Lãng phí lớn tại hai dự án ở Thái Bình

Thứ Tư, 24/10/2007, 11:45
Đầu tư hàng chục tỉ đồng thực hiện 2 dự án: Trung tâm Chế biến gạo chất lượng cao Cầu Nguyễn và Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu Thái Bình tưởng rằng sẽ góp phần đưa hạt gạo, con tôm của tỉnh nghèo này trở thành hàng hóa có giá trị cao để xuất khẩu, giúp người nông dân có thêm thu nhập. Nhưng cả hai dự án đều đã "chết non" với số tiền lãng phí khổng lồ...

Gần 5 triệu USD + 8 năm = 15 tỉ đồng

Đó là “hiệu quả thu về” của Trung tâm Chế biến gạo chất lượng cao Cầu Nguyễn. Một phần của dự án: "Phát triển sau thu hoạch và chế biến gạo chất lượng cao ở các tỉnh Thái Bình, Cần Thơ và Sóc Trăng" được Chính phủ Đan Mạch ký kết với Chính phủ Việt Nam.

Mục tiêu của dự án này là xây dựng một trung tâm chế biến gạo chất lượng cao, nhằm nâng cao thu nhập của nông dân thông qua việc cải tiến quá trình sản xuất lúa, chế biến và tiếp thị; cải tiến chất lượng lúa, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị ở cấp nông hộ; tạo điều kiện cho nông dân tham gia các hoạt động sản xuất, chế biến và tiếp thị đồng bộ theo chiều dọc.

Những ý tưởng ban đầu khi triển khai dự án này là hoàn toàn tốt đẹp:  Dự án sẽ có từ 40 nghìn đến 50 nghìn nông dân được đào tạo cách sản xuất và xử lý sau thu hoạch lúa chất lượng cao; Hợp đồng ký kết giữa nhà máy và khoảng 12 nghìn nông dân sẽ được thiết lập để cung ứng 60 nghìn – 67,5 nghìn tấn lúa chất lượng cao hàng năm; nhà máy sẽ được phát triển thành công ty cổ phần với sự tham gia chủ yếu của 12 nghìn nông dân ký hợp đồng có cổ phần...

Theo thỏa thuận thì nguồn viện trợ của Chính phủ Đan Mạch bằng máy móc, thiết bị trị giá 5 triệu USD, phía Việt Nam đối ứng số tiền hơn 1 triệu USD để xây dựng nhà máy. Tổng mức đầu tư: 6.031 nghìn USD theo tỉ giá tháng 1/1997 tương đương 58.799.543.093đ (trong đó máy móc thiết bị: 3.833 nghìn USD; xây dựng: 920 nghìn USD; chi cho khuyến nông sau thu hoạch: 1.278 nghìn USD).

Một góc trung tâm chế biến gạo chất lượng cao Cầu Nguyễn.

Máy móc, thiết bị nhập khẩu theo dây chuyền sản xuất: Công suất thiết kế đạt 5-6 tấn gạo/giờ, tương ứng 27 nghìn tấn gạo chất lượng cao/năm. Công nghệ sản xuất của máy móc, thiết bị điều khiển tự động, tiên tiến, hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Chủ quản dự án là UBND tỉnh Thái Bình. Nhà máy bắt đầu xây dựng năm 1998 và hoàn thành tháng 3/2002.

Tuy nhiên, mục tiêu tốt đẹp ban đầu ấy chỉ là trên giấy. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, trong quá trình thi công, Công ty Lắp máy CIMBRIA là đơn vị được chỉ định cung cấp và lắp đặt thiết bị máy móc đồng bộ, theo đơn đặt hàng của Ban điều hành DANIDA đã nhập thiết  bị từ các nước châu Âu.

Tuy nhiên, khi lắp đặt và vận hành đã có sự cố về hệ thống sàng và máy đánh bóng chưa phù hợp với nguyên liệu lúa Việt Nam. Vì vậy, sau đó DANIDA đã phải thay thế 4 máy đánh bóng và 7 máy xát trắng hiệu Schule của Đức bằng 4 máy đánh bóng và 7 máy xát trắng hiệu Sinco của Việt Nam sản xuất. Chi phí thay thế do DANIDA chịu trách nhiệm. Hiện nay, các máy bị thay thế còn để kho, chưa có hướng giải quyết hoặc bán thanh lý thu hồi vốn.

Chưa hết, do dây chuyền máy móc, thiết bị điều khiển tự động, vì vậy khi sử dụng phải vận hành toàn bộ dây chuyền của nhà máy, điện năng tiêu thụ lớn để đạt được công suất thiết kế 5-6 tấn gạo/giờ, nhưng do thiếu nguyên liệu cung cấp nên nhà máy hoạt động không hết công suất (10-15% công suất).

Do đó, đơn vị sản xuất không thể vận hành toàn bộ dây chuyền hoạt động mà phải tách riêng từng công đoạn xay xát và đánh bóng để phù hợp với nguyên liệu cung cấp.

Một trong những nguyên nhân khiến nhà máy không vận hành hết công suất là do... thiếu nguyên liệu bởi Thái Bình đã không quy hoạch được vùng cung cấp nguyên liệu tại 3 huyện Đông Hưng, Hưng Hà và Quỳnh Phụ như đã nêu trong dự án khả thi.

Nguyên nhân chủ yếu là nông dân chưa quen sản xuất lúa tập trung, chính sách khuyến nông chưa hợp lý nên đã không đồng tình với việc sản xuất và cung cấp lúa cho nhà máy; do đó, việc thực hiện vùng nguyên liệu, thu mua thóc cung cấp cho nhà máy hoạt động không giải quyết được.

Với tình trạng thiếu nguyên liệu cung cấp, nhà máy hoạt động hàng tháng chỉ ở mức 10 - 15% công suất thiết kế, điện năng tiêu hao tốn kém, hiệu quả kinh tế thấp, giá thành sản phẩm cao, không cạnh tranh được với thị trường trong nước.

Thực trạng về hoạt động của nhà máy sau khi tiếp nhận bàn giao và đi vào sản xuất từ năm 2001, đến năm 2006 không đạt hiệu quả, Công ty Chế biến và Kinh doanh lương thực Thái Bình đã trả lại nhà máy cho UBND tỉnh Thái Bình.

Theo đánh giá của Thanh tra, việc không vận hành được toàn bộ dây chuyền sản xuất do thiếu nguyên liệu cung cấp cho nhà máy, trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Thái Bình.

Trước những khó khăn không thực hiện được quy hoạch vùng nguyên liệu, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo cho 2 đơn vị: Công ty Lương thực Thái Đan (đổi tên từ Nhà máy xay Cầu Nguyễn) và Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Bình thuê lại với giá 609 triệu đồng năm. Công ty Lương thực Thái Đan dùng “nhà máy triệu đô” này  chỉ để xay xát thuê cho tư nhân các tỉnh lân cận; còn Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Bình thì dùng kho sấy để chứa thức ăn phục vụ chăn nuôi.

Ngay sau khi kết thúc đầu tư vào tháng 3/2002, theo đề nghị của các sở, ban, ngành muốn đánh giá lại nguồn vốn đầu tư để phù hợp với khấu hao tài sản của nhà máy do thiếu nguyên liệu cung cấp, UBND tỉnh Thái Bình đã mời đoàn chuyên gia Đan Mạch và Việt Nam về đánh giá lại.

Và kết quả là từ nguồn vốn hình thành 58.799.543.093 đồng, trị giá nhà máy chỉ còn 10,9 tỉ đồng. Còn Trung tâm Kiểm định giá - Bộ Tài chính cũng đánh giá lại nguồn vốn của nhà máy trị giá là: 15,3 tỉ đồng. Việc đánh giá của Đoàn chuyên gia và Trung tâm Kiểm định giá - Bộ Tài chính, đánh giá lại nguồn vốn hình thành sau đầu tư, chỉ nhằm mục đích giảm mức khấu hao tài sản của nhà máy mà chưa thể giải quyết theo mục tiêu đề ra ban đầu của dự án.

Ngày 16/10/2007, chúng tôi đã tìm về huyện Đông Hưng để tận mắt nhìn “nhà máy triệu đô”. Ông Vũ Viết Hạp, Kế toán trưởng Công ty CP Lương thực Thái Đan (nghĩa là Thái Bình - Đan Mạch) cho biết hiện công ty chỉ làm gia công cho các các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đi Trung Quốc - Đài Loan.

Theo ông Hạp, hiện dây chuyền vẫn hoạt động rất tốt, nhưng do công suất quá lớn nên dù có cố gắng thì công ty cũng chỉ chạy được 50% mà thôi. Có tận mắt thấy dây chuyền sản xuất gạo hiện đại trị giá cả chục tỉ đồng lại phải nằm không giữa đất lúa mới càng thấy xót xa về sự lãng phí quá lớn, bởi cho tới lúc này Thái Bình vẫn là một tỉnh nghèo.

Theo tính toán của Thanh tra Bộ Xây dựng thì với số tiền cho thuê 609 triệu đồng/năm như hiện nay không đủ chi trả lãi vay 11,178 tỉ đồng mà tỉnh đã chi ra đối ứng phần xây dựng. --PageBreak--    

Đầu tư 4,8 tỉ để bán... 2,4 tỉ

Nhưng nhắc tới những lãng phí trong đầu tư xây dựng ở Thái Bình, không thể bỏ qua Dự án Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu.

Tháng 7/2001, UBND tỉnh Thái Bình chính thức phê duyệt dự án. Mục tiêu của dự án ban đầu được đề ra là “Xây dựng Nhà máy Chế biến thủy sản Thái Bình, với quy mô hiện đại, giải quyết quy hoạch được vùng nuôi trồng thủy sản tập trung phục vụ chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu tại tỉnh Thái Bình, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân huyện Thái Thụy”.

UBND tỉnh sau đó đã phê duyệt dự án với diện tích xây dựng lên tới 30.160m2. Theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, nhà máy sẽ có công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm. Hai đơn vị được giao làm chủ đầu tư: UBND huyện Thái Thụy là chủ đầu tư các danh mục phần xây lắp các hạng mục công trình của dự án, Công ty Hải sản Thái Bình là Chủ đầu tư các danh mục mua sắm dây chuyền thiết bị, phương tiện vận tải, dụng cụ sản xuất. Tiến độ thực hiện chung của dự án: từ năm 2001 đến năm 2004.

Hàng loạt viễn cảnh tươi đẹp đã được vẽ ra: sẽ có nhà chế biến rộng 2.160m2; văn phòng và nhà ở rộng 1.250m2; đường giao thông, thoát nước, cây xanh... Đổi lại những cái sẽ ấy là việc Thái Bình chấp nhận phê duyệt tổng vốn đầu tư (ban đầu) hơn 33,5 tỉ đồng trong đó có 8,5 tỉ đồng từ nguồn vốn Nhà nước...

Tuy nhiên, sau khi  thực hiện xong giai đoạn 1 của Dự án với số tiền hơn 4,8 tỉ đồng, Chủ đầu tư là Công ty Hải sản Thái Bình đã từ chối nhận nhà máy.

Lý do mà Công ty Hải sản Thái Bình đưa ra để từ chối là dây chuyền sản xuất mới, công suất lớn sẽ không thể khai thác đủ nguyên liệu để phục vụ sản xuất, vì chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu.

Căn cứ Chỉ thị 21/2005/CT-TTg, ngày 15/6/2005, của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm cá nhân: “Đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư dự án, đầu tư không có hiệu quả, đầu tư sai, gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước thì phải bị xử phạt hành chính, cách chức hoặc miễn nhiệm và bồi thường thiệt hại vật chất”, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh Thái Bình:

Với Dự án Trung tâm Chế biến gạo chất lượng cao Cầu Nguyễn: Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quyết định đầu tư dự án, chưa làm tròn trách nhiệm dẫn đến dự án đầu tư không hiệu quả.

Với Dự án Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu: Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do chưa khảo sát, thiết kế, nghiên cứu kỹ quy hoạch vùng nguyên liệu nên đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án chưa đúng; việc lựa chọn đơn vị tiếp nhận quản lý và điều hành nhà máy không đủ năng lực dẫn đến đầu tư dở dang; làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến việc quyết định nhượng bán nhà máy mà không chấp hành quy định của Nhà nước về tổ chức đấu giá, chào hàng cạnh tranh đúng pháp luật, gây thất thoát, lãng phí vốn NSNN.

Để đưa Nhà máy Thủy sản Thái Bình vào hoạt động, doanh nghiệp cần phải đầu tư thêm trên 20 tỉ đồng bằng vốn vay ngân hàng nên kinh doanh không đạt hiệu quả, không có lãi. Do đó, lãnh đạo Công ty Hải sản Thái Bình đã từ chối tiếp nhận và quản lý nhà máy.

Trước tình thế này, UBND tỉnh Thái Bình đã phải ra quyết định dừng đầu tư và tìm cách khắc phục hậu quả. Từ năm 2003 tới năm 2006, cùng với kêu gọi các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã cắt 1,4 ha đất của dự án chưa xây dựng cho 4 doanh nghiệp của huyện Thái Thụy thuê đầu tư kinh doanh các ngành nghề khác. Tuy nhiên chưa khắc phục được hậu quả của việc đầu tư dở dang và giải quyết tình trạng lãng phí vốn đầu tư.

Sau 3 năm để công trình dở dang như vậy, ngày 21/7/2006, UBND Thái Bình có Quyết định số 1491/QĐ-UB về nhượng bán nhà máy cho Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam (100% vốn Đài Loan) với giá 2,4 tỉ đồng.

Việc bán nhà máy không chỉ khiến Nhà nước thiệt hại hơn 2,4 tỉ đồng mà hơn 200 công nhân Nhà máy Hải sản Thái Bình cũ cũng bị mất việc làm và phải về hưu và nghỉ chế độ theo Nghị định 41/CP.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, để xảy ra lãng phí lớn tại hai dự án này đều có trách nhiệm của UBND tỉnh Thái Bình. Với Dự án Trung tâm Chế biến gạo chất lượng Cầu Nguyễn do việc khảo sát, thiết kế, quy hoạch vùng nguyên liệu, việc tổ chức thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu, các biện pháp để thực hiện mục tiêu của dự án đề ra chưa tốt dẫn đến không phát huy hiệu quả, lãng phí vốn đầu tư, trong khi tỉnh phải chi phần vốn đối ứng lên đến hơn 11 tỉ đồng. Mặt khác, làm mất công sức, tiền của và cơ hội làm giàu cho nhân dân tỉnh Thái Bình.

Với Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, khi triển khai thực hiện phương án đầu tư xây dựng không xác định quy mô chính xác; chưa đánh giá đúng về năng lực tiền vốn, trình độ tổ chức, quản lý và điều hành của doanh nghiệp phù hợp với quy mô dự án; chưa khảo sát, thiết kế, tính toán kỹ về quy hoạch vùng nguyên liệu nuôi trồng thủy sản nên dự án đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí.

Bài học đắt giá này sẽ còn có ích với lãnh đạo nhiều địa phương

Nguyễn Thiêm
.
.