Lấy phiếu tín nhiệm và trách nhiệm người đứng đầu
Tại phiên thảo luận cuối cùng trước khi thông qua, vẫn còn nhiều ý kiến về những quy định trong dự thảo nghị quyết này...
Theo dự thảo Nghị quyết, thời điểm Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ và vẫn quy định 3 mức độ tín nhiệm trên phiếu (“tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”). Hai nội dung này đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Về quy định chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào cuối năm thứ 3. Theo đại biểu Chu Sơn Hà, Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), mỗi nhiệm kỳ nên có 2 lần lấy phiếu tín nhiệm. Lần thứ nhất vào cuối năm thứ 2 và lần thứ 2 vào cuối năm thứ 4. Quá trình giãn về thời gian đã đủ để cho các vị là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn và rèn luyện, nâng cao hiệu quả công tác của mình.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 8. |
Thứ hai, lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 tương tự như việc tái giám sát ở các cuộc giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội cũng như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần thứ nhất lấy phiếu tín nhiệm là lần giám sát, lần thứ 2 là lần tái giám sát để xem các vị nằm trong đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đã chuyển biến và đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đến đâu.
Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng chỉ lấy phiếu một lần duy nhất trong nhiệm kỳ là chưa hợp lý, bởi các lý do:
Thứ nhất là không đảm bảo được mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là nâng cao hiệu quả giám sát trong điều kiện tổ chức bộ máy. Hiện nay giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, công bố công khai trước toàn dân đang được cử tri đánh giá là hình thức giám sát có hiệu quả nhất, có tác động tích cực đến hiệu quả quản lý điều hành. Đây là một bước tiến dân chủ trong đời sống chính trị xã hội theo tinh thần của Hiến pháp mới. Thực tiễn hoạt động Quốc hội nhiều khóa qua thì cho thấy kiểm tra lại giám sát lần trước, tái giám sát, tái chất vấn là phương pháp hiệu quả nhất để duy trì và nâng cao hiệu quả giám sát.
Thứ hai, lấy phiếu một lần duy nhất là không đảm bảo được mục đích là giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu rèn luyện, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động. Nếu lấy phiếu lần đầu theo kết quả là mức độ tín nhiệm của Quốc hội đối với một chức danh không cao, sau đó đồng chí này đã nỗ lực hành động và nâng cao được chất lượng hiệu quả thực thi nhiệm vụ. Vậy tại sao lại tước đi quyền ghi nhận của chính Quốc hội và quyền được ghi nhận của chức danh đó về những kết quả của sự nỗ lực khắc phục hạn chế sau lần đánh giá đầu tiên của Quốc hội. Nếu chỉ lấy một lần duy nhất trong nhiệm kỳ rồi dừng lại thì họ mãi mãi bị mang tiếng là phiếu tín nhiệm thấp. Quốc hội đánh giá tín nhiệm là để người đứng đầu phấn đấu, rèn luyện, hạn chế. Nhưng rèn luyện, sửa chữa rồi mà lại không cho cơ hội để ghi nhận thì không đạt mục đích của lấy phiếu, vừa không công bằng và chưa thể hiện tính nhân văn vốn có của chúng ta trong xây dựng chính sách.
Vì vậy bà Nga “đề nghị cần quy định lấy phiếu 2 lần, lần 1 là kỳ họp thứ 5 tức kỳ họp đầu năm thứ 3, lần 2 vào kỳ họp thứ 8 tức là kỳ họp cuối của năm thứ 4”.
Về quy định 3 mức tín nhiệm trên phiếu:
Đồng tình với quy định này, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng việc đưa ra ba mức cũng để đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có nhiều lựa chọn, đánh giá đầy đủ hoặc khách quan hơn.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu quan điểm việc dự thảo vẫn giữ nguyên 3 mức tín nhiệm chưa phù hợp, bởi quy định như vậy, trong đó không có mức “không tín nhiệm”, đã dẫn đến chưa cần tiến hành lấy phiếu thì đã mặc định trước kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định là tín nhiệm cao, vừa hay thấp. Việc không quy định mức “không tín nhiệm” đã hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó. Trong trường hợp này, đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình, nếu ghi thêm “không tín nhiệm” thì phiếu sẽ trở thành không hợp lệ.
“Tôi đề nghị sửa theo hướng giữ nguyên các giới hạn, thận trọng như hiện hành và quy định hai mức đạt tín nhiệm và không tín nhiệm. Trong ô tín nhiệm thì chia nhỏ thành hai mức là tín nhiệm và tín nhiệm cao, chúng tôi cho rằng quy định như vậy vừa khoa học, có nhiều lựa chọn, phù hợp với cách phân loại, đánh giá cán bộ trong Luật Cán bộ công chức”.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Chu Sơn Hà, Trịnh Thế Khiết, Bùi Thị An (Hà Nội), Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm ở 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, bởi không có nghĩa 2 mức là không phân biệt được giữa việc bỏ phiếu và lấy phiếu mà việc thể hiện 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” để cho kết quả rõ ràng hơn.
“Tôi cũng liên hệ với kết quả 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi, có phải chăng phiếu tín nhiệm thấp đó là kết quả không tín nhiệm không? Cho nên tôi thấy thể hiện qua 2 mức là rõ ràng, minh bạch nhất và cũng dễ dàng cho việc lượng hóa. Còn nếu nhiều phiếu tín nhiệm thì đó là tín nhiệm cao, không có vấn đề gì khó khăn, lấy phiếu tín nhiệm làm cơ sở cho bỏ phiếu tín nhiệm”- bà Võ Thị Dung nêu quan điểm.
Còn theo bà Bùi Thị An, rất nhiều cử tri nhắn gửi đến bà để phát biểu trước Quốc hội rằng chỉ nên 2 mức, kể cả khi lấy phiếu tín nhiệm cũng như bỏ phiếu tín nhiệm. Chỉ có như vậy thì kết quả của số phiếu mới làm cơ sở giúp Đảng ta đánh giá chính xác, lựa chọn các đồng chí vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt, nếu để 3 mức như hiện nay thì rất khó.
“Tôi xin lấy một ví dụ, một đồng chí có 50% phiếu tín nhiệm cao, không có phiếu tín nhiệm và 50% phiếu tín nhiệm thấp. Một đồng chí khác có 1/3 phiếu tín nhiệm cao, 1/3 phiếu tín nhiệm thấp và 1/3 phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp này không biết đánh giá ai hơn ai. Tôi nêu ra ví dụ trên chỉ để minh họa và khẳng định ý kiến của tôi là chỉ nên 2 mức”.
Thực tế, sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm, điều mà cử tri cả nước ghi nhận là dù lấy phiếu tín nhiệm ở 3 mức nhưng đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội, mà qua lấy phiếu cũng phản ánh được cố gắng của các “tư lệnh ngành”. Lấy phiếu lần thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã chứng minh khá nhiều người lấy phiếu đã tự chỉnh đốn và tiến lên nhanh chóng bằng tác phong sâu sát, tỉ mỉ, cụ thể, qua đó bao quát toàn diện các lĩnh vực và các vấn đề cần quan tâm, làm chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc. Người thì coi lá phiếu thấp là cơ hội nhìn nhận lại mình và toàn lĩnh vực, đề ra một giải pháp toàn diện và quyết liệt điều hành, kết hợp tuyên truyền, vận động, tự chứng minh làm cho lĩnh vực của mình sôi động.
Vì vậy, dù lấy phiếu tín nhiệm theo 2 mức hay 3 mức thì hiệu quả thấy rõ là việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh và răn đe rất nhân văn, cảnh tỉnh thận trọng, trên cơ sở đề cao tự trọng của những cá nhân mà còn là công cụ hạn chế những tố chất lẽ ra không xuất hiện ở người có trách nhiệm, ở thẩm quyền cao như trông chờ, thiếu quyết đoán, quan liêu…