“Kỷ nguyên mới” trong quan hệ Nga-Trung

Thứ Hai, 10/06/2019, 17:21
Trong chuyến thăm Nga 3 ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng lãnh đạo Nga thảo luận một loạt vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm như kiểm soát vũ khí, Bán đảo Triều Tiên và hạt nhân Iran... Về kinh tế, hai bên vạch kế hoạch dừng sử dụng đồng tiền Mỹ trong giao dịch thương mại song phương.

Sau các cuộc đàm phán tại Moscow với vị khách Trung Quốc, ngày 5-6, hai nguyên thủ Nga và Trung Quốc đã ký thông cáo chung khẳng định sự gần gũi quan điểm của hai nước về hầu hết các vấn đề quốc tế.

Tổng thống Vladimir Putin xác nhận rằng hai nước có nhiều điểm hội tụ trong chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm vấn đề vũ khí, Bán đảo Triều Tiên và vấn đề Iran. Tổng thống Nga đánh giá các cuộc đàm phán là chân thành và mang tính xây dựng cao. Ông nhấn mạnh rằng những người tham gia cuộc gặp song phương này đã thảo luận về những vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga và nó “đã đạt đến một mức độ chưa từng thấy”.

“Đây là chuyến thăm thứ 8 của tôi đến Nga kể từ năm 2013. Chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Putin và một tình bạn cá nhân sâu sắc. Trong 6 năm qua, chúng tôi đã gặp nhau gần 30 lần. Nga là nước tôi ghé thăm nhiều nhất trên cương vị người đứng đầu Trung Quốc, Tổng thống Putin là người bạn tốt nhất của tôi và là một đồng nghiệp tốt”, ông Tập Cận Bình nói.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin ngày 5-6 tại Moscow.

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo Nga-Trung Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo của các cường quốc hạt nhân từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh. Để làm điều này, “chúng ta phải ngăn chặn sự phát triển của các hệ thống phòng thủ tên lửa, giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chính sách an ninh quốc gia đồng thời giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân”, trích tuyên bố chung.

Nga và Trung Quốc cũng nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của họ rằng việc phá hủy các thỏa ước hiện tại trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí, bao gồm cả Hiệp ước về giải trừ vũ khí hạt nhân (NPT) hay Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), là không thể chấp nhận được.

Hai bên lưu ý rằng khi các quốc gia đang tìm kiếm sự vượt trội trong lĩnh vực quân sự, họ đang phá hủy một cách thiếu ý thức các cơ chế để duy trì sự ổn định. Liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, các nguyên thủ quốc gia Nga và Trung Quốc cho rằng hành động của Mỹ sẽ chỉ dẫn đến bầu không khí căng thẳng và mất lòng tin, cũng như sẽ đẩy các quốc gia vào một cuộc chạy đua vũ trang.

Liên quan đến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc ủng hộ giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này. “Chúng tôi thừa nhận thực tế là không có giải pháp thay thế cho giải pháp hòa bình và ngoại giao về các vấn đề của khu vực, bao gồm cả vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Trung Quốc để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, tăng cường an ninh ở Đông Bắc Á nói chung”, Tổng thống Nga nói.

Theo Tổng thống Putin, Nga và Trung Quốc ủng hộ việc thực hiện Kế hoạch hành động chung toàn cầu (JCPOA) về thỏa thuận hạt nhân Iran và bảo tồn quan điểm của hai nước với bản thỏa thuận này. Ông Putin cũng công bố kế hoạch tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế.

Về quan hệ thương mại song phương, hai nguyên thủ quốc gia đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là việc hai bên thống nhất các giao dịch thương mại song phương sẽ được tiến hành bằng tiền nội tệ và vạch ra kế hoạch dừng sử dụng đồng tiền Mỹ.

“Chúng tôi hài lòng với những nỗ lực chung của hai bên trong tất cả các lĩnh vực. Sự hợp tác của chúng tôi đang phát triển năng động và hiệu quả. Thương mại song phương đã phá vỡ một kỷ lục lịch sử mới và vượt qua mốc 100 tỷ USD. Chất lượng hợp tác giữa chúng tôi đang được cải thiện. Các dự án chiến lược trong lĩnh vực năng lượng, đầu tư, vũ trụ và hàng không đang được thực hiện thành công”, ông Tập Cận Bình nói. Theo lời lãnh đạo Trung Quốc, hai nước đã đồng ý tiếp tục hợp tác trong dự án “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc khởi xướng.

Hội đàm mở rộng với sự tham dự của các quan chức cấp cao hai nước Nga - Trung Quốc.

Chuyến viếng thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow với phương Tây, cũng như vào lúc đang có chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh với Washington. Tình hình này buộc hai nước phải hợp lực với nhau để đối phó với Mỹ.

Thật ra, trong bối cảnh hiện nay, xét thuần túy về mặt kinh tế, Nga cần đến Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần đến Nga. Từ năm 2014, châu Âu và Mỹ đã thi hành các biện pháp trừng phạt Nga, do cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như do việc Moscow sát nhập vùng Crimea. Hậu quả là nền kinh tế của Nga hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cho nên nước này phải quay sang thị trường Trung Quốc và qua đó bớt lệ thuộc vào các thị trường châu Âu.

Về mặt chính trị, quan hệ giữa hai nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng rất hữu hảo. Nga và Trung Quốc thường có lập trường đồng nhất trên đa số các hồ sơ lớn của quốc tế, từ hạt nhân Triều Tiên, xung đột Syria, cho đến khủng hoảng Venezuela.

Nếu như cách đây 50 năm, quân đội hai nước đã từng xung đột ở biên giới, bây giờ Moscow và Bắc Kinh không ngần ngại thắt chặt quan hệ quốc phòng. Vào tháng 9-2018, Trung Quốc đã được mời tham gia cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng trên hết, cả hai nước, vì những lý do khác nhau, đều đang gặp căng thẳng cao độ với Mỹ.

Moscow vẫn bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và vẫn bất đồng với Washington trên nhiều vấn đề, trong đó có giải trừ vũ khí. Trung Quốc vẫn chưa đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ để thoát ra khỏi cuộc chiến tranh thương mại dằng dai giữa hai nước.

Cho nên trong thời gian qua, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố xây dựng một mối quan hệ thật sự vững chắc, chứ không chỉ là một mối quan hệ mang tính tình thế, lỏng lẻo, như tiên đoán của nhiều nhà phân tích. Theo tờ Financial Times, một trong những yếu tố thúc đẩy Nga và Trung Quốc thắt chặt quan hệ song phương, đó là chống lại vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, nhất là chống lại chính sách thù địch của chính quyền Donald Trump.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.