Libya: Một bước “đột phá” nhỏ

Thứ Năm, 11/05/2017, 14:23
Ngay trong những ngày đầu tháng 5-2017, các phái xung đột ở Libya đã đạt được một bước tiến bộ nhỏ trong tiến trình đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, thống nhất cho đất nước Libya vốn chia năm xẻ bảy kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại vào năm 2011.

Bước “đột phá” nhỏ về ngoại giao đạt được giữa lãnh đạo của hai thực thể chính trị lớn nhất tại Libya. Ông Fayez al-Sarraj - Chủ tịch Hội đồng chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli - và tướng Khalifa Haftar của chính quyền miền Đông Libya đã có cuộc họp kéo dài 2 giờ hôm 2-5 tại Abu Dhabi thuộc Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Tại cuộc họp đó, hai ông đã nhất trí kế hoạch triển khai đàm phán tiếp theo, dự kiến sẽ được tổ chức trong tuần này tại UAE với trung gian hòa giải là Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi. Tổng thống Ai Cập al-Sisi là người rất quan tâm đến tiến trình hòa giải dân tộc ở Libya. Bên cạnh ông còn có các quốc gia như Italia và UAE.

Hai nhà lãnh đạo Fayez al-Sarraj của chính quyền Tripoli và Khalifa Haftar của chính quyền Đông Libya tại cuộc họp ở UAE.

Bước “đột phá” nhỏ như vừa nêu có thể được xem như tín hiệu đáng mừng cho đất nước Libya thường xuyên bất ổn. Kể từ khi ông Gaddafi bị lật đổ vào tháng 10-2011, xung đột vũ trang xảy ra thường xuyên giữa các phe phái chính trị và phiến quân vũ trang vốn là những lực lượng tham gia cuộc nổi dậy lật đổ ông Gaddafi.

Sự hụt hẫng quyền lực tại một đất nước rộng lớn, nằm ở vị trí trọng yếu của khu vực đã tạo điều kiện cho các nhóm vũ trang cát cứ những vùng đất vốn xưa nay bị phân chia theo sắc tộc, văn hóa.

Các nỗ lực dàn xếp, lôi kéo, thâu tóm các nhóm, phái vũ trang nhằm xây dựng chính quyền trung ương ở Tripoli ổn định, LHQ và Liên minh châu Âu (EU) đạt được kết quả không nhiều. Mâu thuẫn trong việc phân chia quyền lực, cùng với sự tham gia chính quyền của thành phần Hồi giáo cực đoan (từng có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda) đã làm tan rã chính thể đoàn kết dân tộc, chia sẻ quyền lực do LHQ và EU dựng lên. Từ đó, xung đột tái diễn và Libya lại bị chia cắt, đất nước Libya bị phân chia lại thành hai phần.

Quyền lực của ban lãnh đạo Libya do LHQ hậu thuẫn chỉ hạn chế quanh khu vực Tripoli, chỉ nắm quyền kiểm soát 1/3 lãnh thổ đất nước, còn lại 2/3 lãnh thổ hiện đang nằm trong sự kiểm soát của chính quyền do nghị viện Libya lãnh đạo tạm thời đóng đô ở thành phố Tobruk, miền Đông Libya.

Mặc dù không có tuyên bố chung nào được phát hành sau cuộc họp, nhưng các nguồn tin liên quan cuộc họp thuộc phía ông Haftar tiết lộ với báo chí rằng, những gợi mở trong thảo luận giữa hai ông cho thấy có thể Libya sẽ tổ chức cuộc bầu cử toàn quốc trong vòng sáu tháng tới và Hội đồng Chủ tịch của chính quyền Tripoli có thể phải giảm số lượng (từ 9 người hiện nay xuống còn 3 người). Một trong 3 người là lãnh đạo nghị viện ở Tobruk và một người nữa là người đứng đầu các lực lượng vũ trang.

LHQ đã phản đối việc để cho người đứng đầu lực lượng vũ trang nắm quyền kiểm soát đầy đủ về chính trị của đất nước Libya và đề xuất nêu trên đã đặt vị trí lãnh đạo vũ trang nằm trong khung chính trị rõ ràng. Trong khi đó, thỏa thuận trước đây về việc trao toàn bộ quyền bổ nhiệm quân đội cho các chính khách cũng sẽ bị xét lại.

Ngoài ra, đàm phán sắp tới cũng xem xét một thỏa thuận về biện pháp xác định các nhóm khủng bố nằm ngoài tiến trình chính trị và kêu gọi tiếp tục thực hiện việc giải giáp các nhóm dân quân có vũ trang.

Việc giải giáp các nhóm phiến quân vũ trang tiếp tục được quan tâm.

Thỏa thuận sắp tới cũng kêu gọi chấm dứt sự can thiệp quân sự và an ninh từ bên ngoài. Hiện tại, vũ khí cung cấp cho các nhóm vũ trang ở Libya có xuất xứ từ các cường quốc trên thế giới, được tuồn vào nước này qua các cửa ngõ biên giới không được kiểm soát kể từ khi ông Gaddafi bị lật đổ.

Trong khi đó, EU cũng đang huấn luyện kỹ thuật cho lực lượng tuần duyên của Libya trong nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn vượt Địa Trung Hải vào châu Âu. LHQ cũng đang cố gắng xây dựng một lực lượng bảo vệ tổng thống cho Libya.

Nước chủ nhà đàm phán UAE đã ra tuyên bố hoan nghênh việc hai ông Haftar và Sarraj đạt được thỏa thuận bước đầu về lịch trình đàm phán tiếp theo nhằm tiến tới thỏa thuận hòa giải dân tộc ở Libya. Tuyên bố đánh giá cao không khí của cuộc nói chuyện tích cực và sự thể hiện quyết tâm của hai bên trong việc tìm kiếm giải pháp cho bế tắc hiện nay ở Libya.

UAE cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm tìm đặc phái viên mới tại Libya để thay thế cho ông Martin Kobber đang sắp mãn nhiệm và có ý định không tiếp tục công việc. Việc tìm kiếm đặc phái viên mới này hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn do bất đồng ý kiến của các nước. Chẳng hạn ở Anh, nhiều chính khách bảo thủ cho rằng việc Anh ủng hộ ông Sarraj là một sai lầm, một chọn lựa kém hiệu quả.

Tuy nhiên, giới chức Anh cũng thừa nhận rằng, việc bảo đảm an ninh, ổn định cho Libya thật sự rất khó khăn do ở Libya hiện có quá nhiều nguồn cạnh tranh quyền lực khác nhau.

Các quan chức Anh và Mỹ cũng đang chuẩn bị gặp nhau để thảo luận tìm kiếm giải pháp, trong đó Mỹ bày tỏ ủng hộ tiến trình và thậm chí còn gợi ý mời các phe phái Libya đến Washington để họp vào tháng 6. Bất kỳ sự thỏa thuận nào liên quan đến các nhóm khủng bố cũng đều sẽ khó triển khai thực hiện nếu các nhóm vũ trang như Hội đồng Shura cách mạng Benghazi và Các lữ đoàn phòng vệ Benghazi bị xem là các nhóm khủng bố.

Bởi vì, quyết định đó cũng sẽ động chạm đến “danh phận” của các nhóm bán quân sự ở Misrata cũng như các Đại giáo chủ Hồi giáo Sheikh Sadik al-Ghariani.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.