Kỳ vọng từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35

Thứ Tư, 06/11/2019, 11:45
Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Chile bị hủy, sự chú ý của thế giới tập trung vào Hội nghị cấp cao ASEAN 35 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 11 tại Bangkok, Thái Lan.

Bên cạnh lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, cấp cao ASEAN lần này và các hội nghị liên quan còn quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới đến từ Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc. Các hội nghị Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS); Cấp cao ASEAN+1 với các đối tác (Trung Quốc, Ấn Độ, Liên Hiệp Quốc, Nhật Bản, Mỹ); Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần 3 đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng của khu vực cũng như quốc tế.

Các quốc gia đã hy vọng về một khuôn khổ tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề đa phương và song phương, một RCEP hoàn thiện sau gần một thập kỷ “thai nghén” và còn nhiều hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN 2020 từ người đồng cấp Thái Lan.

Cảm giác hụt hẫng

Một lần nữa, Tổng thống Donald Trump lại không tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 35 lần này. Theo ông Kavi Chongkittavorn, Cựu trợ lý Tổng Thư ký ASEAN Kavi Chongkittavorn, chuyên gia Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan), nếu Tổng thống Mỹ tiếp tục bỏ lỡ các hội nghị thượng đỉnh liên quan đến ASEAN, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ trong khu vực.

Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị lần này được coi là hành động thể hiện sự lạnh nhạt đối với khu vực. Đây là lần thứ hai ông Trump không tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN kể từ sau hội nghị ở Singapore hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ các hội nghị cũng đã có một tín hiệu tích cực khi ông O’Brien, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ đã chuyển tới các lãnh đạo ASEAN lời mời dự Cấp cao ASEAN - Mỹ đặc biệt tại Mỹ vào quý I-2020. Đây có thể được coi là một tín hiệu đáng mừng trong quan hệ ASEAN - Mỹ. Quý I-2020 có thể đánh giá là rất gần nhưng với “phong cách Trump” vẫn chưa thể xác định cấp cao ASEAN - Mỹ có thực sự được ông chủ Nhà Trắng ấn định hay không.

Trong khuôn khổ cấp cao ASEAN 35, các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đạt được bước đột phá quan trọng. Tuy vậy, vẫn chưa thể hoàn tất cho bước ký kết cuối cùng. Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat chia sẻ với báo giới rằng các nhà đàm phán đã hội họp đến tận tối muộn ngày 3-11 nhằm nỗ lực tiến tới một thỏa thuận.

Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha cho biết 16 quốc gia trong khối thương mại tiềm năng này phải ký kết được thỏa thuận trong năm nay để kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư. Ông nhấn mạnh những nguy cơ của “những va chạm thương mại” và “sự cạnh tranh địa chiến lược” trong khu vực.

Một số quốc gia còn đưa ra khả năng không cần Ấn Độ mà vẫn xúc tiến RCEP, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết Ấn Độ không rút khỏi thỏa thuận.

Hội nghị RCEP trong khuôn khổ cấp cao ASEAN.

Có thể nói, sự phản đối của Ấn Độ đã xói mòn các hy vọng về khả năng hoàn tất hiệp định tại hội nghị cấp cao của ASEAN. Dự thảo tuyên bố có đoạn: “Hầu hết các cuộc đàm phán về tham gia thị trường đều đã hoàn tất, chỉ còn một số vấn đề song phương chưa được ngã ngũ và sẽ được giải quyết trước tháng 2-2020”.

Tuyên bố chung cho biết nội dung toàn bộ 20 chương hiệp định đã hoàn tất và chỉ còn “chờ nghị quyết của một thành viên”. Thành viên này được cho là Ấn Độ. Tuy nhiên, tuyên bố cũng khẳng định tất cả các bên đều “cam kết sẽ ký kết RCEP” tại Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN, trong năm tới.

Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không hề đề cập tới các cuộc đàm phán RCEP trong phát biểu khai mạc hội nghị và thay vào đó lại nói về thỏa thuận thương mại hiện hành giữa ASEAN và Ấn Độ. Ông cũng không nhắc tới khối thương mại 16 thành viên của RCEP trong các bài đăng trên trang mạng xã hội Twitter sau cuộc gặp với lãnh đạo Thái Lan và Indonesia.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó yêu cầu báo giới “tạm gác các câu hỏi về RCEP sang ngày hôm sau”. Có ý kiến cho rằng New Delhi lo ngại các doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt tràn sang.

Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 3-11, Thủ tướng Narendra Modi đã nhắc lại những lo ngại này. Một quan chức ngoại giao có mặt tại cuộc họp, đề nghị giấu tên, cho biết Thủ tướng Modi nói rằng trong số những vấn đề mà Ấn Độ thấy chưa thỏa đáng có việc “tham gia thị trường một cách có ý nghĩa đối với tất cả các bên”.

Hướng tới COC năm 2021

Phát biểu ngày 3-11, tại Hội nghị Cấp cao Trung Quốc - ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á vì hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông. Theo đó, ông Lý đề nghị các lãnh đạo ASEAN hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào năm 2021.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với ASEAN dựa trên sự đồng thuận vừa đạt được cùng nền tảng hiện hữu để thúc đẩy bước tiến mới trong COC theo khung thời gian 3 năm nhằm duy trì ổn định và hòa bình lâu dài ở Biển Đông” - Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh. Dù vậy, đại diện các bên có liên quan trong đàm phán COC đến nay vẫn chưa thể đồng thuận về một số vấn đề liên quan đến COC, nhất là văn kiện này có mang tính ràng buộc pháp lý hay không.

Về phía Việt Nam, về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để có được hòa bình, ổn định là duy trì một trật tự tuân thủ luật pháp quốc tế. Vừa qua có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN.

Cấp cao ASEAN khép lại bằng hình ảnh Thủ tướng Thái Lan trao “chiếc búa quyền lực” cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho năm ASEAN 2020, nước chủ tịch Việt Nam hướng đến một Cộng đồng gắn kết và phát triển, cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng của ASEAN chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ. 

Hà Phương (tổng hợp)
.
.