Libya: Hợp nhất để chống IS

Thứ Năm, 24/12/2015, 11:25
Hy vọng về một sự thống nhất các phe phái chia rẽ ở Libya vừa được nhen nhóm trở lại sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, chia sẻ quyền lực giữa các nghị viện, chính phủ và quân đội hai miền Đông và Tây Libya. Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã gọi thỏa thuận vừa được ký kết là một “bước đi quan trọng để Libya tiếp tục tiến trình chuyển tiếp sau nhiều tháng hỗn loạn và bất ổn”.

Thỏa thuận được ký kết giữa ông Mohammed Shoaib, Phó chủ tịch Nghị viện Libya được quốc tế công nhận và Salah al-Makhzoum, Phó chủ tịch thứ hai của Nghị viện Libya do phe Hồi giáo kiểm soát ở Tripoli, và các phe phái Libya khác có liên quan.

Thỏa thuận được ký kết sau một cuộc họp tại Skhirat, Morocco, do Liên Hiệp Quốc (LHQ) chủ trì và làm trung gian hòa giải. 88 đại biểu của hai bên đã có mặt tại lễ ký kết. Bộ trưởng Ngoại giao các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Tây Ban Nha, Qatar, Tunisia và Morocco cũng tham gia buổi lễ ký kết, đã phát biểu ủng hộ thỏa thuận.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius là một trong những người đầu tiên lên tiếng ủng hộ thỏa thuận và hứa sẽ ủng hộ mọi nỗ lực của chính phủ hợp nhất ở Libya. Trong phát biểu của mình, ông Fabius nói rằng, ưu tiên hàng đầu hiện nay là lập ra một chính phủ hợp nhất ở Libya để tạo điều kiện xử lý nạn khủng bố đang đe dọa an ninh khu vực Bắc Phi và cả châu Âu. Tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cũng tuyên bố chào mừng thỏa thuận vừa được ký.

Giới quan sát nhận định rằng thỏa thuận hợp nhất giữa các phe phái là nhằm chấm dứt sự tồn tại cùng lúc hai nghị viện, hai chính phủ, hai quân đội trên cùng lãnh thổ Libya, chấm dứt bạo lực, chấm dứt tình trạng vũ khí đã tràn ngập ở Libya. Mục tiêu này phụ thuộc chủ yếu vào việc thành lập một chính phủ hợp nhất và chính phủ này phải hoạt động tại Tripoli, bất chấp sự phản đối có thể có của bất cứ phe, nhóm nào.

Ông Mohammed Shoaib (bìa trái) cùng Thủ tướng Libya Fayez Sarraj và ông Saleh Almkhozom (bìa phải) vui mừng sau lễ ký kết thỏa thuận.

Đặc phái viên LHQ Martin Kobler, người tham gia lễ ký kết tại Morocco, nhận định, thỏa thuận vừa ký kết "chỉ mới là bước đầu của một tiến trình dài cho Libya". Văn bản thỏa thuận chính trị này tuy chưa phải là một hình thức giao kết hoàn hảo đáp ứng sự mong muốn của mọi người, nhưng đây là một sự kiện ở một giai đoạn quan trọng bước đầu trên con đường cứu nguy Libya thoát khỏi sụp đổ hoàn toàn, để bảo đảm sự tái thống nhất đất nước này trong mục tiêu chung chống khủng bố.

Đặc phái viên LHQ Kobler đưa ra 4 khó khăn, thách thức mà một chính phủ hợp nhất ở Libya phải đối mặt ngay lập tức: Trước hết đó là, phải đối diện ngay với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trong đất nước sau khi trải qua 4 năm hỗn loạn vì bạo lực; Hai là phải tạo ra không khí đối thoại an ninh quốc gia bao gồm tất cả các phe phái, nhóm phiến quân khác nhau; Ba là đẩy mạnh cuộc chiến chống IS và các nhóm khủng bố khác; Bốn là phải đặc biệt chú ý quan tâm đến Benghazi và các khu vực khác của đất nước.

Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ hồi tháng 8-2011, và sau đó là nhà lãnh đạo này bị giết chết trong cuộc truy kích của NATO và phiến quân nổi dậy chống chính phủ. Sau đó, các nỗ lực thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Libya đã vấp phải những khó khăn.

Việc các nhóm phiến quân tham gia cuộc nổi dậy năm 2011 không chịu giải giáp, đồng thời cách hành xử cực đoan của thành phần Hồi giáo, trong đó có những kẻ từng tham gia nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với Al-Qaeda đã khiến cho chính phủ tại Tripoli liên tục bị gián đoạn, quan chức chính phủ, kể cả Thủ tướng Chính phủ bị phiến quân bắt cóc để gây áp lực, đòi yêu sách có lợi cho mình.

Bạo lực trả đũa qua lại giữa các phe phái bất đồng, các nhóm phiến quân không hòa hợp dẫn đến việc Libya bị chia thành 2 phần: phần phía Tây do thành phần Hồi giáo lãnh đạo nghị viện, chính phủ, quân đội đóng đô ở Tripoli; và phần phía Đông cũng bao gồm cơ cấu tương tự do phe, nhóm đối lập lãnh đạo đóng đô ở thành phố Tobruk. Nghị viện ở Tripoli có 135 thành viên, còn Nghị viện miền Đông có 156 thành viên, được LHQ ủng hộ.

Sự chia rẽ nội bộ, tồn tại song song hai bộ máy nhà nước khiến cho nhiều vùng, khu vực của Libya không ai kiểm soát. Và, IS đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn, mất kiểm soát đó để âm thầm xâm nhập vào Libya, chiêu mộ chiến binh, tạo ổ nhóm để làm cơ sở lấn chiếm địa bàn. Với chiêu thức này, cuối tháng 11 vừa qua, IS tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn thành phố giàu dầu mỏ Sirte ở miền Bắc Libya, bên bờ Địa Trung Hải.

Tình hình đó thôi thúc thế giới phải tìm kiếm một giải pháp để đưa Libya quay trở lại con đường bình thường nhằm khẩn trương vạch ra phương án ngăn chặn sự bành trướng vùng lãnh thổ của IS. Ngày 13-12, một hội nghị quốc tế về Libya do LHQ chủ trì đã diễn ra tại Rome với thành phần tham dự gồm nhiều cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và cộng đồng Arập ở Trung Đông và Bắc Phi.

Hội nghị Quốc tế về Libya tại Rome.

Hội nghị đã đặt ra thời hạn trong vòng 40 ngày các bên ở Libya phải đạt được thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực hỗn loạn hiện nay. Và thỏa thuận vừa được ký kết tại Morocco chính là bước tiếp theo sau Hội nghị Rome.

Tuy thỏa thuận hợp nhất hai thể chế nhà nước được ký kết nhưng khó khăn vẫn còn ở phía trước. Mỗi bên tham gia ký kết không hoàn toàn nhất trí với thỏa thuận mà bên trong nội bộ vẫn còn một bộ phận chống đối. Việc thuyết phục các phái chính trị khác nhau của mỗi bên và các lực lượng phiến quân có vũ trang tuân theo thỏa thuận là một nhiệm vụ được xem là vô cùng khó khăn. Chưa hết, thành phần cứng rắn đã đưa ra những đòi hỏi khác nhau, chẳng hạn như yêu cầu thỏa thuận riêng giữa các bên không cần có sự tham gia của LHQ.

Một sự kiện gây chú ý là trong khi hai vị Phó chủ tịch Nghị viện hai miền Đông và Tây Libya dự họp và ký thỏa thuận tại Morocco, thì hai vị Chủ tịch Nghị viện có quan điểm cứng rắn hơn - Nuri A.M. Abusahmain ở Tripoli và Aguila Saleh Issa ở miền Đông - lại vắng mặt và gặp nhau ở Malta để bàn thảo một thỏa thuận riêng không có sự tham gia của LHQ. Sau cuộc họp, hai vị Chủ tịch Nghị viện này đã ra tuyên bố nói rằng các đại biểu tham gia lễ ký kết thỏa thuận hòa bình tại Morocco "không mang sứ mệnh đại diện cho hai nghị viện".

Tuyên bố này làm dấy lên lo ngại một sự đấu đá nội bộ của cả hai phe Tripoli và miền Đông Libya về việc phải áp dụng bản thỏa thuận nào cho tiến trình thống nhất Libya, và việc thực thi thỏa thuận do LHQ bảo trợ sẽ càng khó khăn hơn.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.