Làn sóng phẫn nộ trước hành động sát hại con tin của IS

Thứ Sáu, 30/01/2015, 12:10
Việc nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) công bố bức ảnh chụp một thi thể đã bị chặt đầu được cho là của ông Haruna Yukawa, một trong 2 công dân Nhật Bản bị bắt giữ làm con tin, và thông qua Đài Phát thanh Al Bayan của họ chính thức xác nhận đã hành quyết con tin này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế.

Ngày 26/1 vừa qua, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, chính phủ nước này sẽ không liên lạc trực tiếp với IS mà sẽ liên hệ với Chính phủ Jordan để giải cứu con tin còn lại. Ông Suga nêu rõ: “Tính mạng con người là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản. Do đó, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Jordan và người đứng đầu các tôn giáo, các tổ chức có liên quan để ông Goto sớm được trả tự do”.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama, người hiện đang ở thủ đô Amman để giải quyết vụ con tin Nhật Bản bị bắt giữ, nhấn mạnh: Nhật Bản vẫn kiên định với quan điểm sẽ tập trung nỗ lực phối hợp với các bên liên quan và các kênh ngoại giao để hỗ trợ việc trả tự do cho ông Goto.

Trước đó, trong bài phát biểu ngắn gọn trước các phóng viên vào ngày 25/1 sau khi mở cuộc họp khẩn vào lúc nửa đêm tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi thả ngay lập tức con tin thứ hai, nhà báo Kenji Goto đang bị IS bắt giữ và đe dọa thủ tiêu. Ông Abe xác nhận: “Chúng tôi đang sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để nỗ lực cứu con tin còn lại”.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Nhật hiện vẫn chưa xác nhận tính xác thực của đoạn băng này cũng như hình ảnh được cho là cơ thể bị chặt đầu của con tin Yukawa, người mất tích tại Syria vào tháng 8/2014. Phát biểu trên kênh truyền hình NHK, Thủ tướng Abe chỉ nói rằng, đoạn băng này “có độ xác thực khá cao”, trong đó chiếu hình ảnh con tin Kenji Goto cầm bức ảnh chụp thi thể của Yukawa.

Con tin Goto cầm trên tay một bức ảnh được cho là chụp cơ thể bị hành quyết của Haruna Yukawa. Ảnh: Japantimes.

Dù vụ hành quyết này vẫn chưa được kiểm chứng độc lập, nhiều quốc gia kịch liệt lên án hành động dã man này của IS. Trong tuyên bố đưa ra trong hành trình tới thăm Ấn Độ, bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, Tổng thống Mỹ cực lực lên án hành động “sát hại tàn bạo” của IS và gửi lời chia buồn đến người dân Nhật Bản. Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc lại lời kêu gọi lập tức trả tự do cho Kenji Goto và tất cả các con tin còn lại.

Trước đó, Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama đã có cuộc điện đàm khẩn cấp bàn về vụ việc này. Thủ tướng Abe đã đề nghị Mỹ hợp tác giải quyết vụ khủng hoảng con tin này. Đáp lại, Tổng thống Mỹ cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong cuộc giải cứu con tin còn lại cũng như cuộc chiến chống khủng bố. Thủ tướng Anh David Cameron lên án sự dã man của IS trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi vụ việc là sự “sát hại dã man”.

Cùng với nhiều nước trên thế giới, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong phiên họp ngày 25/1 cũng đã kịch liệt lên án hành vi giết hại con tin Nhật Bản của IS, đồng thời yêu cầu lập tức trả tự do cho ông Goto và các con tin khác đang bị nhóm này cũng như các nhóm phiến quân khác có liên hệ với Al-Qaeda giam giữ.

Giới phân tích cho rằng, vụ sát hại con tin Nhật này chính là lời cảnh tỉnh về sự man rợ của IS, từ đó khiến liên quân các nước mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân này. Nhưng sự leo thang đột ngột của cuộc khủng hoảng con tin trở thành thử nghiệm đáng buồn cho Thủ tướng Abe. Bên cạnh đó, đã có nhiều lời chỉ trích về khả năng ngoại giao hạn chế của giới chức Nhật khi Tokyo không thể tìm cách liên lạc để thỏa thuận với nhóm IS. Thật sự giới chức Nhật cũng thừa nhận có rất ít cách để đảm bảo việc thả tự do cho các con tin. Trong khi đó, nhiều người khác cáo buộc chính quyền Tokyo đã không nỗ lực hết mình và không muốn trả khoản tiền 200 triệu USD.

Vụ việc này là một thực tế chứng minh rằng ngay cả Tokyo cũng không có khả năng miễn dịch với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế cho dù sự liên quan của Nhật Bản với các chiến dịch chống phong trào cực đoan ở Trung Đông không phải là nhiều và trực tiếp. Tuy nhiên, đây không phải là bài học dành riêng cho Nhật Bản mà là bài học chung cho nhiều quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang trải qua xu thế toàn cầu hóa cộng với những biến động, điểm nóng nảy sinh khó dự đoán.

Hà Linh (tổng hợp)
.
.