Lại gia tăng căng thẳng eo biển Kerch

Thứ Tư, 26/12/2018, 16:30
Trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Anh BBC ngày 19-12, Oleksandr Turchynov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine, cho biết nước này sẽ đưa chiến hạm trở lại các cảng trên biển Azov bất chấp căng thẳng vẫn đang gia tăng giữa Nga và Ukraine.

Ông Turchynov còn nói rằng Kiev sẽ mời đại diện khối NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) lên tàu của họ để chứng tỏ rằng Ukraina không vi phạm bất cứ quy định nào. Ông Turchynov không nói khi nào thì những chiến hạm này sẽ ra khơi tiếp mặc dù ông cho biết rằng sẽ không còn lâu nữa.

Ngày 23-12, Yuriy Grym-chak, Thứ trưởng Ukraine phụ trách các vùng bị chiếm đóng tạm thời và vấn đề di cư trong nước, đề nghị hải quân Anh đưa tàu tới eo biển Kerch. Trước đó ngày 22-12, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson thông báo triển khai tàu trinh sát HMS Echo đến biển Đen và thăm cảng Ukraine giữa lúc căng thẳng với Nga dâng cao.

Ông Williamson tuyên bố London sẽ “luôn sát cánh” cùng Kiev sau vụ lực lượng Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn trên biển Azov hồi tháng trước.

Phản ứng trước những diễn biến mới này, nhà phân tích chính trị người Nga Vladimir Kornilov cho rằng đề xuất của Kiev đưa tàu Anh đến eo biển Kerch là chuyện ngớ ngẩn. Theo ông Kornilov, chính trị gia người Ukraine “mạnh dạn đưa ra lời khuyên cho người Anh” vì cho rằng những “cuộc phiêu lưu” như vậy sẽ được thực hiện “không phải bằng chính bàn tay của họ”.

Ông Kornilov nhắc lại rằng các tàu Ukraine đã cố gắng đi qua eo biển Kerch mà không báo trước với phía Nga về điều này. Vị chuyên gia nói rằng, Ukraine nên thử nghiệm theo cách tương tự và thử điều hướng các tàu của mình đi qua các eo biển Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hải quân Ukraine và Anh tập trận ở biển Đen.

Các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ là một loạt tuyến đường thủy quốc tế quan trọng ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ nối liền biển Aegean và Địa Trung Hải với biển Đen. Chúng bao gồm Dardanelles và Bosphorus, tất cả các phần của lãnh hải có chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và chịu sự điều tiết của các vùng nước nội địa. Chúng thường được coi là ranh giới giữa châu Âu và châu Á, cũng như đường phân chia giữa Thổ Nhĩ Kỳ châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ châu Á.

Do tầm quan trọng chiến lược của chúng trong thương mại quốc tế, chính trị và chiến tranh, các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử châu Âu và thế giới, từ đó được điều hành phù hợp với Công ước Montreux năm 1936.

“Theo các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, bất kỳ quốc gia nước ngoài nào cũng phải báo trước 2 tuần về việc di chuyển của tàu quân sự và tàu dân sự của mình. Hãy thử để một người thông minh như ông Grymchak bước lên bất kỳ con tàu nào của Ukraine và đi qua Bosphorus và Dardanelles. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra”, chuyên gia Kornilov kết luận.

Cũng trong ngày 22, Mỹ thông báo sẽ phân bổ 10 triệu USD cho hải quân Ukraina dưới dạng hỗ trợ bổ sung sau sự cố ở eo biển Kerch. Tổng Biên tập tạp chí lịch sử quân sự Military Crimea, ông Serge Chennyk, đã gọi số tiền 10 triệu USD này là không đáng kể. “Đây là sự giúp đỡ mang tính hình thức, không hơn”, ông phát biểu trong cuộc phỏng vấn của RT.

Theo ông, số tiền trên sẽ không giúp hạm đội Ukraine giải quyết vấn đề của mình.

Hải quân Ukraine hầu như không có triển vọng trở thành một hạm đội đại dương, vì vậy họ chỉ còn cách phát triển thành phần hoạt động ở vùng ven biển, “vá víu các lỗ hổng” và “ngửa tay xin” các đồng minh cấp các tàu chiến cũ mà các nước này không còn dùng đến nữa, ông Chennyk nói thêm. Năm 2018, Ukraine nhận được vũ khí sát thương và các phương tiện quân sự khác với tổng trị giá hơn 40 triệu USD từ Mỹ, Lithuania, Anh và Canada.

Phản ứng trước những hành động trên của Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nói rằng ý định của Kiev là “hành động khiêu khích”. Về phần mình, chuyên gia quân sự Nga, ông Igor Korotchenko trong cuộc trao đổi với Sputnik nói rằng: “Nỗ lực vượt qua eo biển Kerch có thể gây ra tình huống, trong đó Ukraine sẽ biến mình trở thành nạn nhân của một “hành vi gây hấn khác” của Nga và khi đó Kiev sẽ nhờ tới sự giúp đỡ và bảo vệ của Hoa Kỳ”.

Theo vị chuyên gia Nga, ở đây đề cập tới việc chuẩn bị một nền tảng thông tin cho các hoạt động tiềm năng trong tương lai của Hoa Kỳ và NATO nhằm hỗ trợ Ukraine, bao gồm mở rộng quy mô hiện diện của Hoa Kỳ ở Ukraine theo định dạng hải quân. “Đây là một hành động khiêu khích khác được dàn dựng nhằm gây ra một cuộc đụng độ chiến sự ở khu vực eo biển Kerch với những người lính biên phòng Nga, tạo cớ gia hạn thiết quân luật ở Ukraine”, ông Korotchenko cho biết.

Chủ quyền lãnh hải của Nga tại eo biển Kerch và biển Azov được xác định rất rõ ràng và được quốc tế thừa nhận. Vùng lãnh hải này là biển nội địa, nửa kín và được quản lý theo điều khoản số 123 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, quy định Nga và Ukraine phải “hợp tác trên mọi lĩnh vực hàng hải, kể cả việc tiếp cận eo biển”.

Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có chuyện Mỹ hay nhiều nước phương Tây điều tàu chiến qua lại eo biển Kerch nhân danh “tự do lưu thông hàng hải”, bởi vì mọi ý định và mục đích tại vùng nước và eo biển này đều liên quan đến quyền sở hữu và tài phán của Nga và Ukraine.

Luật lệ quốc tế nêu rõ mọi giải pháp đều phải thông qua các thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraine, nhất là vì cả hai nước đã ký kết một đồng thuận về việc hợp tác trên mọi lĩnh vực liên quan đến eo biển. Căn cứ theo bản thỏa thuận gốc giữa Nga và Ukraine liên quan đến eo biển thì Kiev vẫn có thể mời tàu chiến Hoa Kỳ hay NATO ghé thăm cảng biển nước này. Tuy nhiên, một chiến dịch như thế rất có thể sẽ bị xem như một hành động khiêu khích và có nguy cơ gánh đòn trả đũa từ Nga.

Trước các đòn khiêu khích của Ukraine, ngày 22-12, hơn 12 máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 của Nga được triển khai tới Bán đảo Crimea. Trước đó, ngày 18-12, quân đội Nga thông báo đã hoàn thành việc bổ sung các hệ thống phòng thủ tên lửa Triumph S-400 ở Crimea. “Giờ đây các đơn vị đang trực chiến và bảo vệ chắc chắn không phận lãnh thổ toàn Bán đảo Crimea”, Thượng tướng Alexander Dvornikov, Tư lệnh Quân khu phía Nam, cho biết.

M.T. (tổng hợp)
.
.