Lại ách tắc ở vòng đàm phán Doha: Tương lai WTO đi về đâu?

Thứ Sáu, 08/08/2014, 18:20

Ấn Độ vừa gây “bão” trên phạm vi toàn cầu khi kiên quyết từ chối ký vào gói thỏa thuận cải cách thủ tục hải quan giữa các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong khuôn khổ gói Thỏa thuận Bali, một phần của Vòng đàm phán Doha. Không chỉ phái đoàn Ấn Độ tại Hội nghị Geneva từ chối ký thỏa thuận, mà cả Thủ tướng Narendra Modi cũng thẳng thắn khước từ lời đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ vừa qua.

Lá phiếu phủ quyết của Ấn Độ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến New Delhi mở đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ vào ngày 31/7 và ông đã có các cuộc tiếp xúc, hội đàm với giới chức lãnh đạo Ấn Độ, gồm Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj và Thủ tướng Narendra Modi vào ngày 1/8.

Mục đích trước nhất của chuyến thăm Ấn Độ lần này của ông Kerry không gì khác hơn là cố gắng hâm nóng lại, hay nói đúng hơn là "sửa chữa" mối quan hệ Mỹ - Ấn vốn có nhiều thăng trầm từ trước đến nay và bắt đầu lạnh nhạt hơn kể từ sau khi ông Modi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5/2014, trở thành Thủ tướng Ấn Độ.

Quan hệ song phương Mỹ - Ấn trong những năm gần đây đã có nhiều bất đồng phát sinh, đặc biệt là đối với cá nhân Thủ tướng Modi. Ông Modi từng bị Mỹ bạc đãi, không cấp thị thực nhập cảnh do cáo buộc ông không ngăn cản được vụ bạo lực sắc tộc tại bang Gujarat làm chết hơn 1.000 người Hồi giáo vào năm 2002 khi ông còn làm Thủ hiến bang này. Nhiệm vụ của ông Kerry càng nặng nề hơn, với vai trò là Bộ trưởng Ngoại giao, ông phải làm sao để tạo ra một tiền đề tốt nhất cho chuyến thăm chính thức của ông Modi đến nước Mỹ vào tháng 9/2014 sắp tới đây.

Ngoài chuyện không cấp thị thực nhập cảnh, nước Mỹ còn tỏ thái độ đối xử không mấy tôn trọng ngay khi ông Modi vừa được bầu làm Thủ tướng. Không chỉ báo chí Mỹ nhắc lại vụ xung đột sắc tộc năm 2002 để "minh họa" cho nhận định của họ về tinh thần dân tộc chủ nghĩa của Modi mà giới chức ở Washington còn công khai bày tỏ quan ngại về tinh thần dân tộc này.

Trong khi đó, Mỹ lại đang cần lôi kéo Ấn Độ trong nhiều vấn đề quốc tế lớn, trong đó có việc xây dựng đồng minh châu Á để củng cố chỗ đứng của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác thương mại, kể cả WTO. Các công ty của Mỹ luôn gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng xây dựng các nhà máy phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ do luật trách nhiệm doanh nghiệp cứng rắn được Ấn Độ ban hành vào năm 2010, trong đó một số điều khoản khó khăn nhất lại do đảng BJP của ông Modi soạn thảo.

Tiếp đến, quan hệ song phương giữa 2 nước càng xấu đi sau vụ tranh cãi xung quanh việc Cơ quan An ninh Ngoại giao Mỹ nhất quyết bắt giam một nhà ngoại giao Ấn Độ vì chuyện thuê mướn người giúp việc của bà này. Tháng 4/2014, Mỹ tiếp tục đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Một trong những bất đồng lớn nhất giữa Mỹ và Ấn Độ chính là các vấn đề của WTO mà hai nước đều là thành viên và mỗi nước lại theo đuổi quan điểm rất khác nhau. Vì vậy, mục đích thứ hai trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Kerry chính là vận động Thủ tướng Modi thay đổi lập trường quan điểm trong các vấn đề của WTO, đặc biệt là trong việc ký kết thỏa thuận cải cách thủ tục hải quan.

Từ nhiều tuần trước, Ấn Độ kiên quyết đòi thương lượng lại các thời hạn nêu ra trong Thỏa thuận Bali để có thời gian xúc tiến các đàm phán cập nhật các quy định WTO áp dụng cho các khoản trợ cấp nước này dành cho nông dân trong chương trình lớn cung cấp lương thực giá rẻ cho người nghèo của nước này. Cho nên nước này đã dọa sẽ ách lại thỏa thuận hải quan nếu yêu cầu của mình không được đáp ứng thỏa đáng.

Ngày 24/7, tại hội nghị đàm phán về cải cách thủ tục hải quan trong khuôn khổ gói Thỏa thuận Bali diễn ra tại Geneva, phái đoàn Ấn Độ đã bỏ phiếu phủ quyết.

Biểu tình phản đối vòng đàm phán Doha.

Cần nhắc lại rằng, WTO hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, mọi hiệp định, thỏa thuận chung của tổ chức này đều phải được sự nhất trí của tất cả 159 thành viên. Do đó, lá phiếu phủ quyết của Ấn Độ xem như đã ách lại thỏa thuận về cải cách thủ tục hải quan - thỏa thuận quan trọng nhất trong thỏa thuận Bali. Từ đó, gói Thỏa thuận Bali xem như thất bại vì thời hạn chót để hoàn tất gói thỏa thuận này là ngày 31/7/2014 đã trôi qua trong vô vọng.

Niềm vui “WTO hồi sinh” vụt tắt

Đương nhiên là Mỹ và các nước phát triển không đồng tình với việc Ấn Độ phủ quyết thỏa thuận hải quan. Nhiều nước, kể cả một số nước đang phát triển cho rằng, việc không đạt được thỏa thuận hải quan sẽ khiến cho các nước đang phát triển thiệt thòi nhiều hơn về thương mại. Nhưng Thủ tướng Ấn Độ Modi cho rằng, trước hết ông phải có trách nhiệm đối với người nghèo Ấn Độ. Ông Modi xem việc chính phủ tích trữ lương thực để hỗ trợ nông dân nghèo là điều rất cần thiết để giải quyết vấn đề nông dân bị thiệt thòi trong sân chơi WTO.

Đây là vấn đề đã được dư luận thế giới đề cập từ lâu khi vòng đàm phán Doha về phát triển thương mại toàn cầu diễn ra, và cũng là vấn đề gây bất đồng nhiều nhất giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Các nước phát triển cho đến nay vẫn không muốn thể hiện trách nhiệm của mình khi cố ép các nước đang phát triển phải chấp nhận những điều kiện sân chơi mà mình chắc chắn thiệt thòi.

Khi tất cả 159 thành viên WTO đồng thuận ký vào Thỏa thuận Bali vào ngày 7/12/2013, Chủ tịch WTO Roberto Azevedo đã hân hoan thông báo rằng, đó là thỏa thuận đầu tiên các nước thành viên WTO đạt được trong lịch sử 18 năm tồn tại của tổ chức này. Gói Thỏa thuận Bali bao gồm 10 đề mục thỏa thuận nhỏ liên quan đến 4 vấn đề lớn về nông nghiệp, hỗ trợ thương mại, bông và các vấn đề phát triển và các nước kém phát triển nhất (LDC).

Mặc dù Thỏa thuận Bali chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ các vấn đề lớn của Vòng đàm phán Doha, nhưng việc nó được ký kết cũng đã là một thành công đủ khiến cho ông Azevedo tự tin tuyên bố "WTO đã hồi sinh!"

Nông dân luôn là những người thiệt thòi nhất trong sân chơi WTO. Đó chính là nguồn gốc dẫn đến thất bại của vòng đàm phán Doha.

Tuy nhiên, ông Azevedo đã không lường được sự phủ quyết của Ấn Độ. Trong gói Thỏa thuận Bali, vấn đề cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa thủ tục hải quan được xem là trọng tâm, cốt lõi; thiếu vấn đề này thì Thỏa thuận Bali sẽ coi như thất bại. Vì vậy, ngay sau khi Ấn Độ phủ quyết thỏa thuận đơn giản hóa thủ tục hải quan, đồng thời đưa ra yêu cầu về việc cho phép chính phủ các nước đang phát triển tích trữ nông sản để dự phòng an ninh lương thực, phục vụ cho việc cứu trợ cho những nông dân nghèo đói, dư luận thế giới một lần nữa lại hoang mang, lo lắng về một cuộc khủng hoảng mới tiếp tục đeo bám WTO.

Sẽ có các thương thảo “lách WTO”

WTO ra đời vào năm 1995, thay thế cho tổ chức Thỏa thuận chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) xuất thân từ sau Hội nghị Bretton Woods năm 1944 ở Mỹ. Mục đích, tôn chỉ ban đầu của GATT là giúp lãnh đạo các quốc gia trên thế giới tránh lặp lại sai lầm khi áp dụng chủ nghĩa bảo hộ trong mậu dịch từng gây ra các thảm họa kinh tế trong thập niên 30 thế kỷ trước.

Tuy nhiên, việc đàm phán giữa các quốc gia thành viên để tìm kiếm các thỏa thuận chung luôn luôn khó khăn. Trước WTO, thế giới từng diễn ra vòng đàm phán Uruguay kéo dài 8 năm, 1986-1994, nhưng không đi đến đâu, từ đó dẫn đến sự ra đời của WTO.

Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại đầu tiên của WTO diễn ra vào năm 1996 tại Singapore đã thành lập các nhóm công tác đặc trách giải quyết 4 vấn đề chính, còn gọi là các "vấn đề Singapore", gồm: tính minh bạch trong mua sắm của chính phủ, việc hỗ trợ thương mại, thương mại và đầu tư, thương mại và cạnh tranh. Các quốc gia phát triển như Mỹ, EU và Nhật Bản đặt ra yêu cầu bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào cũng cần phải bao gồm các "vấn đề Singapore" này.

Năm 1999, vòng đàm phán đầu tiên để giải quyết 4 "vấn đề Singapore", còn gọi là Vòng đàm phán Thiên niên kỷ, đã suýt diễn ra tại Seattle, Mỹ, nhưng do bị các nhà hoạt động biểu tình phản đối quá gay gắt, dẫn đến đổ máu (báo chí đặt tên là "trận chiến Seattle"), nên đàm phán đã được hoãn lại vô thời hạn.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO tháng 11/2001 tại Doha, với các đàm phán về mở rộng thị trường nông nghiệp và sản xuất, cũng như các đàm phán về kinh doanh dịch vụ (GATS) và quy định về sở hữu trí tuệ mở rộng (TRIP). Những người đề xuất vòng đàm phán này lý giải rằng, mục đích của các đàm phán là nhằm tạo ra quy định về thương mại công bằng hơn cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng, vòng đàm phán này sẽ tạo ra những quy định thương mại không có lợi cho phát triển và can thiệp thái quá vào việc hoạch định chính sách nội bộ các nước đang phát triển.

Thất bại của gói Thỏa thuận Bali một lần nữa cho thấy việc đạt được một thỏa thuận thương mại vẫn là vấn đề hết sức khó khăn; các thỏa thuận phải chứa đựng các điều kiện sao cho đáp ứng được yêu cầu, điều kiện thực tế của tất cả 159 thành viên là điều không dễ đạt được, nhất là đối với những "vấn đề Singapore" được nêu ra trong WTO. Từ khi Vòng đàm phán Doha ra đời, đã có ít nhất 7 lần hội nghị đàm phán Vòng Doha tại Cancun (Mexico) năm 2003, Geneva (Thụy Sĩ) năm 2004, Paris (Pháp) năm 2005, Hongkong năm 2005, Geneva năm 2006, Potsdam (Đức) năm 2007 và Geneva năm 2008.

Trong tất cả các cuộc đàm phán, nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ vẫn là những vấn đề lớn được đặt ra từ đầu tại Singapore, trong đó nông nghiệp là trở ngại lớn nhất, là vấn đề gây mâu thuẫn gay gắt nhất giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Một hệ quả của thất bại này là các quốc gia thành viên WTO có lẽ sẽ không nhóm họp lại vào tháng 12 tới để đàm phán các vấn đề còn lại của Vòng đàm phán Doha. Giờ đây, một số thành viên WTO còn đang dọa sẽ đưa vào vận hành thỏa thuận hỗ trợ thương mại theo cách "lách WTO", thay bằng một thỏa thuận đa phương ngoài WTO.

Động thái này có thể sẽ càng làm cho WTO trở nên mất tác dụng hơn. Các quốc gia đưa ra đề xuất này hiện đã soạn thảo văn kiện và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nhằm chuẩn bị thương thảo. Hiện có đến 60 quốc gia bày tỏ muốn tham gia cuộc thương thảo ngoài WTO này.

Kimberly Elliott, một nhà phân tích thương mại của Trung tâm Phát triển Toàn cầu tại Washington nhận định: Sau thất bại của gói Thỏa thuận Bali, WTO chưa chắc sẽ sụp đổ ngay ngày mai, nhưng tương lai của tổ chức này sẽ rất ảm đạm nếu Vòng đàm phán Doha rơi vào trạng thái bất động như vài năm gần đây. Chức năng sân chơi để giải quyết các vấn đề tranh chấp của WTO sẽ bị xói mòn nếu tổ chức này không kịp thời cập nhật các quy định mới để phản ánh những vấn đề đã đặt ra. Và khi không đạt được tiến bộ trong các đàm phán, sẽ ngày càng có thêm nhiều tranh chấp khó giải quyết hơn.

Trên thực tế, không phải đợi đến các vòng đàm phán trong hay ngoài WTO về các  vấn đề WTO đặt ra, mà giữa các quốc gia riêng rẽ cũng như khối, khu vực, nhất là Mỹ và các nước đã xúc tiến đàm phán hình thành các cụm, khối tự do thương mại song phương hay khu vực, như FTA, TPP,… Những kiểu đàm phán thương mại tự do song phương hay đa phương này chính là những yếu tố đang làm xói mòn dần vai trò, chức năng, nhiệm vụ của WTO

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.