Lãnh đạo mới, thách thức cũ

Thứ Năm, 05/12/2019, 17:15
Ngày 1-12, các lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu: bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu; Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu; David Sassoli - Chủ tịch Nghị viện châu Âu và bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu chính thức nhận nhiệm vụ.

Lễ nhậm chức của họ diễn ra tại Nhà lịch sử châu Âu ở thủ đô Brussels của Bỉ, cũng là để kỷ niệm 10 năm Hiệp ước Lisbon có hiệu lực. Vấn đề vai trò và vị thế của EU trong cuộc “so găng” giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và các vấn đề tồn đọng là những thách thức cũ dành cho ban lãnh đạo mới này.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, các lãnh đạo mới của EU đều nhận định, đây là thời điểm mà EU cần siết chặt sự đoàn kết và hướng đến một giai đoạn phát triển mới cần sự đổi mới mạnh mẽ nếu châu lục này không muốn bị tụt hậu. Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli nhận định, việc cần nhất bây giờ là phải hành động.

Trong số các lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu, vai trò của nữ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đang được đặc biệt chú ý do bản thân bà cũng như đội ngũ 27 Ủy viên mới của Ủy ban châu Âu đã vấp phải khá nhiều cản trở trong tiến trình được bổ nhiệm và thông qua tại Nghị viện châu Âu. Chính điều này khiến ngày chính thức làm việc của Ủy ban châu Âu bị dời lại 1 tháng.

Bà Ursula von der Leyen là lựa cuối cùng của lãnh đạo Pháp-Đức khi mà tất cả các lựa chọn trước đó đều thất bại sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5. Bà chỉ nhận được đa số mong manh, hơn 9 phiếu quá bán của Nghị viện châu Âu hồi tháng 7 đồng ý cho bà là người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất châu Âu. Tuy nhiên, ẩn đằng sau tỉ lệ ủng hộ lớn này là nhiều bất đồng sâu sắc trong nội bộ châu Âu.

Ban lãnh đạo mới của EU sẽ phải đối mặt với những thách thức đang tồn tại.

Lần đầu tiên, Ủy ban châu Âu do một phụ nữ lãnh đạo, phải đối mặt với một bối cảnh chính trị và quan hệ quốc tế “đặc biệt khó khăn”. Báo Le Monde nhân dịp này có bài cảnh báo là tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, sẽ phải xử lý hàng loạt hồ sơ lớn liên quan đến vận mệnh châu lục. Nền kinh tế EU vốn uể oải đã lâu, thiếu động lực tăng trưởng và thiếu cả các xung lực chính trị. Bối cảnh quốc tế cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là “không thể hỗn loạn hơn”.

EU dường như đang phải tính toán để trụ vững trong bối cảnh mối liên minh xuyên Đại Tây Dương trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của một loạt nền kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc, đang khiến vị thế của EU trong nhiều lĩnh vực trở nên “lép vế”. Đối với EU, Trung Quốc đã từ thách thức biến thành cơ hội.

Sáng kiến Vành đai và Con đường, với phạm vi vươn tới trung tâm của EU, cho thấy tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh. Bản thân một số nước thành viên EU tỏ ra do dự trước việc chống đối Trung Quốc khi xét tới các khoản đầu tư lớn của nước này vào cơ sở hạ tầng châu Âu.

Vài năm nay, người ta hay nói tới chuyện Lục địa già vẫn đang “ngủ quên trên chiến thắng” và EU đang bị gạt sang một bên trong những “cuộc cách mạng”, như cách mạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Có vẻ phần nào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của EU đang sa sút khi liên minh này suốt một năm qua “thất bại” trong việc giải quyết các vấn đề đối ngoại và đối nội lớn, như “nhiệm vụ” duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, hay xác định rõ một lộ trình để cuộc “ly hôn” Brexit không gây nhiều tổn hại.

Các nỗ lực của EU nhằm khẳng định đường lối độc lập trong hồ sơ hạt nhân Iran chưa đạt kết quả, kế hoạch xây dựng một lực lượng phòng thủ độc lập nhằm tránh phụ thuộc vào Mỹ cũng “giậm chân tại chỗ”.

Le Monde nhấn mạnh là, mệnh lệnh sống còn đối với Liên minh châu Âu là huy động được các nguồn lực và phương tiện cho phép bảo vệ được các lợi ích của khối, đối mặt với 3 đại cường, Mỹ, Trung Quốc và Nga. Để làm được điều này, bên cạnh việc tân Ủy ban ý thức được rõ về các thách thức, Ủy ban châu Âu cũng cần nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên trong nỗ lực chung này. Tuy nhiên, theo tờ báo, 5 nghị sĩ thuộc đảng Xã hội Pháp đã tuyên bố sẽ “không khoán trắng” cho bà Von der Leyen nhưng cũng không “lao vào cuộc chiến” với bà.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã quyết định chọn khí hậu là mặt trận mở màn. Theo dự kiến, đến ngày 11-12, bà Ursula von der Leyen sẽ cho công bố “Hiệp ước xanh”, trong đó đề ra một loạt biện pháp mới nhằm thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là cắt giảm 50% lượng phát thải khí cacbon tại châu Âu vào năm 2030 và đến năm 2050 biến châu Âu thành châu lục trung hòa khí thải cacbon.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Nghị viện Châu âu David Sassoli và Chủ tịch mới của Hội đồng châu âu Charles Michel tại Nhà lịch sử châu âu ở Brussels ngày 1-12.

Để minh chứng cho quyết tâm này, bà dành chuyến công du đầu tiên cho vấn đề khí hậu và môi trường khi đến Madrid ngày 3-12 tham dự Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Cho đến nay, mục tiêu cắt giảm hơn 50% khí thải trước 2030 và đánh thuế carbon tại EU vẫn gặp phải nhiều chống đối.

Cùng với khí hậu - môi trường, kỹ thuật số là ưu tiên khác của tân Ủy ban. Tìm ra một thỏa thuận mới trong lĩnh vực di cư là thách thức thứ ba được nêu ra. Nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ càng phức tạp bởi thế đa số tại Nghị viện châu Âu vốn mong manh và ngày càng khó kiểm soát. Sau khi liên minh thống trị truyền thống giữa nhóm đảng cánh hữu - đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và nhóm đảng Xã hội-Dân chủ (S&D) cánh tả bị mất đa số, từ nay bà Ursula von der Leyen phải tính đến một liên minh với đảng Renew và đảng Xanh, lực lượng đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Bà đã từng tuyên bố sẽ xây dựng một ủy ban “địa chính trị” trong nhiệm kỳ lãnh đạo này, tập trung vào nỗ lực tạo thế cân bằng mới tại Brussels để xây dựng một Ủy ban châu Âu “uyển chuyển, mềm dẻo, hiện đại”, có năng lực mang lại “sức năng động mới” trong nội bộ khối, đáp ứng được đòi hỏi của các công dân. Có lẽ đây là lộ trình để EU khôi phục sức mạnh của mình.

Bà Ursula von der Leyen sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào ngày 6-12 tới châu Phi, nơi đang dần trở thành thị trường chiến lược của các nước Liên minh châu Âu. Nhưng trước mắt, áp lực về khí hậu đang đè lên vai bà. Nghị viện châu Âu ngày 28-11 đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết Tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường với đa số áp đảo.

Đây là một nghị quyết ‘’mang tính biểu tượng’’, nhằm gây áp lực với các tân lãnh đạo châu Âu, với tân Ủy ban châu Âu, vào thời điểm trước thềm Thượng đỉnh Khí hậu COP25.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.