“Kỵ sĩ đơn độc” Theresa May?

Thứ Năm, 17/01/2019, 17:20
Từ ngày 9-1, Quốc hội Anh bắt đầu cuộc thảo luận kéo dài 5 ngày trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu chính thức về thỏa thuận nước này rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu (gọi tắt là Brexit) vào ngày 15-1 (giờ địa phương). Thủ tướng May bày tỏ tự tin rằng Brexit sẽ diễn ra đúng hạn mà không cần mở rộng điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon.

Bà cũng cảnh báo các nghị sỹ Anh rằng Brexit sẽ rơi vào nguy hiểm nếu Quốc hội bỏ phiếu không thông qua thỏa thuận.

Thủ tướng Anh Theresa May rơi vào tình thế chính trị khó khăn trong vài tháng trở lại đây. Khó khăn lên đến đỉnh điểm khi đảng Bảo thủ tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May vào tháng 12-2018, khiến nhà lãnh đạo rơi vào thế yếu hơn bất kỳ lúc nào khác trong thời gian làm thủ tướng.

Nhưng những khó khăn mà bà May đang vấp phải chưa dừng lại ở đó và những gì sẽ xảy ra tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện Anh nhằm thông qua bản dự thảo thỏa thuận Brexit là điều nhiều người cũng đoán được. Trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố không có cơ hội đàm phán lại một thỏa thuận mới, lãnh đạo đảng Lao động đối lập (Công đảng Anh), ông Jeremy Corbyn thừa nhận mong muốn Quốc hội bỏ phiếu chống lại thỏa thuận của bà May để Công đảng có thể thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của bà Theresa May và buộc phải tổng tuyển cử.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trong chuyến thăm nhà máy Portmeirion ở Stoke-on-Trent.

Việc các nghị sĩ phải đối mặt với 3 lựa chọn: Brexit có thỏa thuận; Brexit không thỏa thuận và không có Brexit nữa đã khiến số phiếu đến từ những người ủng bộ Brexit bị chia nhỏ. Tuy nhiên, ngay vào đêm trước cuộc bỏ phiếu Quốc hội về thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã loại trừ một cách cụ thể việc mở rộng điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon - vốn nhằm để kéo dài thời hạn Brexit - và nói rằng bà muốn dẫn dắt đất nước tuân theo một Brexit suôn sẻ và theo trình tự.

Trong bài phát biểu của mình, tại một nhà máy ở Stoke-on-Trent, nơi có hơn 2/3 số người bỏ phiếu rời EU, bà May nhắc lại tuyên bố rằng việc bỏ phiếu chống thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh đàm phàn với EU suốt 2 năm qua sẽ hủy hoại niềm tin của người dân Anh vào chính trị cũng như vào nền dân chủ và có thể có nghĩa Brexit không xảy ra. Bà May nhắc nhở các nghị sĩ phải nâng cao trách nhiệm thực hiện kết quả trưng cầu dân ý năm 2016.

Thủ tướng Theresa May kêu gọi các nghị sĩ hãy nhìn lại một lần nữa bản thỏa thuận Brexit trước thềm cuộc bỏ phiếu và nhấn mạnh rằng đây là lựa chọn duy nhất có thể giúp nước Anh rời khỏi EU mà không lâm vào cảnh hỗn loạn. Tuy nhiên, với những tiến triển mới nhất trong các cuộc thảo luận, các nhà phân tích của tờ Guardian chỉ ra rằng, phần lớn trong số hơn 200 nghị sĩ Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu chống lại bản dự thảo.

Các bộ trưởng nội các Anh hiện vẫn chưa công bố xem bà May có kế hoạch duy trì quá trình Brexit nếu dự thảo thỏa thuận mà bà đưa ra không được Hạ viện thông qua. Nội bộ Chính phủ Anh cũng đang chia rẽ sâu sắc. Những người ủng hộ sửa đổi tin rằng thỏa thuận Brexit sẽ được củng cố nếu Thủ tướng trở lại Brussels để tìm kiếm những nhượng bộ mới sau ngày 15-1. Họ cũng hy vọng rằng nếu thỏa thuận sửa đổi được thông qua, nó có thể giúp hạn chế quy mô thất bại của chính phủ đương nhiệm. Một số quan chức còn lại hy vọng bà May sẽ tìm cách thỏa hiệp với Công đảng. Một nghị sĩ trong đảng Bảo thủ đã từ chức để thể hiện sự phản đối với bản dự thảo Brexit vì cho rằng, các điều khoản trong đó sẽ gây tổn hại tới lợi ích đất nước.

Đảng Bảo thủ cũng lên các kịch bản về việc thất bại của bản dự thảo Brexit, trong đó, có hai khả năng chính dựa vào số phiếu cụ thể phản đối hay ủng hộ tại Hạ viện. Trường hợp không thông qua bản dự thảo Brexit, với tỷ lệ chêch lệch giữa phản đối và ủng hộ dưới 100 phiếu, sẽ được đánh giá là thành công đối với chính phủ. Thủ tướng May có thể sẽ phải thuyết phục EU đưa ra thêm những cam kết nhượng bộ mới để hy vọng việc bỏ phiếu thông qua lần hai trong vài tuần tới sẽ làm hài lòng các nghị sỹ Hạ viện.

Còn trong trường hợp số phiếu phản đối chênh với số phiếu ủng hộ lớn hơn 100, đây sẽ là cú sốc kéo theo nhiều nguy cơ đối với Thủ tướng May và cả đảng Bảo thủ của bà. Khi đó, những chỉ trích từ Công đảng đối lập và từ những nghị sĩ nổi loạn trong đảng Bảo thủ sẽ quyết liệt hơn, đẩy tình hình chính trị nước Anh khó kiểm soát hơn bao giờ hết.

Một câu hỏi nữa được giới phân tích đặt ra trong trường hợp thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May thất bại, đó là nên hay không một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai?

Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 chỉ bao gồm câu hỏi duy nhất: Vương quốc Anh có nên là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) không? Nhưng chưa ai biết, cuộc trưng cầu dân ý mới, nếu có, sẽ được diễn ra như thế nào. Có thể đây sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý hai vòng, với câu hỏi đầu tiên giống sự kiện năm 2016 và câu hỏi tiếp theo sẽ khiến những người bỏ phiếu phải lựa chọn giữa việc rời đi không có thỏa thuận hay bất kỳ thỏa thuận nào có thể thương lượng.

Vấn đề mà giới phân tích lo lắng là: Điều gì sẽ xảy ra nếu phần lớn người Anh bỏ phiếu không có thỏa thuận Brexit? Về lý thuyết, đây là kịch bản mà một số người gọi là Brexit triệt để. Những người kiên định ủng hộ Brexit hài lòng với ý tưởng này và cho rằng, Anh giao thương với EU trên cơ sở các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giống như hầu hết các nước thứ ba. Tuy nhiên, nước Anh chưa có chuẩn bị nhiều cho kịch bản này nên hậu quả chắc chắn sẽ dẫn tới rối loạn.

Trong một kịch bản khác, các lựa chọn trưng cầu dân ý có thể bao gồm bản dự thảo thỏa thuận Brexit của bà May, tuy nhiên, cách thức này sẽ dẫn tới một cuộc bỏ phiếu 3 vòng và đẩy tình hình càng trở nên phức tạp hơn và đất nước càng bị chia rẽ sâu sắc.

Trong trường hợp, Chính phủ Anh thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý mới và lần này người dân xứ sở sương mù chọn ở lại EU, thì liệu Chính phủ Anh sau đó sẽ quyết định lắng nghe cử tri và ở lại? Nếu vậy, kết quả sẽ khiến rất nhiều người ủng hộ Brexit giận dữ cả trong và ngoài Quốc hội. Chính phủ Anh sẽ bị suy yếu trong khi nhiều cử trị cảm thấy nền dân chủ đã bị hủy hoại.

Những dự báo này cho thấy dù cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai được tổ chức theo cách nào và kết quả ra sao thì Chính phủ Anh cũng không tránh khỏi tổn thất. Nhưng nó không có nghĩa là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai không nên xảy ra. Đặc biệt là bây giờ người dân Anh đã có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống như thế nào nếu không có EU và khi biết rõ về nhiều hứa hẹn sai lầm trong chiến dịch kêu gọi Brexit năm 2016.

Việt Thùy (Tổng hợp)
.
.