chứng minh cho “lời hứa” của mình, nhà lãnh đạo này khẳng định sẽ cho đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri, địa điểm thử nghiệm hạt nhân duy nhất của Bình Nhưỡng ở huyện Kilju thuộc tỉnh Bắc Hamgyong. Tuyên bố này ngay lập tức đã nhận được những tràng pháo tay từ người láng giềng phía Bắc. Họ gọi đó là “một bước tiến quan trọng hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, điều mà cả thế giới mong muốn”.

Bên cạnh đó, quyết định của Bình Nhưỡng “tạo ra một môi trường tích cực cho những thành công của các cuộc hội nghị thượng đỉnh sắp tới” giữa hai miền Triều Tiên và giữa Triều Tiên với Mỹ. Và để “tạo bầu không khí cho đối thoại hòa bình và giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên” nhân dịp cuộc gặp thượng đỉnh này, Hàn Quốc tuyên bố đã ngừng các chương trình phát thanh tuyên truyền dọc biên giới hai nước.

Lãnh đạo triều tiên Kim Jong-un ngày 21-4 tuyên bố chấm dứt thử vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc cũng hoan nghênh quyết định mới nhất này của ban lãnh đạo Triều Tiên, nhấn mạnh rằng, kế hoạch của Moscow và Bắc Kinh nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã không chậm trễ trong việc ca ngợi quyết định của Triều Tiên: “Đây là một thông tin tốt lành cho CHDCND Triều Tiên cũng như đối với thế giới: Một bước tiến vượt bậc”. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn thể hiện sự hoài nghi khi cho rằng “mọi việc có thể suôn sẻ mà cũng có thể không suôn sẻ - chỉ thời gian mới có thể trả lời” và rằng, việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên còn “một chặng đường dài”.

Ông khẳng định sẽ không lặp lại sai lầm trong quá khứ. Điều đó có nghĩa là Washington sẽ không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào như dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho tới khi Bình Nhưỡng thực sự bỏ các chương trình hạt nhân. Cũng giống như Mỹ, Nhật Bản, song song với việc bày tỏ hoan nghênh quyết định của CHDCND Triều Tiên và đánh giá diễn biến mới nhất này là “tích cực”, là một thái độ thận trọng.

Hàn Quốc nói quyết định của Triều Tiên biểu thị tiến bộ “có ý nghĩa” hướng tới việc giải trừ hạt nhân bán đảo và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ thành công với Hàn Quốc và Mỹ. Hàn Quốc bày tỏ cử chỉ tích cực trước cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh hai miền trong một thập kỷ qua, theo hãng tin Reuters.

Trung Quốc hoan nghênh loan báo này, nói rằng nó sẽ giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy giải trừ hạt nhân. “Phía Trung Quốc tin rằng quyết định của Triều Tiên sẽ giúp cải thiện tình hình trên bán đảo”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói trong một thông cáo.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh loan báo của Triều Tiên nhưng nói nó phải đưa tới hành động. “Điều quan trọng là loan báo này đưa tới việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng được. Tôi muốn nhấn mạnh điều này”, ông Abe nói với các phóng viên.

Thực tế cho thấy, mặc dù vẫn còn đó những thái độ hoài nghi, song, với tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng, bầu không khí ngoại giao và chính trị trên Bán đảo Triều Tiên đang thay đổi nhanh chóng và đầy lạc quan trong những ngày gần đây. Các bước thống nhất bán đảo sẽ được đẩy nhanh và hai miền Triều Tiên dường như đều có nhu cầu như vậy.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã được lên kế hoạch, dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và phát triển quan hệ hai miền hơn nữa, Nhà lãnh đạo Triều Tiên không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để xích gần quan hệ với Hàn Quốc. Ở mức độ nhất định, đây cũng là chiếc bùa hộ mệnh để ông Kim Jong-un đấu tranh nếu vấp phải sự tấn công của Mỹ. Điều này cũng đúng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Vì tình thân và quan niệm giá trị của mình, vì không để cho Washington có cơ hội sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo này cũng sẽ không từ chối bất kỳ động thái và phương án nào nhằm tô đậm bầu không khí hữu nghị giữa hai miền, làm cho hai miền xích lại gần nhau, sẽ cố gắng tìm ra phương án và thực thi.

Tuy nhiên, Triều Tiên và Hàn Quốc còn khá nhiều việc phải làm để biến mong muốn thành hiện thực, trong đó sự chân thành và nhượng bộ của cả hai bên là rất quan trọng.

Gạt sang một bên kịch bản hành động quân sự, bề ngoài, vấn đề hạt nhân Triều Tiên chính là vấn đề an ninh khu vực, cụ thể là việc nghiên cứu phát triển và các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng đã đe dọa an ninh của các nước láng giềng. Tuy nhiên, về bản chất, vấn đề hạt nhân Triều Tiên là vấn đề giữa Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) và Triều Tiên, không phải là vấn đề của bất cứ mối quan hệ song phương nào vì bất kỳ quốc gia đơn lẻ hoặc nhóm các nước nào tuyên bố Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân bất hợp pháp đều không có hiệu lực pháp lý rộng rãi, chỉ các nghị quyết của HĐBA LHQ mới thực sự có ý nghĩa pháp lý phổ quát, mang tính áp đặt.

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 27-4-2018.

Cũng tương tự như vậy, mọi hình thức trừng phạt đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên phải được tiến hành trong khuôn khổ HĐBA LHQ mới hợp pháp và chính đáng, có ý nghĩa pháp luật quốc tế. Do đó, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, về mặt pháp lý là vấn đề giữa HĐBA LHQ và Bình Nhưỡng, không phải là vấn đề giữa Triều Tiên và Mỹ.

Bất kỳ cuộc bàn bạc nào giữa Washington và Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như giải pháp cuối cùng cho vấn đề này không thể vượt qua khuôn khổ các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ, nếu không là bất hợp pháp và không hợp lệ.

Cơ hội cải cách kinh tế quan trọng ở Triều Tiên

Theo KCNA, các quyết định của Triều Tiên ngày 21-4 được đưa ra trong một cuộc họp của toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Cuộc họp được triệu tập để thảo luận về một “giai đoạn mới” của các chính sách. Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên thông báo rằng “chiến lược mới” của Đảng Lao động Triều Tiên sẽ là “xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa” trong đó tập trung mọi nguồn nhân lực và vật lực để nâng cao đáng kể đời sống của người dân. Cụm từ “xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa” đã lặp đi lặp lại 56 lần trong bản tin của KCNA.

Đã có một thời gian, vào cuối thời Chiến tranh Triều Tiên (1950-53), miền Bắc giàu hơn miền Nam, do được hưởng lợi hoàn toàn từ chiến lược tập trung phát triển công nghiệp ở miền Bắc. Nhưng tình hình này đã hoàn toàn đảo ngược vì sự nổi lên ngoạn mục của miền Nam và sự sụp đổ của một nền kinh tế nhà nước ở Triều Tiên do sự quản lý kém trong hàng thập kỷ, sau đó bởi sự sụp đổ của Liên Xô.

Trong những năm qua, nền kinh tế Triều Tiên liên tục bị đình trệ do nước này dành ưu tiên nhiều hơn cho các chương trình hạt nhân và tên lửa. Ngoài các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ, các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác cũng ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của Bình Nhưỡng. Đặc biệt, việc các nghị quyết trừng phạt của HĐBA đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Triều Tiên. Trong đó, Trung Quốc chiếm tới 90% kim ngạch thương mại với Bình Nhưỡng.

“Do các lệnh trừng phạt, nguồn tiền của Triều Tiên bắt đầu chạm đáy và tình hình này có thể ảnh hưởng tới sự trung thành của những quan chức cấp cao Triều Tiên tại Bình Nhưỡng”, Park Won-gon, chuyên gia an ninh tại Đại học Toàn cầu Handong, cho biết.

Mọi thứ dường như đã được cải thiện kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, với việc Triều Tiên ngày càng chấp nhận các sáng kiến tư nhân và sự gia tăng của các doanh nghiệp nhỏ buôn bán thực phẩm hoặc hàng hóa từ Trung Quốc. Trong năm 2016, nền kinh tế Triều Tiên biết đến một sự mở rộng lớn nhất, theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Nhưng xu hướng này có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi việc tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.

Theo chuyên gia Andrei Lankov, thuộc tổ chức vận động chính trị Korea Risk Group, ông Kim Jong-un dự định sẽ thực hiện “một chương trình kinh tế kiểu Trung Quốc”. Chuyên gia Andrei Lankov cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ để mắt đến mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam.

Festival Kimilsungia lần thứ 20 được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Trước đây, tại Đại hội Đảng năm 2016 - lần đầu tiên trong 36 năm - ông Kim Jong-un phản đối việc tư nhân hóa một phần nền kinh tế. Tuy nhiên, từ đó đến nay sự thay đổi trong thực tế nền kinh tế Triều Tiên là có thật. Giới quản lý các nhà máy ở Triều Tiên gần đây đã nói với hãng tin AFP rằng một khi họ hoàn thành hạn ngạch của nhà nước, họ sẽ được tự do mua và bán với giá thương lượng với các nhà cung cấp và khách hàng. Các công ty nhà nước cũng có thể đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác thông qua các công ty con. Hãng Hàng không Quốc gia Air Koryo cũng đã tham gia vào thị trường nước ngọt và taxi.

Điều này cho phép các doanh nhân dấn thân. Ngành nông nghiệp không bị bỏ rơi vì nông dân làm việc cho các hợp tác xã công có thể canh tác và bán sản phẩm của họ trên thị trường, về mặt lý thuyết là bất hợp pháp nhưng điều này đang tồn tại ở tất cả các thành phố của Triều Tiên. Tuy nhiên, miền Bắc không thể sản xuất đủ số lượng. Ngay cả trong những năm không có hạn hán, hơn 40% dân số bị suy dinh dưỡng, theo LHQ.

Theo chuyên gia Lankov, với chính sách kinh tế mới mà lãnh đạo Kim Jong Un vừa công bố, Triều Tiên sẽ tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cho phép quyền tự chủ lớn hơn với các công ty nhà nước hoặc cho phép các doanh nhân giữ lại một phần lợi nhuận phục vụ cho phát triển. Ông Kim Jong-un nói trong thông báo ngày 21-4 rằng với chính sách mới ông “hy vọng đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, cải thiện mức sống cho người dân”.

Trong chuyến thăm tới Trung Quốc hồi tháng trước - chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình ra nước ngoài - ông Kim Jong-un đã đến thăm một cuộc triển lãm giới thiệu những cải tiến mới nhất của Viện Khoa học Trung Quốc tại Zhongguancun, vốn được coi như “thung lũng Silicon của Trung Quốc”. “Chúng ta có thể nhập điện của Trung Quốc”, KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un cho biết.

Trong Cuốn sách Vàng, Đảng Lao động Triều Tiên đề ra chính sách đầu tư vào khoa học và giáo dục để xây dựng Triều Tiên trở thành “một cường quốc khoa học kỹ thuật”. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết tâm thay đổi đường lối ngoại giao và kinh tế khiến nhiều người lạc quan cho rằng ông có thể đang xây dựng hình ảnh của bản thân như một hình mẫu về mở cửa và cải cách, tương tự cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - người đi đầu trong các chương trình cải cách kinh tế của Trung Quốc vào cuối thập niên 1970.

Mộc Thạch - Khổng Hà
.
.