Lệnh trừng phạt mới khó ngăn nổi chương trình hạt nhân Triều Tiên

Thứ Ba, 06/12/2016, 10:00
Ngày 30-11, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thống nhất thông qua với tỉ lệ 100% phiếu thuận nghị quyết áp dụng các biện pháp trừng phạt mới được xem là nặng nhất đối với CHDCND Triều Tiên.

Nghị quyết gia tăng trừng phạt này nhận được sự đồng thuận đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc ngay trước thềm chính phủ mới lên nhậm chức ở Mỹ. Đây là hành động cụ thể, nghiêm khắc nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ) sau khi CHDCND Triều Tiên thực hiện lần thử hạt nhân thứ năm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào tháng 9-2016 vừa qua.

Trọng tâm các biện pháp trừng phạt lần này chủ yếu là về kinh tế, nhắm vào việc cắt giảm nguồn thu xuất khẩu của CHDCND Triều Tiên. Cụ thể, nghị quyết ra lệnh cắt giảm 800 triệu USD, tương đương 1/4 giá trị kim ngạch xuất khẩu hằng năm của CHDCND Triều Tiên, trong đó cắt giảm đến 60% sản lượng xuất khẩu than, trị giá 700 triệu USD, xuống mức 7,5 triệu tấn, trị giá tương đương 400,9 triệu USD. Lý do của việc tập trung cắt giảm sản lượng xuất khẩu than là bởi vì đây là ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của CHDCND Triều Tiên, mỗi năm đóng góp đến 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu chung.

Thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông qua Nghị quyết trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đưa vào danh sách cấm vận thêm 11 cá nhân, bao gồm cả các cựu đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Ai Cập và Myanmar, và 10 thực thể kinh tế, áp dụng biện pháp cấm đi lại và đóng băng tài sản vì có liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Nghị quyết cũng kêu gọi các nhà nước thành viên giảm thiểu số lượng nhân sự làm việc tại các phái đoàn ngoại giao của CHDCND Triều Tiên và yêu cầu các quốc gia hạn chế số lượng tài khoản ngân hàng xuống mức mỗi phái đoàn ngoại giao CHDCND Triều Tiên chỉ được phép mở một tài khoản. Biện pháp này được lý giải là để đối phó với việc Bình Nhưỡng sử dụng các nhà ngoại giao và phái đoàn ngoại giao để thực hiện các hoạt động kinh tế trái với lệnh cấm vận của LHQ.

Phát biểu tại hội nghị thông qua nghị quyết, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Các biện pháp trừng phạt chỉ đạt hiệu quả khi được áp dụng một cách hiệu quả. Vì thế, thách thức đối với tất cả các quốc gia thành viên LHQ là làm sao để các biện pháp trừng phạt này được thực thi đầy đủ nhất”.

Lời nói của ông Ban Ki-moon hàm ý một vấn đề lớn hiện nay là các lệnh trừng phạt đã được LHQ áp dụng đối với CHDCND Triều Tiên từ năm 2006 - sau khi nước này tái khởi động chương trình hạt nhân và tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa và đầu đạn hạt nhân - thế nhưng đến nay, qua 10 năm, CHDCND Triều Tiên đã 4 lần thử hạt nhân và rất nhiều lần bắn thử tên lửa. Điều này cho thấy việc thực thi nghị quyết chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thậm chí một số nhà phân tích còn đưa ra nhận định rằng các biện pháp cấm vận của LHQ khó có khả năng thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un chịu từ bỏ tham vọng biến CHDCND Triều Tiên thành cường quốc hạt nhân thế giới.

Một yếu tố quan trọng khiến cho hiệu quả của việc áp dụng các nghị quyết trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên chưa cao chính là vì sự đồng thuận chưa cao trong nội bộ Hội đồng Bảo an LHQ. Trong đó, sự bất đồng quan điểm rõ rệt nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh cách xử lý chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, bên cạnh nhiều vấn đề nổi cộm khác trên thế giới được mang ra thảo luận, đưa vào nghị quyết Hội đồng Bảo an.

Chính quyền Mỹ trong nhiều nhiệm kỳ qua đã xem việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa có tầm bắn đến tận lục địa Mỹ là mối đe dọa khẩn cấp đối với an ninh quốc gia. Vì thế Mỹ chủ xướng việc áp dụng lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên là lẽ đương nhiên.

Trong khi đó, Trung Quốc trong thời gian qua luôn chống lại việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh về kinh tế đối với CHDCND Triều Tiên, với lý do là việc áp dụng các biện pháp như thế sẽ tạo ra bất ổn chính trị và an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cáo buộc Trung Quốc vì lợi ích kinh tế, chính trị của mình trên bán đảo Triều Tiên mà cản trở tiến trình giải giáp hạt nhân cũng như việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với CHDCND Triều Tiên.

Một vụ bắn thử tên lửa từ tàu ngầm gần đây của CHDCND Triều Tiên.

Ngược lại, Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc luôn có những hành động tập trận quân sự khiêu khích CHDCND Triều Tiên, khiến nước này cảm thấy không an toàn, từ đó phải theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân bằng mọi giá như một cách để tự bảo đảm an ninh quốc gia.

Việc Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết cấm vận lần này thể hiện bước đi hợp tác cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Công luận quốc tế mong muốn hai nước cần thể hiện nhiều hơn thế, phải tiếp tục hợp tác để tạo nên một “môi trường chính trị đầy nhiệt huyết” để đi đến chấm dứt tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên một cách hòa bình, kể cả việc cung cấp cho CHDCND Triều Tiên một sự bảo đảm về an ninh quốc gia.

Trung Quốc là trung tâm chú ý của việc thực thi lệnh trừng phạt mới này. Trong giai đoạn 10 năm kể từ năm 2006, khi LHQ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc vẫn duy trì là khách hàng mua hàng xuất khẩu lớn nhất của Bình Nhưỡng, trong đó chủ yếu là mặt hàng than.

Trong 10 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc đã nhập 18,5 triệu tấn than của CHDCND Triều Tiên, trị giá khoảng 877 triệu USD, tăng về sản lượng so với 16,4 triệu tấn năm 2015. Ngược lại, Trung Quốc cũng xuất khẩu vào CHDCND Triều Tiên một số mặt hàng thiết yếu như dầu thô để giúp nền kinh tế đóng cửa này duy trì hoạt động. Từ thực tế đó, giới phân tích cho rằng, thách thức lớn đối với việc thực thi nghị quyết trừng phạt mới của LHQ chính là thái độ chấp hành nghị quyết của Trung Quốc - liệu quốc gia tiêu thụ tài nguyên khổng lồ của thế giới này có tự nguyện cắt giảm thu mua than của Triều Tiên theo đúng tinh thần nghị quyết đưa ra hay không?

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ sau khi thông qua nghị quyết, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power thẳng thắn nhìn nhận: “Không nghị quyết nào của LHQ có thể khiến Bình Nhưỡng ngừng việc theo đuổi vũ khí hạt nhân ngay ngày mai. Nhưng nghị quyết này sẽ buộc CHDCND Triều Tiên phải trả cái giá chưa từng có vì đã kháng cự lại các yêu cầu của Hội đồng Bảo an”.

Giới chuyên gia thì nhận định: Liệu CHDCND Triều Tiên có phải trả cái giá đắt đó hay không còn tùy thuộc thái độ ứng xử của Trung Quốc.

An Châu (tổng hợp)
.
.