Lệnh cấm vận Iran của Mỹ có khiến các quốc gia sợ?

Thứ Hai, 13/08/2018, 10:42
Ngày 7-8, loạt trừng phạt Iran đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu có hiệu lực. Hàng loạt quốc gia, cả đồng minh lẫn đối tác đều phản ứng mạnh mẽ trước quyết định đơn phương này của Mỹ.

Phản ứng mạnh mẽ từ cả đồng minh lẫn đối tác

Các biện pháp trừng phạt này được kích hoạt sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015 với 6 quốc gia khác. Đợt trừng phạt đầu tiên bao gồm đóng băng giao dịch tài chính và nhập khẩu nguyên liệu thô, cũng như các biện pháp trừng phạt đối với việc mua bán trong lĩnh vực ô tô và hàng không thương mại của Iran.

Gói trừng phạt tiếp theo sẽ được thi hành từ tháng 11-2018 liên quan tới các biện pháp trừng phạt ngành dầu khí và Ngân hàng Trung ương Iran. Những biện pháp trừng phạt này được dự báo sẽ đè nặng lên nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn, với tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát cao.

Sau khi gói trừng phạt đầu tiên có hiệu lực, ông Donald Trump còn cảnh báo sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” đối với những tổ chức và cá nhân không tuân thủ các biện pháp phong tỏa của Mỹ với Iran, cụ thể là giảm các hoạt động làm ăn với Iran. “Hoa Kỳ hoàn toàn cam kết thực thi tất cả các lệnh trừng phạt và chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các nước có làm ăn với Iran để đảm bảo mọi người tuân thủ hoàn toàn”, ông Donald Trump nói trong một thông cáo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh trừng phạt Iran hôm 5-8-2018.

Ngày 8-8, hãng tin Reuters trích thông điệp của Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: “Vào tháng 11 tới, các biện pháp trừng phạt sẽ được đẩy mạnh tới một cấp độ khác. Bất cứ ai làm ăn với Iran sẽ không được giao thương với Hoa Kỳ. Tôi chỉ cầu có hòa bình thế giới, không chấp nhận điều gì khác!”.

Vấn đề là liệu các nước có “sợ” Mỹ để dừng giao thương với Iran hay không? Không có chuyện để mặc cho Mỹ hành động khi lợi ích của Liên minh châu Âu (EU) tại Iran bị thiệt hại. Ngay khi Washington thực thi trừng phạt Iran, EU đã có phản ứng. Trong thông cáo chung với lãnh đạo ngoại giao EU Federica Mogherini, Ngoại trưởng Pháp, Đức và Anh, 3 nước ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và cũng là những nước có nhiều doanh nghiệp làm ăn tại Iran, đã đồng thanh tuyên bố “kiên quyết bảo vệ các hoạt động kinh tế của châu Âu đã làm ăn hợp pháp với Iran”.

Để chứng tỏ không nói suông, Bruxelles kích hoạt luật ngăn chặn trừng phạt. Luật này chủ yếu nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu hoạt động ở bên ngoài EU chẳng may bị dính vào các trừng phạt của Mỹ. Luật này cũng cấm các doanh nghiệp châu Âu tuân thủ cấm vận Mỹ. Điều này cũng có nghĩa là châu Âu sẽ phải áp dụng trừng phạt chính các công ty của mình khi họ từ bỏ các cam kết với Iran để tránh trừng phạt của Mỹ.

Một điều khoản khác của “luật ngăn chặn trừng phạt” cho phép các doanh nghiệp châu Âu kiện những đối tượng, định chế gây thiệt hại cho họ do thực thi trừng phạt của Mỹ. Cụ thể, chẳng hạn một công ty thầu phụ cho Tập đoàn Total của Pháp bị mất hợp đồng tại Iran chỉ vì tập đoàn dầu mỏ Pháp rút khỏi, có thể kiện lại Total.

Động thái của Bruxelles được nhiều quan chức của EU thừa nhận chỉ mang tính biểu tượng, không có hiệu quả kinh tế thực sự. Trên thực tế luật ngăn chặn trừng phạt là văn kiện được xây dựng từ năm 1996 với mục tiêu ban đầu để đối phó với các trừng phạt, cấm vận kinh tế của Mỹ đối với các nước Cuba, Libya và cả Iran.

Trong quá khứ, châu Âu đã tìm được thỏa hiệp với Washington cho nên chưa bao giờ phải vận dụng đến bộ luật này, vì thế mà tính hiệu quả của luật cũng chưa hề được kiểm chứng. Tóm lại, giới luật gia đều nhất trí cho rằng luật ngăn chặn trừng phạt của châu Âu không có giá trị bảo vệ được công ty nào mà chỉ mang tính biểu tượng chính trị.

Trong bối cảnh bế tắc đó, có những biện pháp hỗ trợ vật chất cũng được gợi ra. Ví dụ, Paris đề nghị các nước thành viên EU đền bù thiệt hại cho các doanh nghiệp bị dính trừng phạt của Mỹ. Giải pháp này cũng không khả thi vì việc giải ngân hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại Iran lại đụng chạm đến việc sử dụng đến đồng đôla.

Ủy ban châu Âu đã cho phép Ngân hàng Đầu tư châu Âu (BEI) làm ăn tại Iran, nhưng bản thân ngân hàng này đã từ chối. BEI chủ yếu giao dịch bằng đồng đôla, không muốn mắc vào trừng phạt của Washington trong khi hệ thống tài chính Mỹ rất mạnh bao trùm hầu khắp mọi hoạt động ngân hàng trên khắp thế giới.

Theo giới chuyên gia, luật phong tỏa của châu Âu chỉ có tác dụng phần nào đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn với các tập đoàn lớn thì gần như vô ích. Giải pháp tốt nhất cho các tập đoàn, đại công ty là thương lượng tìm kiếm thỏa hiệp để được Mỹ cho quyền đặc cách hay miễn trừ theo cách nào đó. Tháng trước, Pháp, Đức và Anh đã thử đề xuất với Washington nhưng đều vấp phải lời từ chối thẳng thừng của Tổng thống Donald Trump.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều công ty lớn của châu Âu, ban đầu nhanh chân có mặt ở Iran nay đang khẩn trương rút ra, đành chấp nhận thua lỗ để bảo toàn về lâu dài hơn là bị dính vào các đòn trừng phạt của Mỹ, sẽ còn nặng nề hơn trong loạt áp dụng thứ hai vào tháng 11 tới đây.

Tổng thống Iran Hassan Rohani bác bỏ đề nghị đàm phán của Mỹ.

Nhưng không phải ai cũng rơi vào thế khó khăn khi đấu với Mỹ tại Iran như châu Âu. Giao thương của Trung Quốc với Iran vẫn tiếp tục thông thoáng, minh bạch và hợp pháp, Reuters trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 8-8. Bắc Kinh từ lâu đã thiết lập mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Tehran, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một thông cáo: “Trung Quốc kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và thẩm quyền pháp lý đối với doanh nghiệp nước ngoài”. “Các quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc cần được bảo vệ”, thông cáo nói.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Iran, với số lượng khoảng 650.000 thùng dầu thô/ngày, chiếm 7% tổng kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, tương đương khoảng 15 tỷ đôla/năm. CNPC và Sinopec, hai công ty năng lượng quốc gia của Trung Quốc, đã đầu tư hàng tỷ đôla vào các mỏ dầu quan trọng của Iran như Yadavaran và Bắc Azadegan và đã xuất khẩu dầu sang Trung Quốc.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga ngày 7-8 bày tỏ sự “thất vọng sâu sắc” về lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Syria cũng thể hiện quan điểm không đồng tình với quyết định của chính quyền Mỹ, coi lệnh trừng phạt của Washington là “bất hợp pháp”.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moskva sẽ làm “mọi việc cần thiết” để “cứu” Thỏa thuận hạt nhân Iran và bảo vệ lợi ích kinh tế chung với Tehran. “Đây là một ví dụ rõ ràng về việc Washington vi phạm Nghị quyết 2231 của Liên Hiệp Quốc (về Thỏa thuận Iran) và luật pháp quốc tế”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Chính quyền Damas khẳng định sẽ vẫn duy trì mối quan hệ đoàn kết với Iran trong bối cảnh Tehran đang “đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của chính quyền Mỹ”, theo một quan chức của Bộ Ngoại giao Syria.

Đề nghị đàm phán nhưng vẫn tiến hành trừng phạt

Trong khi hô hào cho việc áp đặt trừng phạt Iran thì chính quyền Mỹ vẫn luôn nói rằng họ muốn đàm phán nếu Tehran sẵn sàng. Trả lời phỏng vấn kênh Fox News về việc các lãnh đạo Iran có thể làm gì, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói: “Họ có thể đón nhận đề xuất của Tổng thống Donald Trump đàm phán với họ, hoàn toàn từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân một cách có thể kiểm chứng được không phải theo các điều khoản nặng nề của thỏa thuận hạt nhân Iran vốn không thật sự đáp ứng được các yêu cầu”.

Thực ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn xé bỏ thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Obama trước đó đã ký để thay thế bằng một bản thỏa thuận song phương chứ không đa phương như trước, vốn được ông Trump coi là “rất tệ hại cho nước Mỹ”. Nhưng Tổng thống Iran Hassan Rohani tố cáo thái độ của ông Donald Trump và bác bỏ đề nghị đàm phán của nguyên thủ Mỹ.

Đại diện ngoại giao châu Âu - bà Federica Mogherini - trong một cuộc tranh luận tại Strasbourg về phương thức đối phó với quyết định trừng phạt Iran của Mỹ.

“Đề nghị đàm phán cùng lúc tiến hành trừng phạt, thế có nghĩa là gì? Nếu một người nào đó dùng dao đâm phập vào tay, đồng thời lại đề nghị đàm phán, câu trả lời là người đó trước tiên phải cất dao vào túi đã, rồi hãy ngồi vào bàn và tiến hành đàm phán. Đó là một cuộc chiến tranh tâm lý và Mỹ tìm cách làm cho người dân Iran ngờ vực”, Tổng thống Iran nói.

Ông Rohani yêu cầu Mỹ trở lại thỏa thuận ký năm 2015 rồi hay tiếp tục nói tới chuyện đàm phán tiếp. Bên cạnh những tuyên bố trên, Iran đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả Mỹ. Iran đang chuẩn bị mở một cuộc tập trận quân sự quy mô trong Vịnh Ba Tư, nhằm chứng minh khả năng của chính quyền Tehran có thể đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường biển huyết mạch đối với các tàu chở dầu Trung Đông di chuyển từ Vịnh Ba Tư tới biển Arập. Nếu Iran đóng cửa eo biển này, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Ngoài ra, các chuyên gia an ninh Mỹ cũng lo ngại khả năng Iran có thể tấn công mạng để đáp trả trừng phạt của Mỹ. Các cơ quan tình báo Mỹ mới đây chỉ ra rằng Iran là một trong những mối đe dọa an ninh mạng chính từ nước ngoài mà Mỹ phải đối mặt, ngoài các nước Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Từ năm 2012 đến năm 2014, hàng loạt cuộc tấn công mà chính quyền Mỹ cho rằng do Iran thực hiện nhắm vào các ngân hàng gây thiệt hại hàng chục triệu đôla. Iran phủ nhận các cáo buộc đó và ngược lại, cáo buộc Mỹ đã tấn công mạng nhằm vào Iran.

Theo giới chuyên gia, gói trừng phạt Iran đầu tiên của Tổng thống Mỹ là nhằm buộc Tehran phải chấp thuận đàm phán lại. Hiện nay, chính quyền Iran đang phản ứng cứng rắn nhưng từ nay tới khi gói trừng phạt thứ hai của Mỹ có hiệu lực, đòn đánh này mới thực sự nặng nề vì ngăn chặn xuất khẩu dầu là bóp nghẹt túi tiền của Iran, thì chưa biết đâu chính quyền Tehran có thay đổi thái độ hay không. Cho nên từ nay tới lúc đó, sẽ có nhiều diễn biến mà tại thời điểm này khó có thể lường hết được.

Nếu Iran chấp nhận đàm phán với ông Donald Trump và thỏa thuận giữa hai bên đi vào hiệu lực thì cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, Iran hầu như không có lợi ích gì về kinh tế nếu đi ngược lại ý muốn của ông Donald Trump nhưng dù chấp nhận thỏa thuận với Mỹ thì quốc gia này cũng phải cẩn trọng trong việc duy trì quan hệ với châu Âu, Nga và Trung Quốc.

Có một sự thật là rõ ràng Tehran hiện đang nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia vẫn tiếp tục đầu tư hoặc ít nhất cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào ngành xuất khẩu dầu mỏ tại Iran.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.