Quốc hội thảo luận 2 dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch:

Làm thế nào để hai luật không chồng chéo?

Thứ Hai, 30/06/2014, 17:10

Tại kỳ họp thư 7 Quốc hội khóa XII này, Chính phủ đã trình Quốc hội hai dự án luật: Luật Căn cước công dân và Luật hộ tịch để lấy ý kiến. Đã có nhiều ý kiến trái ngược xung quanh những quy định tại hai dự án luật này...

Luật căn cước công dân là bước cụ thể hóa Hiến pháp về quyền con người

Theo dự thảo Luật Căn cước công dân, Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng nhận về căn cước, số định danh cá nhân, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi đăng ký thường trú, quốc tịch Việt Nam của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.

Các thông tin này được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công dân có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác của công dân. Trên thẻ Căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì số thẻ Căn cước công dân vẫn giữ đúng theo số định danh cá nhân đã cấp.

Trên thẻ Căn cước công dân có bộ phận điện tử để lưu trữ, khai thác thông tin về công dân. Quy định này làm cơ sở tích hợp các thông tin cần thiết trên thẻ Căn cước công dân để phát triển thành thẻ công dân điện tử.

Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu….

Theo đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), thẻ căn cước công dân chẳng qua là một chìa khóa để vào không gian số, khác nhau giữa thẻ căn cước công dân với chứng minh thư nhân dân mà lâu nay đã dùng ở một điểm là chíp điện tử của nó. Thẻ căn cước công dân tiến bộ hơn chứng minh thư nhân dân trước đây là vì chíp điện tử để giúp đi vào được không gian số mà số định danh cá nhân của mỗi một con người trong xã hội có được. Vì thế chính phương tiện này đã giảm tối đa các giấy tờ khác và giảm bớt các thủ tục phiền hà khi mà công dân phải tham gia các quan hệ.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ: "Thẻ căn cước công dân tiến bộ hơn chứng minh thư nhân dân trước đây là vì chíp điện tử để giúp đi vào được không gian số". Ảnh: Ngọc Thắng.

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) dư luận nhân dân rất phấn khởi trước tin Quốc hội sẽ thông qua Luật căn cước công dân, vì hiện nay mỗi công dân đang phải sử dụng rất nhiều loại giấy tờ như giấy chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, hộ khẩu, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số thuế cá nhân, ATM v.v...

"Chúng ta thấy rất rõ xã hội hiện nay nghề photocopy rất nhiều, làm việc gì cũng phải photocopy, photocopy rất nhiều văn bản mới có thể giải quyết được những công việc hành chính. Người dân rất phấn khởi và hy vọng số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân sẽ thay thế dần các giấy tờ trên. Đây là một mong mỏi rất thực tế và chính đáng".

Ông Hùng đề nghị dự án luật cần đầy đủ và có tác dụng lâu dài, có tầm nhìn xa hơn, áp dụng triệt để công nghệ thông tin, có sự phối hợp của ngành công an với các ngành khác. Để tránh trường hợp làm đợt này rồi, nếu muốn thay thế giấy tờ khác lại phải bổ sung một dự án khác, tốn kém tiền bạc và công sức. Vì vậy đã làm thì làm thật trọn vẹn, đầy đủ.

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng dư luận nhân dân rất phấn khởi trước tin Quốc hội sẽ thông qua Luật căn cước công dân. Ảnh: Ngọc Thắng.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng dự án luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa về giấy tờ, căn cước công dân theo hướng ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 về Đề án 896 của Chính phủ.

Lý giải việc số định danh cá nhân phải có 12 chữ số, ông Chung cho rằng trong luật này đã nêu số định danh cá nhân là mỗi một công dân từ khi sinh ra cho đến lúc mất có một số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân này 12 chữ số, ngoài số thứ tự để đảm bảo cho dân số xếp hàng thứ triệu thì ở trong số định danh cá nhân này còn mã hóa về liên quan đến vùng, mã hóa liên quan đến giới tính, do vậy phải đảm bảo 12 chữ số. Không những thế sau này viết các phần mềm để phục vụ cho quản lý dữ liệu dân cư và là dữ liệu gốc để triển khai cải cách thủ tục hành chính cho tất cả các lĩnh vực khác thì phải có 12 chữ số mới có thể xử lý được.

Số định danh cá nhân này sẽ đảm bảo dù sau này người công dân bị mất chứng minh thư thì đến bất cứ một địa phương nào đều có thể cấp lại được, nhưng cấp lại sẽ thể hiện ở vùng được cấp lại. Cấp lại trên mạng dùng chung trên cả nước, do vậy nó không ảnh hưởng gì.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo ông Chung xây dựng cơ sở này chính là điện tử hóa toàn bộ các thủ tục về nhân hộ khẩu và quản lý người dân vào trong một mạng máy tính để dùng chung. Có làm như vậy thì sau này các biện pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính của người dân, của các cấp chính quyền mới làm được.

"Qua thực tế chúng tôi thấy dữ liệu dân cư khi chúng ta đã điện tử hóa này từ trước đến nay nhân hộ khẩu và quản lý khẩu tại cơ sở là do cảnh sát khu vực làm. Nhưng mỗi một đời cảnh sát khu vực thay thì lại phải thay một cuốn sổ khác nhau, cho nên các lần thay này sẽ có những thống kê hàng ngày không chính xác. Nhưng khi nhập chung thì chỉ mất khoảng 30 giây thì rõ luôn một phường có bao nhiêu công dân đến tuổi 17 để nhập, bao nhiêu người già trên 80 tuổi có thể được hưởng các chính sách, bao nhiêu cháu năm nay vào lớp 1, bao nhiêu cháu sinh ra trong một năm, quản lý rất dễ".

Nhiều băn khoăn với dự án luật Hộ tịch

Đồng tình với việc xây dựng Luật Hộ tịch, nhưng đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn), lại băn khoăn vì vẫn có nhiều ý kiến phân định ranh giới giữa Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Theo bà Sinh 2 dự án luật này cần phân định rõ hơn nữa để khi luật có hiệu lực thì có tính khả thi và phân định được 2 luật này khác nhau.

"Theo như tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra chúng ta lấy cơ sở 2 cơ quan quản lý khác nhau để đưa ra hai luật này khác nhau thì tôi thấy tính thuyết phục chưa cao lắm. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát về trình tự thủ tục, thời hạn đăng ký hộ khẩu cũng như hộ tịch các giấy tờ, lược bỏ các quy định rườm rà, đơn giản hóa các giấy tờ và thủ tục hành chính với các luật khác. Tôi kỳ vọng khi luật này được thông qua và có hiệu lực thì thủ tục hành chính của chúng ta giảm bớt đi. Các giấy tờ tùy thân của công dân, tôi thấy cũng cần phải được giảm bớt, tránh phiền hà cho người dân. Tôi đề nghị cần phải rà soát với các luật khác để cho có tính đồng bộ, tránh chồng chéo và trùng lắp".

Đại biểu Thích Thanh Quyết góp ý dự thảo luật Hộ tịch. Ảnh: Ngọc Thắng.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) đề nghị bỏ quy định về số định danh cá nhân. Bởi số định danh cá nhân đã được quy định ở trong Luật Căn cước của công dân.

Theo đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) việc quản lý hộ tịch, quản lý hộ khẩu, quản lý căn cước công dân là khách quan và rất cần thiết. Tuy nhiên có cần thiết phải có những đạo luật riêng, có cần thiết phải có sổ hộ tịch, sổ hộ khẩu không, đấy là vấn đề khác. Quản lý thì vẫn cần quản lý nhưng phương pháp quản lý phải thay đổi.

"Các đạo luật triệt để thực hiện tinh thần cải cách hành chính là phải làm sao giảm tối đa những giấy tờ gây phiền phức cho công dân. Chúng ta quan niệm cái chính là quản lý công dân, mục đích của các đạo luật là quản lý công dân, làm sao để đỡ phiền hà cho dân, giảm bộ máy và ít phải các văn bản. Công dân mới chính là trung tâm của quản lý, quản lý hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh thư, căn cước công dân làm sao giảm phiền hà cho dân.

Nhân loại người ta đã đi tiến bộ rất xa, người ta dùng đến một cái thẻ đa năng là Multi Media Card, tổng hợp tất cả thông tin vào đấy, công dân rất ít phải dùng thẻ như chúng ta là đến 25, 27 thẻ trong người. Tôi hoàn toàn rất ủng hộ quan điểm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội khi thảo luận ở Thường vụ Quốc hội cho rằng có thể nghiên cứu để khả năng thu hút vào một đạo luật nếu có thể.

Tôi cho rằng nếu có thể thu hút, đạo luật trực tiếp quản lý công dân mới là đạo luật, cần làm trung tâm để thu hút. Vì thế nếu thu hút thì Luật Căn cước công dân là luật có thể thu hút các đạo luật khác liên quan đến quản lý công dân".

Theo ông Hồ Trọng Ngũ, xét các mối quan hệ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ sở dữ liệu hộ tịch chỉ là một bộ phận. Vì quan hệ hộ tịch như trong Điều 2, Khoản 1 đã nói nó là sự kiện, tình trạng nhân thân của cá nhân và nếu nó là tình trạng nhân thân của cá nhân thì như vậy xét trong mối quan hệ với cá nhân công dân thì thông tin về hộ tịch chỉ là một phần nhỏ phản ánh sự tham gia của công dân vào các mối quan hệ xã hội. Đó là quan hệ sinh, tử, hôn nhân, nếu xét kỹ thấy thông tin căn cước công dân cũng phản ánh các quan hệ này, ở ngày sinh, quê quán, quan hệ gia đình, các đặc điểm lịch sử, đặc điểm nhân thân, đặc điểm xã hội v.v...

"Như vậy nếu vì mục đích quản lý thì hoàn toàn có thể sử dụng thẻ căn cước công dân kết hợp với cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý hộ tịch mà không cần phải phát sinh thêm một bộ máy, thủ tục, giấy tờ hồ sơ nhiều, không nên bắt công dân phải mang thêm nhiều giấy tờ phản ánh quan hệ hộ tịch thông qua thẻ điện tử như tôi nói là thẻ đa năng Multi Media Card thì hoàn toàn có thể quản lý được hộ tịch, hộ khẩu công dân".

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng dự án Luật Hộ tịch quy định giao công chức tư pháp hộ tịch cấp giấy khai sinh và cấp sổ định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Trong khi đó Luật Căn cước công dân cũng quy định trẻ em sinh ra sẽ được Cơ quan Công an cấp thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân. "Tôi thấy hai dự án luật này đều do Chính phủ trình nhưng mỗi bộ soạn thảo một dự án luật, như Bộ Công an là Luật Căn cước công dân, Bộ Tư pháp là Luật Hộ tịch. Hai bộ này cần phối hợp thống nhất với nhau trong quá trình soạn thảo để tránh trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau".

Đồng tình với phạm vi điều chỉnh của Luật Hộ tịch, nhưng đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng còn một số vấn đề cần nghiên cứu và xem xét kỹ, cần thiết phải điều chỉnh.

"Quốc hội đã bàn nhiều đến một số vấn đề của Luật Căn cước công dân. Tôi thấy trong luật này cũng được nhắc đến ví dụ số định danh cá nhân, do vậy có cần nêu trong luật này nữa hay không. Đã là cơ sở dữ liệu chung thì theo tôi chỉ nên đặt ở một luật, không cần thiết phải nhắc lại ở luật này nữa. Vấn đề thứ hai là thủ tục cấp giấy khai sinh. Dù là giấy khai sinh hay cấp giấy căn cước cho trẻ mới sinh đều phải do bố mẹ hoặc người giám hộ đi khai và giữ hộ, trẻ sơ sinh không thể giữ được và luôn phải dùng nó vào các yêu cầu cần phải có của các thủ tục cần thiết. Khi thay bằng khai sinh nên chuyển bằng thẻ căn cước cho trẻ. Tôi đề nghị nên bỏ quy định về nơi cư trú trong luật, vì nội dung này đã được quy định tại Luật Cư trú rồi"

Nguyễn Thiêm
.
.