“Lặng ngồi lắng tiếng mưa rơi”

Thứ Bảy, 28/12/2013, 19:35

Khu vườn yên tĩnh rộng 1.000m2 ở đường Âu Cơ (Hà Nội) như một công viên thu nhỏ, mà trong đó, người làm vườn đã điểm tô cho nó đủ sắc màu, dư vị của cuộc sống: Có trầm hương ngạt ngào trên bàn thờ tâm linh, có màu xanh ngút ngàn của cỏ cây, hoa lá, có sức sống và sự hồi sinh của những thế hệ sau, có dấu chân ngự trị của một ông quan làm văn chương nếm trải nhiều vinh quang nhưng cũng nhiều cay đắng, đã bước sang tuổi 75 vẫn miệt mài ngày đêm nghĩ suy mài chữ để trải lòng với cuộc đời.

Để nhận ra rằng, ông “tu” ở đấy, nhưng chưa bao giờ yên lắng những thăng trầm đã nếm trải trong thế giới vốn dĩ lắm trái ngang…

Phóng viên (PV): Thưa tác giả Nguyễn Thiện Luân, nguyên là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có thể gọi ông là một "ông quan" về hưu, song thay vì được nghỉ ngơi điền viên thì ông lại lao động cật lực hơn bao giờ hết: ông dành một ngày tới 7 tiếng để viết văn, và chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có trong gia tài dăm chục cuốn tiểu thuyết, dăm chục tập thơ, vài chục tập truyện ngắn. Thú thật là có lẽ ngay cả với những nhà văn chuyên nghiệp cũng phải “ngả mũ” trước số lượng sách đồ sộ của ông!

Ông Nguyễn Thiện Luân: Đã hơn 10 năm nay, kể từ ngày về hưu, tôi tự thấy mình là người đang ở ẩn, ở ẩn để lo cho công việc yêu thích của riêng mình, đó là viết lách. Tôi ít khi đi ra khỏi nhà, trừ khi đi thăm một số bạn bè  rất thân, đi thăm người ốm, đi viếng người chết. Thời gian của tôi chủ yếu dùng để viết. Cái sự viết của tôi nó cũng có nguyên do.

Hồi tôi mới về hưu cũng chưa có ý định viết tiểu thuyết, tôi chủ yếu làm thơ và chơi với một số bạn văn như Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ, Vũ Xuân Hoát... chủ yếu là quý mến nhau mà chơi từ hồi tôi còn đang đi làm. Khi tôi nghỉ hưu, nhiều bạn bè  đến đây chơi, như bạn thấy đấy, phòng này tôi phải kê một lúc hai bộ bàn ghế ghép lại mới đủ chỗ ngồi cho bè bạn. Ngồi trà dư tửu hậu nói cho nhau đủ chuyện, rồi tôi kể cho họ nghe những chuyện tôi đã được nghe, được chứng kiến trong quãng đời đã qua của mình. Nhiều bạn văn bảo, tôi không viết ra thì phí quá. Tôi nghĩ bụng, ừ nhỉ, tại sao không?

Vì làm thơ, dẫu rất thích nhưng không chuyển tải được hết những điều mình định nói, chỉ có tiểu thuyết mới có thể nói hết hộ mình những câu chuyện, những số phận, những cuộc đời mà mình đã biết rất hay, rất thú vị, cùng viết ra để ai thích thì đọc. Đến nay thì gia tài của tôi như bạn thấy, hơn 100 cuốn đã in, hàng chục cuốn đang ở dạng bản thảo. Dù chơi với nhau nhưng câu chuyện văn chương của tôi khác với họ. Tôi viết không phải là hồi ký nhưng nó là những tác phẩm liên quan đến chuyện đời, chuyện nghề, cũng là một cách lưu giữ lại cho con cháu những kỷ niệm.

Từng có 100 cuốn sổ công tác thì vợ tôi đã đốt sạch trong cái ngày định mệnh vào đêm đông giá rét năm ấy. May mà tôi có trí nhớ rất tốt, nên hầu hết những chuyện gì quan trọng diễn ra trong đời, tôi đều có thể nhớ để vận dụng vào tác phẩm của mình. Để nó có sức sống hơn. Nói vậy chứ những va vấp trong cuộc đời quan trọng lắm. Nếu không có cú sốc ấy, có lẽ không có một tôi làm việc và đam mê viết lách như bây giờ.

PV: Làm đến chức Thứ trưởng, rồi đùng một cái, ông lại vướng vào những hệ lụy của vụ án Lã Thị Kim Oanh, rồi dính vào án tù tội… Có nghĩa là vinh quang đủ mà cay đắng cũng đầy. Cảm giác của ông về câu chuyện đã xa ấy thế nào? Phải chăng vì vậy mà có bao nhiêu nỗi niềm ông trút hết cả vào văn chương?

Ông Nguyễn Thiện Luân: Khi tai ương giáng xuống đầu tôi với cái án treo 2 năm với lý do thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Lã Thị Kim Oanh thì cuộc đời tôi bị xáo trộn và đảo lộn hoàn toàn. Cả một đời làm nghề, tôi là người được anh em tín nhiệm và là người làm ăn vững vàng, chắc chắn nên không ai tin tôi làm việc thiếu trách nhiệm. Có thể nói, thời kỳ làm quan là thời kỳ vất vả nhất, gian nan nhất, lận đận nhất cuộc đời tôi.

Mặc dầu, khi tôi làm quan, tôi có một tâm nguyện xuyên suốt là phục vụ mọi người. Tôi đã dặn các nhân viên của tôi là nếu có bất kỳ người dân nào đến gặp thì cũng phải báo với tôi. Nhưng buồn nhất là mình quan niệm thế, nhưng khi mình gặp nạn, gửi đơn đến mọi nơi thì không ai lên tiếng, bạn  bè quyền cao chức trọng từng gặp gỡ thân thiết, biết về nhau thì lúc đó… quay lưng. Chua xót chứ. Nhưng thực ra, nếu không có việc đó thì không tỉnh người ra được.

Tôi làm được tập thơ mới ngay thời điểm ấy là "Gửi nhớ cho thương" với những câu thơ đầy đau đớn: "Có những lúc buồn/ Mà không khóc được/ Lặng ngồi lắng tiếng mưa rơi/ Có những khi vui/ Nhưng không thể cười/ Mãi ngồi nhìn dòng sông nước chảy/ Có những đêm/ Rượu chẳng thể say/ Phải nuốt đắng cay/ Ngậm bồ hòn làm ngọt/ Có những lúc/ Trong lòng thảng thốt/ Thấy mình lại trơ trơ/ Như gỗ đá giữa đường/ Có những khi cuộc đời/ Giáng xuống những tai ương/ Phải cười ra nước mắt/ Ai biết được ở đâu là sự thật/ Khi người sống với nhau/ Không cách mặt/ Lại xa lòng" (Tâm trạng).

Nhà văn Đỗ Chu hồi đó còn an ủi tôi: "Tiếc cho ông anh, ngồi cho em độ 4-5 năm thì văn chương mới lên tay được!". Thú thật, may mà còn bạn văn. Bạn văn chương là một cứu cánh cho cuộc đời tôi. Vì thế, nghề viết, trong quan niệm của tôi xưa nay, chính là nơi làm cho lòng mình thanh thản, vì mình được trút bỏ và chia sẻ.

Trước đây tôi làm thơ, nhưng nhận thấy thơ ca không thể nói hết được, viết tiểu thuyết là cách tốt nhất và cuộc đời tôi chuyển sang một hướng khác, từ ngày tôi tìm được niềm vui nơi việc viết sách. Tôi viết như lên đồng và tìm được sự thanh thản ở nơi đó. Thực ra, cuộc đời không nên trách ai, cũng là do hoàn cảnh xô đẩy mà thôi. Như người đi đường, 100 người đi sao mình lại vấp ngã. Là cái số.--PageBreak--

PV: Thực ra, mỗi nhà văn có số phận thăng trầm thường có nhiều chất liệu cho trang viết. Ông cũng không phải là một ngoại lệ. Nguyên mẫu "ám chỉ" của ông thường bắt nguồn từ đâu: bạn bè, gia đình hay… chính mình?

Ông Nguyễn Thiện Luân: Tất nhiên là phải có nguyên mẫu chứ, có nguyên mẫu và mình hư cấu như thế nào đó là việc của mình. Tiểu thuyết và truyện ngắn của tôi bắt nguồn từ nhiều nguyên mẫu của đời sống, ở nơi mà những năm tháng khốn cùng của mình đã phải cay đắng nhận lấy. Đọc thì có thể thấy, nói về người này, người khác, khi viết thì cái vốn sống đủ đảm bảo cho mình chắc tay viết, ví dụ, có nhân vật thật ác, hành vi ác thì phải là cái mình đã thấy rồi, chứ mình chưa thấy ai ác thì sao mà viết được. Tại sao người ta lại thấy nhân vật này giống anh A, nhân vật kia giống bà B, chẳng qua đó là những nhân vật trong xã hội thôi.

Ví dụ, vừa rồi, tôi có chuyển tiểu thuyết "Xế chiều" của tôi cho nhà văn Ngôn Vĩnh đọc bản thảo, ông góp ý rằng một gia đình giàu, có lái xe riêng mà bà mẹ "đi" với lái xe rồi thì đừng cho cô con gái cặp kè với lái xe nữa. Anh có góp ý nên đổi nhưng tôi không đổi vì tôi thấy rất khó tìm được một nguyên mẫu như thế. Đối với các nhà văn, càng về sau thì "xẻ thịt mình mà ăn" cuối cùng là viết về gia đình mình, viết chuyện của mình, là hết. May mà tôi chưa phải… bán mình! (Cười). 

PV: Thực sự là nhìn số lượng chữ, giấy của ông, tôi rất… hoảng! Tôi đồ rằng, với một người bình thường chỉ nghĩ thôi, với ngần ấy nhân vật, ngần ấy cái… tên sách có khi cũng đã lẫn nhau, nói gì đến viết ra. Ông đã làm cách nào với trí nhớ và sức làm việc khủng khiếp của mình?

Ông Nguyễn Thiện Luân: Trước đây, tôi thuê một cháu gái là sinh viên Trường đại học Sư phạm về làm thư ký đánh máy. Cháu ấy học văn nên cũng am hiểu văn chương. Tôi cứ đọc và cháu ấy cứ thế đánh máy. Tôi ít khi phải sửa lại chữ nào.

Thậm chí, có những cuốn tôi cũng không đọc lại lần thứ 2, lúc đọc cho cháu nó chép thế nào thì sau đó cứ thế in ra thành sách mấy trăm trang thôi. Hai bác cháu làm việc rất hiệu quả, từ lúc 7 giờ 30 phút sáng đến trưa thì nghỉ, 13 giờ 30 phút lại bắt đầu làm việc cho đến cuối giờ chiều. Bây giờ cháu ấy nghỉ rồi, tôi thuê một cháu khác, cũng tương tự, nhưng cháu này không học về văn học nên có gì hai bác cháu trao đổi trực tiếp, tìm tài liệu qua mạng Internet và tôi phải đọc lại các tác phẩm của mình khi hoàn tất.

Cũng có những chuyện phải tìm đến bạn bè, ví như viết về chuyện một cô gái bị AIDS thì mình không biết các bước từ đầu đến cuối giai đoạn thế nào, lại phải cầm máy lên gọi cho ông bạn bác sĩ. Nhưng về cơ bản thì tôi có trí nhớ khá tốt, cộng với việc mình tư duy kỹ những điều hôm nay định viết, những chương hôm nay định hoàn tất thì tôi đã nghĩ trong đầu cả rồi, ngày mai chỉ việc đọc ra cho cháu nó đánh máy thôi, thành ra sách hoàn thành rất nhanh.

Cuốn viết nhanh nhất là cuốn "Tâm phúc" hơn 300 trang tôi viết trong vòng 3 tuần, cuốn "Tầm nhìn" hơn 400 trang tôi viết trong vòng 4 tuần. Có những cuốn viết xong, đọc lại tôi cũng ngạc nhiên vì không hiểu sao có những lúc tôi cứ đọc cho cháu thư ký đánh máy mà đọc xong không biết vì sao mình lại nghĩ ra được nhiều chi tiết đến thế!

PV: Vậy, trong số hàng trăm cuốn sách của mình, ông tâm đắc nhất cuốn nào?

Ông Nguyễn Thiện Luân: Cuốn đầu tiên "Người cùng làng". Đó là cuốn sách tôi viết về làng của tôi, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đại ý nói rằng, cùng một làng có 4 đứa ra đi toàn người tốt, nhưng cuộc đời với những va đập, đã cho mỗi đứa một tính cách, một số phận, một loại người khác nhau và trước mỗi số phận, tôi đều có lý giải riêng dưới lăng kính của mình, dưới những câu chuyện tôi được chứng kiến.

Thông qua tác phẩm ấy, tôi muốn nói rằng, tôi yêu quê hương Ninh Bình của tôi lắm, dù 14 tuổi tôi đã rời quê hương đi học xa nhà và thành đạt nơi đất khách. Dù bây giờ các cụ đều về với tổ tiên, tôi cũng đã xây nhà thờ ngay chính trong vườn nhà mình (vì tôi là cháu đích tôn) nhưng một năm nguyên tắc bất di bất dịch là kiểu gì tôi cũng về quê vào đúng 3 dịp: thanh minh, giỗ tổ và ngày tết.

PV: Tôi vẫn tự hỏi rằng, ông viết nhiều thế, có khi có tới hàng trăm, hàng nghìn nhân vật trong hàng trăm, hàng nghìn trang sách. Có lẽ phải có những nhân vật lặp lại, giống nhau không thế này thì thế khác. Vậy, liệu có bao giờ, trước một ngày bắt đầu ngồi vào bàn để đọc tiểu thuyết cho thư ký đánh máy, ông thấy… hết cảm xúc, cảm thấy mệt và phải dừng lại?

Ông Nguyễn Thiện Luân: Trong bao nhiêu năm qua, tôi chưa bao giờ thấy mỏi mệt với việc viết lách của mình. Nó làm tôi đam mê và phấn chấn. Tôi làm có ngày nghỉ (vào thứ bảy và chủ nhật), những ngày đó, thỉnh thoảng tôi bắt xe buýt đi lang thang khắp phố phường. Chỉ mất có mười nghìn đồng cả đi cả về, tôi đã có thể đi khắp Hà Nội. Để sống lại tất cả.

Tôi từng ngẫm nghĩ rằng, cuộc đời tôi, từ khi tốt nghiệp ra trường (23 tuổi) đến khi làm Thứ trưởng (43 tuổi) là 20 năm, mất 4 năm đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài còn lại 16 năm, là một người đi lên từ anh kỹ sư hóa thực phẩm (mì chính) đến một ông thứ trưởng chuyên đi chống lụt lội là cả một quãng đường tự phấn đấu bằng khả năng của mình, là một người làm việc cần mẫn và chăm chỉ, nên việc ngồi nhà hàng ngày, hàng giờ để viết cũng không có gì khó đối với tôi cả.

PV: Xin cảm ơn ông Nguyễn Thiện Luân!

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.