Leo thang căng thẳng giữa Tổng thống Philippines và các cơ quan LHQ
- Tổng thống Philippines tuyên bố rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế
- Tổng thống Philippines chứng kiến phá hủy 29 xe sang nhập lậu
“ICC không thể có thẩm quyền đối với tôi”
Trong bản tuyên bố dài 15 trang, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng “các cuộc tấn công vô căn cứ, chưa từng thấy và nhiều bịa đặt nhắm vào ông và chính phủ của ông đã khiến ông quyết định rút khỏi tòa án này”. Ông Duterte cáo buộc tòa ICC, trụ sở tại La Haye (Hà Lan), đã được dùng như “vũ khí chính trị nhắm vào Philippines”, do nỗ lực điều tra về các cuộc giết người không cần xét xử trong cuộc chiến chống ma túy của ông, theo bản tin của hãng thông tấn UPI.
Ông Duterte nói: “Dường như có một nỗ lực có sự phối hợp của các báo cáo viên đặc biệt LHQ nhằm tô vẽ tôi như một kẻ vi phạm nhân quyền tàn nhẫn bị cáo buộc gây ra hàng nghìn vụ giết người bất chấp pháp luật”.
Nhà lãnh đạo Philippines còn nêu rõ quyết định trên “có hiệu lực ngay lập tức” mặc dù theo luật của ICC, việc rút ra có hiệu lực sau 1 năm kể từ khi tòa nhận được thông báo. Philippines thuộc thẩm quyền của tòa vì nước này là một thành viên, việc rút ra không thể có tác dụng hồi tố đến thẩm quyền của tòa.
Quyết định này đánh dấu sự thay đổi lập trường gây choáng váng của ông Duterte, người đã nhiều lần thách đố ICC truy tố ông và nói sẵn sàng “ngồi tù mục xương” hoặc ra tòa để bảo vệ cuộc chiến chống ma túy của ông đã làm chết hàng nghìn người. Những người hay chỉ trích ông Duterte cho rằng động thái quay ngoắt 180 độ này cho thấy nhà lãnh đạo cứng rắn đang trong trạng thái hoảng loạn. Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở ở London gọi việc rút khỏi ICC là “sai lầm”.
Căng thẳng giữa Tổng thống Duterte với ICC và các tổ chức khác của LHQ bắt đầu kể từ khi ông Duterte phát động cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Theo AFP, vào đầu tháng 2 vừa qua, ICC đã thông báo mở một cuộc “xem xét sơ bộ” về chiến dịch bài trừ ma túy do Tổng thống Duterte tiến hành tại Philippines.
“Xem xét sơ bộ” là giai đoạn trước khi ICC quyết định tiến hành điều tra chính thức. Philippines là quốc gia châu Á đầu tiên bị tòa án này “xem xét sơ bộ” như vậy. Phản ứng trước cuộc điều tra sơ bộ trên, hôm 6-3, ông Duterte nêu rõ: “ICC không thể có thẩm quyền đối với tôi, trong 1 triệu năm nữa cũng không. Đó là lý do tại sao tôi đáp lại họ. Đó là sự thật”.
Quyết định rút khỏi ICC của ông được đưa ra sau hơn 1 năm ông lên tiếng đe dọa sẽ làm việc này. Ngày 17-11-2016, Tổng thống Duterte nói ông có thể học theo quyết định của người đồng cấp Nga về việc rút khỏi ICC vì theo ông tổ chức này “vô dụng”. “Những người ở ICC đều vô dụng. Họ [Nga] đã rút. Tôi có thể làm theo. Lý do ư? Chỉ những nước nhỏ như chúng tôi mới bị động tới”, Reuters dẫn lời ông Duterte.
Một ngày trước đó, Tổng thống Putin ký sắc lệnh rút Nga khỏi Quy chế Rome về việc thành lập ICC vì cho rằng tổ chức này không đạt được kỳ vọng của Moskva cũng như không trở thành một cơ chế công lý quốc tế thực sự độc lập. Trước đó, ba nước châu Phi gồm Burundi, Nam Phi và Gambia đã tuyên bố rút khỏi ICC. Nhiều nước châu Phi khác dọa sẽ làm như Kenya, Namibia, Uganda.
Tổng thống Philippines còn quy trách nhiệm cho LHQ đã không ngăn chặn được nhiều cuộc chiến tranh trên khắp thế giới. Ông cũng bày tỏ sự thất vọng trước những cáo buộc của phương Tây đối với cuộc chiến chống ma túy tại Philippines. Ông Duterte nói ông “bực mình” trước các chỉ trích và “không ai lắng nghe” về lý do ông phải làm như vậy, bao gồm cả Tổng tống Mỹ khi ấy là Barack Obama. Ông cũng tuyên bố nếu Nga và Trung Quốc muốn thành lập một “trật tự mới” thì Philippines sẵn sàng tham gia đầu tiên vào trật tự này.
ICC là tổ chức thường trực chịu trách nhiệm xét xử các cáo buộc nghiêm trọng như tội diệt chủng hay tội ác chống loài người.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. |
“Cuộc chiến chống tội phạm ma túy sẽ không dừng lại”
Chiến dịch bài trừ ma túy do ông Duterte phát động ngay sau khi nhậm chức tổng thống đã khiến cộng đồng quốc tế rất lo ngại cũng như dẫn đến những chỉ trích gay gắt từ một số đại diện của LHQ, kể cả Cao ủy Nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein. Theo các số liệu chính thức, cho tới nay đã có hơn 4.000 người buôn ma túy và sử dụng ma túy bị cảnh sát Philippines bắn hạ. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, con số người chết trên thực tế cao hơn gấp ba số liệu chính thức.
Hồi cuối năm 2016, Cao ủy Zeid Ra’ad Al Hussein đã hối thúc giới chức tư pháp Philippines mở một cuộc điều tra về Tổng thống Rodrigo Duterte sau khi ông này thừa nhận đã giết hại các nghi phạm khi còn là Thị trưởng thành phố Davao. Trong một thông cáo báo chí, ông Al Hussein nêu rõ: “Ông Duterte đã thực hiện những vụ giết hại này, qua thú nhận của ông ấy, vào thời điểm ông là một thị trưởng, rõ ràng đó là tội giết người”.
Bất chấp những chỉ trích từ phía các cơ quan LHQ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh cuộc chiến chống tội phạm ma túy tại nước này vẫn sẽ tiếp tục. Tổng thống Duterte khẳng định ông không có kế hoạch chấm dứt chiến dịch này, đồng thời nhấn mạnh vấn đề tội phạm ma túy tại Philippines đang rất nghiêm trọng. Tổng thống Duterte xác nhận: “Cuộc chiến chống tội phạm ma túy sẽ không dừng lại và sẽ kéo dài cho tới ngày tôi từ nhiệm”.
Sở dĩ ông Duterte có thể tuyên bố mạnh mẽ như vậy về cuộc chiến chống ma túy vì ông vẫn đang nhận được sự tín nhiệm và tỷ lệ ủng hộ cao. Kết quả cuộc khảo sát do hãng thăm dò Pulse Asia thực hiện trong tháng 12-2017 đối với 1.200 người dân Philippines cho thấy, 80% trong độ tuổi từ 18 trở lên ủng hộ cách ông Duterte điều hành đất nước. Ngoài ra, 82% người được hỏi cho biết họ tiếp tục tin tưởng vào nhà lãnh đạo này.