Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dưới hầm sâu năm ấy

Thứ Năm, 16/10/2014, 17:25

Mỗi chúng ta, tùy theo tuổi tác, ít nhiều đều mang theo những kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tác giả bài viết này, đã khắc ghi trong tâm trí mình 3 kỷ niệm về Người.

Kỷ niệm thứ nhất, đó là năm 1959 lần đầu tiên trong đời được gặp Người tại Việt Trì, khi Người về thăm khu công nghiệp. Đám học trò chúng tôi năm đó được nhà trường tổ chức đi lao động xã hội chủ nghĩa, gần 11 giờ trưa, khi nghe loa truyền thanh thông báo: Cán bộ, công nhân nhanh chóng tập trung tại khu vực gần nhà máy đường để đón Bác Hồ về thăm.

Chúng tôi chạy như bay, vượt trước các cô, các chú công nhân, "chiếm lĩnh" vị trí tốt nhất giáp với sàn sân khấu dã chiến vừa được dựng lên, cách chỗ Bác đứng nói chuyện khoảng hơn 2 mét.

Kỷ niệm thứ hai, đó là đầu tháng 9/1969, trong khi tại Thủ đô Hà Nội, Đảng và Nhà nước ta long trọng tổ chức tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì tại "Mật khu C" (mật khu Bời Lời) thuộc xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đơn vị chúng tôi - Cụm tình báo chiến lược H67, Đoàn J22 thuộc Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng) đã tổ chức lễ truy điệu Người.

Giai đoạn đó, chiến trường miền Nam nói chung, đặc biệt là vùng trọng điểm, cửa ngõ phía Đông Bắc và Tây Bắc Sài Gòn như Củ Chi, mật khu Bời Lời trở thành vùng tự do oanh kích, hủy diệt của địch. Vì vậy, mọi sinh hoạt của con người đều theo hình thức "độn thổ". Ăn, ngủ, làm việc, hội họp đều dưới hầm.

Lễ truy điệu Bác được tổ chức tại "hầm hội trường". Gọi hội trường cho oai, thực ra đó là căn hầm rộng chừng hơn 10m2 đơn vị xây dựng kiên cố dùng làm nơi hội họp. Không cờ, không ảnh Bác, tôi ghép mấy tờ giấy học sinh, viết dòng chữ: "Vô cùng thương tiếc lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu", ghim vào vách hầm. Tất cả chúng tôi đều đứng nghiêm nghe Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh tóm tắt tiểu sử của Bác.

Tiếp theo đó phút mặc niệm tưởng nhớ Người. Rừng mật khu im lặng! Dưới hầm sâu im lặng! Cho tới khi Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh nấc lên, tất cả chúng tôi đều rơi nước mắt. Đó là một ngày tôi không thể nào quên.

Kỷ niệm thứ ba, đó là ngày chúng tôi tổ chức nghiên cứu Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng dưới hầm sâu tại mật khu Bời Lời. Trước đó, Cụm trưởng đã giao cho bộ phận điện đài, theo dõi Đài phát thanh, ghi chép lại nội dung bản Di chúc.

Dưới ngọn đèn dầu leo lét, Cụm trưởng của chúng tôi đã phân tích từng câu, từng từ trong bản Di chúc. Cuối cùng ông nhắc nhở: Ngày mai, mỗi đồng chí lấy giấy bút chép lại những phần cơ bản trong Di chúc. Đây là cẩm nang cho mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời chiến đấu, trong quan hệ đồng đội, đồng chí cũng như trong tiếp xúc với đồng bào, để mãi mãi xứng đáng là "Anh bộ đội Cụ Hồ".

Một lần, trong đơn vị có 2 đồng chí mâu thuẫn với nhau vì một vài câu nói, vì một vài ngôn từ, giận dỗi cả tuần không nói với nhau. Tại cuộc họp đơn vị, Cụm trưởng nêu vấn đề hết sức chân tình - "Vì kẻ thù xâm lược, anh em ta từ nhiều miền Tổ quốc mới hội tụ về đây. Sống chết vì nhau. Lẽ ra phải thương yêu nhau như ruột thịt, cớ sao lại nặng lời với nhau! Các đồng chí hãy giở "cẩm nang" ra, lời Bác Hồ nhắc chúng ta "phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Vậy mà…". Ông nói tới đó thì nghẹn lời, khiến 2 người (đối tượng và Cụm trưởng góp ý) đều đứng dậy, bỗng ôm nhau cùng khóc.

Cuối năm 1969, địch đánh phá ác liệt chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Để bảo tồn lực lượng, cấp trên chỉ đạo cụm H67 chuyển căn cứ về Bến Tre. Địa bàn hoạt động về nghiệp vụ vẫn là Sài Gòn.

Về chiến trường sông nước, xa trung tâm hơn, đơn vị phải tự lực nhiều thứ để tồn tại và hoạt động. Phải lo tự túc một phần lương thực, thực phẩm. Cũng khai quang cấy lúa, trồng ngô, khoai, sắn, đồ hàng bông (rau các loại), dựng sào đáy để bắt tôm cá ở sông Ba Lai… Dẫu là thời chiến, sản xuất để cải thiện đời sống nhưng công tác quản lý được đề ra rất bài bản, cụ thể. Hàng tháng, quý, năm đều có sơ kết, tổng kết, tài chính công khai rõ ràng, không để xảy ra sai sót gì, bởi mỗi cán bộ, chiến sĩ đều thấm nhuần di huấn của Người là Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Nhìn lại quá trình 45 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Người, chúng ta vui mừng trước sự phát triển của đất nước trên tất cả mọi lĩnh vực: Kinh tế, Chính trị, Ngoại giao… Việt Nam trở thành tiêu điểm của nhiều quốc gia nghiên cứu về tiến trình đổi mới. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, cứ đem Di chúc của Người ra mà soi rọi thì chúng ta còn nhiều khiếm khuyết, cũng trên tất cả mọi lĩnh vực.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn tới nạn tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây bất bình dư luận xã hội; Hiện tượng mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ, bè phái, cục bộ đã xảy ra ở nhiều nơi làm suy yếu tổ chức; Việc thực thi pháp luật, các văn bản dưới luật, quy định, quy chế… chưa nghiêm dẫn tới nhiều sai phạm đáng tiếc; Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị sống xa rời quần chúng, thiếu gương mẫu, nói không đi đôi với làm, đánh mất niềm tin của quần chúng…

Những hiện tượng trên cho thấy nó vừa trái với tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa thể hiện sự thiếu gương mẫu những lời di huấn tâm huyết của Người. Đảng đã có biện pháp chấn chỉnh bằng Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV BCHTW Khóa XI, nhưng xét ra sự chuyển biến vẫn chậm.

Trước thềm Đại hội các Đảng bộ cơ sở, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết cần nghiêm túc với bản thân mình, vì lương tri, trách nhiệm với đời, với đất nước, với nhân dân, hãy sống trọn nghĩa là công bộc của dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở trong Di chúc của Người

K.T.D.
.
.