Làn sóng bắt công dân của nhau giữa các cường quốc

Thứ Hai, 07/01/2019, 13:52
Sự kiện Nga bắt một công dân Mỹ vì cáo buộc gián điệp là diễn biến mới nhất trong làn sóng bắt người của nhau giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây trong thời gian qua.

Ngày 31-12-2018, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho hay công dân Mỹ tên là Paul Whelan đã bị bắt ở Moscow ngày 28-12 và bị buộc tội gián điệp. FSB, cơ quan phản gián chính yếu của Nga, không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Nếu bị kết tội, Whelan phải đối mặt với án tù từ 10 đến 20 năm, hãng tin Tass của Nga đưa tin.

Ngày 1-1-2019, hãng tin Reuters dẫn lời gia đình Whelan cho biết ông là một lính thủy quân lục chiến Mỹ. Reuters dẫn nguồn tin riêng nói rằng ông Paul Whelan làm việc cho công ty tuyển mộ nhân sự Kelly Services, có trụ sở chính nằm ở Troy, tiểu bang Michigan. Ông Paul Whelan sống ở Novi, cách Troy chừng 40 phút lái xe.

Một nữ phát ngôn viên cho Công ty Kelly, bà Heather Klee, nói ông Paul Whelan làm việc cho công ty này cho tới tháng 2-2016. Tuy nhiên, bà Klee cũng nói là công ty không biết người bị Nga bắt có phải là ông Paul Whelan từng làm việc cho họ hay không. Người nhà Whelan cho biết ông Paul bị bắt khi đến dự tiệc cưới của một người đồng đội cũ tại khách sạn Metropol ở Moscow.

David Whelan, anh trai của Paul Whelan cho CNN biết rằng em trai của ông, người đã từng phục vụ ở Iraq, đã đến Nga nhiều lần trước đây trong các chuyến công tác và vì mục đích cá nhân, làm hướng dẫn viên du lịch cho một số khách đến Nga dự tiệc cưới.

Trong năm 2018, đã có nhiều cáo buộc qua lại trong mối quan hệ của Nga với Mỹ và Anh về các vụ gián điệp. Đầu tháng 12-2018, Maria Butina, một người Nga và cũng là một nhà hoạt động vì quyền được mang súng, bị bắt giữ ở Mỹ và đã nhận tội tham gia một âm mưu.

Các công tố viên Mỹ cho biết bà Butina đã nhận tội ở Mỹ là hoạt động như điệp viên có sứ mạng tác động lên các tổ chức bảo thủ của Mỹ theo hướng có lợi cho Nga. Chính quyền Moscow nói bà Butina bị ép buộc nhận tội về việc làm điệp viên cho Nga và điều đó sai sự thực.

Hồi tháng 3-2018, Anh và các đồng minh phương Tây đã trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga, để đáp trả vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái của ông, Yulia, ở Salisbury. Chính phủ Anh cáo buộc rằng nhà nước Nga đã thực hiện vụ tấn công bằng chất độc thần kinh. Nga phủ nhận điều này và trả đũa bằng cách trục xuất hàng chục nhà ngoại giao phương Tây.

Daniel Hoffman, một quan chức đứng đầu văn phòng CIA tại Moscow, nói “có khả năng, thậm chí là rất có khả năng” Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh bắt ông Whelan để trao đổi lấy Maria Butina.

Bà Mạnh Vãn Chu, lãnh đạo Công ty Huawei của Trung Quốc bị Canada bắt giữ theo lệnh của Mỹ ngày 1-12-2018.

Ngày 2-1-2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng kêu gọi Nga trả tự do ngay lập tức cho Paul Whelan. “Chúng tôi hy vọng sẽ được biết thêm về các cáo buộc của Nga với công dân Paul Whelan, để hiểu Nga buộc tội công dân Mỹ những gì và nếu việc giam giữ không có cơ sở, chúng tôi yêu cầu thả Paul Whelan ngay lập tức”, Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo cho biết.

Ông Pompeo lưu ý thêm, Hoa Kỳ hy vọng sẽ được tiếp cận lãnh sự với công dân Mỹ để có cơ hội tìm hiểu thêm. Ngày 3-1, tại Moscow, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga được hãng tin RIA trích lời cho biết Nga đã cho phép lãnh sự Mỹ tiếp cận ông Whelan. Bộ Ngoại giao Mỹ chưa xác nhận tin này.

Theo hãng tin Sputnik của Nga, cùng ngày lực lượng FSB bắt giữ công dân Mỹ Paul Whelan thì một phụ nữ Nga cũng đã bị bắt giữ tại sân bay Helsinki. Người mẹ của cô này là bà Svetlana Rogozhina cho biết con gái bà là cô Mira Terada, 30 tuổi, đã bị bắt giữ tại Helsinki. Theo lời bà, ban đầu, nhân viên hải quan biên phòng cho rằng nữ công dân Nga đã có vi phạm và gọi cảnh sát. Sau đó, người ta cho bà mẹ biết rằng con gái bà đã được đưa đến đồn cảnh sát.

“Tôi không được xem bất kỳ tài liệu hay biên bản nào. Chỉ có thông báo rằng đây là yêu cầu từ Hoa Kỳ và theo thỏa thuận giữa các quốc gia, họ phải bắt giữ con tôi nhằm làm rõ chi tiết gì đó”, bà Rogozhina lưu ý.

Những vụ bắt công dân giữa các cường quốc đang “được mùa”. Ngày 1-12-2018, Canada bắt giữ một lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, Giám đốc Tài chính của Hãng Huawei, bà Mạnh Vãn Chu ở Vancouver theo yêu cầu của Mỹ. Bà Mạnh bị truy nã vì bị cáo buộc lừa dối các ngân hàng để né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Bắc Kinh sau đó đã trả đũa bằng cách bắt giữ 3 công dân Canada, 2 trong số đó bị cáo buộc hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Một người đã được thả và trở về nước hôm 29-12 sau khi đóng tiền phạt. Đó là Sarah McIver, nữ giáo viên Canada bị Trung Quốc bắt hồi đầu tháng 12-2018 với cáo buộc làm việc bất hợp pháp.

Ngày 3-1, công tố viên hàng đầu của Trung Quốc nói rằng 2 người Canada còn lại bị giam giữ “chắc chắn” đã vi phạm luật, theo Reuters.

Vẫn theo Reuters, Canada nhiều lần nói rằng họ không thấy có mối liên hệ rõ ràng nào giữa vụ bắt giữ bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Huawei, với việc giam giữ ông Kovrig và Spavor. Nhưng, các nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh và các nhà cựu ngoại giao Canada khẳng định họ không nghi ngờ gì về việc hai vụ này có liên quan với nhau.

Canada nói rằng vụ 2 công dân của họ bị giam giữ là điều không thể chấp nhận được, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Trung Quốc nên phóng thích những người này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, cho là Trung Quốc rất tức giận và kêu gọi Mỹ, Canada tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm: “Việc này có dính dáng đến Anh và EU không? Khi Canada bắt giữ bất hợp pháp giám đốc điều hành cấp cao của một công ty Trung Quốc theo yêu cầu của Hoa Kỳ, sao họ không đả động đến?”.

Bà Oánh nói rằng, Trung Quốc một lần nữa kêu gọi Canada trả tự do cho bà Mạnh và Hoa Kỳ phải rút lại lệnh bắt giữ bà này. Theo luật tố tụng hình sự của Trung Quốc, các hình thức giam giữ và thẩm vấn đặc biệt có thể được áp dụng đối với các nghi phạm về an ninh quốc gia.

Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ chưa dừng những hành động trả đũa Canada trong thời gian tới.

M.T. (tổng hợp)
.
.